Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

CHIM VÀ NHỮNG CHUYỆN... NGOÀI CHIM

Quả là đi vào thế giới chim mới thấy nhiều chuyện lý thú. Tôi cứ tủm tỉm mãi câu chuyện tiếu lâm về chuyện các cụ ở Hà Tây mang chim đi thi với lời nhắc của ban tổ chức: "Kính thưa các cụ ông có chim mang đi thi, kính thưa các cụ bà đi xem thi chim... đề nghị mọi người không được chen lấn xô đẩy bẹp chim các cụ, không được sờ kẻo chim bị xù lông... các cụ không có chim nhường chỗ cho các cụ có chim..."... Ðây là cuộc thi chim bồ câu truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành một đặc sản văn hoá đất Việt với những điều luật rất khắt khe và những bầy bồ câu tinh nhuệ.

Bài này hơi lâu lâu rồi, đưa về từ bên http://vanconghung.vnweblogs.com/, ai xem rồi thì xem nhé, ai chưa xem thì bảo đảm là không phí thời  gian, hê hê.
-------------------

Tôi là người không rành lắm về chim, dù cũng đã có một tuổi thơ quần đùi chân đất leo núi đá bắt sáo, bịt ống tre đầu hồi nhà bắt chim sẻ. Ðã chứng kiến một thằng bạn trễ rốn rơi xuống từ ngọn cây đa đầu làng mà trên tay vẫn ôm gọn một ổ sáo có 3 con sáo con... Sau đó bẵng đi, ở thành phố lấy đâu ra chim tự nhiên, mà nuôi thì không nỡ, thêm nữa có muốn cũng không có chỗ. Thế nhưng từ khi chuyển về khu nhà mới ở một hẻm đường Lê Lợi thì bỗng nhiên lại quan tâm đến chim. Ấy là bởi cách nhà tôi mấy căn, có một người nuôi chim. Sáng nào cũng thế, đang còn nằm trên giường, tôi đã lạc vào một thế giới tiếng chim. Ðầu tiên cứ thấy nó hót loạn xị ngậu, không phân biệt giống nào vào với giống nào. Sau lần hồi thì nhận biết được hết, sáng nào thấy vắng một con không hót giữa dàn đồng ca ấy là cứ thắc tha thắc thỏm chờ. Lại nữa, dù nhà tôi nằm giữa trung tâm thành phố, nhưng vì là khu đô thị mới mở,  lại có 6 cây cổ thụ khổng lồ rợp bóng mát, có một cái sân tự nhiên khá rộng chưa kịp biến thành chung cư với những cái hộp chứa đầy người... nên chim sẻ rất nhiều. Hàng đàn cỡ nghìn con  sà xuống kiếm ăn trên mặt đất rồi bay lên mổ và đuổi nhau rào rào trên mái tôn nhà tôi. Chim sẻ ở nông thôn là việc quá đỗi bình thường, nhưng ở thành phố nó trở thành hàng độc. Sao mà thanh bình, sao mà trữ tình đến thế. Thiên nhiên trở nên trong trẻo hơn, thi vị hơn và con người cảm thấy yên tâm hơn khi đối diện với thế giới tự nhiên mịt mù trắc trở... ấy thế mà gần đây chiều chiều đã thấy có mấy xạ thủ ngổ ngáo xe máy súng hơi nhòm ngó rồi đì đoàng. Người lương thiện không dám can thiệp vì có lần tôi đã bị một cặp mắt ốc nhồi dưới thô lố đầu đinh bặm trợn quát vào mặt: Của ông ư mà ông giữ, vớ vẩn. Kẻ “vớ vẩn” này đành cứ khi nào thoáng thấy họ xuất hiện lại tìm cách liệng vài cục đá cho chim bay đi. Bây giờ ở thành phố ta còn hay thấy những chiếc xe máy chở 2 người, người ngồi sau ôm một chiếc lồng bịt kín bằng vải chạy ra ngoại ô. Ấy là họ đi bẫy chim. Trong chiếc lồng ấy là một con chim mồi. Con chim này đã được huấn luyện để lừa gạt (chim hay người lừa gạt) đồng loại của nó cùng... bay vào lồng... Với những kiến thức lõm bõm ấy, tôi đi tìm hiểu về chim.

