Thế tức là mới có bác VNPT chặn, còn chú Viettel vẫn vào được. Thôi thì còn được lúc nào thì cứ... thở lúc ấy, post cái bài mình đọc thơ Trịnh Sơn phát.
----------------
THƠ TRỊNH
SƠN, ĐÔI ĐIỀU...
Tôi chưa bao giờ gặp Trịnh Sơn (cho đến lúc viết bài này), chỉ vài lần gặp nhau qua điện thoại, là
bởi có lần vô tình một bạn đọc của tôi hỏi anh đọc Trịnh Sơn chưa? và anh gửi
cho tôi vài bài của Trịnh Sơn. Cái thời buổi thi ca rẻ rúng này mà có người yêu
thơ đến thế thì cũng lạ, ấy là tôi nói cái anh bạn gửi thơ Trịnh Sơn cho tôi.
Ấy là bài "đứa bé". Tôi đọc và bị cuốn vào đấy. Tôi thích đọc thơ của
bạn bè và những người trẻ. Thơ bây giờ nhiều vô cùng, nhưng tìm được một bài
thơ hay, có nghề, một người thơ đúng nghĩa không phải dễ. Khi đọc Trịnh Sơn,
tôi thấy ngay đây là một người thơ đáng đọc. Thơ hay theo tôi thứ nhất là nó
phải mới, thứ hai là phải có không khí, thứ ba là có chữ... Tôi thích không khí
thơ nó cứ sôi sục lên, cứ miên man bắt người ta phải quằn quại theo, cứ bắt
người ta thổn thức, bắt người ta không yên... cũng làm thơ, mình chả làm được
điều ấy thì thích đọc những điều ấy. Tất nhiên cái gu của mình có thể là nó chả
hợp với ai, nhưng đấy là của mình, chả dễ gì đổi được. Thế nên tôi thích thơ Lê
Vĩnh Tài, Trần Tuấn..., và bây giờ đang bất ngờ với Trịnh Sơn.
Sơn
mới xuất hiện đây. Cách đây chừng chưa đầy năm, tôi lang thang ở Vũng Tàu với
Lê Huy Mậu, Tùng Bách..., xuống cả mấy huyện chơi với anh em viết lách, chả
nghe ai nhắc gì tới Sơn. Thế mà rồi về nhà lại đọc Sơn trên mạng. Rồi Sơn gửi
cho tôi qua mail nguyên một tập bản thảo 41 trang, bảo anh đọc hộ em. Tôi bảo
tớ chỉ đọc vì thích thôi chứ chưa tới cỡ như NTT, DT... để mà phát hiện rồi
lăng xê các tài năng trẻ. Tớ thích chưa chắc người khác đã thích, với lại tớ
cũng là anh tỉnh lẻ... Nhưng đọc xong tập ấy, dù rất lười và đang sa vào vụ...
báo tết kiếm tiền ra giêng tiêu, vẫn không thể không viết mấy dòng, như một
cách biểu lộ đồng cảm và vui mừng, giống như uống một ly rượu ngon mà không khà
một cái nó... phí rượu đi.
Dậy đi dậy đi tôi ơi
Dậy đi dậy đi những sợi gai sợi vải đan võng đan đời
kia ơi...
(Đứa bé)-
Những
câu bình dị nhưng da diết, và bất ngờ, đang đan võng lại đan đời... Đứa bé là
một bài thơ dài, đau đáu khát vọng và nỗi niềm. Thắt trong người đọc một ký ức
u buồn, mênh mang dàn trải mà cuồn cuộn nỗi niềm. Theo tôi, "Đứa bé"
là bài thơ hay nhất trong tập bản thảo của Trịnh Sơn. Chắt từ trong ký ức, cứ
cuồn cuộn cái mạch cảm xúc, cả đau đớn và thức tỉnh, cả hờn giận và vị tha, một
giãi bày thân phận bằng một mạch đi rất ngọt và thao thiết. Nó khiến người đọc
luôn luôn thảng thốt, luôn luôn bất ngờ, những bất ngờ không bất ngờ tạo nên sự
bất ngờ cảm nhận, không dứt ra được. Trịnh Sơn, có cảm tưởng như khi viết bài
này anh vừa viết vừa khóc, tuy thế vẫn rất tỉnh táo để có độ dừng. Nhưng đây là
bài viết để đọc, rồi cất. Thế thôi ông nhà thơ trẻ Trịnh Sơn ạ.
