Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

NHÀ VĂN CHUYÊN VIẾT KÝ

Nhà văn viết ký ở nước Nam ta thì nhiều, và toàn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Văn Cầm Hải... Nhưng các ông này vẫn còn viết truyện ngắn hoặc làm thơ, viết một cách chuyên nghiệp và in thành tập hẳn hoi. Riêng tôi thì biết có 2 ông nhà văn chỉ chuyên viết ký, và lại cùng trú ngụ ở một địa phương, làm việc ở địa phương khác. Đấy là ông nhà văn Hồ Duy Lệ và nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Ông Hồ Duy Lệ nguyên là Tổng biên tập báo Quảng Nam, Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam và Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, và như nhiều công chức Quảng Nam khác, nhà ông vẫn ở thành phố Đà Nẵng. Ông Nguyễn Bá Thâm cũng vậy. Ông về Quảng Nam từ khi tách tỉnh nhưng nhà cửa vợ con vẫn ở Đà Nẵng. Vào Tam Kỳ công tác ông ở trong phòng làm việc luôn, chiều thứ 6 xe buyt Tam Kỳ- Đà Nẵng và sáng thứ 2 ngược lại.


                     

          Một trưa nắng đến héo người, cả thị xã Tam Kỳ hầm hập như trong... phòng xông hơi mát xa, tôi ghé thăm nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Trụ sở hội Văn nghệ Quảng Nam khi ấy là một căn nhà nhỏ thuê lẫn trong khu dân cư. Ông Thâm cởi trần, ngồi đầu gối quá tai, đang làm... Tạp Chí. Trong một hội Văn nghệ cấp tỉnh thường có hai mảng việc là hội và Tạp chí, thì cả hai mảng ấy ông Thâm đều làm phó cho ông Hồ Duy Lệ (Cũng chả hiểu sao mà ông Lệ đã về hưu rồi, về Đà Nẵng ở rồi mà ông Thâm vẫn chỉ làm phó, dù chiến công hoạt động cách mạng của ông Thâm vang lừng lắm. Năm 1971 ông Thâm đã có mặt ở chiến trường khốc liệt nhất nước bấy giờ là Quảng Đà sau khi đã học xong lớp bồi dưỡng viết văn Quảng Bá khóa 4 cùng với các ông Nguyễn Khắc Phục, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt... Ông đã nhiều lần chết hụt, nhiều lần vuốt mắt chôn đồng đội, và bây giờ ông là người chăm chỉ nhất đi thăm viếng đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ, là người siêng tổ chức tưởng niệm, giỗ đồng đội nhất với tư cách là hội Văn nghệ). Phó nhưng hầu như ông làm hết, làm... một mình vì cơ quan khi ấy chỉ có... 3 người, hai người kia là nhân viên hành chính hợp đồng. Cái quạt cây kêu như cái xe mía trâu kéo quê ông nên tôi vào sát nơi ông mới thấy. Ông Thâm reo ầm lên rồi lui hui đi nấu nước pha trà tiếp khách. Tôi lạy ông ba lạy: Em đi gần bốn trăm cây, mà nóng thế này, bác lại định pha trà tra tấn em lần nữa. Bác cho em xin ly bia lạnh, mà nếu bác... khó khăn quá thì ly trà đá cũng được. Ông cười hể hả rồi chợt bảo: Khoan, để ta đọc cho chú nghe đoạn này?... Cái “đoạn này” ấy của ông là... 5 trang bút ký về một vùng quê Quảng Nam nơi xưa là một vùng vô cùng ác liệt, cái ác liệt đến mức mà bây giờ ngồi hình dung lại, nhiều người vẫn ngơ ngác tự hỏi: Tại sao ta lại tồn tại được qua những ngày ác liệt ấy. Cái ác liệt của Quảng Nam thời chiến tranh trong ký của Nguyễn Bá Thâm cộng với cái nắng giữa trưa Tam Kỳ hôm nay trong căn phòng tí hin làm tôi cũng như đang ở giữa chiến trường năm nao... 


Ông Thâm là người chung thuỷ với bạn bè. Các ngày giỗ chạp của đồng đội ông đều rất chu toàn. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ bảo: Muốn biết ai hy sinh thế nào ở đâu, ngày nào... cứ hỏi ông Thâm. Đồng đội của ông là Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý..., một loạt những người đã hy sinh, nằm lại ở chiến trường Quảng Nam, dù phần lớn, họ cũng như ông, quê ở nơi khác, đến đây chiến đấu và vĩnh viễn ở lại đây. 

