Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

CỒNG CHIÊNG SAU NHỮNG GÌ ĐÃ CÓ



Lại nhớ hồi chúng ta ồ ạt xây nhà rông bê tông lợp tôn cho các buôn làng và gọi đấy là nhà rông văn hóa. Kết quả là những nhà rông ấy sừng sững đứng trơ gan cũng nắng gió, giải quyết khâu oai thôi chứ chả có ai vào, bởi nó quá xa lạ và không ứng dụng vào đời sống được. Mà mỗi cái nhà rông văn hóa như thế đến mấy trăm triệu, chả ít đâu?
------------------


          Đến tận bây giờ, cũng vẫn có không ít người Tây Nguyên bản địa nói được đúng cái danh hiệu mà UNESCO phong cho không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Phần lớn người ta cứ cho rằng cồng chiêng  Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đấy là cái nhầm rất to, bởi cái mà UNESCO phong cho ấy, nó là của không gian văn hóa kia, cồng chiêng chỉ là một thành tố trong ấy. Trong không gian ấy có con người, môi trường, có quá khứ, hiện tại và cả tương lai, có lịch sử, có văn hóa... nó làm thành một không gian cho cồng chiêng tồn tại và phát triển. Và ý thứ 2, thực ra cái danh hiệu ấy, UNESCO chỉ dành để trao cho những giá trị văn hóa đang có nguy cơ diệt vong. Vậy nên sự thực ở đây là, cái không gian văn hóa dành cho sự tồn sinh của cồng chiêng ấy, đang có vấn đề.



          Đến giờ vẫn còn nhiều bí ấn về chiêng mà người ta chưa giải đáp. Ví như người Tây Nguyên chơi chiêng, coi chiêng như thần linh, như một phần đời sống tinh thần của mình nhưng họ lại không làm ra chiêng. Nghệ nhân đúc chiêng chủ yếu là người Kinh ở Bình Định, Quảng Nam, thậm chí là Mã Lai, In Đô gì gì đó, nhưng thợ chỉnh chiêng (lên dây chiêng) chuẩn xác và tuyệt vời thì lại là người Tây nguyên. Không có các nghệ nhân lên dây chiêng, chiêng không thể chơi trong đội hình như ta thấy. Những bộ chiêng quý của người Tây Nguyên trị giá mấy trâu, voi là chiêng Yoăn (kinh), chiêng Lao (Lào), nghe nói được pha đồng đen hoặc vàng. Nhưng cái cách để người Tây nguyên định giá sự quý của chiêng hình như lại không phải thế, hình như họ chưa có khái niệm vàng, đồng đen, mà họ chỉ biết chiêng ấy ông bà bố mẹ đã đổi mấy trâu mấy bò mấy voi, truyền qua mấy đời, và đặc biệt nữa, nhiều khi nó có sự trú ngụ của thần linh ở đấy.


          Cũng không phải lúc nào người Tây Nguyên cũng có thể mang chiêng ra đánh. Nó có những quy định rất khắt khe, và cũng không phải lễ nào cũng có thể đánh mà nó có từng bài cho từng lễ. Rất nhiều cán bộ văn hóa người Kinh không hiểu điều này, cứ xui dân làng đánh búa xua, mang cả chiêng A Tâu (đám ma) ra đón khách, và mang chiêng đâm trâu vào lễ Pơ thi (bỏ mả)...


          Cũng như thế, hoàn toàn không có cái gọi là lễ hội cồng chiêng như lâu nay báo chí và những người tổ chức lễ hội hay nói. Cồng chiêng nó chỉ là một thành tố của lễ hội. Đúng là cồng chiêng gắn rất chặt với đời sống đồng bào Tây Nguyên, nó đi cùng từ khi con người mới sinh ra cho đến khi chết đi, thậm chí cả sau khi chết hàng chục năm. Nhưng bảo nó là một lễ hội riêng thì không phải, nó chỉ là một thành tố của lễ hội nào đó mà thôi. Người Tây Nguyên theo thuyết vạn vật hữu linh nên bất cứ một sự vật hiện tượng nào đều có thần linh trú ngụ và tác động, và vì thế mà bất cứ sự vật hiện tượng nào, từ bất thường đến bình thường đều được người Tây Nguyên tổ chứng cúng thần. Và cúng thì có cả lễ và hội, và đấy là lúc chiêng được mang ra sử dụng, lúc thì như nghi lễ, lúc lại như giải trí, khi thì mang chức năng thông tin...

          Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng cũng như của từng gia đình, từ lễ hội liên quan đến cá nhân, buôn làng cho đến những lễ hội trong một mùa trồng tỉa của cư dân nông nghiệp. Với người dân Tây Nguyên, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là một linh khí, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh, đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng. Trước đây, đồng bào chỉ đánh cồng chiêng khi có việc. Nghe tiếng chiêng, những người trong làng, trong vùng hiểu rằng ở phía có tiếng chiêng đang có việc gì để đến chia buồn hoặc chung vui.


