Tô bún không có gì đặc biệt, mình ăn hết chứng tỏ cũng không nhiều. Ăn xong móc ví đưa tờ 5 chục, được thối lại 10 ngàn kèm cái mặt rất hằm hằm của chủ quán chắc để... khuyến mãi.
Ra thế, một tô bún bình dân nơi này bây giờ đã là 40 nghìn.
Đến trưa về lại thấy mặt vợ một đống. Hỏi sao, có đứa nào chọc ghẹo gì à? Không, nhưng mà tức, tức gì, tự nhiên mất gần trăm bạc. Đánh rơi à. Mà lại được rơi cho nó sướng tay. Đây là kêu đổi ga. Nó hết trước cho mấy ngày có phải đỡ mất trăm bạc. Hôm nay ga tăng trăm ngàn một bình. Ra thế. Bún còn tăng huống gì ga. Nhớ mới hồi nào trăm ngàn bình ga mà khối bà nội trợ la oai oái, cương quyết không chịu thanh lý cái bếp than, giờ nửa triệu một bình, mồm thì la xoèn xoẹt nhưng tay thì lần cạp quần bòn tiền trả vì bếp than bếp điện hủy hết rồi còn đâu, không ga thì lấy gì nấu? Mà thêm nữa, cái thằng ga này, tuyền hết lúc đang nấu?
Trưa qua ngồi ăn với PGS Nguyễn Văn Dân, có mấy đứa nhân viên của mình, mới tốt nghiệp đại học. Ông Dân hỏi lương các cháu bao nhiêu, chúng bảo đâu như triệu tám. Thằng cu to như trâu mộng, bảo cháu ăn cơm bụi mỗi bữa hết 5 chục (ba chục đĩa cơm và 2 chục cơm thêm thì phải). Hôm nào chú kêu đi ăn thì cháu đỡ năm chục. Nghĩ mà thương chúng nó. Ông Dân lại hỏi mình: Lương Hùng bao nhiêu? Mình bảo em không giữ ATM vì làm quan có "lính" giữ hộ, nhưng thi thoảng nghe "lính" nó báo là đâu khoảng năm triệu bác ạ. Ổng nói thế sao sống, mình bảo, em vẫn sống bác ạ. Quan trọng là sống thế nào thôi.
Sau tết, cái điệp từ nhiều nhất trên miệng các bà nội trợ, mà không chỉ các bà nội trợ, vì nó liên quan đến tất cả mọi người, ấy là... Giá.
Thực ra thì năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên, tết là cuộc maraton vĩ đại của giá, là cuộc chiến tranh quyết liệt giữa thu nhập (không tăng bao nhiêu) và giá (tăng vô tội vạ).
Đầu tiên là xe đò. Cứ giáp tết là các nhà xe đồng loạt tăng giá. Hôm nọ ngồi với một chuyên gia kinh tế, ông phân tích: cái lý xe chạy khách một chiều nên phải tăng giá là không thể chấp nhận được, vì khi anh bắt tay vào kinh doanh là đã phải lường hết mọi sự rồi, trong đó có cả cái sự giáp tết thì xe từ các thành phố lớn về tỉnh nghẹt khách, còn chiều ngược lại thì rỗng. Chưa kể thực ra không phải ngày tết thì các nhà xe lỗ do chạy một chiều vì hai lẽ: Một là chiều kia vẫn lai rai có khách, và hai là chiều có khách thì xe liên tục chạy chứ không phải nằm chờ tài như ngày thường. Như thế việc tăng giá là một kiểu “đục nước buông câu”. Có Sinh viên nói: Hôm trước vé đang bình thường, hôm sau được nghỉ tết, vé xe tăng gấp đôi, cứ như bị móc túi giữa ban ngày mà không được ai bênh vực?
Có một tâm lý tiêu dùng là ai có hàng cũng đợi để đến tết mới bán, và người tiêu dùng thì lại cũng... đợi đến tết mới mua và sắm, vô hình trung tạo ra một kiểu kích cầu giả tạo nhưng sự thiệt hại nhãn tiền cho túi tiền mọi người lại là có thật. Cái cuộc giá tăng này nó không chừa một ai, bởi anh dành dụm đến tết bán được món hời, có khi giá tăng lên hai ba lần thì anh lại cũng phải mua lại hàng chục món khác tăng giá như thế.
Cái món sát sườn, đụng đến tất cả mọi người là thực phẩm và các hàng ăn. Trong tết khán giả được xem mấy phóng sự truyền hình, trong đó các cô phóng viên xinh đẹp phỏng vấn một số quan chức, và họ đều khẳng định là sẽ không cho giá cả tăng. Nhưng thực ra thì... giá cả ở chợ và các hàng ăn đều tăng, và tăng chóng mặt. Một mặt thì nó chứng tỏ dân ta đang khá giả vì sức mua tăng biểu hiện họ có nhu cầu, nhưng mặt khác, về mặt quản lý nhà nước thì rõ ràng chúng ta đã buông lỏng và nói lấy được. Cứ lôi giá một tô phở hoặc một đĩa cơm ra chẻ hoe tính xem giá thành của nó hết bao nhiêu thì biết ngay cứ mỗi bữa ăn chúng ta bị móc túi bao nhiêu? Các loại khác cũng như vậy...