          Ngày xưa có lần tôi trêu ông nhà văn Thanh Quế là người cuối cùng trong đội ngũ nhà vănViệt Nam biết sử dụng điện thoại di động. Nhưng thực ra, người cuối cùng chính là ông Nguyễn Bá Thâm đây. Đâu mới năm ngoái năm kia thì ông mới sắm một con nokia “đời đầu”, gọi được nghe được và... rơi cũng được. Không phải là ông không có tiền, mà cái chính là ông không có nhu cầu. Nhưng đến lúc công việc nó đòi hỏi, không cưỡng lại được thì ông phải sắm. Có người ở Tam Kỳ thống kê ông có mấy cái... thiệt thòi: là người “xếp hàng” lâu nhất vào hội Nhà Văn. Ông mới được kết nạp năm kia năm kìa gì đấy. “Cặm cụi” làm phó lâu nhất, đến giờ được chuyển qua chức tổng biên tập rồi, nhưng vì thế mà không làm... chủ tịch hội được. Lứa ông rất nhiều người nổi tiếng, và ông nổi tiếng nhất ở khoản... lặng lẽ. Lứa nhà văn lò Quảng Đà và nam trung bộ lừng danh như Thái Bá Lợi, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bảo, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh..., bây giờ ai cũng một gia tài văn chương đồ sộ, ông vẫn cặm cụi chung thuỷ với ký văn học. Ai cũng biết là bây giờ các báo đều kêu thiếu ký, vì nó là thể tài bám sát đời sống nhất, được quan tâm nhất, nóng hổi nhất, xung kích nhất, nhưng để có được một cái ký cho ra ký chứ không phải là những trang báo lướt vội thì quả là không dễ dàng. Và để có được những cái ký như thế, ngoài sự tài hoa, còn cần một vốn sống vô cùng phong phú, từng trải. Vốn sống ấy đòi hỏi sự lăn lộn của nhà văn. Mà nói thật, cái sự lăn lộn của nhà văn ta bây giờ hơi hiếm. Tôi đọc Tạp chí Đất Quảng, thấy các tác giả Quảng Nam kể lại các chuyến đi thực tế về những vùng núi chiến khu xưa trên thăm thẳm xa mờ Trường Sơn, đều do Nguyễn Bá Thâm dẫn đầu. Mà anh Thâm về đấy cứ như về nhà. Về các bản các buôn đều gặp... bạn chiến đấu. Trước thì sát cánh kề vai chống kẻ thù, giờ thì kề vai sát cánh bên... ghè rượu. Đi thực tế, về làng đồng bào dân tộc mà không uống được rượu thì phần lớn là anh phải... làm việc một mình. Mà uống rượu thì... khổ thân. Nhưng mà cứ phải “Vì nhân dân phục vụ thôi”, dẫu cho thân này nhiều lúc mềm oặt như tàu lá, dẫu cho xe này ngày mai thành bãi chiến trường hứng tất cả những gì hôm qua vào bụng... 

          Mới tháng trước, tỉnh Quảng Nam đăng cai triển lãm Mỹ thuật khu vực. Xuống dự khai mạc, tôi và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng hẹn nhau sẽ lôi ông Thâm đi nhậu nói chuyện văn chương. Đến lúc gặp thì ông Thâm quần áo xộc xệch, nách kẹp một cái nửa là cặp nửa là ví, tức cặp thì nhỏ mà ví thì to, lòi hết giấy tờ ra ngoài, giọng khản đặc và... văng tục. Tôi chưa thấy ông Thâm văng tục bao giờ, đây là lần đầu tiên. Thì ra cái triển lãm này tỉnh đăng cai, giao cho hội Văn học Nghệ thuật và Sở Văn hoá Thông tin thực hiện, nhưng tóm lại là cái gì cũng đến tay ông, từ tìm khách sạn, dẫn khách đến tận phòng, đến lo từng tấm pa nô, hoa hoét..., nhưng điều khiến ông phát run lên và cáu là cho đến lúc ấy vẫn chưa có đồng nào. Lâu nay tôi cứ tưởng chỉ đám thanh thiếu niên rỗi rãi mới nhắn tin, cùng lắm thì thêm các nhà thơ nữa vì họ tưởng nhắn tin rẻ hơn gọi. Nhưng tôi nhầm. Nguyễn Bá Thâm chìa điện thoại cho tôi xem mấy cái tin nhắn của ông chủ tịch tỉnh Quảng Nam sau khi nhận được tin nhắn của Nguyễn Bá Thâm doạ... trả việc. Ông Thâm là bạn, thậm chí là đàn anh của khá nhiều quan chức Quảng Nam bây giờ, dẫu quê ông chính gốc Nghệ An, là bởi cái thành thích lăn lộn ở vùng đất này từ năm 1971 đến giờ. Cơ quan ông hiện vẫn chỉ có bốn người, dẫu đã được từ giã cái nhà thuê của dân bé tạo ngày nào để về một cái nhà... thuê của dân khác, hình như to hơn. Trong mười năm, cơ quan ông thuue bốn lần nhà. Bốn người mà lo một việc lớn như thế thì chả cứ ông mà cả nhân viên của ông khản giọng cũng phải thôi. Nguyên việc vác hẳn con bê đến tại phía sau nhà triển lãm thui phục vụ cho cuộc chiêu đãi bữa trưa là ông đã tính toán rất giỏi rồi, là ông đã vận dụng tư duy của nhà văn viết ký rồi. Này nhé, hàng trăm người nhưng không nắm cụ thể số lượng, chủ yếu là hoạ sĩ của mười mấy tỉnh, nếu đặt tiệc ở nhà hàng vừa đắt vừa không vui, vì các hoạ sĩ lâu lâu gặp nhau, nhu cầu... nói nhiều hơn uống, uống nhiều hơn ăn... Mà Quảng Nam là xứ xở của bê thui. Thế là thui rồi xẻo tại chỗ, vừa nóng sốt, dân dã mà lại hiện đại, thoả lòng mong ước gặp nhau dẫu trời Tam Kỳ hôm ấy phải gần bốn mươi độ, ngon, bổ, rẻ, hữu nghị và... đỡ tốn, khoẻ mọi nhẽ... 

