Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

NGƯỜI UỐNG HỒN HOA TRẮNG

Nhiều lúc cứ lẩn mẩn tự hỏi: Đến năm 76 tuổi thì mình sẽ như thế nào nhỉ? Và trả lời ngay, nó đây, tay run, đầu gối lập cập, nói lảm nhảm, uống nước nước rơi, ăn cơm cơm vãi... hehe, nghe thảm thương con ễnh ương quá.

Hôm rằm ra Văn Miếu ngắm thơ, gặp đông các đại ca lắm, trong đó ấn tượng nhất là đại ca Vân Long. Ông Vân Long năm này tròn 76 tuổi, thế mà chao ơi, đứng bên mình và Trần Sĩ Tuấn, BS Nhà thơ, TBT Báo Sức khỏe Đời sống, trông ông còn... phê trai hơn mình. Mắt nhanh như điện, các loại... chân thẳng tắp, không run. Kính trọng bác Vân Long và chúc mừng bác hoành tráng tuổi 76 bằng bài này. Và nói nhỏ luôn, bài này đang... chờ bán.
-------------------
 
NHÀ THƠ VÂN LONG VỚI BẠN VĂN
VĂN CÔNG HÙNG
       Tôi đọc say sưa một mạch tập Những người..."rót biển vào chai" của nhà thơ Vân Long. Phần lớn những chân dung mà ông viết trong ấy tôi cũng đã từng, hoặc là biết, hoặc là đã đọc, hoặc là thân thiết... nhưng đọc những gì ông Vân Long viết vẫn thấy thú, vẫn thấy mới, và vì thế mà tôi mới lia một đêm xong gọn hai trăm năm mươi trang sách. Những là Tản Đà, Thanh Châu, Tô Hoài, Huy Cận, Hữu Ngọc, Anh Thơ, Trần Dần... đến Ngô Quân Miện, Quang Dũng, Phan Kế An, Vũ Cao, Sao Mai, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Trần Hoàn, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Bùi Vợi, Hòa Vang, Trịnh Thanh Sơn... toàn là những tính cách và cả con người "đại tráng" hiện lên mồn một dưới ngòi bút nhẹ nhàng đôi lúc hóm hỉnh của Vân Long. Ông viết về họ bình dị và gần gũi chứ không ngoa ngoắt hoặc phóng đại như một vài người khác, và vì thế mà các chân dung bạn văn của ông cũng trong sáng như cách nhìn của ông về họ.  Trước đó, khi chưa gặp Vân Long, tôi đọc thơ và hình dung ông đúng như những gì gặp ông sau đó. Đấy là một người hiền lành, tốt bụng, nhỏ nhẹ, tinh tế và sâu sắc. Thì cái cuốn Những người..."rót biển vào chai" ông vẫn viết với cái lối như vậy. Nó từ tốn, khoan thai và tinh tế. Cái cách ông thể hiện là của một người luôn nhường nhịn và chiều chuộng bạn bè. Ngoài đời cũng thế, ông chia sẻ và từ tốn trong tiếp xúc chứ không cậy cây cao bóng cả mà khệnh khạng. Tiếp xúc với ông thấy ngay là một cốt cách Tràng An chuẩn. Nhiều người bây giờ rất hay nhận mình là người Hà... Lội gốc, trong khi ông, khi đã thân thân rồi, bảo với tôi: Mình và Hùng giống nhau là đã từng tha hương. Mình có một thời gian dài sống và làm việc ở Hải Phòng. Thì ra ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đã từng là một cây vĩ cầm trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, sau đó về Hải Phòng công tác theo điều động trực tiếp của Bộ Văn hoá do ông Trần Hoàn khi ấy là giám đốc sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng đề nghị.