            CHUYỆN CHIM

            Trong thế giới chim nuôi để chơi, người ta chia làm 2 loại là chim hót và chim cảnh. Chỉ con đực mới hót, con cái không bao giờ hót, cũng như chim cảnh thì chỉ con đực mới có lông sặc sỡ. Tác dụng chính của tiếng hót hay và lông sặc sỡ là để gọi bạn tình vào mùa sinh sản. Chim hót thì hót hay nhưng không đẹp về hình thức và hầu như không đẻ khi bị nuôi. Ngược lại chim cảnh thì không hót nhưng cơ thể đẹp, lông sặc sỡ và có thể nuôi đẻ để gây giống.

            Khướu là một loại chim hót phổ biến ở khu V, đặc biệt là khướu bạc má (má chim có 2 vệt trắng- lâu nay nghe tên tưởng gốc Hán, té ra đơn giản chỉ là cái má bạc), dân gian còn gọi là chim bạc má hay bồ chao. Hiện nay thời giá ở thị trường dao động khoảng 100 đến 5000.000đ00 con trống và chim mái chỉ khoảng hai chục đến 50.000đ00. Trong thực tế người ta chỉ nuôi chim trống, mua nhầm chim mái coi như mất vốn. Cái khó là loài này rất khó phân biệt trống mái, phải nuôi một thời gian mới biết, vì thế mua nhầm là chuyện đương nhiên. Khướu hót rất hay và khoẻ, đặc biệt là rất giỏi bắt chước giọng các loài chim khác. Vì thế ở vùng nhiều chim, khướu hót càng hay. Giữa dàn đồng ca tiếng chim, giọng khướu nghe hoang vu não nề. "Chim kêu vượn hú" là chính tiếng chim khướu này đây. Trong muôn vàn lảnh lót tiếng chim nhà hàng xóm mà tôi vừa kể trên kia, thì tiếng con khướu là nghe rõ nhất. Nó như Solit giữa dàn hợp xướng. Nằm trong nhà nghe khướu hót cứ như đang bồng bềnh lang thang giữa rừng, mà là rừng âm u kia. Chim khướu ăn bột ngũ cốc, người nuôi cẩn thận thường trộn thêm lòng đỏ trứng gà rồi sấy lên  cho chim ăn mục đích là để lông mượt giọng trong. Người ta thường treo lồng khướu lẫn các loài khác để nó bắt chước giọng và hoà thanh.

            Một loài chim hót nữa cũng rất được ưa chuộng là hoạ mi. Ðây là loài có tiếng hót tuyệt hay, gồm nhiều loài Âu, Á.... Ở Tây Nguyên cũng có nhiều loài phân chia bằng hình thể to nhỏ. Sở dĩ gọi hoạ mi là vì hai bên mắt có vệt trắng như được vẽ (hoạ mi = vẽ mắt). Thức ăn chính là côn trùng (người ta đã nhập sâu Trung Quốc để nuôi chim), giá thị trường hiện nay khoảng 50.000 đến vài trăm một con.