          Trong số các lãnh đạo hội Văn học Nghệ thuật địa phương, ông là người... chơi được và biết chơi, vì thế ông được đám trẻ khoái. Cũng giống như nhà văn Thanh Quế, đồng nghiệp và đồng cấp với ông ở Đà Nẵng, thành phố mà khi tách tỉnh ông từ đó ra đi, đường “quan lộ” không hanh thông, cả hai ông hầu như suốt đời làm... phó, nên một số anh em trẻ bảo: Các ông ấy vào Nam đánh nhau từ hồi mình còn bé tí, đọc văn các ông ấy từ hồi còn trên ghế nhà trường, mà bây giờ cũng ngang các ông, thậm chí còn làm chủ tịch Hội. nhưng bù lại, các ông được nhiều người mến. Ngay cái đoạn cứ im lặng lủi thủi làm chả kêu ca kiện cáo gì quyền lợi mà lẽ ra mình được hưởng là đã đáng quý rồi. Đấy chính là nhân cách kẻ sĩ, là lòng tự trọng của những người có... lòng tự trọng. Ngay trong giới văn nghệ thôi, cái giới mà có nhiều người có lòng tự trọng nhất, là sẵn nhân cách nhất, cũng khối chuyện cười ra nước mắt. Có ông hết nhiệm kỳ cương quyết không chịu đại hội vì sợ mình bị... rớt khi bầu lại. Có vị rớt rồi thì không chịu bàn giao, vẫn hàng ngày đến phòng làm việc của mình... ngồi. Có bác trước khi về thì quậy một trận tưng bừng cho... vui. Làm hội là lo cho hội viên chứ anh nào mà âm mưu cầu lợi cho cá nhân là chết liền. Anh em văn nghệ sĩ rất lành và thoáng, nhưng nếu họ đã mất niềm tin, đã không phục thì dẫu có cơ cấu mấy cũng không thành. Vừa rồi đã có mấy hội văn nghệ địa phương đại hội, cơ cấu một đằng, hội viên bầu một nẻo, vì những cơ cấu ấy đầy cảm tính và những người được cơ cấu thì cũng đều có vấn đề để hội viên không phục. Cũng làm lãnh đạo, nhưng lãnh đạo hội văn nghệ vừa không có quyền vừa không có lợi nếu như anh là người mẫn cán, có tâm, có nhiệt huyết. Nhà văn Trần Đức Tiến ở Vũng Tàu, đã làm chủ tịch hội mấy khoá, vừa rồi dù vẫn còn tài, trẻ, khoẻ, uy tín... nhưng cương quyết xin rút không ứng cử để về nhà làm... nhà văn. Thực ra bây giờ sướng nhất là làm nhà văn mà lại chỉ phải... viết văn thôi. Tức là kinh tế của nhà văn đủ để không phải làm gì cả. Nhà văn Việt Nam hiện nay ít ai sống chỉ để viết văn. Họ đều có một nghề chính để hưởng lương, có thu nhập, còn viết văn là phụ, cho nên đòi hỏi sự chuyên nghiệp là rất khó. Cũng như thế, cái anh làm thơ, viết truyện sẽ ít phải đi hơn anh viết ký. Đi nhiều, vừa tốn thời gian, vừa tốn... tiền. Ngày xưa chỉ cần đeo cái ba lô, đến đâu cũng có thể được mời ngủ, mời ăn, còn được mời giao lưu đọc thơ, nói chuyện nữa. Bây giờ thì tự túc nhé. Tất nhiên vẫn không ngoại trừ những nơi, những người, quý nhà văn, chiêu đãi như hoàng đế. Đời sống khá lên, nhà văn cũng đỡ dụi dọ đi. Hồi nhà tôi còn ở cái phòng bé tí trong khu tập thể đã được mệnh danh là câu lạc bộ Văn nghệ sĩ vì ai cũng có thể và đều có nhu cầu ghé vào ăn ngủ miễn phí, trong nhà tôi lúc nào cũng có sẵn can rượu gạo (Thời ấy có câu: đế quốc Mỹ không sợ, đế quốc Pháp không sợ, chỉ sợ đế quốc... doanh, tức là rượu đóng chai của nhà nước), mỗi tháng có cái phiếu 5 lạng thịt thì toàn đi mua xương, vì nếu mua xương thì được 2 cân, vừa luộc vừa ninh vừa nấu cháo vừa băm nhỏ rang muối mời bạn nhậu và ăn cơm được mấy bữa, chứ nếu mua 5 lạng thịt thì chả đủ để làm gì? Nhưng giờ có nhà riêng, bia và thực phẩm đầy trong tủ lạnh, lại ít khách đến ngủ, vì nghèo thì nghèo vẫn đủ tiền ở khách sạn để mình tự do mà không làm phiền người khác. Tôi đi đâu cũng thế, ngày xưa thì chui vào nhà bạn ngủ, nó cười, vợ nó cười, con nó cười thì mình cười. Nó cáu, vợ nó cáu, con nó cáu thì mình cáu, nhưng nó cười mà mặt vợ nó hằm hằm còn con nó lại len lén thì... đố các bạn tôi cười hay tôi mếu... Còn bây giờ thì... chả dại. Rủng rẻng thì khách sạn sang, mỏng túi thì nhà khách, nhà trọ... Đi xuống làng xuống xã cũng chả đi bộ như ngày xưa nữa. Chỗ nào ô tô được thì ô tô, không ô tô được thì xe máy, không xe máy của mình thì xe máy ôm. Nhưng cũng nghịch lý là đi như thế mà không có tài trợ, chỉ trông vào nhuận bút thì chả cứ vợ con đói mà mình cũng đói... 

