Đôi bắp chân sáng loá lấp ló sau nếp váy. Lại nhớ nhà văn Chu Lai cũng chuyên môn tả bắp chân trần trắng nhấp nhoá của các cô giao liên sáng lên trong những đêm chiến trận như một cảm hứng sáng tạo chủ đạo trong các tác phẩm của ông. Con gái Tây Nguyên khi còn trẻ thì đều để ngực trần, cái đẹp lồ lộ tự nhiên như trời như đất, như núi như đồi như bầu như bí nhưng nó lại phô phang quá, đủ đầy quá, no nê quá, ngạo nghễ quá... cho nên trí tưởng tượng của các chàng trai dồn hết vào cái lấp ló của bắp chân thoắt ẩn thoắt hiện theo nhịp bước kia
Bây giờ thì ông đúng là một già làng. Thỉnh thoảng xem chương trình thời sự trên tivi, lại thấy ông. Các phóng viên truyền hình quay cảnh ông đi đến từng nhà đồng bào dân tộc vận động, khi thì nuôi bò, khi thì dân số, khi thì xoá đói giảm nghèo, khi thì sưu tầm văn hoá dân gian, khi thì đừng nghe bọn xấu theo tin lành Đề ga... Ông nói tiếng Ê Đê, đồng bào nghe rồi cười phớ lớ, khoe những cái răng cà sát lợi. Ông phập phà thuốc, ngồi duỗi chân bên những bếp lửa nhà sàn, có khi là gật gà bên ghè rượu. Thế mà ông đã từng rất nhiều năm ở Hà Nội, nhiều năm ở thành phố Nha Trang, đã là Uỷ viên ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam nhiều khoá, Chánh văn phòng hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh... Ông là nhà văn Y Điêng, tên thật là Y Điêng Kpă Hôp, bây giờ về hưu ở tại huyện Sông Hinh, một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, dù con cái ông vẫn ở tại thành phố Nha Trang. Đây chính là quê ông, nằm bên bờ con sông Hinh thơ mộng. Trong các bút danh của ông, có một bút danh là Sông Hinh, đủ thấy ông yêu quê ông đến như thế nào. Ông là người Ê Đê Mơhur, vùng Ê Đê dưới, thấp hơn một chút so với các dòng Ê Đê ở Đăk Lăk, Đăk Nông.
Ông là người may mắn trong số đồng bào của mình bởi từ nhỏ đã được gia đình cho đi học tiếng Pháp và chữ Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Quê ông, vùng đồng cỏ gái ở trần, trai đóng khố trắng với những tiếng khèn, nhịp chiêng mê man thảo nguyên, miên man trăng và cỏ. Ông kể con gái quê ông đẹp lắm, đẹp đến nỗi đi nhiều nơi, ông vẫn thấy không nơi nào hơn, ông vẫn thấy gái quê ông là nhất. Trong các trường ca cổ, con gái Tây Nguyên được tả đẹp nhất là ở... đôi bắp chân. Đôi bắp chân sáng loá lấp ló sau nếp váy. Lại nhớ nhà văn Chu Lai cũng chuyên môn tả bắp chân trần trắng nhấp nhoá của các cô giao liên sáng lên trong những đêm chiến trận như một cảm hứng sáng tạo chủ đạo trong các tác phẩm của ông. Con gái Tây Nguyên khi còn trẻ thì đều để ngực trần, cái đẹp lồ lộ tự nhiên như trời như đất, như núi như đồi như bầu như bí nhưng nó lại phô phang quá, đủ đầy quá, no nê quá, ngạo nghễ quá... cho nên trí tưởng tượng của các chàng trai dồn hết vào cái lấp ló của bắp chân thoắt ẩn thoắt hiện