Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

LÊ VĨNH TÀI VÀ NỖI HOANG MANG THI SĨ

Một hôm tinh mơ vừa ngủ dậy, tôi bật điện thoại, ngay lập tức một tin nhắn nhảy vào như đã chờ đâu đó từ khuya lơ khuya lắc từ một cõi nào đó xa lơ xa lắc: “Nguy quá anh ơi, dạo này em bị “chập”, làm thơ suốt đêm. Chết thôi, viết thế thì... tiền đâu mà in. Anh cho em “gửi” lên weblog của anh một ít nhé… Yêu anh”. Ấy là Lê Vĩnh Tài nhắn. Tên này nhắn bao giờ hai chữ cuối cùng cũng là “yêu anh”. Nhiều bà vợ có máu Hoạn Thư, liếc chập chờn thấy chữ này là tăng xông ngay, là phức tạp tình hình ngay, là… hoành tráng ngay.

 









          Mà quả là dạo này Lê Vĩnh Tài viết hăng thật, chữ cứ kéo chữ như những đàn kiến đen kịt màn hình, như quân Nguyên trong phim Trung Quốc. Sau “Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió” là “Vỡ ra mưa ấm”, sau “Lê Vĩnh Tài và liên tưởng”, là “thờ ơ thơ, Lê Vĩnh Tài”, rồi còn gi gỉ gì nữa, đầu tiên là thơ lẻ, sau là trường ca, có một cuốn lại đang gửi ở nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM (Tài rất quý bà Bích Ngân ở đây nên thường xuyên gửi gắm tác phẩm ở nhà này). Hắn viết nhiều mà chữ cứ nặng trĩu, lênh loang, đọc xong buồn ngấm như rượu. Hôm tôi gọi bảo chú thống kê cho anh xem đã in bao nhiêu cuốn rồi thì chính Tài cũng nhớ lộn. Mấy năm gần đây, gần như mỗi năm Tài ra một cuốn. Hắn được liệt vào số không nhiều nhà thơ trẻ tài năng hiện nay… 

          Xuất thân là học sinh giỏi toán, học đại học Y Khoa, nghe nói học cũng... được, nhưng học xong lại bỏ nghề, về mở tiệm buôn bán xe máy nối nghề bố mẹ. Từ một tiệm vừa là cửa hàng vừa là nhà ở, bây giờ thành chuỗi cửa hàng tại thành phố Buôn Ma Thuột và còn bành trướng xuống mấy huyện nữa. Cũng có đầy đủ tố chất ngang tàng, thậm chí… láu cá của người buôn bán, nhưng lại cũng rất trượng phu, quân tử và cũng thường hay xúc động vặt của dấu hiệu thi nhân. Tôi đã một lần đứng ở cái cửa hàng bán xe máy của Tài và mới thấy cái áp lực công việc nó khủng khiếp đến thế nào. Luôn chân luôn tay luôn miệng luôn tai từ lúc mở cửa hàng đến khi đóng cửa. Mà đóng cửa cũng chưa xong, ấy là lúc kết toán sổ sách, nhận thông tin từ các cửa hàng, đếm tiền… Phải 10, 11 giờ mới nghĩ đến… thơ. Y kể có đêm thức vò võ đến sáng. Muốn ngủ cũng không được, vì cứ chuẩn bị đóng máy lại một câu thơ vọt ra, cứ “vọt” như thế cho đến sáng. Trong những cái đêm dằng dặc với thơ ấy, sự cô đơn khủng khiếp đến mức nào. Lúc làm thơ là lúc thăng hoa tột bậc, lúc ấy nhà thơ như người thoát xác, cũng may phần lớn thơ làm nhanh, chỉ một vài tiếng là xong, hoặc là tạm xong, con người lại trở về trạng thái bình thường, chứ không thì có mà điên, có mà người thành bóng. Thế mà Lê Vĩnh Tài hàng đêm đều đều ngồi viết trường ca kéo dài như thế thì kinh thật. Sáng ra vẫn rất tỉnh táo chứ không có biểu hiện… dở người, IC nhúng nước, không lơ ngơ như.. trâu Đồ Sơn thua trận… 