Đó là lý do dạo này ít ký công phu và hay chăng? 

          Ông Nguyễn Bá Thâm bảo: Nghỉ hưu, ông sẽ đeo ba lô về lại vùng Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn... những chiến khu ngày xưa của ông, nằm vùng và viết...
                                                                 Pleiku 30/9/2007
---------
Gửi Chú VCH
Chú Hùng ơi! Con đã đọc bài của chú viết về Ba. Zui dễ sợ. Hôm qua Mẹ điện vào bảo đã kiếm được mấy tờ VNT có đăng bài Chú viết về Ba, Mẹ cười mém bể bụng luôn, bảo Chú viết đúng ghê nhưng hình Chú chụp thì nom Ba hơi bị "ông già" đó. Con nghĩ vui mà cũng thấy thương cho Bố già của con quá.
Đúng là Ba chả biết gì về mấy vụ internet cả. Toàn là bài con lấy xuống cho Ba đọc ko à, bởi vậy Ba đâu có biết trả lời chú ntn, quá lắm thì lại xách di động lên fôn cho Chú thôi. Mà đến cả di động, Ba cũng chưa biết nhắn tin đâu, chỉ biết gọi và nghe, thế là nhất rồi đấy chú ạ. Giờ Ba đi Thanh Hóa dự Đại hội ngoài đó rồi. Khi nào Ba về, thể nào con cũng mở cái này ra cho Ba xem.
Chào Chú! Chúc Chú và gia đình mạnh khỏe! Hẹn sớm gặp lại!
Cẩm Hà ("quái" nữ của Bố Thâm)

2 nhận xét:

Hoà Bình nói...

Lại cảm động với bài viết này của bác như khi đọc “Mũ nồi Thanh Quế”, cám ơn bác. Viết ký ở Quảng Đà có một người nữa khá nổi tiếng là Trần Văn, với tác phẩm "Đêm Gò Nổi". Em cũng đã đọc "Hoa rừng" của cô Dương Xuân Quý. Bác Hồ Duy Lệ em từng nghe. Bác Thâm thì quả là bây giờ em mới nghe. Thưở còn học sinh em đã từng say mê "Đất Quảng" và "Sông Hương", nên đọc bài của bác về lớp người này thấy thân quen lạ.

Văn Công Hùng nói...

@ Hòa Bình:
-------
Cảm ơn bạn đồng cảm. Mấy hôm nay có kẻ chuyên vác bom đi thả lung tung nên mình phải để chế độ kiểm duyệt cm.
Hồi ấy Sông Hương và Đất Quảng là 2 tạp chí sang đấy.