Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

SINH VIÊN MỘT THUỞ 3


Đấy nhắc đến tên mấy mụ lớp mình lại muốn có lúc nào đấy... dắt chúng đi tìm... Wyliam Cường lộ thiên như hồi nào lớp đi lao động ở Lộc Điền (Phú Lộc) mình dẫn cả bọn đi (tất nhiên là ban đêm), chúng vừa... ấy vừa râm ran nói chuyện, huhu ngu nhất là mình ngồi... xuôi gió canh cho chúng nó xả hàng...
----------------


          Một người nữa cũng chưa tìm ra là Đỗ Vinh Thắng
          Đỗ Vinh Thắng bị bạn bè gọi là Thắng Toác.

        Trong lớp có một số có biệt danh, như Phan Thanh Bình được gọi là Bình Be (có lẽ do thói quen ngôn ngữ), Phạm Phong được gọi là Phong công chúa (vì y thường xuyên mặc quần âu là phẳng, áo bỏ trong quần, giầy da nâu lộn, cầm một cái ô đi học, hàm ria đen nhánh rất oách. Nghe nói nhà Phong trước là chủ hãng xe đò lớn chạy Quảng Ngãi Sài Gòn, nhưng sau này bị oánh tư sản nên phá sản, và ngay Phạm Phong, giờ là người duy nhất trong lớp làm nông dân), Tuệ được gọi là Tuệ lác (y bị một miếng lác (hắc lào) ở háng mà lại hay mặc quần đùi ngắn, lại còn quăn lò xo đánh bóng chuyền nên thường xuyên... lộ hàng, thời ấy sịp siếc hiếm lắm), Trần Văn Thanh gọi là Thanh cùi chỏ (y có dáng đi không giống ai, đít lắc đảo điên sang 2 bên và 2 cùi chỏ tay cũng lắc ngược lại. Thêm nữa y khoe y có võ, chỉ cần cùi chỏ là y oánh bay vài thằng, là nghe nói thế chứ có lần mình thấy Võ Hồng Thảo dọa phát Thanh chết khiếp. Lần khác Đăng Vũ chấp chỉ dùng chân cho Thanh xáp vào mà vào không được)...

          Cái tên Thắng Toác cũng đủ hình dung Đỗ Vinh Thắng. Có lần một bạn nữ lớp mình (có thích anh Thắng) nghỉ hè vào, mắt tròn xoe đứng hồn nhiên nói: Em ra Hà Nội rồi xuống Thái Bình tìm nhà anh Thắng. Chả thấy đâu. Anh ấy bảo nhà anh ấy to nhất ở một cái phố to nhất. Em đi hết mấy cái nhà to nhất ở mấy cái phố to nhất hỏi anh Đỗ Vinh Thắng không ai biết cả. Bọn mình lăn ra cười còn cô bé này mắt cứ tròn xoe ngơ ngác như mắt bò cái thấy... nón.

          Đỗ Vinh Thắng là bộ đội về đi học, có lương nhé, có mác bộ đội nhé, mà bộ đội hồi mới giải phóng nữa, ôi giời ơi là giá lên vùn vụt. Rất nhiều em xin chết nhé, nhưng lão này cũng hay, chỉ vo ve chứ không sâu đậm với ai. Chính xác hơn là có với 1 em trong lớp, nhưng sau rồi thôi. Anh này viết thư xong ra bưu điện gửi về cho em này ở cách mình... 1 dãy nhà. Em này cũng viết thư, khi đi học về (đang đi cùng Thắng) qua bưu điện bảo anh chờ em tí, chạy vào bưu điện bỏ thư vào thùng, và hôm sau thì Thắng lại nhận được. Yêu kiểu ấy chắc chỉ có sinh viên mới nghĩ ra.

