Hôm nọ Đình Thắng (Báo Tuổi trẻ) mail cho tôi một bài anh viết khi tôi đang bị "đánh" bảo bác giữ làm kỷ niệm . Anh viết bài này để bênh tôi nhưng rồi báo TT đã không in. Thế là tôi nhớ lại...
Trong đời ai mà chả từng ăn đòn. Nghĩ thế nên tôi cứ lần lữa mãi dù bạn bè biết việc có người nhắc. Gần đây có triệu chứng... già, già nhưng vẫn thích bỡn cợt. Thì đấy là cái lý do để mỗi ngày tôi gõ ít chữ về cái chuyện tôi chập chững với văn chương và được... ăn đòn như thế nào. Những câu chuyện bây giờ đọc xong thấy buồn cười, nhưng một thời nó vô cùng nghiêm trọng, nghiêm trọng cả phía người cho là nghiêm trọng và cả phía cho là trò đùa...
Vốn dĩ tôi là một... con gà công nghiệp không hơn không kém. Sống trong môi trường bố mẹ đều là công chức đảng viên mẫn cán, đều tuân thủ nguyên tắc: "Đọc và làm theo báo", "Trên" luôn luôn đúng. Có lần tôi dám cãi lại ba tôi việc gì đấy, tôi thấy ông sai lè lè nhưng khi ông kết luận: "trên" bảo thế thì tôi... im thít. Khi học xong đại học ra trường, ít nhất tôi có thể được "phân công công tác" về hai nơi: Huế hoặc Nha Trang, nhưng tôi đã xung phong lên Gia Lai Kon Tum, nơi mà cho đến khi ấy tôi chưa biết nó mặt ngang mũi dọc ra sao, tất nhiên lý do thì vô cùng đơn giản: Lý tưởng của thanh niên và ý muốn giang hồ cá nhân. Cho đến bây giờ vẫn còn người bĩu môi bảo rằng: Chắc học dốt lắm nên mới bị "đày" lên Tây Nguyên. Tôi không cãi nhưng may là vừa rồi ngồi "kiểm kê" lại cái túi hồ sơ ở cán bộ tổ chức thì thấy cái thư xung phong vẫn còn. Hồi ấy chúng tôi là sinh viên khóa 1 ra trường, cả dải đất miền trung có mỗi cái trường Đại học Tổng hợp chứ không như bây giờ, mỗi tỉnh một trường, thậm chí có tỉnh bé tí mần luôn mấy trường, đến nỗi không đủ sinh viên, phải "bắt" cả số không đủ điểm chuẩn. Chúng tôi hồi ấy đắt còn hơn cái gì, nhưng xung phong là xung phong, thế thôi.
Con gà công nghiệp là tôi đây
Đòn đầu tiên là một cuốn sách tôi biên tập suýt bị thu hồi. Nó là tập "truyện cổ Gia Lai- Kon Tum" do anh chị em trong phòng Văn Nghệ đi sưu tầm về, chất trong tủ. Tôi thấy thú quá bèn rụt rè đề nghị cho xuất bản. Qua năm lần bảy lượt ý kiến thì cuốn sách được giao cho tôi biên tập và ông phó Giám đốc "chịu trách nhiệm xuất bản". Ông phó giám đốc này là một nhân vật rất kỳ dị, tôi sẽ kể sau. Tập sách gồm khoảng vài chục truyện chi đó, truyện đầu tiên, in ở trang 5 là "sự tích Pleiku". Đây là cái truyện mà bây giờ thì ai cũng đã biết, ấy là do hai làng tranh nhau ăn mất cái đuôi heo nên mãi mà ông thầy cúng không cúng được do cái đuôi là vật quan trọng trong mâm lễ. Thế là người ta đặt cho cái làng ấy là làng (Plei) Ku (đuôi). Khổ, nó là truyện cổ tích, nào tôi có tự vẽ ra được đâu, thế mà sách in ra thì ông Bí thư thị ủy Pleiku đùng đùng phẫn nộ, cho rằng cố tình nói xấu Pleiku của ông. Ông ấy "nện" ông phó giám đốc, ông phó giám đốc về nện tôi, lệnh phải thu hồi hết sách đang bán ngoài hiệu sách về rồi chửi tôi là người có học nhất cơ quan mà... ngu (huhu). Nhưng tôi cũng ngang, dù mới ra trường nhưng cũng cứng đầu lắm. Tôi chứng minh rằng cả tôi và ông đều không có lỗi, lỗi là do... nhân dân. Mà không ai có thể kỷ luật nhân dân được, vì nhân dân rất là trong sáng và biết phải biết trái. Còn nếu thu hồi thì phải có quyết định. Mà người quyết định sẽ không phải là người chịu trách nhiệm xuất bản, mà ít ra là giám đốc. Tôi nhớ ông này nói như ca cải lương: Ông cử ơi là ông cử ơi, ông giết tôi đi, tôi tưởng ông về thêm chân thêm tay chứ như thế này thì ông giết tôi đi. Sao ông lại bắt làng người ta tranh nhau ăn cái đuôi. Ông biên tập ông không sửa đi cho nó ăn cái gì đẹp hơn được à (lại huhu cái). Giờ cả thị xã người ta phản ứng, ông tính sao đây. Thu hồi ngay, thu hồi ngay...