            Nhồng (người bắc gọi là yểng) là một loài chim hơi giống sáo, nhưng chân cao hơn, người to và dài hơn, trông sung hơn, thân đen, chân vàng, mỏ vàng. Ðây là loại chim vừa ăn ngũ cốc vừa ăn thịt, đặc biệt thích thịt bò tươi. Ðiểm quý của nhồng là biết bắt chước tiếng người rất giỏi, bắt chước cả tiếng đề nổ xe máy, tiếng súng đạn nổ ùng oàng trên tivi... Ở nông trường Hà Tam- Gia Lai có người nuôi một con nhồng biết nói rất sõi. Nhà nghèo, có người trả hai triệu đồng để mua. Gia đình đồng ý bán nhưng con nhồng cứ thảm thiết kêu tên đứa con trai nên không sao bán được. Nhà khác ở bên Gia Lâm có con nhồng biết nói, ban đầu rất lễ phép, cứ cô Nga ơi cô Nga, cháu yêu cô lắm, yêu cả chú nữa, nhà có khách, cháu chào khách ạ, cháu mời khách uống nước ạ..., sau bọn trẻ con hàng xóm tập cho toàn nói rất tục và chửi bậy, toàn ngôn ngữ hè phố, đành phải vác cu cậu giấu lên tận sân thượng. Giá thị trường một con nhồng biết nói giá khoảng 500 đến 700.000, cao nhất khoảng hai triệu là loại vừa nói hay vừa cực khôn... Ngoài vài giống chim hót vừa liệt kê, theo kiểu cưỡi ngựa ngắm... chim, còn có các loài khác cũng thông dụng như thanh tước, hồng tước, cu gáy, chích choè than... mà người thành phố giờ hay nuôi.

            Chim cảnh cũng có rất nhiều loài. Người ta nuôi để ngắm chứ không phải để nghe, vì thế lồng của chúng không bị bịt kín như chim hót mà phải lộ thiên, càng rộng rãi càng tốt. Tôi tỉ mẩn đi thống kê ở các nhà nuôi chim thì thấy có các loài thông dụng sau. Yến phụng (vẹt Hồng Kông), giá khoảng 35.000- 50.000 một con, trông giống vẹt ta nhưng nhỏ hơn. Ðuôi dài, cổ ngắn, mỏ quặp, màu lông sặc sỡ phong phú từ xanh lá cây đến xanh lam, phớt hồng... con đực cổ có cườm rất đẹp, mũi màu sặc sỡ hơn. Loài này chủ yếu ăn ngũ cốc, đặc biệt thích kê, lúa... và nó tự lấy mỏ bóc vỏ rất giỏi. Nuôi trong nhà chúng vẫn có khả năng sinh sản, mỗi lần đẻ và ấp độ 3-4 trứng. Sẻ Nhật nhỏ hơn sẻ ta, mỏ ngắn, lông xám, khoảng 15 - 20.000 một con. Man man (hình như có nơi gọi là manh manh) là loại chim nhỏ như chim sâu, song màu sắc đa dạng hơn, sặc sỡ hơn, nhiều con có đốm trắng rất đẹp. Có con tuyền trắng như một cục bông trông đầy vẻ tiết hạnh. Lại có con vàng choé màu hoàng yến, lanh chanh như Ðông Joăng. Ngoài ra còn phượng hoàng đất, két, và rất nhiều loài tôi không thể nhớ tên. Nhưng có điều này khiến tôi không lấy gì làm thua thiệt, ấy là có khá nhiều người nuôi chim cũng không nhớ hết tên chim mình nuôi trong nhà. Hôm vào nhà một người quen, thấy anh có một cái chuồng sắt rất to nhốt một cặp phượng hoàng đất rất đẹp. Nhưng anh ta cứ quả quyết đấy là... đại bàng. Cãi nhau một hồi mà tôi vẫn thua, anh ta cứ thắng. Phải đến vài ba tháng sau, có mấy chuyên gia chim đến khẳng định, anh mới chịu nhận chúng là phượng hoàng đất...                     
    
            CHUYỆN NGƯỜI ...