       Một chiều cách đây dăm năm, một cú điện thoại của ông Vân Đình Hùng. Ông này là một người cũng rất lạ. Là kỹ sư nhưng lại rất thích chụp ảnh, bình thơ và rất hay chơi với anh em văn nghệ sĩ, dù là chơi rất kén. Ông này yêu quê đến mức cứ ngồi với ông đến phút thứ 10 thì ông lôi quê ra kể. Ngồi chừng hơn tiếng thì ông vạch kế hoạch... ăn. Nhưng phải là ăn món của quê ông, do ông trực tiếp hoặc điều đàn em nấu. Quê ông chính là làng Vân Đình nổi tiếng với món vịt cỏ và món chó đâu như đến mười ba món. Và yêu quê nên ông lấy Vân Đình là họ và lót cho mình. Thì Vân Đình Hùng điện, bảo chiều nay chú đến đấy đến đấy, anh cho chú gặp một... đặc sản. Cái món đặc sản mà ông Vân Đình Hùng đãi tôi chiều ấy trước hết là nhà thơ Vân Long, sau đấy là một bữa tiệc Vân Đình, cả món nhắm và món... kể. Hơn bảy mươi tuổi mà ông Vân Long và Vân Đình Hùng đi xe đò từ Hà Nội vào Pleiku. Tất nhiên xe chất lượng cao bây giờ rất xịn, nhưng nghĩ cái cảnh ông già bảy mươi tuổi ngật ngà xoay trở trên xe một ngày một đêm mà ái ngại. Thế mà ngược lại, ông khỏe như không. Và rất vui. Mới đến lúc trưa, buổi chiều gặp nhau, ông như là người đã ở Pleiku từ lâu lắm. Chúng tôi kéo nhau đi chụp ảnh hoa cà phê, lang thang chiều ngoại ô Pleiku ở nhà một người em Vân Đình Hùng.

                Nhà thơ Vân Long và nhà văn hóa Hữu Ngọc

       Thì ra là Vân Long rất hóm chứ không chỉ lành như tôi tưởng. Ông kể ở Hà Nội ông có một nhóm bạn chuyên bia với nhau vào các buổi chiều, những là Phan Kế An, Thanh Châu, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện... toàn bậc cao niên, là đàn anh Vân Long, và nhóm này có tên là nhóm KAMA- dịch là "không ai mời ai"- Gặp nhau kêu thức uống thức ăn, xong của ai nấy trả, đúng kiểu... Mỹ. Thế nhưng thực ra là cái nhu cầu "Ngồi", nhu cầu gặp nhau nó lớn chứ chính Vân Long tự trào cái nhóm KAMA của mình: Hội bia năm tháng giãi dầu / sắc bia dần chuyển sang màu... nước cam. Sau này có thêm mấy người trẻ hơn nhập nhóm như Trịnh Thanh Sơn, Hòa Vang, Vân Đình Hùng... là những tay bia thứ thiệt, thì hai bác đã về cõi cùng với căn bệnh ung thư. Trịnh Thanh Sơn là tác giả của mấy câu thơ nổi tiếng: Một cộng với một thành đôi/ Anh cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà em không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai. Và Vân Long thì vẫn thế, cường tráng nho nhã, lịch thiệp từng trải. Ông vẫn đi rất nhiều. Thi thoảng thấy mail: Tớ đang ở Phòng, ngày mai thì lại: Mình đang Thượng Hải... thế mà ông vẫn đang làm hợp đồng cho một tờ báo của Bộ Y Tế (Trước đấy ông làm biên tập viên thơ ở Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn và đã về hưu... 14 năm nay).

       Hồi vào Pleiku, ông tranh thủ đi thăm thú Tây Nguyên bằng... xe máy do Vân Đình Hùng chở, lên Kon Tum thì đi xe ôm do nhà thơ Tạ Văn Sĩ thồ. Trai bảy mươi mà cứ ngồi sau xe ôm gập ghềnh hàng trăm cây số thế thì cũng khiếp. Trong tập Những người... "rót biển vào chai" có bài ông viết về nhà văn Sao Mai. Thì ông lên trang trại nhà ông Sao Mai cũng bằng xe máy, cũng do ông Vân Đình Hùng chở, mà quãng đường đâu có ngắn, hơn trăm cây số. Đi lên dí dủm với bạn văn về, ông viết một bài cũng rất dí dủm, nhất là cái đoạn kể ông Sao Mai xoay sở ra sao với một lúc ba bà ở ba địa điểm. Tôi đọc và hình dung cái cười tủm tỉm của ông Vân Long. Bây giờ hơn bảy mươi mà đẹp... lão thế, năm mươi năm trước chắc ông cũng thuộc loại đào hoa lắm, nhưng tôi biết ông rất chỉn chu về mặt tình ái, cái món mà thi nhân, kể cả thi nhân... xấu trai, hay mắc. Thơ tình của ông cũng thế, tinh tế dịu dàng sâu lắng chứ không bốc đồng như cánh trẻ chúng tôi, luôn muốn... "đập chết ăn thịt ngay". Cũng ông Trịnh Thanh Sơn có câu thơ: Buổi sáng ta thức dậy/ Chợt thấy quần đùi ướt đẫm/ Hốt hoảng và ngơ ngác/ Có lẽ nào ta đã đàn ông, Vân Long đọc xong rồi viết: Cái tạng của tôi, chắc không dám viết thế. Thế nhưng có điều mà nhiều nhà văn trung trung hiện nay thua ông, ấy là khả năng sử dụng vi tính và internet. Hiện nay nói là làm cho một tờ báo, nhưng ông ngồi ở nhà mail cho bạn bè và các đàn em đặt bài, xử lý xong ông forward cho ban thư ký. Lâu lâu ông đến tòa soạn làm một cái việc mà rất ít các biên tập viên hiện nay làm được, ấy là lấy báo biếu, tự tay bỏ vào phong bì, gửi cho cộng tác viên. Nhuận bút cũng thế, ông tự tay nhận, tự tay viết phiếu gửi, bao giờ cũng kèm 2 yêu cầu: tiếp tục gửi bài và nhận được tiền nhớ báo lại cho ông.

