Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

CHUYỆN NHẶT Ở KON TUM

Kon Tum vốn dĩ có trước Pleiku đến 2 chục năm, và do người Pháp lập nên nên nó mang đậm phong cách Pháp. Về cơ bản bây giờ, như nhiều nơi khác chúng ta đã kịp đồng hóa nét văn hóa Pháp ấy bằng một thứ văn hóa rất hổ lốn trọc phú của chúng ta. Nó là sự lai căng rất kệch cỡm của nhiều nền văn hóa trong kiến trúc đô thị nên khi ngồi trên xe mình thao thao bất tuyệt khoe với các bạn họa sĩ về một Kon tum cổ kính, trữ tình vân vân các loại đến khi vào đến trung tâm thì mình... xấu hổ.



Cuộc cách mạng nhiều thứ của chúng ta trong đó có việc sáp nhập tỉnh đã kéo lùi sự phát triển của Kon Tum đến hàng mấy chục năm. Một thời gian dài, Kon Tum là một vệ tinh của Pleiku, nó nhỏ bé cũ kỹ và chậm phát triển, nhưng nhờ đấy mà nó giữ được nét kiến trúc Pháp của thành phố. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo thời đầu những năm 80 thế kỷ trước đã có một bài thơ rất hay về Kon Tum: Sông Đắc Bờ la như một tiếng tù và/ Thổi qua lòng xanh thị xã/ Một thoáng đồng bằng qua phố xá? Kon Tum, vầng trăng đầu tháng mọc bên em... KOn Tum đây và em của anh đây/ gương mặt phố gương mặt sông gương mặt núi/ trong mắt em bốn mùa nhuần nhụy lại/ Thông xòe kim khâu nắng tóc em dài...( He he lâu lắm mình mới thuộc được mấy khổ thơ), bây giờ Kon Tum được trả lại là một tỉnh độc lập với trung tâm là thành phố Kon Tum thì tất nhiên nó phải quẫy cựa bằng mọi giá để phát triển.


Chuyện ấy sẽ phải là một bút ký dài, từ từ sẽ viết, nhưng cái mình nhặt, một nhát nhặt thôi, là thế này.


Mấy làng đồng bào Bahnar ở thành phố Kon Tum ấy có rất nhiều các chàng rể là người Pháp, mà Pháp quý tộc hẳn hoi nhé. Khá nhiều người Kinh chúng ta khi vào làng dân tộc vẫn có điều gì đấy ghê ghê, trước hết là vệ sinh, rồi phong cách sống khác nhau, nhiều thứ khác nhau. Cứ hình dung hôn một cô gái ngậm cái tẩu thuốc (mà là thuốc tự trồng tự thái nhé) thì sẽ như thế nào nhỉ, hoặc như ngồi ăn cơm (sango) với một nồi cơm và nồi canh to tướng, một ít thịt đổ ra từ ống nứa, và... bốc, không đũa thìa gì hết... thì sẽ như thế nào nhỉ? rồi nhiều chuyện khác (ví như đi vệ sinh thì ra bờ sông hoặc chui vào bụi và cầm theo một cây gậy để đuổi heo và có thể là... thay giấy nữa). 


Thế mà rất nhiều chàng trai ngoại quốc, trong đó khá nhiều người Pháp, thanh lịch, đẹp trai, giàu có... lại mê mẩn nhiều cô gái Bahnar ở đây và cưới làm vợ. Chiều chiều các chàng cũng gùi (địu) con cùng vợ thơ thẩn trong làng, con đường lổn nhổn cứt bò cứt heo, với những con heo tung tăng khắp làng. Hoặc các chàng cũng ra chợ Kon Tum mua đồ ăn, rồi về nổi lửa nấu cà đắng với cá, ninh cho thật nhừ thành một thứ sền sệt nhân nhẩn... và bốc chén. Tối các chàng cũng ngồi bên bếp lửa hơ tay như các cụ trong làng, chỉ khác các chàng không mặc khố lòi cả thứ cần che ra, không ngậm tẩu và không nhổ nước bọt xoèn xoẹt.


