Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

CHUYỆN HEO RỪNG VÀ HEO NHÀ... THẢ VÀO RỪNG

     Kể chuyện vui về... lợn rừng thế thôi, chứ tôi hoàn toàn không khuyên các bạn tìm ăn. Bởi một lẽ đơn giản: Nó đã là loại động vật đang được bảo vệ. Những chú lợn rừng đáng thương của tôi, các chú phải biết cách tự bảo vệ mình, đừng để chúng ta phải gặp nhau trong... nhà hàng nhé. Đau lòng  lắm




          Thuở nhỏ, có thời tôi sơ tán ở làng Phong Mục, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá và phải ở trọ nhà dân. Một lần nhà tôi được bác chủ nhà biếu một bát thịt, mà như bác nói thì đấy là thịt lợn lòi. Sự tích con lợn này như sau: Bên kia sông có một cánh rừng. Rất nhiều gia đình bên này sông thường xuyên sang bên kia sông lấy củi, cắt bổi. Bên kia sông cũng là nơi lâu lâu lợn lòi xuất hiện. Hôm ấy con lợn này bơi qua sông, lạc vào cái làng tôi ở. Tất nhiên là nó bị cả làng cầm gậy gộc dao cuốc ra đuổi. Trên đường chạy nó đã cắn bị thương 2 người, trong đó có một đứa bé trạc tuổi tôi bị nó cắn mất nguyên cả... đùm chim. Cảm giác của tôi khi ăn bát thịt này là nó hoi hoi, không ngon. Mẹ tôi cũng nói thế, cụ bảo: không bằng thịt “tập đoàn”. Thời ấy chúng tôi gọi những bếp ăn tập thể của cơ quan là “tập đoàn”. Mỗi tháng “tập đoàn” vài hôm có thịt lợn, những miếng thịt kho đầy lông và mỡ, là thiên đường mơ ước của chúng tôi, dẫu khi lĩnh về, mẹ tôi còn cho vào kho thêm với mắm tép để ăn dè được nhiều bữa. Sau này lớn lên, tôi biết lợn lòi chính là lợn rừng, miền Nam gọi là heo rừng, một món... khoái khẩu của dân nhậu và cả dân... không biết nhậu. 

          Bây giờ thì thú thật, tôi đã có thể biết được miếng thịt heo rừng ngon là như thế nào, ở bộ phận nào? Phân biệt rất rành heo rừng và heo... nuôi trong rừng, heo rừng và heo... nái, heo rừng và heo cọc, không lớn được, dù nuôi đến... 3 năm, dẫu nó đã được hấp chín, đang nghi ngút khói... Sở dĩ nói thế là vì bây giờ đang có phong trào mang heo nhà thả vào trong rừng, thậm chí lừa cho lai với heo rừng, gọi là heo... nuôi trong rừng. Rồi heo nhà của đồng bào dân tộc (ngoài bắc gọi là lợn cắp nách, lợn bản...), loại này ít mỡ, nạc dày, da giòn nhưng cũng không thể sánh ngang heo rừng. Nếu không biết rất dễ nhầm heo rừng với các loại heo này, kể cả... heo nái vì nó cũng lông cứng, da dầy và ít mỡ. 

          Heo rừng ngon nhất là ở gáy. Đây là chỗ da dày nhất, thậm chí cỡ 2 đốt tay. Nhưng da ở đây lại mềm và giòn chứ không dai và cứng như ở các chỗ khác. Phân biệt heo rừng và heo nhà, heo... không phải rừng cũng khá dễ, ấy là lông heo rừng bao giờ cũng ba chân chụm một trong miếng da trong suốt. 

          Có lần lên Kon Tum, tôi được đãi món... tiết canh lòng lợn rừng buổi sáng. Ai cũng biết, muốn có tiết canh phải có lợn rừng sống để chọc tiết và hãm tiết. Ở Kon Tum hình như có cả một... “mỏ” thịt rừng. Có một đường dây từ đây bỏ mối cho các nhà hàng ở Gia Lai và một số tỉnh khác... 

          Ở Đồng Nai nghe nói có một trang trại chuyên nuôi heo rừng. Heo giống nhập từ Indonesia hay Philippine gì đó. Tôi đem chuyện này khoe với một chủ nhà hàng chuyên... heo rừng. Ông trề môi: Thế thì nó lại sẽ thành... heo nhà. Bản thân heo nhà thì xuất xứ của nó là... heo rừng. Ngoài yếu tố nòi giống, heo rừng phải được... sống trong rừng, phải được ứng xử để tồn tại với tất cả những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất. Nó ngon là bởi chính những yếu tố ấy. Ngay gà công nghiệp, gà Tam Hoàng so với gà ri “ngày đi bộ, tối ngủ cây” đã khác nhau một trời một vực. Tóm lại là gã này “không phục” món heo rừng nuôi ở... nhà. Theo lão, có khi nó còn thua... heo nhà nuôi trong rừng. 

          Thực ra thì nhiều khi con người cứ thích món... lạ nên đòi hỏi thế, chứ tôi biết chắc chắn rất nhiều vị chén... heo nhà được giới thiệu là heo rừng cứ nắc nỏm khen ngon. Bây giờ người ta còn đồn nhau là ăn heo rừng rất hên, xả hết xui xẻo, nên nó lại càng đắt khách. Hầu như nhà hàng nào, kể cả ở đồng bằng, cũng có món heo rừng. Thông dụng là nó được mang hấp bia, nướng hoặc xào hành. Cầu kỳ hơn thì giả cầy, tiết canh, chân giò nhồi nấm... 