          Trong lớp Thắng là người ăn rất khỏe, trông Thắng ăn rất thèm, miếng nào ra miếng ấy, 3 và là hết một bát, và một bát của Thắng thì bằng 3 bát người khác. Và các đám ăn uống tự túc bổ sung bao giờ cũng có Thắng tham gia, và có Thắng thì đám ấy như mổ bò vì Thắng nói rất to, cười rất to. Sinh viên đói triền miên, đói đến mức bụng như dán vào lưng, thế mà nghe Thắng cười cứ như là suốt ngày được ăn cỗ. Đã thế còn nghiện thuốc. Thắng nghiện nặng, và là người phát minh ra việc lấy lá đu đủ xắt nhỏ phơi khô vấn thay thuốc. Có hôm thèm thuốc quá, Thắng kêu tôi vào phòng rồi trịnh trọng bốc cho tôi một nhúm. Tôi về xé một góc giáo trình văn học Nga vấn một điếu sâu kèn rồi kéo phì phào, nó nhẹ và nóng cổ vô cùng. Thế mà thằng Đặng Cường cũng nhảy xuống: cho tao kéo một hơi?...

          Ra trường, Thắng lặn một hơi cho đến nay.

          Mình ra Hà Nội ngồi uống bia với anh Đại nói chuyện Thắng. Đại bảo đã mấy lần đích thân xuống Thái Bình tìm mà không thấy Thắng. Nghe nói đi nước ngoài lao động (anh Đại cũng đi nước ngoài làm thuê về) nhưng liên hệ nhiều nơi hỏi thăm cũng không thấy.

          Lạ, con người chứ có phải cái kim đâu. Mà cái kim trong bọc cũng còn lòi ra nữa là. Hơn ba mươi năm ra trường, có bỏ rẻ ra cũng ít nhất 1 lần gặp 1 người cùng lớp ngày xưa, rồi từ đó mà phăng ra nhau. Đằng này, bặt vô âm tín.

          Nhiều người cũng để ý tìm Thắng mà cũng không biết ở đâu. Lớp mình có những người vô cùng nhiệt tình, suốt ngày đau đáu việc lớp như ngày xưa bác... Hồ lo việc nước ấy, mà cũng tìm không ra. Là mình nói Lý An Thành ấy.



          Hôm vừa rồi Ngô Thế Toài điện và hẹn vào nhà mình. Phải kể một chút về cuộc này.

          Thực ra từ nhà anh Toài ra nhà mình có... 15 km, thế mà bao nhiêu năm lão ta không biết mình. Nhưng từ hôm liên lạc được thì Toài đi kể với vài người bạn, thì mấy người bạn ấy lại... biết mình. Và thế là mấy người bạn kia dẫn Toài ra. Mình hẹn tất cả mọi người vào phòng làm việc của mình tán gẫu một hồi đã (chờ ở nhà làm thịt gà và làm món nhậu xong ấy mà), 4h mình rước hết về nhà. 3 ông nông dân Vĩnh Linh dù trong đó có 1 ông là kỹ sư địa chất, một ông học gần hết đại học (Toài) và một ông là... nhà thơ. Ông nhà thơ này đã 70 tuổi, mang theo 1 tập thơ tặng mình, hihi, nên ông là người hăng hái nhất trong việc thúc đẩy anh Toài ra nhà mình.

Đồng chí Toài đấy, trông ra... Toài phết

Trước cửa phòng làm việc của mình

Đọc bằng iPad đấy, đánh vần mãi

          Té ra ông Toài mới học hết năm 3, rồi ông đùng đùng khăn gói bỏ học về quê, dù ông là bộ đội đi học, là đảng viên nữa. Lý do ông bỏ học mình chả nhớ, phải điện hỏi tên ma xó Lý An Thành, và thôi, không nhắc ở đây. Ông đi lang thang nhiều nơi, làm nhiều nghề, sinh năm 1952, đến năm 94 thì đưa vợ con lên Ia Sao, Gia Lai mua đất làm rẫy. Hiện vợ (sinh năm 1960) đã mất, con trai cũng có vợ nối nghiệp bố làm... rẫy, con gái làm công nhân may Nhà Bè, ăn ở luôn tại công ty, nghe nói đã có thằng cu ở đâu đó ngấp nghé rồi. Còn lại ông Toài với 1 con... chó và 1000 gốc cà phê. Mình hỏi mọi người 1000 gốc cà phê có đủ sống không, họ bảo trừ chi phí đi thì còn khoảng 7, 8 chục triệu một năm. Ngoài ra Toài còn lương thương binh, như thế cũng tạm. Điều oách nhất là một lão nông hơn ba mươi năm không đọc sách báo khi gặp mình, mình mở con iPad tìm cái bài viết về lão trên blog và đưa lão cầm đọc, huhu lão vừa cầm vừa run, mình phải điều khiển cho lão, và... lão đọc rất chậm, giọng ê a như... học trò lớp 3...


