Là
thế hệ làm thơ từ những năm còn chiến tranh phá hoại ở một vùng đất sản
sinh ra rất nhiều nhà thơ tài năng của đất nước là Quảng Ninh, tên Phạm
Doanh thời ấy được gắn với những nhà thơ nhà văn công nhân cùng với
những Trần Nhuận Minh, Yên Đức, Đào Cảng, Lý Biên Cương... Thời ấy ông
viết như một kẻ lãng tử, thoắt ẩn, thoắt hiện, nhưng đủ găm vào lòng
người đọc yêu thơ một Phạm Doanh hừng hực khát khao mà lại thông minh dí
dỏm, một Phạm Doanh thô mộc mà dạt dào cảm xúc, sự tinh tế bay bổng đi
liền với cảm quan bộn bề đời sống... Có thể nói đến Phạm Doanh thơ VN
bắt đầu "công nghiệp" hoá rất nhiều với những panen, giàn giáo bay lưng
chừng trời trong thơ ông. Những ống khói, xà lan ngỡ chỉ có thể tìm được
chỗ trong văn xuôi, trong thơ Phạm Doanh vẫn cứ ngọt ngào... "chính nơi đây tôi đã hạ ben/ ben rơi vào thiên nhiên/ vô tư như bàn tay con trẻ...", những con người thời chiến ngày đó không chỉ có "đánh Mỹ" mà còn ngổn ngang những công trình xây dựng cho ngày mai "ôi những đường dây căng tựa dây đàn/ đang rung lên trên phố trên làng/ trên những cung đường oằn trong bom nổ..." Có lúc ông độc vận "khói nhà máy của tôi/ thở ấm một vùng trời/ buổi sớm lên cao vời/ mưa bụi khói tan rơi..." với cuộc sống riêng "
con ta mới vừa sáu tuổi/ đã ăn măng trúc măng mai..." "bởi chưng mình
đã hẹn nhau/ sống cuộc đời nơi lán tạm/ mùa mưa gió tung mái lán/ đặt
con dưới vòm ni lông...". Những câu lục bát về bê tông "em hờ hững suốt mùa đông/ khi hai đứa đổ bê tông phần chìm...", có lúc "em đi xe vữa đường trơn/ thương em anh xúc đầy hơn bạn bè..."
ngày ấy đã thành một dòng "lục bát công nghiệp" (chữ của Chế Lan Viên)
thành một kỷ niệm đẹp cho đời thơ của ông. Tập thơ "Xứ đầu tiên" của ông
in năm 1974 được giải thưởng cao nhất về đề tài văn học Công Nhân của
Hội nhà văn Việt Nam và Tổng Công Đoàn VN (tên thời ấy của TLĐLĐVN bây
giờ) cũng là... một hiển nhiên (với ông). Giải thưởng là một bộ veston
và 300đ đủ cho ông một chuyến vi vu Hà Nội gặp gỡ những thần tượng văn
chương một thời... Rồi giải thưởng văn nghệ Hạ Long năm 1983. Thời ấy,
chỉ một tập thơ là đã nổi tiếng lắm rồi, mà lại được giải thưởng nữa thì
còn gì bằng. Người ta vẫn xếp các ông vào lứa các nhà thơ chống Mỹ, lứa
nhà thơ hừng hực tư cách công dân hoà quyện trong cảm quan nghệ sĩ làm
nên một diện mạo văn chương tài hoa mà sôi động, thăm thẳm những mạch
nguồn mà cũng bộn bề dư âm đời sống...
Thế rồi bẵng đi, không thấy ông sáng tác nữa. Cái tên Phạm Doanh nhiều
năm mất hút trên văn đàn. Rồi đột ngột lại thấy ông xuất hiện ở Đăk Lăk
với cương vị... cán bộ hội Nông Dân tỉnh. Một anh nhà thơ xuất thân là
cán bộ ngành xây dựng giờ được giao làm... Hội nông dân thì cũng lạ.
Nhưng phòng tập thể của ông thì dập dìu các văn nhân thi sĩ nên không
lâu sau thì tỉnh Đăk Lăk "ngộ" ra và ông được điều về tham gia thành lập
Hội Văn học Nghệ thuật và đắc cử phó chủ tịch của Hội, tổng biên tập
Tạp chí Cư Yang Sin khoảng trên chục năm cho đến khi về hưu, cũng đã ba
bốn năm rồi.