Và không chỉ ở đấy, các chàng trai Pháp hào hoa kia đưa vợ về bên Pháp, và bên ấy, các chàng sống với vợ ở những ngôi biệt thự, ăn cơm tây với các các bộ đồ ăn sáng loáng, trẻ con chơi đùa trên những bãi cỏ xanh ngằn ngặt trong vườn điểm xuyết những con chim bồ câu nhởn nhơ không sợ bị ai bắt làm thịt, các cô gái Bahnar cùng làm bếp với các bà mẹ chồng quý tộc Pháp... là tôi nhìn thấy cảnh ấy trên ảnh và trong cả những clip. Té ra sự thích nghi văn hóa nó vĩ đại thế...


Rồi hết những ngày ở Pháp họ lại về Việt Nam, nên nếu vào các làng Bahnar ở ngoại ô Thành phố Kon Tum mà thấy vài ông Tây da trắng địu những đứa con lai thơ thẩn trong làng, bạn đừng ngạc nhiên, vì khi ấy bạn đã... đọc  bài này rồi.


Và bài này tôi cũng mổ trực tiếp ít chữ thôi, còn phải để dành cho một cái bút ký kiếm chút nhuận bút để mà lại... đi tiếp.


Hầu thêm các bạn vài cái ảnh nữa, tôi nghĩ là đẹp:


Tất nhiên đây là nhà rông, nó là nhà rông Bahnar.



ăn và tắm, sướng như... heo

Nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu

Làng bên bờ sông Đăk Bla. Con sông này có đặc điểm là chảy ngược sang Lào và là niềm tự hào lớn của người Kon Tum, ai mà chưa biết Kon Tum có sông Đăk La thì đều bị người Kon Tum cho rằng chưa biết Kon tum... NGoài đặc sản sông Đăk Bla ra thì Kon Tum còn mấy niềm tự hào là nhà ngục Kon Tum và cầu treo Kon Klo, hì hì...





Cây Pơ Lang bên bờ sông Đăk Bla

Người đàn ông địu con thơ thẩn trong làng. Người này Bahnar không phải ngoại quốc

Một loại hoa rất lạ, lần đầu tiên mình thấy, nó ở bờ rào một ngôi nhà sàn
Bản đồ Trung quốc không có TS HS-

18 nhận xét:

HDTG nói...

Kế bên ao cá bác Hồ,gần Ủy ban huyện Sa Thầy có cái nhà rông bahnar làm bằng tôn bác Hùng có biết không nhỉ?

Văn Công Hùng nói...

@ HDTG: Cái nhà ấy tớ đã có một bài rất gay gắt trên báo Văn Hóa dạo nào rồi, hì.

Dong nói...

Vậy chữ Kon có nghĩa gì bác? Chữ đầu trong nhiều từ ở đó theo bác viết trên kia.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
--------
Kon là làng, Đak là nước (Đak Đoa, Đak Kroong...), Ngok là núi (Ngok Linh)... cứ rứa mà suy, Dong ạ.
Nhưng tiếng Jrai lại khác, đấy là tiếng Bahnar nhé. Plei là làng theeo tiếng Jrai. Pleiku là làng đuôi, đại loại thế.

honngv nói...

1 cái nhặt thôi mà đã đặc sắc vậy! Đúng là kg đọc bài này đến Kontum gặp mấy thằng Pháp địu con thì nghĩ sao nhỉ.

Văn Công Hùng nói...

@ Honngv:
------
Hơ, nghĩ là nó đi lạc cũng được bác ui.

quan lang nói...

Người Ban'har cũng gọi làng là Pa-lay bác Hùng ơi. Kon là một từ giải thích cho cái khác cơ. Sẽ nói sau.

khue nói...