Những câu này cũng cứa vào tôi:
Con lấy chồng, Mẹ ạ
Con lấy chồng Mẹ ạ
Vú con gái cứa vào thời gian
- không đứt
Đừng khóc Mẹ đừng khóc
Thời gian qua, con lại mẹ bây giờ
Con lấy chồng Mẹ ạ
Vú con gái cứa vào thời gian
- không đứt
Đừng khóc Mẹ đừng khóc
Thời gian qua, con lại mẹ bây giờ
(Di
chứng)
Cứ lặp
như thế như nỗi buồn lặp lại. Thực ra cũng chẳng có gì đáng buồn thế, nhưng hơi
văn cứ buồn, hình tượng thơ cứ buồn. Thì ra phía sau mỗi chữ, mỗi câu, mỗi cái
xuống hàng chứa sẵn một tâm thế u tịch của người thơ. Có thể gọi đấy là sự
khuất lấp ảo mờ của trực giác, của cả một thế giới tâm hồn luôn luôn khắc khoải
réo gọi, luôn luôn hối thúc sự cộng minh của cuộc đời. Từ vô minh tới cộng
minh, mở ra những quầng sáng và cũng khép lại những vang vọng của cuộc đời
trong cõi thần tiên ảo giác thi sĩ để:
Trái mùa
Môi phất phơ say khướt
Ăn vào này mận này mơ
Mai kia đã buồm tênh hênh gió chờ
Qua sông
Qua sông
Sóng Thâm Tâm buốt ngọt chân vỗ nước
Trái tim lỡ làng được mất
Ngủ không yên đêm chó sủa
Mở cửa đợi chờ kẻ trộm thời gian
(Lem hồng)
Có cái gì đấy hoang mang, có cái gì
đấy thắc thỏm, nhưng rồi tự mình réo gọi mình, tự mình thức tỉnh mình trong
mang mang cảm giác đợi chờ, dù có khi biết là vô vọng:
Tôi biết trước cái ngày đen tối ấy
Thể nào em cũng xa
Mà đâu ngăn được bàn tay níu
Níu có được đâu tiếng thở dài
Cầu trời khẩn phật cho mãi tóc em bay
Trên lối gió con đường thôi đá sỏi
Bôi son rồi
Đừng nói
Lem màu phố ngày tôi
(Lem hồng)
Tôi cứ
hình dung một người thơ hai tay giang ra quỳ trước một bức tượng, bức tượng vừa
là cứu cánh, vừa là vách ngăn, vừa là đích vừa là giới hạn... kể thân phận
mình, một thân phận vừa trơn lì vừa trắc ẩn, nhưng chắc chắn là mẫn cảm và tự
nguyện vác thánh giá cho cuộc đời mặc dù có thể không hiểu thánh giá ấy làm
bằng gì, nặng bao nhiêu. Sự xả thân cho tín điều thơ, cao hơn là tín điều nghệ
thuật nó nâng tầm con người lên, làm con người trở thành ảo ảnh, thành ngũ sắc
trước mặt trời. Thì là khi đọc những dòng trên tôi thấy thế, cảm giác vậy, có
thể là cảm giác của tôi cũng đang ngập tràn mê sắc của bụi nước gặp tà dương.