          Nhưng cũng không hẳn là người Tây Nguyên coi chiêng là thiêng liêng rồi chiêng nào cũng thiêng cả. Xuống làng tôi từng gặp những cái chiêng được đồng bào dùng cho lợn ăn, vất lăn lóc ở hàng rào. Cũng vậy, có những nghệ nhân khéo tay chế tác dàn chiêng mười mấy chiếc thành chiêng cải tiến, có thể độc tấu những bản nhạc mới mà chỉ cần một người chơi. GS Tô Ngọc Thanh là người phản đối quyết liệt việc cải tiến chiêng này. Nhưng cũng có một thực tế là, chiêng truyền thống muốn chơi thì phải đợi đủ người, trong khi chiêng cải tiến chỉ cần một người là có thể chơi những bản nhạc mới rất sống động...

          Trước khi trở thành nhạc cụ như hiện nay, chiêng mang chức năng thông tin. Những tiếng chiêng dài đến nỗi nhà sàn dài được ví như như tiếng chiêng dùng để báo cho buôn gần làng xa chuyện đang xảy ra ở nhà mình, làng mình. Như chúng ta biết, làng người Tây Nguyên thường biệt lập trong rừng, trong núi, thông tin duy nhất thời ấy là tiếng chiêng. Gõ chiêng lên người ta biết có chuyện vui chuyện buồn, có chuyện cần xẻ chia, giúp đỡ... sau đấy nó trở thành yếu tố tâm linh, là nơi thần linh trú ngụ hoặc dùng chiêng để hỏi ý kiến thần linh, sau đấy nữa, nó mang chức năng tích tụ của cải. Dù không mua đi bán lại, nhưng những nhà sở hữu những bộ chiêng quý (cùng với ché quý) được coi là nhà giàu trong làng, con cái dễ bắt chồng và tiếng nói của gia đình ấy được coi trọng.... Khi người Kinh tràn vào, chiêng mới trở thành hàng hóa. Tôi có anh bạn viết báo, mỗi khi thấy anh có bài trên báo báo động tình trạng chảy máu chiêng, thống thiết kêu gọi bảo tồn chiêng Tây Nguyên là tôi biết anh vừa trúng một mẻ buôn chiêng. Có những phi vụ buôn chiêng lãi hàng trăm triệu đồng. Và bây giờ người ta coi chiêng như nhạc cụ nữa, dù đa phần người Tây Nguyên chưa coi như thế. Với họ chiêng là để cúng lễ, phục vụ cho lễ và hội, thế thôi, chứ không có lễ hội cồng chiêng cũng như không có nhạc cụ chiêng...


Người Tây Nguyên biên chế các loại cồng chiêng thành những bộ có tên gọi riêng để phục vụ cho những công việc, những lễ hội cụ thể. Thông thường, một bộ chiêng chỉ được sử dụng trong những nghi lễ có cùng tính chất: Chiêng tơnăh, kơđơ mỗi bộ có từ 8 – 9 chiếc (thường 3 cồng, 5 chiêng) được biên chế với 1 trống có đường kính mặt trên dưới 1 mét, chỉ dùng trong những lễ hội vui; Chiêng aráp mỗi bộ có từ 12-13 chiếc trở lên. Trong vùng người Bahnar hoặc Jrai ở phía tây Trường Sơn, đồng bào có thể dùng bộ cồng chiêng này trong mọi lễ hội (vui hoặc buồn) nhưng người ta phân biệt được tính chất và loại hình các lễ hội bằng những bài chiêng khác nhau. Nhưng ở vùng Cheo Reo Phú Bổn, đồng bào thường chỉ dùng chiêng aráp trong những nghi lễ liên quan đến tang ma (khi có người chết hay trong lễ bỏ mả). Bộ chiêng Mơtrum (trum) Kơbâo gồm 3 cồng có núm biên chế cùng 1 hoặc 2 trống vỗ, chỉ dùng trong những lễ hội có trâu làm vật hiến sinh. Nhiều gia đình, dòng họ giàu có người Jrai còn có những bộ chiêng riêng để sử dụng trong tất cả những nghi lễ của gia đình, dòng họ. Nói thế để thấy, không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể mang chiêng ra chơi cả, việc tổ chức các lễ hội riêng lại càng ít thấy. Chiêng là môn nghệ thuật tập thể, có tính cộng đồng, cần phải đông người. Để có một cuộc chơi chiêng cần hội đủ 3 thành phần là người chỉnh sửa âm thanh (lên dây chiêng), người chơi chiêng và người xoang (Múa)...