theo nhịp bước kia. Mà con gái Tây Nguyên quấn váy khéo lắm. Kín mà hở, dài mà ngắn, cứ bắt con người phát huy trí tưởng tượng, cứ phải nôn nao rạo rực hết cả lên sau mỗi bước đi, mỗi nhịp nhún cơ thể, nhất là trong những đêm xoang, dưới những nhịp chiêng hoang dại, sau những can rượu cần ngất ngây, bên cạnh những đống lửa phập phù, sau tất cả những đê mê đắm đuối... Mà nói cho công bằng, đến bây giờ, đã tám chục tuổi, ông vẫn còn rất đẹp... lão. Cao mét bảy, dáng quắc thước, mặt phương phi, tinh anh (thì phải tinh anh mới làm nhà văn). Đến giờ mà ngực ông vẫn nổi múi cuồn cuộn (Có người đã làm diễn ca về ông: Bác Y Điêng ngực trần nổi múi/ Tựa sông Hinh nước đỏ như son...), da đỏ au... Và, điều này mới quan trọng, bà vợ của ông bây giờ, trẻ hơn ông đâu chừng ba chục tuổi, to béo sung mãn và... thoả mãn (chả biết có phải ông... nối dây không?). Ông bảo bây giờ ông đi đâu thì bà là... lái xe. Cái xe máy cà tàng, bà tha ông đi khắp nơi trong huyện. Thế mà trong một tự sự mới đây, ông viết: “Cuộc đời tôi nó bằng phẳng quá. Cũng như đi rừng phải được nghe tiếng chim hót, khi làm việc khi rảnh rỗi luôn phải có tiếng bạn gái ngồi bên. Tôi thì tôi thương thật nhưng họ lại yêu thật, nên nếu tôi có đi đâu là người bạn gái ấy đưa tiền nhắc là không được ở lại thật lâu...”. Vài anh em nhà văn mỗi lần dự trại cùng ông, thi thoảng có tí rượu, láu cá hỏi ông chuyện đàn ông đàn bà, chuyện “hiệu quả công tác” của ông. Ông chỉ cười cười nhại một câu quảng cáo: Tám mươi năm vẫn chạy tốt...
Hồi trước khi về hưu, ông làm ở hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh. Hồi ấy tứ trụ của hội là các nhà văn nhà thơ nổi tiếng: Giang Nam, Đào Xuân Quý, Nguyên Hồ, Y Điêng. Ông được giao việc tay hòm chìa khóa là chánh văn phòng. Thường là nhà văn thì rất ngu ngơ về việc văn phòng cơm áo gạo tiền xăng xe tiếp khách phiếu xanh phiếu đỏ, huống hồ ông lại là người dân tộc thiểu số. Thế nhưng té ra ông làm rất chặt, không qua mắt được ông cái gì. Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, có một cuộc hội thảo văn học tại Đà Lạt. Hồi ấy từ Pleiku đi Đà Lạt phải đi vòng qua Nha Trang, mất hai ngày. Tôi ngủ ở Nha Trang, sáng mai đi cùng chuyến xe đò với anh em Phú Khánh. Đến lúc trả tiền xe, anh em xập xí xập ngầu đếm cả tôi vào danh sách để... ông trả tiền. Ông giương mục kỉnh nhìn xấp vé trên tay rồi... giúi vào tay tôi một cái: Vé của mày đấy, nhưng trả tiền cho tao. Tao rất muốn trả tiền luôn cho mày, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc, hội Phú Khánh chỉ thanh toán tiền cho anh em Phú Khánh, mày về cơ quan mà thanh toán. Tôi ngượng chín người. Nào tôi có định gian lận, mà anh em đùa, đâu có hỏi ý kiến tôi, dịnh là nếu... lừa được ông thì lấy tiền uống rượu, vì hồi ấy nghèo mà uống rất khoẻ.