          Hồi Huế làm cái Festival thơ, ăn theo Festival Huế, Lê Vĩnh Tài bay ra Huế đọc thơ. Một cái nhà lục giác giữa công viên Đại học sư phạm bên bờ sông Hương thơ mộng, mấy cái ghế, các nhà thơ trẻ ngồi xếp hàng và thay nhau đọc. Tôi thấy có Trần Tuấn từ Đà Nẵng, Lê Vĩnh Tài từ Buôn Ma Thuột, Phạm Nguyên Tường, Đông Hà… của Huế. Đến lượt Tài, y đọc… trường ca. Y như lên đồng, thuộc làu làu cái trường ca không hề ngắn, đọc bằng một cái giọng rất liêu trai, câu nọ díu vào câu kia dắt người nghe không kịp thở, không kịp qua đường. Tôi cũng không hiểu những người đang đứng khoanh tay nghe, những người đang đi lại, những người đang nói chuyện như cãi nhau ở dưới, có ai nghe Tài đọc thơ không? Hôm ấy hai người đọc thơ ma mị nhất là Tài và Trần Tuấn và theo nhận xét của tôi, những người chăm chú nghe nhất là mấy ông bà tây ba lô. Họ cứ đứng, ba lô trên vai và im lặng nghe. Có lẽ đây là minh chứng sống động nhất của tuyên ngôn thơ không cần dịch nghĩa, thơ không biên giới, thơ âm thanh… Mà quả thật, thơ Tài ăn ở cái độ rung đến tận cùng của cảm xúc, của chữ, dù có nhiều khi nó cứ dắt dây cà ra muống, nhưng những cái dây ấy nó run rẩy, nó đắm say và mong manh, như rất dễ vỡ, như đang cầu cứu điều gì, đầy bất trắc nhưng lại cũng khiến người đọc bị hút đi trong cơn hoang mang lạ lẫm. 