       Theo thống kê sơ bộ của tôi, hiện nay nhà thơ Vân Long là tác giả của 27 đầu sách, gồm thơ 11 cuốn, chân dung tiểu luận 9 cuốn và sách cho các em thiếu nhi 7 cuốn. Đời cầm bút, đến thế cũng là hạng top ở nước ta rồi, thế mà ông vẫn tiếp tục cặm cụi. Hôm từ Pleiku về, khuya rồi, trên chuyến xe khách Pleiku Hà Nội, ông điện cho tôi: "Chuyến này làm được hai bài thơ Hùng ạ. Nhưng chỉ được hai câu đáng nhớ "Một đời uống cà phê đen/ Hoá ra mình uống hồn hoa trắng!"...
                                                       V.C.H
------------
Hì hì, bài này viết 2010.
---------
Thêm một bài đã in báo SKĐS nhân dịp nó tròn bao nhiêu tuổi đấy, để hiểu thêm một bậc đàn anh đáng kính.
 

CÁI TÌNH CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

        Nhà tôi có đến mấy người làm ngành y, vợ ở trung tâm phòng chống HIV, con gái là dược sĩ, cháu gái gọi bằng cậu làm ở trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản... nên cái việc mà cả nhà đọc báo Sức khỏe đời sống cũng là điều không ngạc nhiên lắm. Song có điều này thì đáng chú ý, ấy là tôi có đến mấy đầu báo cả đặt và được biếu, song tờ Sức khỏe đời sống luôn là tờ được nhặt trước tiên trong chồng báo dù nó về khá chậm so với các tờ báo khác, ví dụ Tiền Phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động... luôn về ngay trong ngày. Có lẽ yếu tố này khiến Sức khỏe đời sống có cách làm riêng, không chạy theo sự kiện trong ngày, mà chú trọng phần bài đọc dần.

        Phần chuyên môn thì khỏi nói rồi, đấy là thế mạnh mà không tờ nào có được. Có thể nói Sức khỏe và đời sống là cẩm nang bệnh và phòng bệnh chữa bệnh. Tôi biết có một số người cẩn thận lưu từng số để báo trở thành một cẩm nang bệnh học. Nhưng phần văn hóa xã hội của SKDS cũng rất chững chạc. Nó không câu khách bằng các scandal nghệ sĩ, cũng không tò mò đời tư, không bịa tạc dư luận, nó điềm tĩnh cung cấp thông tin thấu đáo có tình có lý với lối viết có nghề. Thường các báo khác thì mảng văn hóa văn nghệ hay giao cho các phóng viên trẻ đảm trách, thì báo Sức khỏe đời sống tôi biết đã sử dụng các biên tập viên và cộng tác viên có thâm niên, đã có uy tín trong nghề, nó khiến cho các bài viết vượt lên cái hời hợt nhan sắc bề ngoài để lặn vào được cái sâu thẳm của tâm hồn, vào bản chất của sự kiện. Cũng một vấn đề nếu các phóng viên trẻ nhanh nhảu đưa sự kiện với cái nhìn nhiều khi còn một phía thì báo Sức khỏe đời sống bao quát hơn, thấu đáo nhân sinh hơn, nguồn cơn mạch lạc hơn... Có lẽ vì thế mà báo SKDS bây giờ không bó gọn trong độc giả ngành y nữa, mà rất nhiều gia đình đã đặt, để vừa làm cẩm nang bệnh học, lại vừa nghiễn ngẫm thông tin, và thưởng thức văn hóa văn nghệ một cách chững chạc và có nội hàm thông tin bổ ích.