So với Phạm Doanh thì tôi là kẻ hậu sinh cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Và
vì thế, tôi luôn nhìn ông bằng con mắt kính trọng. Được chơi với ông rất
thú, và may mắn là ông lại coi tôi như bạn vong niên. Té ra bên trong
cái con người lòng khòng tưởng như khô khan và cu cũ kia là một tâm hồn
rất nhạy cảm phóng khoáng, đậm đặc chất... thi sĩ. Ông có lối kể chuyện
rất nghiêm trang mà lại rất hóm, đặc biệt là chuyện tiếu lâm Nga, ký ức
một thời công tác cùng các chuyên gia của ông. Trên chuyến xe chung từ
Nha Trang về Buôn Ma Thuột, ông đã làm chúng tôi cười nghiêng ngả về
những câu chuyện tiếu lâm bất tận của mình. Xen vào đấy là những nhận
xét rất xác đáng về văn chương, về cuộc đời với một sức đọc rộng và sâu
sắc. Ông say sưa nói về mỹ học, về các trào lưu văn học Nga, về triết
học... những điều mà bây giờ ít người nhắc tới cũng như biết tới vì
lười, không đọc. Cũng như các thi sĩ khác, ông cũng hay đãng trí rất
đáng yêu. Nhớ hồi Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức đại hội lần thứ
nhất cách đây hơn hai chục năm, ông thay mặt hội Đăk Lăk sang dự, chả
biết nhìn giấy mời thế nào mà sang trước chẵn... một tuần. Mà có phải
mình ông đâu. Cả nhạc sĩ Nguyễn Lưu và lái xe nữa là 3 người. Biết nếu
mà để ông về thì sẽ không có điều kiện sang nữa vì hồi ấy xe cộ đường xá
đều khó khăn, xăng đổ cho xe chạy càng khó hơn nữa, chúng tôi cương
quyết giữ ông lại... "chơi". Một tuần vừa lo chuẩn bị đại hội, vừa đàn
đúm với ông, mệt mà vui, và trở thành kỷ niệm trong đời văn. Sau này thi
thoảng ông vẫn kể lại cái thuở chúng tôi quen nhau ấy. Lại có lần chúng
tôi vào thăm một người bạn bị ung thư giai đoạn cuối, bụng đã tướng lên
rồi, và cứng ngắc. Trước khi vào tôi nói với Phạm Doanh rằng ông này bị
ung thư nhưng gia đình giấu, nói là bị áp xe gan, chữa khỏi. Thế nhưng
vào ngồi một hồi ông tông tốc nói về... ung thư. "Anh yên tâm, ung thư
như anh tôi gặp rồi, cũng phải vài ba năm mới... chết. Thằng bạn tôi bị
năm kia, mãi đến đầu năm vừa rồi mới đi. Thằng Văn Công Hùng nó hẹn rồi,
anh chỉ bị ung thư nhẹ...". Tất nhiên là bà vợ ông ung thư dựng đứng
tóc còn ông ung thư thì ngồi lặng đi và sau đấy ông suy sụp hẳn.
Tập thơ "Ấy là tôi" được giải thưởng của UBTQLHVHNTVN mang đậm dấu ấn
Phạm Doanh. Nó là sự chiêm nghiệm đầy từng trải, là những suy nghĩ chắt
ra một cách kỹ lưỡng và có phần khó khăn từ chính cuộc sống vừa lãng tử,
vừa chật vật, vừa nông nổi, vừa sâu sắc của ông khi vào quê mới Tây
Nguyên. Chả thế mà ông in rất ít, nhõn hai tập cho đến giờ. Và cũng vì
viết ít in ít nên mãi đến năm 2001, khi đã bước vào tuổi lục tuần, ông
mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, dù rằng, lẽ ra việc này phải
diễn ra từ trên hai chục năm trước, dù rằng khi ấy ông đã... nghỉ viết
cả chục năm rồi. Khi thấy quyết định gửi về ông đã cười ha ha bảo lúc
người ta đang viết thì chả kết nạp, giờ chả viết được nữa thì lại kết
nạp. Bây giờ, ông vẫn viết rất ít, thậm chí là... không viết, dù tôi
biết, ẩn phía sau cặp mắt sâu hun hút kia là những quan sát tinh nhạy và
tư duy bung phá. Đây là bài thơ "Tự bạch", một cách ông vẽ mình trong
tập "Ấy là tôi": Trong thế giới đàn ông tôi là kẻ yếu hèn/ Không dám
sống mà cũng không dám chết/ Để trái tim suốt đời mỏi mệt/ Trả giá yêu
thương bằng những buồn đau./ Chất men đời ngây ngất của tôi đâu/ Nguồn
cảm xúc thi ca và thiếu nữ/ Bình rượu quý vợ tôi đạp vỡ/ Dù biết bên
trong rượu cũng cạn rồi./ Nàng rót vào cơn khát của tôi/ Những ly đắng
cay những ly mặn chát/ Mà thiên hạ cứ nghĩ là rượu thật/ Cứ ngỡ tôi say
khướt đêm ngày./ Tôi đã từng để vợ gối đầu tay/ Rồi gắng chịu nỗi âm
thầm nhức mỏi/ Vờ tặng vợ những lời ca ngợi/ để thấy niềm vui trong mắt
các con mình... Còn đây là bài thơ ông viết tặng bạn mình, nhà thơ
Yên Đức, như một định mệnh, nhà thơ Yên Đức vừa mất đột ngột cách đây
vài năm mà bài thơ này ông làm cách đây trên chục năm: Những khi nếm
mật, những lúc nằm gai/ Nếu không có bạn, mình sống với ai?/ Biết để
vào đâu những điều tâm huyết?/ Bước chân mỏi mệt lắc lơ đường dài./ Mà
giờ ai đâu bạn của tôi ơi/ Cái tuổi chăn trâu sao mà xa vời/ Bạn thuở
công trường, bạn thời trận mạc/ Kẻ thành xa lạ, người cát bụi rồi./ Có
khi đắng họng một hớp rượu ngon/ Thương cho người mất, giận cho người
còn/ Nhớ bạn muốn khóc, lại không nỡ khóc/ Biết mình đang sống giữa vợ
và con...
