Hôm lễ tang mẹ tôi,
ban đầu trong điếu văn do huyện ủy Phong Điền viết có đoạn: Đồng chí sinh ra
trong một gia đình hiếu học… Tôi đã phải đề nghị cắt đoạn ấy, vì sự thực mẹ tôi mù chữ
trước khi đi thoát ly gia đình.
Cậu
tôi, 73 tuổi, từ Hà Nội vào thăm chị là mẹ tôi, trước khi bà mất kể rằng: khi ba tôi lấy
mẹ tôi cả nhà không ai biết. Mãi đến khi mẹ sinh tôi ở thị xã Thanh Hóa thì ông
ngoại mới đeo tay nải từ Ninh Bình, nơi ông từng bị đấu tố trong cải cách ruộng
đất, đi bộ vào Thanh Hóa thăm mẹ tôi. Khi ấy tôi sinh ra đâu như được có 1,7
kg, ai cũng bảo sẽ chết khi thấy mẹ tôi bế trên tay như một con mèo ướt. Ông
ngoại vạch tã ra bảo thằng này có đập đầu cối đá cũng không chết vì… chim nó
đen. Và tôi thành thằng tôi bây giờ. Và mẹ tôi cũng gặp ông lần ấy là lần cuối
cùng bởi chỉ 2 năm sau là ông mất. Hình như mẹ tôi đã không về được chịu tang
ông…
Cậu và mẹ. Cậu đưa tiền qua đò cho mẹ. LÚc này mẹ đã hôn mê. Người phía trong là cháu gọi mẹ bằng mợ. |
Là
cái thời ấy, năm 45, 46 ấy khổ quá, người chết đói hàng loạt. Cả nhà ông ngoại
tôi, dù là trung nông cũng có nguy cơ chết nếu không tự “tìm đường cứu mình”.
Thế là ai lớn thì mỗi người một phương. Mẹ tôi, không biết bằng cách nào lại đi
vào một đơn vị quân giới. Cũng rất khổ nhưng vẫn sướng hơn ở nhà. Lý lịch của
bà ghi: trưởng ban thuốc đen của xưởng quân giới Minh Khai. Tức là mẹ tôi thành
bộ đội quân giới. Cũng sau này mẹ kể, thời ấy sinh hoạt chi bộ vô cùng cực khổ,
cứ phải bí mật như ăn trộm. Rồi từ xưởng quân giới ấy mẹ dạt vào Thanh Hóa,
tham gia cải cách ruộng đất…
Sau
này mẹ con ngồi nói chuyện với nhau rất nhiều về cải cách ruộng đất. Mẹ bảo mẹ
chưa làm gì ác trong CCRD, thậm chí còn bênh rất nhiều người. Mẹ cũng phản đối việc
bắn bà Năm. Và mẹ còn một nỗi đau, ấy là chuyện ông ngoại tôi, tức thày của mẹ
tôi, bị đấu tố.
Ấy
là một cái tết nào đó, lạnh lắm, cắt da cắt thịt. Mẹ xin phép đoàn cải cách về
thăm nhà. Đeo 1 tay nải, đi bộ đâu như 2, 3 ngày chi đó thì đến nhà. Cả nhà trống
huơ trống hoác. Xuống bếp lục thì thấy có mấy
nải chuối xanh giấu trong hóc bếp bảo để dành ăn tết. Các cậu các dì
nheo nhóc tím tái vì rét và đói. Nhưng đau nhất là ông ngoại đang bị quỳ ngoài
đình đấu tố. Mẹ ra xin vào thăm người ta không cho. Xâm xẩm tối thì có mấy người
du kích, đều là bà con cả, mang theo gậy và dây thừng đến mời nhưng thực chất
là áp giải mẹ ra trụ sở đội. Tại đây mẹ trình thẻ CCRD, người ta bảo vì biết chị
là người của đội nên chúng tôi mới không bắt, mà chỉ mời chị ra đây và yêu cầu
rời khỏi địa phương vào Thanh Hóa ngay lập tức. Mà trời thì tối và lạnh và căm
căm mưa phùn gió bấc. Người đàn bà nhỏ bé là mẹ tôi đã phải nước mắt nhòe nhoẹt
rời khỏi làng (chứ không phải nhà, vì mẹ tôi đã phải rời khỏi nhà từ chiều rồi)
một mình đi bộ vào lại Thanh Hóa. Sau này tôi hay đi xe đạp Thanh Hóa Ninh Bình
thăm quê ngoại vào những dịp hè hoặc tết, thời gian đạp xe thường là 1 buổi già.