Nhưng điều lạ là cũng hôm qua hôm kia gì đấy, thấy tivi lại chiếu là các "cơ quan chức năng" thông báo là giá không tăng bao nhiêu, hoặc có tăng nhưng tăng rất ít.
Chả biết tin ai?
Vừa mới Ngày thơ Việt Nam hoành tráng mỹ miều thế, bàn đến giá, có vẻ... trần tục quá. Nhưng mà không nói thì... cú. Thôi thì post thêm mấy cái ảnh hoa lan vẩy rồng đang nở trước cửa đây cho nó... loãng mạn vậy.
vẫn còn 4 vòi chưa nở nhé |
cận cảnh, cây này nó xù xì và cứng như chông sắt, nhưng hoa thì vô cùng mềm mại mỏng manh |
15 nhận xét:
Chào bác Hùng!
Đã nói thì phải nói cho đúng, rằn thì là loãng moạn ạ!
Mấy anh chơi dân quảng nom của tôi phải không?
May chau Hoa dep qua, quen noi buc minh vi Gia.
"loang muang"!
Cái máy tính em bị liệt chữ "g" đánh nhẹ nó không ra nên chữ rằng thành rằn, coi như là đính văn chính khi đọc lại.
Ui bác, giá nó khật khừ làm nhà em thật sự lảo đảo. Em nói vậy vì thấy cái nhà ông PGS Dân diếc gì đó than thở giùm bác, lương 5 củ sao sống! Trời! dân đen tụi em có 5 củ/tháng tĩn phò vô tư, sướng quá nhẽ điên.
Bác nói: Chả tin ai, quá đúng! Em cũng thế, bởi em thấy đủ thể loại đánh cắp hết niềm tin của ta rồi. Nghe bác nói đến ngày thơ mĩ miều, em mới biết có nó, chứ cả đời em có biết nó là ngày mô. Ngày nhỏ đi học đọc truyện ngắn Nam Cao có tựa đề Câu chuyện Sú- Vơ- Nia, em nhớ mãi câu đầu tiên ông ấy viết: Khi bạn muốn hôn lên cái miệng hoa của người yêu,bạn có nghĩ rằng đã có cái gì đổ vào đó chưa - ý nghĩ này không được thơ cho lắm - nhưng cuộc sống vốn không tha thứ cho những gì quá thơ. Rứa nên bác cũng chẳng lăn tăn chi. Em ngắm hoa của bác cũng có phần thư thả.
Ông bạn Nhật nói rằng dân Việt chúng mày hoặc là quá tốt, hoặc là quá ngu. Chứ bên tao mà giá những nhu yếu phẩm sinh hoạt như ga, xăng điện...tăng quá vài phần trăm bất luận lý do gì thì có biểu tình ngay, và nội các phải giải trình trước quốc hội.
Tui nghi hắn nói đúng!
Hoa phong lan của bác chắc năm nay được giá bác nhể ?
@ Võ Công Phúc và nặc danh:
-------
Tiếng Quảng nhà chú anh bắt chước mãi không được, thôi thì phụ đề tiếng Việt vậy
@ Cơm thiu:
---------
chịu khó chiên lên nhé.
@ Dong:
------
Không được kích động tớ phạm vào điều cấm nhé???
@ Lặc danh:
-------
Năm nào cũng thế, thiên hạ trồng thì chết nhưng tớ thì cứ nở miên man nở. Giá mà có giá???
@Bác Hùng.
Chứng tỏ bác lơ tu mơ về ẩm thực. Nhẽ đúng khi thằng Phẹt nó nói bác mơ theo trăng, vơ vẩn cùng chim. Nó đòi vả dụng dăng bác không oan. Cơm thiu thì làm sao chiên! Bét nhè. Nếu khéo lo lường để đổ mẻ dùng nấu thịt chúa, thịt chúa.
bọn quan chức cứ leo lẻo cái mồm là tăng không đáng kể ? rồi đưa ra mấy con số trên zời. Chán
Giá ga tăng nên tính đun bếp than. Nhìn quanh nhà chẳng biết đặt ở đâu. Ngộ nhỡ hơi than độc hại.
ở HÀ NỘI mua hành phải 4 đến 5 ngàn 1 lạng. Ăn hành cũng phải tiết kiệm nói chi thứ khác.
chỉ có đăng thơ vừa khó, vừa phải chờ lượt là nhuận bút rẻ thôi phải không ? Thế mà vẫn chẳng chừa.
Ok, rất chính xác!
Đăng nhận xét