          Thực ra là mình rất muốn viết 1 mạch chừng 6 chục trang về lớp mình sau 4 năm học chung và ba mấy năm ra trường, nhưng quả là... lực bất tòng tâm, mà trước hết là không có thời gian, sau nữa là thông tin. Giá mà có Lý An Thành luôn luôn bên cạnh. Một là nó thúc mình thường xuyên, hai là có gì mình quên thì nó nhắc mình. Đã bảo nó là biên niên sử của lớp mà. Hồi đi học mình (và nhiều đứa nữa) ghét thằng này lắm. Đơn giản chỉ vì nó luôn có cuốn sổ bé tẹo thủ trong túi quần, đứa nào đi muộn, đứa nào cúp cua, đứa nào hư hỏng gì nó ghi hết. Ghi làm gì chả biết nhưng cứ ghi đã. Mình nhớ có lần mấy đứa bàn nhau thu cuốn sổ của nó, nhưng lúc nào nó cũng khư khư trong túi quần thì làm sao mà lấy. Sau khi ra trường chừng chục năm, một đêm mình nằm với nó ở nhà Phạm Phú Phong, nói chuyện suốt đêm, té ra là nó rất hay, có thể đánh đu ngồi suốt đêm, rất tận tụy với bạn bè. Ghé Đà Nẵng là lập tức nó có mặt, cần đi đâu nó chở. Chả chỉ ở Đà Nẵng, hồi thầy Thảng mất nó cũng một tay cùng một số anh em khóa khác lo liệu, đưa thầy vào tận Quảng Ngãi. Việc lớp ở Huế không bao giờ nó vắng mặt, rất hăm hở như việc nhà mình, như việc của nó. Trong khi mình biết hoàn cảnh nó cũng chả khá gì. Nó thì làm ở trung tâm văn hóa thông tin, cờ đèn kèn trống chả chấm mút được gì ngoài lương công chức. Vợ nó thì làm ở bảo tàng Chàm, chỉ giỏi... cấm sờ vào hiện vật. Cũng còn là may vì trước đó nó phải làm việc tận trong Tam Kỳ, lẽo đẽo xe bus mất mấy năm rồi lại về được đấy. Bây giờ Lý An Thành như một cây đinh của lớp. Ngay cuốn sách này nó cũng là một trong những đứa hô hào nhiều nhất, cung cấp tư liệu nhiều nhất. Nó còn giữ nguyên cái quyết định kèm danh sách gốc lớp Văn K1 ngày vào, cũng là người giữ cái ảnh hiếm hoi cả lớp (thực ra chỉ khoảng chưa đến nửa lớp) ngày ra trường chụp ở 3 Lê Lợi.


          Thôi thì kết ở đây bởi mình biết nhiều bạn nữa cũng sẽ viết. Vừa rồi về kỷ niệm 55 năm khoa và trường, Văn K1 mình về được 20 đứa (kể cả mấy đứa ở Huế), cảm động nhất là thằng Đặng Cường có mặt. Nghe nói nó phải bán mấy... lứa lợn làm lộ phí, huhu. Phạm Thị Đồng là nữ duy nhất có mặt, em này ngày xưa bé nhất lớp, khi ra trường đã từng rất khó khăn, giờ vào Sài Gòn ở với con, thế mà cũng lọ mọ ra và trở thành mì chính cánh trong mấy ngày gặp lại. Ngày xưa nó với thằng Đăng Vũ hay lủi thủi ngồi bàn cuối cùng như 2 con chim sâu. Giờ chúng nó thành chim... cụ, chả thấy nhìn nhau nồng nàn như xưa nữa, tệ thật. Thằng Trần Văn Thanh với Đăng Vũ với Đặng Xuân Thu là ba thằng chức to nhất có mặt. Nguyễn Quý Đại cũng vào, bố này giờ là tổng biên tập của 3 tờ tạp chí mà mình hay gọi là Mr 200, vì khởi đầu của tạp chí anh Đại kêu mình cộng tác thường xuyên, ngắn dài gì 1 bài báo lão trả 200, thơ đâu như 100, thế mà giờ tạp chí của bác ấy phát triển phết, duy có nhuận bút là cương quyết không... lạm phát. Mình cho là Nguyễn Quý Đại làm kinh tế giỏi nhất nước trong tình lạm phát phi mã hiện nay, có thế thay được bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, bởi 10 năm trước lão trả mình 200 ngàn 1 bài báo, và hôm qua mình mới nhận nhuận bút của lão, cũng vẫn... 200. Giỏi thật, giỏi đến thế là cùng, tiên sư anh... Quý Đại, hehe...