            Một đồng nghiệp của tôi có ông em vợ nhưng... chưa vợ cũng theo nghiệp báo chí. Cậu này đặc biệt mê chim. Gần như có được đồng nào là cậu nướng vào chim. Cậu ở chung với anh chị thế nên vào nhà, la liệt là chim. Chim dưới đất, chim trên trời, chim trong nhà, chim dưới bếp, chim ngoài vườn, chim bên giếng, lồng thì bịt kín mít, lồng mở toang, lồng nửa kín nửa hở... Mà cậu lại hay phải đi công tác, có khi đến mươi mười lăm ngày. Thế là ông anh rể phải... hầu chim. Mà nuôi chim nào có đơn giản, nhất là với những người amateu như  đồng nghiệp tôi kia. Thế là chàng cáu. Nguyên mỗi buổi sáng lọ mọ đổ hết mấy chục mẹt đựng phân là chàng đã khổ rồi. Người mà yêu chim, trước khi đổ phân họ còn đứng ngắm nghía chán (thậm chí cả... ngửi) xem "chất lượng" phân có gì khác không để biết sức khoẻ chim. Ðây chàng vừa làm vừa... chửi. Thế nên chim chết dần và ông em vợ cũng mất vía di chuyển hết chim về Buôn Ma Thuột gửi nhà bố mẹ.

            Có một anh bạn hoạ sĩ ở Kon Tum mê chim và thú và rất giỏi nuôi chúng, đến nỗi gần như anh nuôi thả chúng trong nhà. Khi anh đi đâu về chim ùa ra đón như chó đón chủ. Chưa hết, khoảng một chục con vừa nhồng vừa sáo suốt ngày liến thoắng nhắc tên vợ chồng anh một cách cực kỳ thắm thiết. Lạ nữa là bầy mèo tam thể nhà anh lại rất quyến luyến lũ chim chứ không như nhà khác lồng hai ba lớp mà hở ra là mèo vồ chết tươi. Anh chơi với chim như bạn chứ không phải với tư cách người nuôi chim. Ðắm đuối và trữ tình lắm, lúc nào chim cũng vây bên người. Tôi đã chứng kiến một buổi anh tổ chức "tắm chim", phải nói là ngoạn mục khôn tả. Một chậu nước mưa trong văn vắt to vĩ đại đặt giữa sân thượng (Anh cho biết là cứ phải là nước mưa, nước khác không dùng. Trong nhà anh có một cái bể khổng lồ xây ngầm chuyên để chứa nước mưa tắm chim, không bao giờ được dùng vào việc khác). Anh cởi trần trùng trục tắm cùng lũ chim. Chúng bay lên đậu xuống, vỗ cánh xoè đuôi, lặn vào chậu rồi đậu lên đầu anh rũ lông rũ cánh, nước văng mù mịt... Trông lũ chim thì phởn phơ thật, còn anh thì từ đầu đến chân đầy lông và... phân chim, hôi rình. Thế mà trông anh cực kỳ sung sướng và mãn nguyện. Nói thêm là anh này không chỉ thân với chim. Trong nhà anh chồn, cáo, sóc, trăn rắn... đi lại như chó mèo. Bây giờ anh là chủ của quán cà phê Eva nổi tiếng nhất thị xã Kon Tum. Ngoài địa thế rộng rãi, kiến trúc hiện đại mà lạ, gần gũi, cà phê ngon, nhiều tranh và tượng đẹp... thì chim cũng là một yếu tố để quán anh hút khách.