Playcu cách Playrún khoảng 1 gang tay phải k bác ?

thebimini nói...

Chào anh V.c.Hùng ,
Nghe anh nói ở các bản làng ở Kontum HIỆN NAY có những người đàn ông Pháp địu con (nghỉa là lấy vợ Thượng), tôi rất lạ ?
Nếu tôi ko lầm , ngay cã trước 1975 , vùng này chĩ có một vài tu sỉ công giáo pháp (giám mục) sống trong các nhà thờ ; chứ ko có những người dân Pháp sống trong các bản làng .
Có thể , sau 1975 , người Pháp đến sống ở vùng Kontum mà tôi ko biết . Nếu anh chụp được vài bức ảnh về các người Pháp này thì rất quí . Chào anh ,

Văn Công Hùng nói...

@ Thebimini:
---------
Nó có hẳn một chương trình của VTV làm về các bạn rể dễ thương này. Các bạn ấy, có 1 số là những người làm nghiên cứu Văn hóa, một số là dân du lịch... và việc này cũng mới đây thôi. Hôm ấy tôi ghé rất nhanh nên k gặp người nên k có ảnh. Kể cũng tiếc. nếu mà viết chính thức tôi sẽ quay lại để tìm ảnh.

ptuanha nói...

Em chộ mấy câu thơ của Pác đưa lên rất chi là hay. Tuy nhiên nó cũng chưa hay đến mức để mấy câu í tự ngấm vô người Pác.
Không hiểu sao Pác cố thuộc nó và rinh lên, hay nà đến Pác Hùng cũng ớn nên mua bảo hỉm.

thebimini nói...

Chào anh V.v.Hùng ,
Cám ơn đã trả lời còm cũa tôi . Nếu anh biết được LINK phóng sự cũa VTV về các chàng rể Pháp dễ thương này thì xin 'pót' lên đễ tôi xem . Dựa vào những gì anh viết , tôi nghĩ rằng những người Pháp này có DUYÊN NỢ với gái Thượng .
Theo chổ tôi biết , thời người Pháp đóng quân ở vùng này , nghĩa là trước 1954 , họ cũng đã để lại một số CON RƠI (kết quả của những cuộc tình giửa lính Pháp và gái Thượng) . Tuy nhiên , sau đó phần lớn đã về Pháp theo chương trình con lai Pháp do Chính phủ Pháp chũ xướng .
Thành ra , việc trai Pháp đang sống (làm rể) ở các buôn làng là một phát hiện lý thú , mà tôi mới biết lần đầu tiên . Lần nửa , xin cám ơn anh về thông tin này .

ngoc nói...

Chào bác VCH ! Thông tin của bác thật là lý thú. Đúng là "sự thích nghi văn hóa quả là vĩ đại !"

ngoc nói...

Chào bác VCH ! Thông tin của bác thật là lý thú. Đúng là "sự thích nghi văn hóa quả là vĩ đại !"

Nặc danh nói...

Kon là làng, Đak là nước (Đak Đoa, Đak Kroong...), Ngok là núi (Ngok Linh)... cứ rứa mà suy, Dong ạ.
Nhưng tiếng Jrai lại khác, đấy là tiếng Bahnar nhé. Plei là làng theeo tiếng Jrai. Pleiku là làng đuôi, đại loại thế.

13:20 Ngày 28 tháng 7 năm 2012
tiếng bahnar Kon là núi bác ạh! Plei mới là Làng, Đak là nước

Nặc danh nói...

Sao bác không đưa hình Nhà thờ Gỗ Kon tum lên cho mọi người coi chơi?

Lê Phước nói...

Nhà thờ gổ ở Kontum một kiến trúc đẹp.

Tung Hai nói...

He..He...Hôm đó em đi cùng nhóm họa sĩ và thấy anh Hùng thật dễ gần và đặc biệt đi với anh Hùng thì các anh C.A giao thông rất dễ thông cảm...!..Hẹn gặp lại anh ...