Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

RỒI THÌ TRUNG THU SẼ VỀ

Trung thu là tết của trẻ con, nhưng cũng là ngày rằm, ngày mà các gia đình người Việt hay cúng. Nó trong veo và thánh thiện, nhưng bây giờ nó chả còn được thế nữa. Nó là các cuộc trả ơn của người lớn. Ngay các cơ quan, công đoàn cũng thực dụng, thay vì mua quà cho các cháu, tổ chức cho các cháu phá cỗ ngắm trăng thì làm một danh sách, chia... tiền, ai đẻ nhiều nhiều tiền, ai chưa vợ chưa chồng thì... ngắm. Mình chả có gì cho các cháu, viết bài này thay bánh trung thu...

 
         Thế rồi Trung thu đến.
        Trong tôi chợt xuất hiện một đứa trẻ lên mười.
        Thời ấy bom đạn loạn lạc, chiến tranh phá hoại khiến những đứa trẻ như chúng tôi lấy hầm làm nhà, hang núi làm lớp, ống tre làm đèn, gạch non thay phấn... và chúng tôi học, và thế giới mở ra, và kiến thức được thu nhận. Những ngày cực khổ ấy trở thành những ký ức dịu ngọt bây giờ. Nhưng dịu ngọt nhất vẫn là không khí trung thu những ngày sơ tán ấy...
        Trước trung thu cả tháng, tôi đã được phân công đi kiếm giấy pơ luya. Đây là thứ vô cùng hiếm hoi, kể cả khi ba mẹ tôi là cán bộ nhà nước. Tôi đi nhặt nhạnh từng tờ giấy đánh máy hỏng của cô văn thư bỏ đi, không đủ thì kiếm giấy báo, rồi cả giấy in nhãn bao diêm hỏng (mẹ tôi làm ở nhà máy diêm), giấy than.. còn bọn trẻ con khác thì chặt tre, vót nan... chúng tôi làm lồng đèn và diều. Những cái lồng đèn, diều, và cả đèn kéo quân nữa, đẹp vô cùng, nó hiện ra từ từ hàng ngày trước sự hồi hộp tỉ mẩn của chúng tôi, bởi chúng tôi tự tay làm ra nó, mỗi ngày một tí... cho đến đêm Trung thu thì thật sự một lễ hội rực rỡ thần tiên hiện ra. Chiến tranh, đèn đóm bị hạn chế, những cây đèn dầu còn bị bỏ vào ống luồng ống tre để che bớt ánh sáng. Những cái đèn của chúng tôi được bịt bằng giấy than, bên trong để một lọ mực cửu long, trong lọ mực ấy là dầu hỏa, bấc đèn được cho vào một cái ống bằng thép do chúng tôi tự uốn, và ngọn đèn ấy được thắp lên trong sự mê hoặc đến thánh thiện của những đôi mắt trẻ con thời chiến. Một thế giới cổ tích mở ra, những tưởng tượng bay bổng, những khát vọng ùa về. Chúng tôi ôm những giấc mơ vào giấc ngủ trong hầm, rằng ngày mai hết đạn bom, rằng ngày mai sung sướng, rằng ngày mai trung thu trọn vẹn, rằng ngày mai những ngọn đèn lồng của chúng tôi không còn bị bịt bằng giấy than, nó sẽ muôn hồng ngàn tía, nó nâng những ước mơ của chúng tôi vượt qua những gian hầm tránh bom chật hẹp lên cung hằng...
        Bây giờ trung thu muôn hồng ngàn tía.
        Có một tờ báo đang phát động mọi người tẩy chay những đồ chơi dùng pin vì nó gây ô nhiễm. Có một tờ báo làm hẳn phóng sự về đường đi của những cái bánh trung thu trị giá mấy triệu bạc, bánh trung thu mà kèm cả cặp rượu tây, bánh trung thu rắc cả vàng (năm 2004 có cái bánh trung thu nhập khẩu giá nửa lượng vàng), bánh trung thu nặng đến mức phải... vác... Nhiều lắm, phong phú lắm, những thứ phục vụ cho trung thu, nhưng trẻ con hưởng trung thu thế nào thì lại ít người để ý. Một không gian cho trung thu dành cho trẻ con thành phố đã không còn. Kiếm đâu ra cái vằng vặc luênh loang của trăng rằm giữa phố. Thiếu ánh trăng trung thu có còn là trung thu. Rồi những trò chơi, những bịt mắt bắt dê, những rồng rắn lên mây, ù ập trốn tìm... được thay bằng game, bằng dao găm súng lục, bằng những gật gù cà phê... trẻ con thành phố bây giờ sướng hơn, nhưng cũng có cảm giác tuổi thơ của chúng chóng già hơn...