          Thơ Tài là thế, sau mỗi câu, mỗi chữ là hun hút một cái gì rất khó tả. Như một cơn mộng du bất tận, Tài dẫn dắt cảm xúc lang thang trong thế giới của riêng anh. Đọc vào trong ấy, ta bị kéo đi trong một miên man mê đắm, trong một khắc khoải bồng bềnh, như mây trắng, như hơi rượu, như nụ hôn và cả như hổn hển cơn yêu vừa dứt, vời xa diệu vợi mà lại gần gũi thân quen... Khác các nhà thơ trẻ hiện nay, thơ Tài hiện đại nhưng không tỉnh táo quá, lạnh lùng quá, rạch ròi, thông minh quá, thơ anh vẫn giữ được cái đằm thắm của cảm xúc, cái rưng rưng đến xốn xang của câu chữ khi được đặt đúng tâm của những ý nghĩ bất chợt. Có lần tôi đọc một bài thơ của Tài, thấy có câu: Ngọn núi nào Vũ Dy, tôi tưởng là Tài nhắc đến người bạn thân tài hoa của mình là Vũ mới mất, và như thế, câu thơ phải là: Ngọn núi nào Vũ đi. Tôi sửa. Nhưng không phải thế, Vũ Dy lại cũng là tên một người bạn khác của anh. Cái cách lôi tên người vào thơ mình tồng tộc như thế té ra lại rất ngọt và dễ nhớ. Lang thang Tây Bắc, hắn viết: Sông Đà của Nguyễn, bây giờ của Như... Ngoài đời, trông Tài cũng ngầu lắm. Đầu cua, cưỡi con mô tô to vật và luôn luôn bận rộn, trong cả những cuộc nhậu và gặp gỡ bạn bè. Thế mà trong thơ chàng mong manh và yếu đuối thế: Xin được chọn giữa muôn ngàn cách lựa/ Câu thơ con chạm đời mẹ nhọc nhằn/ Gốc đa mẹ xin vẫn nguyên cổ tích/ Tuổi thơ con vẫn vằng vặc đêm trăng./ Xin man mác một trưa hè bé bỏng/ Mẹ ầu ơ... con mê ngủ bao giờ/ Xin quỳ lạy cơn mơ nước mắt/ Con lăn mình qua chỗ ráo câu thơ. Thường là thế. Trong thơ người ta thể hiện mình rõ nhất. Còn ngoài đời, chỉ là một cách xù lông xù cánh để che đi tâm trạng bất an, nỗi cô đơn thường trực của người thơ mà thôi. Các nhà thơ truyền thống thường nhìn dáng mà biết họ là nhà thơ, còn các nhà thơ trẻ bây giờ, nhìn họ nẹt bô rú ga, phăm phăm tốc độ, thông minh sắc sảo lạnh lùng trong ứng xử... lẫn vào tốc độ cuộc đời, không phân biệt được ai với ai, chỉ khi nào họ dúi vào tay ta một tập thơ, thường là in rất đẹp và hiện đại, bảo ta đọc, và ta vừa cầm vừa nghi ngại để rồi bị thu phục dần dần, thì ta mới biết họ là nhà thơ, cũng vô cùng đa cảm, vô cùng yếu đuối, dù lấp lên phía trên ấy là những cách tân câu chữ, thi pháp... Thơ Tài đây: Tìm chi, tìm chi.../ ha hả tiếng cười/ Hút tầm mắt mộng du dĩ vãng/ Tưởng nổi trôi đến chừng bạt mạng/ vẫn trong veo chén rượu đêm này./ Thôi đừng say/ đừng say/ nheo con mắt nhớ mới hay mình buồn/ Mưa đừng tuôn/ đừng tuôn/ đêm sâu chới với tiếng chuông bất ngờ./ Mốt mai/ xin chớ bao giờ/ Trong veo nước mắt/ đổ ngờ là say. Và đây nữa: Ta đã qua những đêm hoang vu/ Đến bao giờ ngủ bù cho Hà Nội/ Ngủ bù cho đêm nằm tưởng tượng hương hoa sữa/ Tưởng tượng vị sấu ngâm/ Tưởng tượng em/ đến sáng còn thèm. Cái cách đặt người đọc vào một tư duy tưởng như mạch lạc nhưng lại rất mơ hồ mộng mị để rồi cứ ám ảnh mãi một câu thơ đẫm nước mắt, mà cũng chả biết có phải nước mắt không: Nỗi đau như dòng nước/ mắt hay là mưa ngâu tạo nên những dự cảm trong thơ Tài, cứ mang mang như những hoài vọng về phía nào xa xôi lắm, thánh thiện lắm. Phía ấy, có những cơn mơ gẫy khúc, có những ý nghĩ về hoa cúc dại, hoa Yên cơ, hoa quỳnh, có một nàng công chúa, bất tận những cơn gió và cả những nỗi buồn: bay vào thế giới/ không nhìn ly rượu hàng ngày người con gái ngang qua nhăn mặt/ như chiếc gai dẫm lên trái tim người / này Vũ,/ hạnh phúc từng ngụm nhỏ/ nó lâu hơn cuộc sống của chúng ta/ chúng ta không chạy đuổi nó/ chỉ thỉnh thoảng Vũ ném nó lên mặt nước tạo những vòng tròn/ không có hình thù/ như một phán quyết/ khi mọi người lên án chúng ta/ chúng ta nhặt những mảnh vỡ này/ mở mắt biết mình đang sống/ tháng ngày bám gót như tên cơ hội/ vùng vẫy cũng chỉ vũng lầy/ làm người chèo đò/ ngạt thở với mái chèo đã gẫy/ xung quanh toàn người là người/ lúc nào cũng nghe ngóng, câm nín và dẫm đạp/ làm đôi khi mắt chảy máu/ giống như không phải rơi xuống/ mà hơi nóng mù loà/ không phải tan chảy/ vết bỏng bây giờ rộp da/ một khối u làm ta hèn nhát/ không dám tin cái chết nảy mầm qua một lỗ thủng/ như ổ gà trên mặt đường PMU18/ mọc ra đứa trẻ như nấm sau mưa/ xoè hai bàn tay/ hỡi trời/ chúng đã thấy/ vết bỏng lại vết bỏng/...

          Mới hay, dù gì đi nữa thì cảm xúc trong thơ vẫn không bao giờ thời thượng hoặc giả dối thương vay khóc mướn được. Nó chỉ là một thứ duy nhất trong veo tự trong sâu xa của mỗi phận người mà tiết ra, nhỏ ra, như con yến huyết chắt máu mình ra làm tổ, hoặc lặng lẽ như con đom đóm tự đốt mình làm một đốm sáng giữa đêm mưa.

          Đọc thơ Lê Vĩnh Tài thấy nỗi khát khao tâm giao, sự thuỷ chung với những tên người tên đất khá rõ. Tài có tài làm cho người đọc phải chung cảm nhận của mình, vì thế tên tiêng bạn bè của mình được Tài nhắc khá nhiều, đương nhiên như tháp Epphen, như sông Nin, như cây như cỏ: Mà không, chỉ ba phần lênh đênh cho bảy phần nũng nịu của Tôn Nữ khi đòi anh dắt xe lên dốc núi cao dựng đứng ra về, để lại ba phần cằn nhằn của tôi và bảy phần im lặng của Nguyên Hương. hoặc: Thôi đi Vũ tụi mình không rượu nữa/ những câu thơ ta đã viết cho người.../ Thôi đi Vũ tụi mình không rượu nữa/ Con ngựa đau bỏ cỏ đã lâu rồi....

