Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

CHỈ MONG HỌC TRÒ ĐỪNG BỎ HỌC

Tháng 11 đến rồi, nó có ngày 20/11. Nước ta có rất nhiều "ngày", hầu như tháng nào cũng có "ngày", có khi một tháng mấy "ngày", làm báo mà gặp tháng nào nhiều "ngày" là vừa khỏe vừa run. Khỏe vì chả có việc gì phải đăng trên ấy, cứ tài liệu thế nào edit tí ti rồi đăng nguyên tràng giang đại hải, ai đọc thì tùy. Còn run là nếu biết "thương" báo, vì sẽ biết rất rõ là... ít người đọc cái tràng giang đại hải ấy...


Miên man thế để đăng lại bài này, nó liên quan đến 20/11. Đăng để lủi về nhà cho thợ làm hệ thống nước cho xong đã, chủ nhật làm cả ngày mà chưa xong...
-------------


DSC01095[1].jpg
      Hoa này của tôi tặng các thầy cô giáo nhân ngày 20 tháng 11 nhé.

           Hôm rồi trong cuộc giao lưu giữa sinh viên trường cao đẳng sư phạm Gia Lai với các nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh tôi tranh thủ bắt chuyện với một số sinh viên năm 3 của trường. Năm nay nữa là ra trường, các em biết chả hy vọng gì ở thành phố được, mà ngay xin về các trường vùng sâu vùng xa dạy cũng chả phải là dễ dàng gì. Tôi mở laptop cho các em xem một số hình ảnh các trường vùng sâu tôi chụp từ các chuyến công tác với vẻ ái ngại, nhưng các em lại hớn hở xem và bình luận rôm rả...

       Thì ra bây giờ, dẫu có là về nơi khó khăn nhất đi nữa, thì cũng không còn cái cảnh như ngày xưa đèn dầu, cả ngày không được nói tiếng Kinh, mỗi lần ra thị trấn huyện là như sang... Pa ri, mù tịt thông tin nên khi vớ được tờ báo, tạp chí càng tốt, là nghiền đến nát bét, lương lĩnh xong gói vào giấy báo để đầu giường, khi nào ra huyện thì... ăn phở và mua sắm. Bây giờ dẫu về nơi xa nhất thì cũng đã có sóng điện thoại, có tivi, báo chí đầy đủ, đường nhựa vào tận làng, bố mẹ sắm cho cái xe máy là đầu tuần đi cuối tuần về bát phố. Nhớ có lần cách đây mấy năm vào một cái làng tít mù tắp huyện Chư Prông dự một cuộc đâm trâu, có mấy cô giáo xinh như mộng túa ra rút điện thoại say sưa quay cảnh hành lễ. Bắt chuyện, cô ít nhất là một năm, cô nhiều đã có 7 năm dạy học ở nơi này. Các cô bảo ở trong làng dạy học bao nhiêu năm chưa thấy đâm trâu bao giờ nên phải quay về khoe với bạn và cũng là tích lũy kiến thức để dạy học trò.

       Lại có lần ghé thăm một trường tiểu học sát biên giới Cam Pu Chia, trường tiểu học xã Ia O, huyện Iagrai. Trời ạ, một nửa các cô giáo là dân thành phố, cứ cuối tuần là phóng xe vượt bảy chục cây số về. Các cô rất yêu nghề, nhưng có vẻ như cái khát khao cháy bỏng được truyền dạy kiến thức nó bị phân tán bởi nhiều công việc không tên khác. Làm giáo viên vùng cao nào chỉ phải là truyền chữ dạy người, mà còn trăm thứ bà dằn khác chi phối. Bây giờ phần lớn các trường đều có các lớp bán trú dân nuôi. Thì là nói thế chứ những đứa bé chín mười tuổi xa nhà, vắng bố mẹ thì thầy cô phải là bố mẹ thôi. Đến bữa ăn thấy chúng nhếch nhác cơm với muối thì thầy cô nào mà cầm lòng, dù có khi các thầy cô cũng chỉ ăn như thế. Thế là nghĩ cách cô trò cùng tăng gia, chăn nuôi. Thì cũng loe ngoe mấy cọng rau nhưng vừa là có rau xanh cải thiện, vừa dạy cho học trò khả năng và tình yêu lao động. Rồi vệ sinh cho các cháu. Từ những đứa trẻ lêu nghêu đầu trần chân đất, giờ ở tập thể, dẫu là sạp nứa, nhưng cũng phải biết rửa chân tay tắm rửa giặt giũ, rồi là còn quần lót áo con, rồi là kem bót đánh răng xà phòng dầu gội... nó cứ như là con mọn như thế... Ngồi nghe các thầy cô kể chuyện mà nao nao trong dạ, nhớ một thời sơ tán chiến tranh phá hoại học dưới hầm ở nhà dân cách đây mấy chục năm mà có vẻ như vẫn... có gì đấy hơn bây giờ. Thế nên cái việc đòi hỏi các cháu học sinh ở những nơi này học giỏi như học sinh người Kinh có vẻ là việc... hơi khó. Thế nên những trường có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp thấp nhất rơi vào những trường dân tộc vùng sâu vùng xa là dễ hiểu như cái trường ở Quảng Ngãi năm nào không học sinh nào đậu tốt nghiệp phổ thông trung học. Không thể đặc cách cho tốt nghiệp nhưng có lẽ phải cần có một chương trình học uyển chuyển cho từng vùng. Chả cứ học sinh dân tộc mà ngay học sinh nông thôn thành thị đã khác nhau rồi. Các em học sinh dân tộc phát âm tiếng Việt cho chuẩn đã khó rồi, thế mà đòi các em làm văn ngang các em thành phố là điều không tưởng. Cũng như thế điện chưa có mà bắt các em hiểu hiệu điện thế điện trở... thì có đánh đố không, rồi còn bao nhiêu môn học rối rắm xa vời khác trong khi sở trường của các em thì lại không được phát huy... Các thầy cô giáo tâm sự được đến như thế là cũng đã suy nghĩ kỹ lắm, đào sâu tâm trạng lắm để rồi mà rút ra, mà rụt rè chia sẻ...