            Nhu cầu nuôi chim (cũng như chơi cây cảnh) là một cách để người ta kéo thiên nhiên vào nhà, nhất là giữa thời buổi đô thị hoá bức bối hiện nay. Nhà nào nhà nấy như cái hộp, đến gió cũng được làm nhân tạo, núi cũng làm núi giả. Thế nên ở thành phố gần như mỗi nhà mỗi lồng chim, mỗi nhà một chậu cảnh để thư giãn. Nhưng nuôi chim không phải dễ, nó rất công phu và khoa học cộng với một tình yêu vô biên như anh bạn hoạ sĩ kia, vì thế tỉ lệ chim chết nhiều hơn chim sống. Thường những người nuôi chim không chuyên, nuôi cho vui... vài ba tháng lại thấy thay chim một lần. Thực ra thì không phải là thay, vì con kia chết thì lại mua con mới về. Có cung là có cầu. Người ta bẫy chim, bắt chim bằng mọi giá để bán. Tôi đã chứng kiến một xe ô tô chở két chạy lòng vòng trên phố bỏ mối. Hỏi, được trả lời là bắt bằng lưới. Sập một phát nhốt cả hàng mấy trăm con. Lại nữa, sâu được nhập một cách ồ ạt không qua kiểm soát, không ai biết nó là cái giống gì. Báo chí và các nhà khoa học đã từng cảnh báo về rất nhiều tác hại của loại sâu không biết nguồn gốc này. Cũng lạ, chuyện nhập sâu cho chim chắc chỉ đến thời mở cửa kinh tế thị trường này mới có. Rồi chim cũng được nhập. Tội nghiệp những con chim nuôi bị nhốt đến ngu người. Hôm tôi bay từ Pleiku ra Hà Nội, có mấy hành khách mang theo mấy lồng chim mua ở chợ chim đường Trần Hưng Đạo. Ðến phút cuối nhà ga không cho mang đi theo máy bay, thế là họ đành... phóng sinh bất đắc dĩ. Thương cho lũ chim, khi được thả ra, chúng hốt hoảng bay vọt lên, rồi cứ bay lòng vòng và cuối cùng cứ đậu mãi ở nóc nhà ga, vẻ như tần ngần tiếc rẻ mấy cái... lồng. Rất nhiều người nuôi chim dạy nói, nhưng có phải ai cũng biết cách làm cho nó nói đâu. Có người nghe xui khôn xui dại, đem... cắt cả lưỡi để chim nhanh biết nói. Những con không nói được, bị đối xử khác, suốt ngày lù khù trong lồng trông đến tội... Chim trở thành thượng đế của... thượng đế. Ở Bình Ðịnh nói riêng, miền Trung nói chung, còn một loài chim cũng khá hấp dẫn. Ðấy là chim mía... rô ti. Nhà thơ Thanh Thảo có nguyên một bài viết về món khoái khẩu thượng thặng này, khiến nhiều người vừa đọc vừa... rưng rưng nước miếng. Nghe nói mỗi ngày hàng vài ngàn con được "tắm" qua chảo dầu sôi sùng sục rồi "hành" dạ dày con người, quả là một cuộc tuẫn tiết vĩ đại cho nghệ thuật ẩm thực lên ngôi. Không hiểu ở đâu ra mà nhiều chim mía đến như thế. Ăn tại chỗ đã đành, khách lữ hành qua Phú Phong còn lũ lượt ghé xe mua từng giỏ từng giỏ xách về nhà làm quà, hoặc mang đi nơi khác nhậu. Ở nước ngoài xem tivi thấy chim bồ câu bay đầy phố, đậu xuống tay, đầu người như bạn. Ở ta chim vừa nhu nhú ra ràng là thi nhau chui vào các... nồi hầm, nồi cháo, làm nhân nem rán... Có một món chim bồ câu tôi đã thưởng thức, ấy là cưa đầu một trái dừa bánh tẻ ra, để nguyên cùi và nước dừa, nhét chim cùng các loại gia vị vào rồi đậy nắp lại, vùi trấu. Hình như món này tôi chưa thấy trong thực đơn của vua Minh Mạng, vậy kể như ngài cũng chưa phải là người "sướng như vua". Nghe nói có giám đốc một công ty xây dựng, bỏ tiền ra mua hàng chai tiết chim sẻ mỗi ngày để uống. Ròng rã một năm như thế thì ông khỏi hẳn bệnh bất lực. Trong tiểu thuyết Bất Khuất của Nguyễn đức Thuận, có chi tiết một con chim sẻ non bỗng bay lạc vào nhà lao. Anh em tù vây bắt được, ngắt đầu rồi nhỏ cho mỗi người một giọt tiết, thế mà bao nhiêu người đang ngắc ngoải gần chết trong tù bỗng khoẻ hẳn ra. Có một loại chim một thời phổ biến, giờ đang lặn dần là chim cút. Bao nhiêu người đã phất lên nhờ chim cút. Có một chị cán bộ ngành thuế rất xinh đẹp, về đến nhà, trút bỏ đồng phục là tong tả đi bỏ trứng cút. Nhờ thế mà cuộc sống của chị rất khá giả. Nhưng bây giờ chim cút đang vắng bóng dần trong thực đơn ẩm thực, mà như thế chúng sẽ vắng bóng dần trên cõi đời này, vì không ai nuôi chim cút để chơi cả...