Còn khi ấy, nghe mẹ kể, bà đã mất 2 ngày để về tới Thanh Hóa. Hai ngày trong
mưa rét, trong đói, và trong nỗi ê chề thất vọng vì mình đi làm CCRD mà không cứu
được cha, thậm chí là không được gặp mặt chào cha một tiếng. Mà thời ấy thông
tin liên lạc đâu có như bây giờ, nên mọi thông tin gần như cắt đứt, có khi cả
năm mới thoảng được một thông tin. Vậy nên khi mẹ tôi gặp ba tôi là cán bộ Miền
Nam tập kết rồi tìm hiểu, rồi cưới nhau mà bên ngoại không biết cũng là dễ hiểu.
Mãi khá lâu sau này, liên lạc mới được nối lại, những chuyến các cậu các dì vào
thăm mẹ hoặc ngược lại liên tục được mở ra khiến cái đoạn đau buồn trước kia gần
như quên lãng.
Nắm tay thế thôi chứ mẹ còn biết gì đâu? |
Ông
ngoại tôi có 7 anh em trai đặt tên như một vế đối: Xứng Đởng Sần Sì Mun Quớn Trọng.
Ông ngoại tôi tên là Mun (xin lỗi các cậu cháu biết kể tên tục các cụ ra là phạm
trọng húy nhưng cho phép cháu được kể thầm thôi), sinh được 5 người con gái đặt
tên là Sừng Gạc Vuốt Vê Móng. Mẹ tôi tên là Sừng, dì Gạc mất sớm để lại 2 người
con giờ sống ở Lâm Đồng. Dì Vuốt ở quê làm ruộng. Dì Vê làm công nhân giao
thông tận Hòa Bình, sau mẹ tôi đưa về nhà máy Diêm Thanh Hóa, nơi mẹ làm phó
giám đốc, làm công nhân và ở Thanh Hóa đến nay. Dì Vuốt trôi dạt lên tận Sơn La
mà tôi cho đến giờ dẫu đi khá nhiều nơi vẫn chưa gặp mặt dì, bởi dì đã mất. Mẹ
tôi có gặp dì cách đây mươi năm nhân các cậu tôi cất công lên tận Sơn La đón dì
về và đón mẹ tôi ra quê ở Ninh Bình để chị em xum họp. Tôi đã liên lạc được với
các em con dì Móng qua mail và điện thoại sau khi mẹ mất mới mấy ngày nay, và hứa
là sẽ tìm nhau vào ngày gần nhất. Các cậu tôi lần lượt là Ưu, Ban, Chiềng,
Sính giờ đều ở Hà Nội. Cậu Ưu đã mất vì ung thư. Ngày cậu mất mẹ tôi có ra đưa cậu dù mẹ đã khá
cao tuổi và trên đường ra thì bị ngã gãy chân. Các cậu Ban Chiềng Sính thì đều
đã về hưu. Từ khi về hưu (1972) đến khi chuyển về quê ba tôi (Điền Hòa, Phong
Điền, Thừa Thiên Huế) thì các cậu thường xuyên vào thăm mẹ và tôi mới hiểu các
cậu tôi thương mẹ thế nào? Hồi đầu khi về quê, lẽ ra nhà tôi ở thành phố Huế,
nhưng 2 lý do khiến ba mẹ tôi chọn làng Thế Chí Tây, một là 4 cô em ruột của ba
tôi đã mấy chục năm phận gái giữ nhà thờ họ, giờ họ nhất tề trả lại cho ông anh
cả. Hai là ba mẹ tôi tính toán, về quê thì còn nuôi được 2 con trai ăn học chứ ở
thành phố, đến cây tăm cũng phải mua thì chết đói, và thế là… về quê. Cái hồi
mà về quê tôi còn rất khó khăn ấy, chỉ có con đường duy nhất là ngồi đò Thế Chí
Đại Lược ấy, thì cậu Sính tôi đã tìm về thăm mẹ, và cậu đi lạc ra tận Phú Lộc.
Ngày một chuyến đò mà cậu đi lạc thì kinh lắm, mà thời ấy nhé, chỉ có xe đạp ôm
và trà đá. Thế mà cậu vẫn về thăm mẹ. Là mới đây khi vào chịu tang chị, ngồi mấy
cậu cháu cậu mới kể thế. Ngày mẹ sắp mất và mất, ba cậu còn lại và các cháu đại
diện các gia đình đều lần lượt vào thăm. Cậu Sính vào hôm mẹ hôn mê cùng cậu
Ban cậu Sính, các cậu đều 70 và trên 70, có kinh nghiệm nên bảo: mẹ chưa mất
ngay đâu, chúng mày chuẩn bị tinh thần chiến đấu lâu dài. Rồi các cậu ra, một
ngày sau mẹ mất, cậu Sính lại lọ mọ vào, bằng tàu lửa. Mình càng thấy các cậu
thương và quý mẹ mình.