Cái ông bí thư thị xã hồi ấy, sau này còn "đụng" tôi một trận kinh hoàng nữa, gửi đơn như vãi trấu kiện tôi khắp nơi, ra tận ông Nguyễn Khoa Điềm, và bây giờ vẫn bảo tôi "có vấn đề về tư tưởng" trong khi ông ta có nhiều chuyện cũng chả sạch sẽ gì, sẽ lần lượt nhấm nháp về sau...
Tất nhiên rồi cuốn sách ấy không bị thu hồi, không những thế nó còn được tái bản năm bảy bận, có lần đến năm chục ngàn bản mà bây giờ cần một cuốn tôi vào thư viện tỉnh tìm cũng chả còn.
Bây giờ thì đấy là chuyện cười, nhưng hồi ấy (đầu những năm tám mươi thế kỷ trước) tôi mới ra trường, thú thật là cũng sợ vãi... linh hồn ra. Thêm nữa không khí khi ấy ngột ngạt lắm. Có một ông ở An Khê, làm thơ thế quái nào mà bị bắt. Bắt vì câu ông tả sự tốt đẹp hoành tráng của cái nông trường điểm của tỉnh. Đại loại ông ca ngợi đàn bò của nông trường này đẹp đẽ béo khỏe, đi ăn cỏ trong sáng sớm tinh mơ, những hạt sương đọng trên cỏ như những hạt kim cương, bò ăn cỏ ăn cả những giọt sương ngũ sắc ấy. Thế là... Bắt. Người bắt bảo: Ông này ám chỉ CNXH là những giọt sương, những hạt kim cương, còn bò là loại phá hoại. Ăn kim cương là ăn... CNXH. Giam cả năm thì tôi (và vài người nữa, nhưng tôi là chủ trò) mới được mời thẩm định. Bây giờ mà nhận là mình dũng cảm thì quả là... như kiểu viết hồi ký tự khen mình, nhưng tôi đã "liều mạng" mà rụt rè thưa trước cả ban giám đốc công an tỉnh khi ấy rằng: Đây chỉ là một bài thơ... dở, chứ nó rất yêu nước, yêu CNXH đấy. Hồi ấy quả là việc bắt người không như bây giờ nên cái sự tôi dám nói cũng là sự kiện. Đâu hơn tháng sau thì ông này được thả. Bắt cũng như thả, chả có án iếc gì. Ông này giờ in đến mấy chục đầu sách và đang là hội viên hội VHNT Gia Lai, mỗi lần nhắc đến chuyện này là cứ co rúm ngũ túc lại...
Kể thế để thấy, đòn văn chương hồi ấy nó khủng khiếp đến mức nào. Sơ sẩy là... a lê hấp ngay... (còn tiếp)
17 nhận xét:
He he, bác ơi đó là chuyện của những năm 80 của thế kỷ 20. Còn dưới tui mới đây thôi, trong một buổi họp chi hội văn học, có một ông còn lôi cả nhân văn gia phẩm ra dọa anh vãi cả đái. Đại loại bác ấy bảo coi chừng bọn nhân văn giai phẩm nó sống lại qua trang viết của anh em. Ối trời đất ơi, văng chương làng xã mà bác ta cứ tưởng mình ghê gớm lắm. Chúc bác khỏe, bệnh hoạn sao rồi? đở chưa mà cứ nghe bác khoe nhậu miết vậy
Bây giờ đây mà cứ viết kiểu cả làng tranh ăn cái đuôi còn đàn bò thi tranh nhau ăn CNXH thì đi tù mọt gông, những năm 80 của thế kỷ 20 bị như thế là nhẹ lắm đấy,bác nên tri ân người ta mới đúng chớ, sao còn huhu...
Là người trong cuộc, bác Hùng tất hiểu và nhận định rất chính xác về văn chương. Đúng nó là thứ gì có ma lực ghê gớm, "lỡ" ngoạm nó vào tim rồi họa may có trời gỡ ra! Đó là một thứ tôn giáo mà kẻ đam mê nghệ thuật viết lách chính là con chiên cuồng tín nhất.
Gửi bác Văn!