        Trước trung thu mấy ngày, ba đứa trẻ con ở Nghệ An, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa bé nhất 6 tuổi đã chết thảm vì bị một bức tường đè chết khi đi học. Đau đớn là cái đứa bé 6 tuổi ấy đã chết đói. Mẹ cháu kể: Buổi sáng khi cháu đi học thì nhà còn một bát cơm nguội, chị bảo cháu ăn đi học nhưng cháu lại bảo để dành cho em- đứa em mà cháu nói đây mới mười tháng tuổi- con nhịn sáng quen rồi. Và người mẹ ấy cứ cứa vào lòng chúng ta vì cái nỗi ân hận, chị đã không cương quyết bắt con ăn bát cơm nguội ấy để rồi nó phải chết đói. Nhưng tôi thì lại cứ day dứt, cái đứa bé mười tháng tuổi kia làm sao mà nó có thể ăn được cơm nguội hả trời, mà nghe cái cách mẹ cháu kể, thì cái việc ăn cơm nguội với bé là thường. Trung thu còn đâu cho các cháu?
Vùng sâu vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên bây giờ trung thu cũng đã trở nên quen thuộc với trẻ con.  Cũng như trẻ con nông thôn ở những nơi khác, như chúng tôi ngày xưa, chúng tự làm ra trung thu. Vâng, tự làm ra trung thu là bản chất của trẻ con, bản chất của những giấc mơ, bản chất của đời sống thánh thiện... Có như thế mới có ký ức, mới có những khát vọng với bay bổng những ước mơ đẹp đẽ cao sang và tươi đẹp. Tôi cảm nhận điều ấy khi thấy thằng Neng đang cặm cụi gọt cái củ chuối làm mặt nạ Brêm cho đêm trung thu như lời cô giáo dặn. Nó cù đày như một con chuột nhẫn nại đào hang cho mùa lụt. Cái lưng gù xuống mà đôi tay thì tỉ mẩn khoét từng khoanh nhỏ khéo như tiết mục nữ công gia chánh dạy tỉa hoa trên tivi. Cô giáo đã bày cho chúng làm diều, làm đèn ông sao, thắp lên cho chúng những giấc mơ cổ tích. Nhưng cô bảo người Kinh không có Brêm, không đánh chiêng trong đêm trung thu. Vậy thì nó sẽ làm Brêm, sẽ mang chiêng ra đánh trong trung thu này để làm vui cho buôn làng của nó. Nó là đội viên thiếu niên tiền phong, được đi họp đội nên nó biết trung thu từ mấy năm nay. Thêm nữa, làng nó giờ đã có điện, có tivi, nên nó được nhìn thấy trung thu trên khắp cả thế giới. Nó cũng thích trung thu trên tivi lắm, nhưng có một thứ nó không thích, ấy là trung thu trên tivi không có trăng...
        Rồi thì trung thu cũng đã về...
sp5[1].jpg


ngay dau tien den lop.jpg

    -------------
Số liệu trong bài từ 2009.

3 nhận xét:

Hà Thanh nói...

Để lại nhớ bài thơ dán trên tường nhà anh hồi ấy:
Trung thu nhà chẳng còn tiền
Thương con đứt ruột ba nghiền ra thơ
Mai sau, dù có bao giờ
Kiếp thi sĩ,con đừng mơ làm gì
Cái nghèo đuổi mãi chẳng đi
Trung thu đến, biết mua gì cho con...
Mấy chục năm rồi, mà mỗi lần nhớ lại vẫn thấy cay cay khóe mắt...

Văn Công Hùng nói...

@ Hà Thanh:
---------
Là ai mà tường tận cái thời đau thương ấy thế nhỉ bạn ơi?

còn đảng-còn mình nói...

Trung thu này các bác cứ yên tâm đi ,đã có đảng và nhà nước lo các cháu sẽ có quà,bánh trung thu kèm...rượu Tây