            Các nhà khoa học cũng báo động về việc mất cân bằng sinh thái trong việc bắt chim trời nhốt vào lồng (dù là lồng son chuồng tía) và cho chim lên... đĩa. Ðặc biệt nhẫn tâm là những nhóm người trong thành phố nghênh ngang vác súng đi bắn chim. Phần lớn họ bắn chim vì vui chứ không phải nhu cầu kiếm thực phẩm. Thành phố sẽ trở nên nghèo nàn hoang vu biết bao nếu như vắng hẳn tiếng chim và mất bóng cây xanh. Nhìn những con chim trúng đạn máu me bê bết họ xách từng xâu lang thang trong phố mà buồn. Và điều này mới quan trọng, nhìn mãi những cảnh ấy, con người, nhất là trẻ con, quen dần cái ác, không biết xúc động trước cái ác, tính nhân bản sẽ bị chai lỳ dần... Ðã cần chưa nhỉ, một quy định cấm bắn chim trong thành phố? một khuyến dụ bảo vệ chim trời?...

            Cái sự H5N1 tràn vào ta mấy năm nay khiến phong trào chơi chim có xẹp xuống. Lúc căng nhất người ta đã phải nhét những con chim bạc triệu vào bao như nhét vịt mang đi huỷ. Nhưng thực sự thì chỉ tạm xẹp thôi, hàng ngàn con chim vẫn đang... sống trong lồng. Mỗi buổi sáng, đặc biệt là sáng chủ nhật, ở cái quán cà phê trong khuôn viên nhà văn hoá thị xã Vĩnh Long đều có các cuộc trình diễn chim rất thú vị thu hút rất nhiều người, rất đông tao nhân mặc khách. Mỗi người ở câu lạc bộ chim đến uống cà phê đều xách theo một lồng chim treo lên giàn, mở bao vải chụp ra rồi nhâm nhi cà phê nghe chim hót. Hàng trăm con chim các loại cùng hót yên bình như thế trong một buổi sáng thanh bình mơ mộng. Một lối chơi đầy tao nhã, sang trọng không phải nơi nào cũng có... Cũng chả biết nói thế nào, giữa cái thú, cái cách thưởng thức chim tao nhã ấy với việc bảo vệ môi trường?... 
                                                                                    V . C . H           2005  
-------------------
Post vội trước khi di chuyển ra Huế

8 nhận xét:

hèn đại nhân nói...

Tui cũng có lần bày đặt ta đây tao nhã, xách lồng chim về nhà nuôi chơi, được chừng một tháng thì ... chạy mất dép. Đơn giản vì người ta chơi chim còn mình thì ... chim chơi. Hehe... Họ nuôi chim kiểng thứ thiệt, sáng chiều hót ca tưng bừng, còn kẻ gà mờ là tui đây lại vác một "em" bìm bịp về. Suốt cả tháng nó chỉ làm mỗi 2 việc là ... ị tùm lum và suốt ngày che ché đòi ăn, điếc lỗ tai. Nói của đáng tội, nó cũng không đến nỗi xấu mã với cái đuôi dài thượt vàng vàng đỏ đỏ( trẻ nhỏ nó ưa ?), nhưng âm thanh nó phát ra, bất cứ lúc nào có người gần bên, để đòi ăn thì kinh khủng quá. Đang ngủ trưa nghe nó " ché ché ", bạn mà không giật mình choàng tỉnh hẳn xứng đáng lọt vô top người ngủ say nhất thế giới !... Tui thả nó tại một cánh đồng vắng vẻ ở Hóc Môn, nó chả thèm bay mà cứ đứng dưới đất nhìn ngược lại tui và... che ché tiếp. Thôi kệ mày, biểu tượng của tự nhiên, môi trường, tự do, hòa bình. Bay đâu thì bay, đừng lọt vào tầm ngắm của mấy tay xương cốt có vấn đề nên rất ái mộ rượu ngâm bìm bịp, không biết có bác Văn nhà ta trong số này không nữa ? Hihi...