Phải thừa nhận với nhau rằng, người chơi được chiêng ở Tây Nguyên đang ngày một ít đi, vì các lễ hội truyền thống đang ít đi hoặc bị biến tướng. Chiêng cũng không được coi trọng như ngày xưa nữa vì càng ngày các bí ẩn càng được bạch hóa dưới ánh sáng khoa học. Và nhiều lý do nữa khiến chiêng đang mất dần vai trò trong đời sống của người Tây Nguyên bản địa. Được biết ngành văn hóa một số tỉnh, được sự chỉ đạo của Ủy ban tỉnh, đã và và đang mua chiêng phát không cho các làng. Nó là ý tưởng có thể tốt, nhưng đi vào thực hiện thì vẫn còn những vấn đề đặt ra, bởi với người Tây Nguyên, chiêng là của cá nhân chứ chưa bao giờ là của làng. Rồi thì chất lượng những bộ chiêng ấy ai thẩm định, ai sẽ là người quản lý bộ chiêng ấy... vân vân. Lại nhớ hồi chúng ta ồ ạt xây nhà rông bê tông lợp tôn cho các buôn làng và gọi đấy là nhà rông văn hóa. Kết quả là những nhà rông ấy sừng sững đứng trơ gan cũng nắng gió, giải quyết khâu oai thôi chứ chả có ai vào, bởi nó quá xa lạ và không ứng dụng vào đời sống được. Mà mỗi cái nhà rông văn hóa như thế đến mấy trăm triệu, chả ít đâu?


Ứng xử với cồng chiêng không chỉ có ý chí và quyết tâm, mà cần phải có sự hiểu biết thấu đáo và tôn trọng nó thật sự. Tôi viết điều này bởi vẫn nhớ trong liên hoan chiêng quốc tế năm nào ở Pleiku, trong đêm trình diễn chính, tất cả các đội chiêng với các nghệ nhân thứ thiệt phải lui hết xuống phía sau sân khấu, ra hai bên cánh gà lù mù ánh sáng, dành nguyên quảng trường với sân khấu chính đẹp huy hoàng cho các diễn viên múa quần áo mỏng tang sặc sỡ phụ họa cho nhạc của nhạc sĩ NC...
                                                                   VCH

 

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cảm ơn bác Văn Công Hùng về bài viết sâu sắc như sự khai phá tối cần cho các cán bộ làm văn hóa nhất là mấy anh đang sính lễ hội và xuyên tạc lễ hội của người Tây nguyên.
Đọc bài của bác Hùng em lại chỉ muốn tè vào mặt cái bọn đang buôn văn hóa người Mông ở Hà Giang.
Tiếng Khèn ( không phải kèn ) của người Mông là dùng để thổi các bài Khèn truyền thống đưa hồn người chết về với tổ tiên. Thế mà nó cứ cho người Mông thổi, múa loạn sì ngầu lên bác ạ.
Nó còn bảo dùng Khèn để thổi bài gọi người yêu. Đau ơi là buồn.
Thực ra các cô gái Mông thích chàng trai Mông vì khi thổi Khèn còn biết múa đẹp và điêu luyện nữa.
Người Mông kể rằng người Mông trước kia có người múa Khèn còn chống vài vào chiếc đòn gánh đặt ngàng miệng chảo thắng cố đang sôi, rồi giơ thẳng chân lên trời và cứ thế thổi Khèn một hồi rất lâu. Rồi người Mông vừa thổi Khèn vừa múa nhiều điệu rất khó, rất đẹp nhưng cuối cùng là dẫn hồn người chết về với tổ tiên người Mông.
Giờ nó sáng tác rất bậy bạ để mua vui và kiến chắc bác ạ.
Đóe mọe chúng nó, tức lắm bác Hùng ơi. Đúng là gỗ mục làm quan, cầm thú hưởng lộc!

Hòa Văn (V C Hòa) nói...

Chào Anh VC Hùng Hòa Văn chia sẻ với anh về bài viết trên.
Xin anh tìm và lý giải thêm về các nhạc cụ dân tộc chiêng, trống. Ở một số nơi như Nghệ An không dùng chiêng chỉ có trống trong tế lễ họ tộc. Ở Quảng Nam thì có chiêng trống, khởi chiêng trước trống sau. Ở Đà Nẵng có nơi lại khởi trống trước chiêng theo trống...

VINHHOA- NTU nói...

Đồng Khánh Ngày Xưa
Lưu Trần Nguyễn

Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa và đón mần chi không biết!

Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn làm loạn bước tui đi!
Lá thư tình ông gởi mần chi?
Cha mẹ biết rầy la tui chết!

Ông tán tỉnh mần chi không biết
Tui như ma như qủy dưới âm ty
Nói hoài lời hoa mỹ mần chi
Tui còn nhỏ, chuyện tình răng biết được?

Tội tui lắm! Cách cho vài bước
Đừng đi gần hai đứa song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị!

Theo chi rứa răng mà không biết dị
Thôi được rồi! Đưa lá thư đây!
Mai tan trường đơị ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết...

VINHHOA- NTU nói...

VINH HOA- NTU DAY.
ONG NÓI VE BIEN, SAO KO THẤY VẬY.
ONG VE BIEN, TUI CHO ONG UONG AMACONG LUON. He, he, he ...

Văn Công Hùng nói...

OK bác Vĩnh Hòa, sẽ về, sẽ hành bác, uống Ama Kong với tôm hùm hỉ, nhập 2 thứ làm một hắn là cha nội A Ma Kong luôn, hì...