       Trưa, chúng tôi ăn cơm lam ở nhà một thầy giáo người Gia Rai. Gạo nếp cho vào ống nứa tươi, đổ nước suối vào, nút bằng lá dong rồi gác lên bếp lửa. Trời ạ, sao mà thơm ngon đến thế. Chấm với muối kiến lá é, chín ống nào hết veo véo ống ấy. Cái món muối này vốn dĩ thời chiến tranh nó giúp cho đồng bào dân tộc giải quyết nạn thiếu muối, có hạt muối phải bỏ vào hộp dầu cù là giấu kỹ, thế nhưng giờ nó lại là đặc sản, các nhà hàng thành phố lấy nó đề lên đầu bảng. Lại thêm cái ché rượu vừa đủ tuổi. Rượu làm bằng hạt kê, loại rượu "sang trọng" nhất trong hệ thống rượu cần, nó làm cho kẻ "nhát rượu" như tôi cũng đành làm một hơi... 4 cang rồi nghoẹo đầu nghe tiếng kơ ni thủ thỉ từ một ngôi nhà sàn nào đó... Thầy giáo này đã dạy học được gần hai mươi năm, giờ đang bị cái món chuẩn hóa làm phiền. Anh là người nhiều chữ nhất làng thời ấy, được cử đi bồi dưỡng mấy tháng rồi về đứng lớp. Đằng đẵng bao nhiêu năm, vừa dạy vừa tích lũy kinh nghiệm và đã dạy khá tốt, bao nhiêu lứa học trò ra đời, có cả người bây giờ đang là cán bộ xã, cán bộ huyện, nhưng chính anh lại quên mất việc phải đi học thêm để đạt chuẩn, cũng bởi ở xã biên giới này mỗi năm mấy tháng vượt gần trăm cây số lên thành phố học chuẩn hóa cũng chả dễ dàng gì, thế là bây giờ nằm trong diện thừa, mà rõ ràng là so với số giáo viên trẻ bây giờ thì anh thua họ là đúng thôi. Nhưng mà cứ nghĩ, mấy chục năm qua nếu không có những người như anh thì cái sự học ở vùng sâu biên giới này sẽ như thế nào?

       Xã nghèo nhất huyện Chư Sê là A Yun. Tôi có cảm tưởng đây là xã nghèo nhất... nước. Cách thị trấn Chư Sê cũng chả mấy, gần hai chục cây số, nhưng vào đến đây như một thế giới khác. Xã có 14 làng, 6 làng người Jrai, 8 làng Bahnar, dân trí rất thấp. Nền kinh tế còn ở nguyên sơ tự cung tự cấp, cho đến giờ mà bà con vẫn cương quyết không dùng phân chuồng dù đã được tuyên truyền hướng dẫn, cho đi tham quan các nơi dùng phân chuồng sản xuất. Cả xã chưa có ai học lên cấp 3. Giáo viên dạy ở đây cũng... thuê nhà ngoài thị trấn đến buổi phóng xe vào dạy, hết tiết là về. Các cô giáo dạy mầm non cũng thế. Tôi vào thăm một lớp mẫu giáo, cô vẫn còn đeo nguyên khăn bịt mặt, găng tay, học trò lê la trong lớp. Được biết dạy trong này thu nhập cũng khá vì tiền phụ cấp khu vực rất cao. Đã nghèo nhưng phong tục vẫn còn rất nặng: Hễ có người ốm hoặc chết là có gì cũng... mần để cúng hết, kể cả... bò của nhà nước giao nuôi. Khi trong nhà có người ốm thì có 2 việc được làm ngay là... mổ bò để cúng và đẽo cây làm hòm. Các thầy cô giáo đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc dạy chữ cho học trò mà còn trong việc hướng dẫn cách sống, cách làm ăn, chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy con cái của dân làng...