Trịnh
Sơn có một chùm lục bát, có những câu thế này:
Lâu rồi mới ghé về đây
Uống bia hè phố rót ngày sắp qua
Thương ly bia cũng thật thà
Cạn tôi không cạn đổ ra cạn chiều
(Cho
hai lần về)
Lục
bát đã phiêu diêu rồi, mỏng rồi. Tôi có làm và thích làm loại lục bát phiêu
diêu mỏng manh như thế, như một tiếng thở dài thoảng qua chiều gió. Ai không
tinh thì không thấy, nhưng nếu tinh tế cảm nhận thì nó có sức nặng như bom tấn,
ám ảnh mãi, day dứt mãi... mà nghĩ cho cùng, làm được câu thơ day dứt ám ảnh nào
có dễ dàng gì. Nó có vẻ như bâng quơ nhưng là toàn bộ những đau đáu, là công
phu sức lực, là mồ hôi nước mắt, vật vã tìm chữ diễn ý, trằn trọc suy tứ tạo
hình... nó đối lập với câu thơ mỏng manh kia. Những gì trần tục để lao động ra
câu thơ ẩn hết đi để cho câu thơ như hơi rượu mỏng manh phô mẽ.
Lâu rồi mới ghé về đây
Run run phố vẫn thở gầy trong nôi
Ta làm đứa bé rong chơi
Trắng xanh tím đỏ áo mơi mới mời
(Lem hồng)
Những
câu như thế này khiến ta cũng run run theo mà thao thức với nó...
Nhưng đến câu này thì như nhai phải
sạn:
Bầu không thương bí, cũng đành
Còn đem oan
trái mà tành tan nhau
(Rủ nhau ra
biển)
Thơ là
sáng tạo chữ, có nhiều chữ vô nghĩa, nhiều chữ vô lý vẫn chấp nhận được, nhưng
bẻ chữ như câu vừa rồi thì là... lười. Người làm thơ quyết không được lười,
luôn luôn sáng tạo làm mới chữ, đặt chữ vào đúng nơi đúng chỗ cho nó sáng bừng
lên. Chữ hay, đẹp mà đặt không đúng chỗ thành thô, mà chữ thường biết để đúng
nơi nó sẽ lung linh ảo hoặc lên. Chữ tành
tan ở đây cho thấy một sự lười lao động, và cũng là sớm thỏa mãn. Thưa ông
Trịnh Sơn, ông có tự ái không?
Gục đầu xuống cát nằm đau
Dấu chân đỏ rực nước càu nhàu đi
câu này cũng dở. Gục
đầu xuống cát cũ và không sáng tạo, nhưng nước càu nhàu đi thì hỏng. Nước mềm mại thế, đang trơn tru thế, cho
ông ấy càu nhàu vào đây, như vấp phải mấy cái đập thủy điện, và thế là... lũ...
Mà Miền Trung nơi tôi sống vừa rồi bị mấy cơn lũ to lắm, bao nhiêu người chết,
một phần nguyên nhân là do những cái đập vô duyên chắn dòng chảy ấy.
Nhà mình không có vườn
Anh là vườn
Em mọc
Anh là vườn
Em mọc
(Nhà
mình không có vườn)
tứ rất hay nhưng triển khai thì không bằng "Đứa
bé". Nó không có cái thảng thốt nữa, nó là sự kể, là sự tố. Thơ phải thảng
thốt, phải như một cái rùng mình. Rùng mình xong tĩnh tâm lại không hiểu tại
sao mình lại rùng mình. Trong cuộc đời con người có hàng vạn lần rùng mình vô
thức như thế, mà vẫn cực khoái, vẫn lạ lẫm đến phát điên, vẫn luôn luôn thèm
muốn, vẫn khát khao như thể chưa bao giờ. Chứ lại kể ra, tố ra là hỏng, là làm
lấy được...