Văn Công Hùng nói...

@hèn đại nhân:
----------
khổ con bìm bịp ấy rồi, thả không đúng môi trường, nó chui vào thẫu nằm chung với rượu là cái chắc...

Choaday nói...

Bản tính con người là tham sống tham ăn nhưng rất sợ chết, nhất là sợ cái chết do mình gây ra cho chính mình. Để bảo vệ thiên nhiên người xưa dùng thần thánh,phương pháp tâm linh này rất hiệu quả.
Ngày nay nếu thay thần thánh bằng "khoa học mờ" để bảo vệ thiên nhiên sẽ rất hiệu quả. Ví dụ để bảo vệ chim có lông vũ thì thay thánh vật bằng H5N1, để bảo vệ chim không có lông vũ thì thay ma bắt bằng HIV.

quay chim nói...

tom lai chim quay+ruoi=mot bua ngon

Daqui nói...

Đang buồn như chấu cắn thì lại được đọc bài... Chim rất hay . Lại bổ xung cho rất nhiều kiến thức về nuôi chim nữa . Tuy nhiên tạo hóa hình như đã ko công bằng khi tạo ra giống đực bao gờ cũng hay hơn giống ... cái thì phải , huhu !

hèn đại nhân nói...

Sáng dậy, quăng vài chữ vào blog bác Văn rồi đi làm. Chiều sực nhớ chuyện chim chóc của bác mà bật cười...buồn. Ngẫm thấy con người ta sao lắm mâu thuẫn, không chỉ trong cái xấu, cái tầm thường mà cả với cái tốt, cái đẹp. Chẳng hạn, tuyên xưng loài chim là biểu tượng cho hòa bình, cho tự do lồng lộng ngoài trời, song lại rất thích thú với việc đem chúng nhốt vào lồng chơi, kinh dị hơn thì để...nhậu !
Có lẽ vì chúng ta là sinh vật thượng đẳng của nhân gian chăng, nên có quyền enjoy ( sảng khoái ) trong việc định đoạt số phận những sinh vật khác thấp kém hơn ? Thôi thì cứ tạm chấp nhận lý lẽ thế đi, bởi mấy tay vốn suy ngẫm lý lẽ nặng ký hơn ai hết, là các thi sĩ như bác Văn ấy, cũng chứa chấp cái thú enjoy này mà. Đấy, có ông gì họ Trần tên Đăng Khoa, chả phải lúc dạt dào thi hứng lên đã bĩu môi xua đuổi cả trò giải trí bậc nhất thời nay là điện ảnh, với lý do chính là : " Ngồi buồn vạch cúc xem chim ..." đó sao ! Hehe...khà khà...

mẹ mướp nói...

mấy ngày bận viêch quan, không vào bờ lóc bác Hùng, buồn thối, hôm nay lại được bác đãi món ...chim. Em là em thít cái con chim của bác Hùng đang nằm nghểnh mỏ vàng tươm ấy lắm nhé, chẹp chẹp, hí hí...(dù em cũng phản đối chuyện bắn chim)

Văn Công Hùng nói...

@ Mẹ mướp:
------------
Chim sống mới khó chứ chim chết nhằm nhò gì?...