          Già làng Konrơbang ở thị xã Kon Tum nói với tôi rằng, ngày xưa heo rừng ở Tây Nguyên nhiều như... nấm. Làng ông đã từng tổ chức một cuộc săn ở ngay rìa thị xã, bắt và giết được nguyên một đàn 397 con. Lần đầu tiên tôi lên thị xã Kon Tum, vào nhà rông Konrơbang nổi tiếng ấy vẫn còn chứng kiến 397 chiếc sọ heo rừng được xâu treo khắp nhà rông. Việc săn được nhiều heo rừng như thế chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng làng. Nhờ việc ấy mà trai làng rất có giá, cộng đồng làng được các làng khác vì nể. 

          Heo rừng thường đi ăn theo đàn. Chỉ trừ những con heo già hoặc bị thương mới đi một mình, gọi là heo độc. Loại này rất dữ, gặp chúng rất nguy hiểm (mới đây nhất ở Quảng Nam có một con heo độc tấn công và cắn chết một người). Còn heo bầy thì săn chúng tương đối dễ. Vấn đề là phải biết đường đi của chúng, sau đó là rào, quây lưới, đào hố... nhiều miếng phối hợp. Chiêng trống nổi lên. Tiếng người hú hét. Lửa phừng phực. Chó xung trận... các chú heo chạy trối chết theo đường đã được rào. Phía trước là lưới và hố... Thế là xong. Nhưng bây giờ đến nấm cũng không còn huống gì heo nên chỉ còn... nhặt từng con lẻ bằng bẫy hoặc súng săn, già làng Konrơbang bảo. Thế nên tôi mới rất ngạc nhiên khi đến nhà hàng nào cũng thấy trong menu có món heo rừng. Các tỉnh miền núi đã đành, đến các thành phố, các tỉnh đồng bằng, cũng có!?


          Tất nhiên là heo rừng bây giờ không nhiều được như... ngày xưa. Một phần là do nó... hết. Phần nữa các cơ quan chức năng làm cũng... dữ. Các nhà hàng đều có bảng cam kết “không bán thịt thú rừng”. Các bảng cam kết in sẵn được dán khiêm tốn ở một góc nào đó, ít được khách ăn và cả... chủ nhà hàng để ý... 

          Các bạn tôi ở Hà Nội vào hoặc các tỉnh đồng bằng lên, trước khi bay về bao giờ cũng dấn một chút lên dốc Tỉnh đội. Ở đấy có một điểm bán heo rừng, mua mấy cân còn roi rói máu, gói vào giấy báo, nhét vào cặp. Trưa ấy, thế nào điện thoại của tôi cũng... véo von. Đang nhậu heo rừng. Có vợ này, con này, bạn văn bạn báo này... Uống với nhau một chén nhé, đổ vào... điện thoại cũng được... 

          Kể chuyện vui về... lợn rừng thế thôi, chứ tôi hoàn toàn không khuyên các bạn tìm ăn. Bởi một lẽ đơn giản: Nó đã là loại động vật đang được bảo vệ. Những chú lợn rừng đáng thương của tôi, các chú phải biết cách tự bảo vệ mình, đừng để chúng ta phải gặp nhau trong... nhà hàng nhé. Đau lòng lắm...
---------
Hì hì bận quá, lôi lại bài cũ từ bên vanconghung.vnweblogs.com

5 nhận xét:

ptuanha nói...

Thì phong trào mà bác, có một thời người ta yêu sơn nữ hơn học sinh trung học người Hà Nội gốc mà.
Bức xúc nhất là nhiều quán hàng ở Sài Gòn kê trong thực đơn có món " heo mọi".Em không có cách gì đập được mấy cái biển đó

Nặcdanh nói...

Hehe, bác ăn chán rồi giờ khuyên bà con không nên ăn.

Bimbim nói...

Lợn được dân tộc nào nuôi thì mang tên đân tộc đó: Lợn Mán,lợn Mường,lợn Thái...lợn Kinh...
Lợn nào cũng có vị ngon đặc trưng của nó, nhưng đối với lợn Kinh (do người Kinh nuôi hoặc làm thịt các loại lợn khác) thì khi mua thịt hoặc ăn nhậu quán xá giò chả vv... cần phải cảnh giác vì nhiều khi nó rất "kinh" vì có thể được chế biến từ lợn bệnh, lợn chết,lợn Tàu thối nhập lậu...
Khuyến cao bà con dịp Tết hết sức cảnh giác với lợn "Kinh".

Nặc danh nói...

Anh bận là việc của anh. U hu hu nàng Fox cứng v.ú với sưng b.ướm rồi. Bây giờ em không biết làm sao đây nè.
Anh tư vấn gấp vì cái vụ này có một phần trách nhiệm của anh!
ku nguyenphuong

mẹ mướp nói...

Thế mấy cái mẹt thịt bán bên lề đường Trần Hưng Đạo mềnh là thịt gì đới bác Hùng ui? Con nó bảo mua để nó đem xuống Xì gòong chiêu đãi bạn bè thịt heo rừng Gia Lai, iem thì chả biết phân biệt, thấy cũng lông lá tùa lua mà chả biết heo rừng thật hay đểu... Bác là "chiên da", tư vấn iem tí... Thánh cìu bác phát !