          Trong một tin nhắn gửi tôi, Tài bảo: Buồn và cô đơn. Tôi hiểu nỗi buồn và cô đơn ấy ở gã thi nhân này. Về đêm, bao nhiêu bộn bề lắng lại, một mình chìm vào mình, và bóng mình in trên tường. Cô độc. Mà lúc ấy lại chả có thằng bạn nào có thể rời khỏi nhà để mà chia rượu. Kiếm ăn thì cũng đến thế rồi. Mà Tài lại không mê tiền như những kẻ khác. Nếu chỉ mê tiền, khi có tiền thì đấy là hạnh phúc, người ta sẽ thấy mình có tất cả, và đủ đầy, và hân hoan sung sướng. Đằng này làm ra tiền nhưng lại không mê tiền. Thi thoảng có khách, anh em văn nghệ Đăk Lăk cũng vô tư “bán cái” cho Tài. Gã tiếp hết, nhưng trong bụng nhận xét rất tinh từng người, dù lúc ấy cứ nhũn chi chi coi ai cũng là “vua” còn mình là “nô tài”, là “thảo dân” hầu hạ. Những câu nhận xét của Tài rất kiêu, nhưng cũng lạ, ai đã một lần tiếp xúc đều muốn gặp lại lần nữa, và rồi thân nhau…


          Tài bảo, y làm thơ là do duyên số gì đó chứ hồi nhỏ có học hành văn chương gì đâu. Nhưng mê thơ thì số một. Mê miết, theo miết đến giờ đã bảy tám tập thơ (trong đó có 2 tập trường ca). Lại bảo: in xong tập này (tập thứ 8) có khi em... hưu luôn không biết chừng? Ngoài thơ, Tài viết tùy bút cũng rất hay, hay như… thơ. Tôi đọc hết các tùy bút viết sau mỗi chuyến đi của Tài và cứ luôn ngạc nhiên: Chỗ ấy mình đến rồi, chuyện ấy mình biết rồi, vấn đề ấy mình nghĩ rồi… mà sao không ra cái việc như thằng cha này viết. Nó cứ tưng tửng như không mà đầy phát hiện lý thú. Có lần tôi xui: Chú in tập tùy bút đi, hay đấy. Tài cười: Em thích làm thi sĩ hơn, dù in thơ ra không bán được. Thời gian biểu của em là bán hàng suốt ngày và làm thơ suốt đêm, dù thế em cũng không biết mình có phải thi sĩ không nữa?... 
------------
Hì hì bài này viết từ... 2007
          Không biết mình có phải thi sĩ không nữa? Cái nỗi hoang mang đầy thi sĩ của Lê Vĩnh Tài…

6 nhận xét:

nhatrang nói...

Mấy ngày này em vô quechoablog.wordpress.com mà vẫn ko vô được nhà bọ Lập là sao anh nhỉ? Rảnh anh chỉ giúp cách vô với. Cảm ơn anh trước

Văn Công Hùng nói...

@nhatrang: bên tay phải, mục bài mới nhất, có bài Nhà văn Nguyễn Quang Lập nhờ nhắn, bạn vào đấy, có lin dẫn leo thang đấy. chúc bạn thành công nhé.

nhatrang nói...

Vô được rồi anh ạ. Tuy nó phức tạp chút nhưng cuối cùng vô được là tốt rồi . Cảm ơn anh nha

Ảo vọng nói...

Bài này tại hạ đọc rùi. Nhà thơ mà đi "tán" nhà thơ thì không còn câu gì so sánh hay cho bằng câu: " mèo khen mèo dài đuôi" ( hihi ). Nhưng phải công nhận bố Hùng "tán" hay ! Ngẫm nghĩ về con người nói chung đã khó, về cái anh văn chương càng cực kỳ khó. Mỗi anh đều là một hành tinh riêng, một dãy ngân hà riêng... hay nói gọn lại là một ông trời con, hiểu cỡ nào cũng bảo chưa hiểu hết, thậm chí không bao giờ hiểu nổi ta đâu .Hehe, hichic...

Nặc danh nói...

Bác Hùng dạo này lại viết văn hay hơn thơ mới chết chứ !! nghi lắm.

Nặc danh nói...

Bác Hùng dạo này lại viết văn hay hơn thơ mới chết chứ !! nghi lắm.