Khe khe... ở Kon Tum cũng có khối chuyện cười ra nước mắt như vậy. Truyện ngắn Nguyễn Thống Nhất viết được Hội VHNT tỉnh trao giải (truyện gì em quên tên rồi) Công an Văn hoá lúc ấy coi là có vấn đề đưa lên đề nghị BTG tỉnh có ý kiến, lúc đó em làm ở phong Tuyên truyền trực tiếp đọc và nêu ý kiến thẩm định. Thế mà thằng em lại bạo gan bênh có rằng chủ đề tư tưởng, tính giáo dục cao. Lại ông cán bộ lãnh đạo cấp côi (không tiện nêu tên) mấy lần lấy truyện ngắn của nhà văn Quý Thể đăng trên Báo Đại Đoàn kết gửi lên BTG đề nghị có ý kiến vì truyện có vấn đề (như truyện ngắn: Nhà bốn cửa; truyện: Ông cha và con...)kinh chưa. Lưu ý vị này là UVBTVTU hẳn hoi đấy.
@ Bác Hoàng Công Tâm:
----------
Bệnh hoạn là chuyện... đương nhiên rồi, nhưng biết làm sao được khi toàn những người không thể không ngồi với họ?
Nhân văn giai phẩm bây giờ nó là cây gậy cho các cụ bảo thủ và ít hiểu biết vác ra dọa nhau bác ạ.
@ dân thường;
-----------
vẫn cứ phải huhu thôi...
@ hèn đại nhân:
---------
Khổ thế đấy bác ạ. Mà nó lại còn không chịu bình yên cho, cứ suốt ngày dông bão nữa, oánh nhau nữa...
@ Võ công Phúc:
--------
Kon Tum nhà chú oách rồi, bây giờ vẫn còn... oách
ơ ! Cái "túc" đệ ngũ thì rụt vào chứ?
Con gà công nghiệp ngày xưa
May không bị..thiến nên giờ mới ngon!
Ngày xưa,đẹp trai hơn.Nhưng bây giờ trông oách hơn.Chúc mừng!
Thời chống Mỹ,đơn vị tôi có anh bộ đôi tên Thưởng(thầy giáo đi bộ đội) bị ông Chính trị viên bắt viết kiểm điểm vi hát nhạc vàng.Thực ra ,đó là bài hát chống chiến tranh(chống bom nguyên tử),ông Chính trị viên cứ thấy giọng hát buồn buồn nên cho là nhạc vàng.Hềhề..
Thân quý nhà bác lâu rồi, nay nhìn ảnh mới biết hồi trẻ bac đẹp trai thế! Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu...
Văn Công Hùng mà cũng có phen đau đớn như thế ư? Lão Trần xin chia sẻ
@ Trần Đăng KHoa:
-----------
Chưa đâu nhà thơ thần đồng ơi, đoạn sau mới khiếp, từ từ sẽ kể, kinh hoàng lắm chứ đây mới là mở đầu thôi.
Cám ơn nhà thơ đã vào và chia sẻ.
Cũng ngày xưa, khi mình nằm võng trong chiến trường khu 5, mở đài nghe nhạc cổ điển của đài phát thanh Sài gòn, mình bị ông lãnh đạo bảo: cậu không được nghe nhạc nguỵ nữa nghe chưa. Mình bảo đây không phải là nhạc nguỵ mà là nhạc cổ điển quốc tế mà anh. Cậu nghe đài SG mà còn cãi tôi hả?! Tôi đành im. Đúng là nghe đài SG, nhưng người ta đang phát nhạc cổ điển, tinh hoa của âm nhạc quốc tế cơ mà. Cũng một lần, mình kéo đàn trong một đêm nhạc sống ở thị xã Pleiku, bài " Gọi nắng " của Trịnh Công Sơn, thì bị một vị lãnh đạo thanh niên tỉnh cho rằng cậu ấy chơi nhạc vàng đấy! Nói chung là, những cái gì mà lãnh đạo chưa hiểu mà phải cố lãnh đạo người khác thì hãy chụp cho nó một cái mũ đã, rồi sau hẵng hay, có biết đâu rằng, người bị chụp mũ cũng sẵn sàng chụp lại trên đầu họ một cái mũ khác còn ghê gớm, khó tẩy rửa hơn nhiều..." Đòn văn chương " của VCH cũng là những đòn chung của những ai muốn khám phá, nhận định Sự thật ở đời.
Em cũng từng bị "đòn văn chuwong", bác Văn Công Hùng ạ. Nhưng nghĩ lại thấy vui, vì ngày ấy viết ra còn dược nhiều người quan tâm. Bây giờ, chẳng mấy ai quan tâm tới văn chương thấy buồn quá, bác ơi. Cao Thâm.
Em cũng từng bị "đòn văn chuwong", bác Văn Công Hùng ạ. Nhưng nghĩ lại thấy vui, vì ngày ấy viết ra còn dược nhiều người quan tâm. Bây giờ, chẳng mấy ai quan tâm tới văn chương thấy buồn quá, bác ơi. Cao Thâm.
Cái thời văn hóa thấp bé nó thế.Nó xuẩn ngốc nhưng được việc.Mà trên đời kẻ nào thả gà ra đuổi mới là ngốc.
Đăng nhận xét