       Cái vất vả khó khăn của giáo viên vùng sâu vùng xa hiện nay không còn là ở đời sống của chính họ nữa mà là làm sao để dạy cho học sinh dân tộc học giỏi như người Kinh. Rất nhiều gia đình người dân tộc có con cái học hành thành đạt (phần lớn là ở vùng sung túc, thị trấn thị xã thành phố), nhưng cũng rất nhiều nhà coi việc học là của... cô giáo, của nhà nước, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Đến mùa rẫy là khuyến khích con cái bỏ học đi rẫy bởi không biết chữ thì hàng trăm năm vẫn thế rồi, có ai chết đâu, nhưng đói là chết ngay. Có lễ lạt bỏ học năm bảy ngày thậm chí cả tháng uống rượu là bình thường. Đang học bỏ đi bắt chồng là chuyện... đương nhiên... Mà nếu các cháu chí thú học thì cũng rất khó khăn như đã kể. Ngoài các trường dân tộc nội trú, phần lớn các trường còn lại đều có chỗ cho các cháu ở nội trú. Tôi đã vào những cái phòng các cháu ở. Nó kinh khủng hơn tất cả những gì có thể tưởng tượng ra. Những đứa trẻ trên dưới chục tuổi tự lo ăn ở ở những cái phòng mà giường là sạp nứa, nước non rất hiếm, cơm nấu lên ăn với muối, nhiều khi ăn xong chúng vất bát đũa xoong nồi chỏng chơ ngay trên giường ngủ lẫn lộn với sách vở... Đấy là những đứa quyết tâm học và chịu học, còn những đứa bữa đực bữa cái thì... chịu, không biết được.

       Sự học như thế, giữ được sĩ số là giỏi rồi, có được đứa nào lên tới cấp ba lại càng mừng nữa. Hai mươi tháng mười một này, hàng ngàn thầy cô giáo được học sinh và phụ huynh chúc mừng tặng quà, nhưng gấp chục lần như thế, lủi thủi ở các trường vùng sâu vùng xa. Họ không mong được nhận quà, chỉ mong học sinh đừng bỏ học...
                                                      
 Học sinh trường Pleime thuở "Em Pleiku má đỏ môi hồng"

Avatar
DSC05983[1].jpg
Học sinh trường PTCS xã Ayun, huyện Chư Sê trong giờ ra chơi

hg2[1].jpg
Cách đây 5 năm, sinh viên này (con gái thằng cu nhà trẻ phía trên) ra trường

xon[1].jpg
THầy Nguyễn Xớn, được rất nhiều thế hệ SV văn khoa đại học tổng hợp Huế và ĐHKH Huế sau này quý mến, dù ông này không học hàm học vị và... nhậu như Pháp. Mở ngoặc đơn, cái áo ông đang mặc là do tớ tự tay thiết kế, may và tặng ông, khi nào thật vui  ông mới lôi ra mặc. Cái áo ấy phía dưới có một cái túi to tổ bố, tớ thiết kế từ cảm hứng Kăngchru...

DSCN0138_thumb[8].jpg

DSC07854.jpg
                  Học sinh xã biên giới Ia O, Ia Grai giờ ra chơi

Viết từ 2009, hì hì...

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cổng trường QH Huế bi giờ màu mè, cờ quạt nhiều hơn 30 năm trước. Hồi đó, lang thang trước cổng trường, nhìn cầu Tràng Tiền gãy nhịp mà căm thù Mỹ Ngụy (!) Nếu bọn chúng đừng rước CNTB vào MN thì làm gì có chiến tranh, làm gì có Mậu Thân? Nếu chúng để dân MN được tự do theo phe XHCN thì giờ đây nước mình hơn hẳn Cu ba, BTT rồi. Cũng khỏi mắc công tui ngày đêm rúc rừng , trèo núi "dí" Fulro từ Mang Giang đến tận Ba Biên.
(Ở Ba Biên, tui "ghé thăm" căn cứ Fulro mà không kiếm được chút "chiến lợi phẩm" nào vì ở đó toàn hàng "cấm" trong con mắt đảng ta : SÁCH! cơ man là sách, đủ thứ tiếng, đủ lãnh vực: Kỹ thuật, văn, y, triết bằng tiếng Anh, Pháp, Thái, Việt... tất cả cùng chung 1 số phận: ĐỐT! lệnh từ đ/c chính trị viên đã tốt nghiệp trường đảng cao cấp!)

Nacdanh nói...

@Nach danh: Không đọc được thì để làm gì ?,nhóm bếp còn có ích.
Tui nghe nói cụ Phi-đen Cát-xít-tờ-rồ hồi trẻ đọc rất nhiều sách Mác Lê nhưng chỗ nào không hiểu là cụ xé vất đi,kết quả là tuyển tập Mác Lê đồ sộ chỉ còn vài trang.

PTN nói...

Em nhất trí mọi điều, chỉ không nhất trí lẵng hoa tặng thầy/cô ngày 20/11. Cùng lắm là hoa tặng chậm của ngày 8/3 thôi !

Văn Công Hùng nói...

@ PTN:
chính xoác, dân xuất bản có khác, tinh quá đi mất, huhu, không lừa được rồi...