          À nói tí nữa về mụ Trầm My lớp mình. Một hôm ngồi xem tivi thấy mấy mụ... lão thành cách mạng đang phát biểu rất hăng về cái nhà tù Đà Lạt. Loáng thoáng lại thấy có một mụ sồn sồn rất giống Trầm My, nhìn kỹ thì đúng. Té ra mụ này kinh thật, từng là du kích hoạt động gì đấy bị bắt giam tận Đà Lạt thời trước giải phóng, thế mà hồi đi học tịnh không thấy khoe 1 tiếng. Mình nhớ hôm đầu tiên tập trung, đọc tên Huỳnh Yên Trầm My cả lớp ngoái nhìn, huhu. Rồi Trần Đặng Hồng Phương... tên nghe cứ như tiên nữ cả đám, bọn con trai thổn thức đến mấy đêm vì những cái tên kiều diễm thời ấy...

          Đấy nhắc đến tên mấy mụ lớp mình lại muốn có lúc nào đấy... dắt chúng đi tìm... Wyliam Cường lộ thiên như hồi nào lớp đi lao động ở Lộc Điền (Phú Lộc) mình dẫn cả bọn đi (tất nhiên là ban đêm), chúng vừa... ấy vừa râm ran nói chuyện, huhu ngu nhất là mình ngồi... xuôi gió canh cho chúng nó xả hàng...
------
Kỳ 1 Ở ĐÂY
Kỳ 2 Ở ĐÂY

6 nhận xét:

ngọc nói...

Hình như e còn nhớ a Thắng, có phải là người thấp thấp nhưng rất... hoạt ngôn, mồm miệng lanh lợi không ?
Bởi vì khi e mới chân ướt chân ráo vào trường thì anh ấy mượn tiền e (và nhìu bạn nữa...).

Văn Công Hùng nói...

@Ngọc:
------
Chính xoác, phải công nhận là Thắng hay... mượn tiền, và... hay quên. Thôi 1 thời đói khổ bạn ạ. Tôi đã lược hết những chuyện không vui ấy trong cái vệt bài này, kể cả việc tôi mất cái xe đạp Phượng Hoàng mới kít hồi mới nhập học mà đến giờ tôi đã biết người lấy...

ngọc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
ngọc nói...

Dạ, e qán triệt từ ...hơn 20 năm rùi mà a: Ko thi lại, ko mượn tiền (và qên), ko...nhìu thứ...thì ko phải là SINH VIÊN !!! He he.

Dong nói...

Chuyện hay hè!
Nhưng K1 xem ra vẫn óach.
Ủng hộ hai tay việc anh Hùng viết cuốc 60 trang, và hơn, vì chuyện ấy không chỉ của K1 mà đó là một thời của rất nhiều người, 60 trang vẫn mỏng.
Và, trong đó cũng đừng cbỉ về Văn K1, vì ở chung, học chung với các khoa khác, chuyện thâm cung bí sử của người ta thì thôi chứ chuyện sinh họat ngòai sân bóng, phải viết chứ.
Mong lắm thay.

Công Lập Lý K1 nói...

Kỷ niệm một thời ở 27 NH Huế, mong VCH có kỳ 4 và nhiều kỳ tiếp theo ở đấy nữa