Suốt
cuộc chiến tranh phá hoại nhà mình ở
Thanh Hóa, một trong cái rốn bom đạn. Nhà mình có 2 thứ quý nhất mà vừa rồi về
chịu tang mẹ thấy vẫn còn, là một cái rương gỗ sơn đỏ ngày xưa là khá đẹp và một
cái chậu đồng mà cả 2 anh em mình từng bì bũm tắm trong ấy. Gia tài tất cả
trong 4 cái ba lô, mỗi khi di chuyển, sơ tán theo cơ quan thì vắt 2 cái ba lô ấy
sang 2 bên phooc ba ga xe đạp, ba một xe mẹ một xe và 2 anh em mình thì xoạc
chân ngồi vắt vẻo trên ấy. Nhiều khi đi xa mỏi chân kinh khủng, vì 2 thằng đều
nhỏ và gầy như cây sậy, xoạc chân không hết cái ba ga lại có cái ba lô. Và toàn
di chuyển vào ban đêm nữa, dưới ánh sáng pháo sáng chập chờn. Có 2 thứ không thể
thiếu trên mỗi chiếc xe đạp là bu gà và mấy cây dọc mùng. Đến nơi ở mới việc đầu
tiên của 2 anh em mình là… dấm dứ với bọn trẻ con nông thôn nơi nhà mình tá
túc. Và việc đầu tiên của ba mình là quây nơi nuôi gà, còn mẹ thì kiếm chỗ đặt
chum nước để trồng cây dọc mùng ấy. Nó là thức ăn triền miên của nhà mình thời
khốn khó. Mà ba mẹ mình khác cơ quan, nơi sơ tán cũng khác nhau. Mỗi khi sơ tán
ba về chở bọn mình đi xong lại về cơ quan ba là công ty lương thực. Giờ mình
cũng trồng mấy cây dọc mùng, mỗi khi hầu bạn bè món tiết canh vịt bao giờ cũng
có món miến dọc mùng, chúng ăn say sưa, còn mình ngồi rưng rưng nhớ một thời…
Suốt ba ngày lễ tang trời đẹp, lúc di quan thì mưa 15', mọi người nói thế là hên... |
Thời
mẹ làm chưa có tham ô tham nhũng. Nhưng quả là có… lợi thế tí ti. Ví dụ nhà máy
nhận lợn về mổ, các chú tiếp phẩm hoặc cô cấp dưỡng lại dúi cho mẹ một cặp lồng
mỡ nước. Thường thì mình được sai đi xách về. Giữa trưa hoặc sâm sẩm tối thì đi
ra nhà ăn, thời ấy gọi là tập đoàn, len lén vào một cái phòng âm u tối, cô hoặc
chú nào đó dúi cho cái cặp lồng sóng sánh dặn nếu ai hỏi bảo cháu đi lấy cơm về.
Chỉ thế thôi, tham ô tham nhũng của một bà phó giám đốc thời ấy đấy. Mỡ ấy để
xào rau muống. Ngày ấy mẹ nuôi dì Vê nữa. Mẹ quy định: 3 bữa nấu canh mới được
một bữa xào. Nấu canh rau muống thì không tốn mỡ mà chỉ nấu với mắm tôm, thứ mắm
cũng được bán phân phối, đầy dòi, những con dòi trắng ởn hì hụp bơi lặn trong ấy.
Không chọn được chúng ra, cứ múc đổ cả vào nồi canh, khi ăn thì xác dòi chìm xuống
đáy tô canh, vớt được thì vớt không thì… chén luôn.