Ông sinh tại huyện Thuỷ Nguyên thành phố Hải Phòng, trưởng thành ở
Quảng Ninh, giờ trở thành một thi sĩ của Tây Nguyên. Ông đã từng là đại
biểu hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Lăk. Ông khoe tham gia hội đồng được đi
nhiều, một nhu cầu thiết thực của nghề cầm bút. Những công việc sự vụ,
những chuyến đi, những câu chuyện bất tận về văn, về đời, cả những băn
khoăn cơm áo... găm vào ông, và đọng lại trong ông, như khi nhấp một
ngụm rượu ngon, dư vị ngọt ngào cứ chầm chậm lan trong máu...
Ở Đăk Lăk, Phạm Doanh là người có công đào tạo ra một lứa nhà văn nhà
thơ trẻ những năm 80 bằng cách cặm cụi đóng những cuốn sổ bằng bàn tay
và nắn nót chép theo trí nhớ những Hoàng Cầm, Quang Dũng, Bích Khê,
Nguyễn Nhược Pháp, TTKH... để gieo vào lòng những cô cậu học trò đang
thuộc lòng Tố Hữu, Hoàng Trung Thông... thêm nhiều chân trời khác. Những
ngày tháng bao cấp xa xưa đó Phạm Doanh xuất hiện trong những đêm thơ ở
Buôn Ma Thuột với "em ơi thử đếm mấy Nguyên Tiêu..." như một chàng
hoàng tử khiến nhiều em chết mê chết mệt. Thế nhưng trong đời sống thật
thì ông lại rất lơ ngơ. Được tỉnh bán cho một lô đất rất hoành tráng,
nghe bạn xui ngon xui ngọt, ông đổi quách chui vào một cái làng ngoại ô
heo hút để bây giờ bạn bè ở xa muốn tìm vào nhà thăm ông phải nhờ người
sở tại dẫn vì nó chả có tên đường số nhà gì cả. Điện thoại di động
không, internet không. Bây giờ ông một mình ở nhà trông cháu và xem tivi
như một... ông già thứ thiệt. Cũng nhiều lúc ông làm người đối thoại
bực, ví như thấy ai ông cũng... chê. "Thằng ấy hồi tao viết thì nó còn
thò lò mũi, thế mà giờ nó dám... vỗ vai tao", hoặc "Thằng ấy viết nhạt
hoét mà thấy tao mặt cứ vác lên"... Giá như ông cũng nghĩ rằng "thằng
ấy" nó đang nghĩ rằng: lão này mấy chục năm chả viết lách gì nữa mà vẫn
là... nhà thơ à?
Về
sức khỏe và khoản thu hút chị em, hai ông này có thua nhau không nhỉ?
(ông bên cạnh là vua voi và là vua... vợ Ama Kông đấy ạ. Đã có một
entry hoành tráng về ông này)
Vẫn biết, viết là gian khổ lắm, nhưng dù thế, bạn đọc vẫn mong Phạm
Doanh sung sức như ngày nào, tiếp tục hiến cho đời những bài thơ hay.
Một trong những chức năng cao cả của thơ là lưu giữ ký ức. Sẽ chẳng ai
và chẳng bao giờ quên được ký ức, ký ức một người thơ đã từng tự hát
"đời anh là những bài thơ/ chưa bao giờ nghĩ bao giờ của em..." Mà đôi
khi tôi vẩn vơ tự nghĩ: biết đâu im lặng cũng là một cách của ông, khi
hoa đã tàn, rượu đã nhạt, lòng đã nguôi. Một đời thơ, thi sĩ nào chả có
lúc nước mắt chảy vào trong...
----------
----------
2 nhận xét:
Cám ơn nhà thơ cho đăng lại bài viết, có lẽ để mừng thọ PD 70 tuổi . Với tư cách "tư lệnh vùng" VCH nên đề nghị Hội Nhà văn nên tổ chức mừng thọ cho các nhà văn ở địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa, chớ sao chỉ mừng thọ các nhà văn ở Hà Nội thôi ?
Nhớ anh giai quá. Phạm Doanh à!
Đăng nhận xét