Việt Nam ta có 54 dân tộc, không phải dân tộc nào cũng có nhà văn. So với các loại hình nghệ thuật khác, thì sáng tác văn chương là khó nhất đối với người dân tộc thiểu số bởi nó đụng đến ngôn ngữ. Các loại hình khác chỉ cần năng khiếu là có thể khả dĩ, nhưng văn chương, ngoài năng khiếu, anh còn phải là một người thợ luyện chữ vô cùng tinh xảo. Con chữ không chỉ phập phồng cảm xúc mà đã là nhà văn thì luôn luôn phải có, nó còn phải được dụng công tung hứng, biến ảo, tung tẩy... để làm tươi, làm tưng tưng, làm sốt lên cái ý, cái tứ mà anh muốn diễn tả... Có lẽ vì thế mà chúng ta luôn luôn kêu đội ngũ nhà văn người dân tộc thiểu số ít, không tương xứng với tiềm năng. Thế nhưng trong đội ngũ ấy vẫn nổi lên sừng sững những Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Vi Hồng..., Y Điêng được liệt trong số những nhà văn nổi tiếng hàng đầu ấy của nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam (ông mới được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT). Ông từng được đào tạo tại nhà sáng tác Quảng Bá, nơi mới được hội Nhà Văn khai trương trở lại khoá 1 với 70 học viên đang theo học, trong đó có nhiều cụ đã thất thập, một số bác đã nghỉ hưu. Cái lò này đã đào tạo ra rất nhiều nhà văn cho đất nước. Ông học ở đấy cùng lứa với Nguyễn Quang Sáng rồi về đi làm phóng viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi lên ở Tây Bắc. Chính trong thời kỳ này, ông viết tập 1 tiểu thuyết “Bên bờ sông Hinh”. Viết vừa xong thì được lệnh vào Nam chiến đấu. Ông gửi tập bản thảo lại cho một người bạn và phải ba mươi năm sau, ông mới viết tiếp được tập 2. Ông hể hả khoe, sách của ông được... huyện sông Hinh bỏ tiền ra in. Ông bảo: “Cách đây hơn 30 năm, các nhà xuất bản nuôi, giúp đỡ các nhà văn, cho đến hôm nay, hội nhập rồi thì... các nhà văn lại phải nuôi Nhà xuất bản. Trước, NXB thực sự giúp nhà văn, cán bộ biên tập giỏi cầm tay tác giả như thầy giáo cầm tay học trò mới có được những cuốn sách hay. Nay, tác giả phải tự bỏ tiền ra in. Cứ có tiền là NXB cấp giấy phép, không cần biên tập, sửa chữa, góp ý. Mà mỗi cuốn tác giả chỉ dám in 300 đến 500 cuốn thì làm sao sách đến được công chúng, đến được các nhà phê bình?... Các nhà văn người dân tộc như tôi lại càng khó khăn, tiền đâu mà in. Tôi được huyện cho tiền in mấy trăm cuốn thì nó chỉ nằm trong huyện thôi, anh em đồng nghiệp người Kinh, các nhà phê bình lấy đâu ra sách của tôi mà đoc?...”. Ở huyện Sông Hinh bây giờ, ông được coi như già làng. Khi mới về hưu, ông làm cho đài truyền thanh huyện chương trình tiếng Ê Đê. Cặm cụi dịch cả ngày rồi trực tiếp đọc trong 15 phút. Không lương, tất nhiên. Rồi dần dà, tất cả các ngành đều mời ông làm chuyên gia. Họ coi ông như già làng chung của tất cả các làng. Cứ có việc gì cần thuyết phục, cần giải thích cho đồng bào là người ta lại tới “kéo” ông đi, như kéo pháo. Và “khẩu pháo” Y Điêng đến đâu nói là dân tin. Nhớ hồi ông Đinh Núp còn sống cũng thế. Chỗ nào phức tạp lộn xộn, chỗ nào cần khuyên đồng bào làm điều mới trái hủ tục là ông lại được rước đi. Đến nơi, ông sà vào uống rượu cần, cười hềnh hệch, nới chuyện... tiếu lâm, dân làng cười ngả cười nghiêng. Rồi bất ngờ ông đi vào trọng tâm, chỉ bằng một câu, rất gọn, dễ hiểu và vô cùng thuyết phục. Thế là xong. Ông ngồi uống bằng say. Uống say là một cách chứng tỏ mình thật bụng. Tôi nhiều lần đi với cố anh hùng Núp, và lần nào về thì cũng phải... dìu ông. Tôi chưa lần nào được đi với Y Điêng xuống huyện Sông Hinh của ông với ông nên không biết ông có say không, nhưng cũng nhiều lần được thấy ông say ở... thành phố, ở các trại sáng tác. Ông say hiền như một đứa trẻ. Lúc nào rỗi nữa thì ông đi sưu tầm văn nghệ dân gian. Công trình “Sử thi Ê Đê” 1.200 trang do ông sưu tầm, dịch, hiệu đính đã được xuất bản và nghe nói còn một bộ hơn nghìn trang nữa cũng đã sắp xong, sắp ra mắt.