anh em mình, 2 thằng con trai của mẹ. |
Mẹ
là người căn cơ tiết kiệm nên anh em mình sướng. Ví dụ: cùng ở khu tập thể cơ
quan, mỗi tháng khi có thịt các nhà khác cho con chén một bữa thoải mái rồi
tính sau. Mẹ thì khác. Kho khô cất vào chạn, khóa lại. Mỗi bữa múc ra 4 miếng
chưng với mắm tép. Hai đứa mình bữa nào cũng có 2 miếng thịt như thế, còn mẹ ăn
mắm tép chưng. Sở dĩ phải khóa lại là vì anh em nhà mình hay mang cho bọn trẻ
con nơi mình sơ tán. Có đứa là do bị dọa mà phải cho. Có đứa thì đổi cho nó để
nó cho… cỡi trâu hoặc bò. Nhớ cu Bình nhà mình có lần mẹ may cho bộ Pijama trắng
xanh, cu cậu cưỡi bò một buổi nó thành một thứ màu hẩu lốn và hôi kinh khủng, mẹ
oánh cho một trận nên thân, mình rơm rớm nước mắt đứng nhìn. Nhờ tính căn cơ ấy
mà thời đói khổ nhất của đất nước, mẹ nuôi 2 đứa con trai lộc ngộc học đại học ở
Huế. Ngoài tiêu chuẩn 18 đồng học bổng mà sinh viên thời ấy đứa nào cũng có (vừa
đủ để đóng tiền ăn của bếp ký túc xá), mỗi tháng mẹ cho thêm mỗi đứa 18đ nữa và
10 lon gạo cộng với một túi khoai deo (khoai lang luộc lên rồi thái ra phơi nắng,
đến mùa mẹ mua rồi làm gửi cho con). Mình là thằng ham ăn nên chén hết, còn cu
Bình em mình thì nhịn ăn để sắm quần áo. Mà chưa kể là toàn bộ tem phiếu nhận
ra là bán ngay để rồi lại về nhà khuân lên từ kem đánh răng đến xà phòng giặt
giũ. Phiếu vải cũng bán để đến hè lại về lấy vải tiêu chuẩn của ba mẹ may quần
áo…
Đến đây đã…
12 nhận xét:
Đọc một đọan còm một cái:
Và tôi thành thằng tôi bây giờ...Chim vẫn đen!
Giá mà có khiếu viết để viết về Ba em như anh viết về Mẹ mình.
doc ma thay minh nhu la bo Hung ay .con cha biet nhan xet ntn va cam dong qua (cac bai viet cua bo ve me THANH THIEN ,DAM BAC qui hoa lam ) thong cam cho con nhe .con ko biet dung tu ngu ,vi dau oc con bay gio no u me mu mam ve cuoc song lam roi .hu hu
Thành thật chia buồn cùng Văn Công Hùng, chúc linh hồn mẹ sớm được tiêu diêu miền cực lạc (Một người quen đã lâu chắc nhà thơ không thể nhớ).
"Vớt được thì vớt không thì… chén luôn."
Phải chi bây giờ cũng làm như vậy đối với "bầy sâu" !
Thành thật chia buồn với nhà văn. Cầu chúc hương hồn bà sớm tiêu diêu miền cực lạc.
Ôi, một thời...
Chính xác và xúc động đến từng chi tiết,chia sẻ với Nhà thơ Văn Công Hùng!Những chuyện ấy, thời ấy mình cũng biết.Cái xưởng quân giới ở ATK, hình như Thọ Xuân Thanh Hóa, nơi mình có ông bác ruột hy sinh năm 1947 khi thử lựu đạn tự chế( lựu đạn đập)Ông tên là Lại Hữu Khóa,cái xưởng gọi là " công binh xưởng"gì đó.
Cảm nhận một giọng tiểu thuyết trong nhà thơ chăng?!
Chia sẻ thật nhiều!
Mẹ Sừng sao có nhiều nét giống mẹ tôi quá , nhất là cái tính căn cơ tiết kiệm .
Cái món thịt chưng mắm tép đồng của mẹ mà anh em anh Hùng được ăn hồi bé mỗi đứa 2 miếng 1 bữa , có lẽ là món ngon đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc Bộ từ xưa , mà bây giờ tôi hay làm để đãi khách quý ( thịt ba chỉ , mắm tép đồng , thêm mấy nhát riềng - sả cay ).
Chẳng có món ăn nào ngon hơn món ăn quê nghèo mà mẹ vẫn nấu đợi ta mỗi trưa tan trường về , khi ta còn tấm bé ....
Đọc xúc động lắm . Chỉ người đa cảm và sâu sắc mới có những ký ức giầu chi tiết sống động như thế. PD có cảm tưởng như mình đang hồi tưởng chuyện xưa của chính mình vậy VCH ạ ! Thương bạn quá VCH ơi !
Cám ơn các bác và các bạn, đặc biệt bác Phạm Doanh đã chia sẻ ạ.
Xin chia buồn cùng gia đình anh Văn công Hùng . Cầu mong hương hồn Cụ phiêu diêu miền cực lạc
Lâu rồi mới vào đọc trang của anh.
Chia buồn với anh và cả nhà, dù muộn.
Đăng nhận xét