        Tôi cũng không nghĩ mình lại trở thành cộng tác viên của báo SKDS một cách... nhuần nhị thế. Vốn dĩ thi thoảng thấy vợ cầm về tôi cũng có liếc qua và thấy nó thuần chuyên môn y tế, thôi để vợ đọc rồi có gì thì... áp dụng cho chồng. Một ngày nhà thơ Vân Long điện, giọng rất từ tốn: này, Hùng có hay đọc tờ SKDS không? Dạ thi thoảng em cũng có thấy. Ừ, nay cái mảng văn hóa văn nghệ được tòa soạn chú trọng nâng cao chất lượng đấy, mình được mời giữ mục này, có gì Hùng cộng tác cho vui nhé. Thế là viết. Và thú thực là tôi chưa thấy một ông biên tập viên nào lại tận tình với cộng tác viên đến thế. Báo in ra anh Vân Long tự tay đóng gói, viết địa chỉ rồi gửi. Có nhuận bút anh lại nhận rồi cũng trực tiếp viết phiếu gửi, luôn kèm thư rất cẩn thận, nói rõ bài nào in số nào nhuận bút bao nhiêu, trong đấy bao giờ cũng kèm câu: Bài hết rồi nhé, gửi tiếp nhé. Chưa hết, vài ngày sau lại một cú điện thoại: Này mình gửi nhuận bút rồi nhé, nhận chưa, viết tiếp nhé, ngoài cái mà Hùng đang viết thì chú ý thêm cho mình mảng này mảng này nhé, vừa rồi mấy bài của Hùng được tòa soạn khen đấy... cứ thế mà nó khiến tôi như người... mắc nợ, dù cái sự "tòa soạn khen", dẫu không phải nhà thơ đàn anh "sáng tác" ra để động viên thằng em thì cũng không làm tôi rung rinh lắm. Nhân đây nói luôn, tôi có cái thú sưu tập các... thư gửi tiền nhuận bút, để đầy mấy hộp các tông, trong đấy có rất nhiều thư có chữ của nhà thơ Vân Long. Tờ giấy nhận tiền màu hồng hoặc trắng, có một phần để viết thư và có phần gạch để cắt bằng kéo hoặc răng cưa để chỉ việc xé nhẹ là ra. Người gửi tiền thường ghi mấy chữ vào đấy. Nếu là nhân viên tài vụ thì ghi số tiền, số báo, nếu là biên tập viên thì ghi kỹ hơn tí nữa. Anh Vân Long thì như một bức thư. Nhưng gần đây, bưu điện cải tiến, không còn phần thư ấy nữa, độc trần xì tờ giấy bằng nửa bàn tay, tòa soạn nào lịch sự gửi lời cảm ơn cộng tác viên thì cũng được đánh máy vi tính, nhưng phần lớn là không có thư, chỉ nhìn địa chỉ gửi thì biết báo nào gửi thôi, nên cái thú sưu tập thư gửi tiền nhuận bút của tôi đành... phá sản.

        Cũng phải thành thật mà nói rằng, so với mặt bằng thì nhuận bút báo SKDS không cao, thua nhiều báo, kể cả báo tỉnh, thế nên cái tình của người biên tập với cộng tác viên chính là một cách níu giữ người viết. Và vì thế mà bây giờ, dẫu rất bận, tôi vẫn được coi là và đang là cộng tác viên thân thiết của báo SKDS...

        Nhà thơ Vân Long hay cám ơn tôi qua thư gửi tiền ngày trước, email hoặc điện thoại, nhưng thực ra tôi phải cám ơn anh mới đúng. Hôm nọ đi khám bệnh, một cô bác sĩ xinh đẹp nhìn y bạ rồi hỏi: Anh là Văn Công Hùng à, em hay đọc anh trên Sức khỏe đời sống. Đấy, thế thì can cớ gì mà lại không tiếp tục viết cho Sức khỏe đời sống...

                                                        Nhà thơ Văn Công Hùng
 

4 nhận xét:

quan lang nói...

Hai câu thơ của bác ấy đúng hay.

Van Dinh Hung nói...

Nói ra thì bảo kể công, nhưng cả 3 ảnh trong bài viết là của Vân Đình Hùng. thưa Văn Công Tiên sinh.

Van Dinh Hung nói...

Nói ra thì bảo kể công, nhưng cả 3 ảnh trong bài viết là của Vân Đình Hùng. thưa Văn Công Tiên sinh.

Nặc danh nói...

tôi muốn làm cộng tác viên cho báo SKDS, mong các bác tư vấn hỗ trợ ( tôi là Dược sĩ, có làm thơ nữa )