Y Điêng luôn đau đáu làm sao để tác phẩm mình viết ra có người đọc. Nhưng quả thực là trong tình hình hiện nay, đấy là một điều vô cùng khó. Ngay các nhà văn người Kinh không phải ai và lúc nào cũng có thể làm được việc ấy. Thế mà trong sâu xa, các nhà văn người dân tộc còn muốn, và công luận cũng đòi hỏi thế, đấy là việc yêu cầu nhà văn người dân tộc thiểu số phải viết bằng tiếng dân tộc. Ông nói: “Nhiều anh em chúng tôi cũng muốn viết bằng tiếng dân tộc, nhưng viết cho ai đọc, khi số người biết chữ dân tộc không nhiều? Theo tôi, Hội Nhà văn nên phối hợp với Bộ GD-ĐT đẩy mạnh việc dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông. Có người đọc, chúng tôi mới có hứng thú để tiếp tục sáng tác". Đấy là mới ông Y Điêng nói, ông Y điêng 80 tuổi, học tiếng Ê Đê từ nhỏ, còn bây giờ, tôi biết chắc chắn, rất ít nhà văn dân tộc biết tiếng dân tộc. Ngay nhà văn Linh Nga Niêk Đăm, nổi đình nổi đám thế ngoài văn chương, nhưng chị có biết chữ Ê Đê nào đâu, có viết được trang nào bằng tiếng Ê Đê đâu, dù chị là người luôn luôn hô hào, mỗi khi có dịp, ở các diễn đàn, về bản sắc dân tộc, về nhà văn phải sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, về nhiều điều hoành tráng nữa...
Nhà văn, nhiều khi họ đóng góp được nhiều việc cho cuộc đời bằng những việc làm ngoài sáng tác. Ông Y Điêng làm được điều ấy. Cái việc mà các nhà chức việc của huyện lâu lâu “mượn” ông đi gặp dân làng, cái việc ông làm cho đài truyền thanh huyện, ông sưu tầm và dịch sử thi, ngay cả cách sống của ông giữa dân làng đã đóng góp được rất nhiều cho nhân dân quê ông. Tôi biết có những nhà văn người dân tộc suốt ba bốn chục năm nay không viết được chữ nào, sống lặng lẽ ẩn dật như một cái bóng ở thành phố. Lại có nhà văn, “mâm” nào cũng ôm mà chả làm được gì cho văn chương dân tộc và văn chương nước nhà và bản thân thì cũng chả viết được gì cho ra hồn. So sánh như thế, mới thấy quý nhà văn Y Điêng, 80 tuổi vẫn miệt mài làm việc...
3 nhận xét:
“…
Kơmlă plěi puôih ami glaih tơdrăng
Kơmlă kŭl tăng ami grâm aru
Kơmlă tơm blu ami pru tu krong
Abăn găm pêng hrěng tăl
Lăng dang lě oěi hang hông nhông nhôch
…”
ku nguyenphuong
À wên, đại ca em không bít tiếng Bahnar
“…
Hở bắp chân - sấm rền dữ dội
Sáng đầu gối – giông nổi đầy trời
Trắng bắp vế - mưa giăng khắp nguồn Sông Pa, Sông Yun
Ba trăm lớp váy màu đen thẫm
Da thịt vẫn như lúc trần truồng
…”
Theo Sử thi Bahnar Bia Brâu
ku nguyenphuong
À! Anh Nguyên Phương đang "khoe" "Ngày Hội Làng" đấy chú Văn Công Hùng ơi!
Cháu đang bệnh quá, hôm nào hết bệnh ra thăm, chú cho "nghía" mấy giờ phong lan với chú nhé! ()
À! CHáu được biết ông Y Điêng rất rành tiếng Tầy chú Hùng ạ! Không biết có phải không?!
-MAI GIA LINH-
Đăng nhận xét