Có cảm
giác bao giờ Sơn miên man trong ký ức thì hay. Cái ký ức đau buồn hay anh cố
tạo ra đau buồn cứ miên man khiến người ta không dứt ra được khỏi những câu thơ
có vẻ như lằng nhằng vô định nhưng thực ra là được cấu trúc khá chặt. Còn khi
viết về những hiện tại với những cảm xúc tức thời, những phát hiện hiện tại,
anh lại sa vào kể. Ví dụ như những câu này:
Rượu tân hôn rượu khó say
Người không say rượu rượu lại say người
Rạng rỡ uyên ương ương ương nhào nặn
Đất đỏ đất sét đất bình nguyên đất miên viễn
Thương đế tái tạo chiếc xương sườn Adam từ khoảnh
khắc này-
(Quà)
Nhưng
cái này hay:
Có cô bé những buổi sáng ghé trước cổng nhà tôi
Kiễng chân tay với hái đóa hoa vàng
Hoa lìa cành
Cô bé mỉm cười
Mang trái tim tôi đi kể từ khoảnh khắc ấy...
(Sonate
buổi sáng)
Từ
chuyện một cô bé hái hoa đến sự lãng du của kiếp người. Cái khoảnh khắc con
người biến đổi từ cụ thể sang trừu tượng, từ cái tôi cụ thể sang cái tôi vô
định. Đọc lên thấy một hạt bụi bay trong không trung, hạt bụi ấy mang tâm hồn
người, mang số phận người, mang mặc cảm người và cũng mang tinh hoa người...
Mới 41
trang thơ, chưa đọc được nhiều, và cũng là một thời gian rất ngắn, chưa tiên
lượng trước được điều gì. Thơ là cuộc lao động vất vả và nghiêm túc, không thể
coi là cuộc chơi, dù khởi đầu có thể là cuộc chơi. Tôi nhận thấy ở Sơn một sự
tài hoa của một tư chất thi sĩ. Nhưng mới chỉ là khởi đầu. Từ sự tài hoa khởi
đầu để chung thủy đi hết con đường dằng dặc khổ ải của thi ca thì không chỉ đòi
hỏi sự lóe sáng của tài hoa mà cần cả sự cần mẫn khổ luyện, sự lao động luyện
chữ luyện nghề như của một lão nông cần cù, ít nhất là đối với tôi tôi thấy như
vậy. Còn Trịnh Sơn, thì hãy coi những dòng này là của một người đọc khó tính
nhưng lại hay cả nể, luôn muốn cuộc đời có thêm những người tốt...
Pleiku chiều 28/11/2009
VĂN CÔNG HÙNG
---------------
Hì, bài này viết từ 2009, bây giờ thì Trịnh Sơn đã là một nhà thơ trẻ VIP rồi, nhưng té ra là mình cũng... tiên đoán khá tốt nhỉ?
Blog bị chặn nên chán như con nhán, không có hứng viết mới nữa, nhưng bài này cũng... hay chứ bộ, hihi...
3 nhận xét:
Em vào được Blog của bác rôi.
Em thích thơ nhưng lại dốt nên sự cảm nhận kém lắm.
Nhưng mà bài viết (không phai thơ) của bác Hùng bài nào thì sướng bài ấy.
Gần đây em sướng nhất bài bác viết về tay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tớithăm xứ ta và bài rau má, rau dớn của Nguyễn Duy mua đãi mọi người.
Nhân đây em gửi bác Hùng 2 đoạn thơ (có người bảo là câu đối) em nhặt được để nếu rảnh thì bác bình mấy lời cho em học nhá:
1- Xã hội bất công nuôi tôi lớn
Người đời bạc bẽo dạy tôi khôn.
2- Thứ nhất thì phải hợp gu
Thứ 2 thì hẳn lù đù dễ sai
Thứ 3 đấu giá công khai
Thứ 4 phải xếp những ai gần nhà
Thứ 5....
Thứ 6...
Phải nhờ anh bên Bộ bắn đòm mới vào được nhà bác. Mừng quá mắt nhắm mắt mở tưởng thơ Trịnh Công Sơn đọc một hồi ai dè hổng phải. thời buổi không chỉ kinh tế khó khăn mà đọc báo cũng khó khăn nữa. Hayzaaaaa......
Hồi đọc đưa bé của Trịnh Sơn - rùng mình!
Không biết h này lãng tử đang ở đâu?
nguyenphuong
Đăng nhận xét