Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

MƯỜI BA MÓN

Chủ nhật, bàn phát ẩm thực cho nó lành.

Nhưng trước khi ẩm và thực thì phải nghe một tin nửa tốt lành nữa không lành tốt đã: Đồng chí Phạm Xuân Nguyên đầu bạc, như dự kiến, đã... rớt hội đồng Hà Nội.

Mà cũng may y rớt chứ cái máu rong ruổi tít mù như thế có khi quên cả họp, muốn làm miệng làm tai nhưng cái chân nó cứ cựa, mà chân đi đâu thì miệng và tai phải theo đấy, thế là chả gật cũng thành... nghị gật.

Thôi rớt cho nó lành Nguyên ạ.

Sau đây là tiết mục chính.

Sẽ có người thích người không, cũng như có người ăn người không, nhưng quả thật, tôi thấy thi sĩ Vân Đình Hùng là người sành ăn. Ăn xong rồi viết vừa đọc vừa cứ... chèm chẹp.

Thì chuyện của ngay tôi đây: Hồi ông Trần Thái Thùy còn làm giám đốc ban quản lý thủy điện Ia Ly, một hôm gặp tôi ông bảo: Hôm qua tao đọc bài báo của một đứa con gái, nó viết về thịt chó, đọc xong tao dẹp xuất cơm công trường, bắt thằng Tú (lái xe) đánh xe đi mua thịt chó về ăn, mà không ngon bằng đọc mày ạ. Tôi hỏi tên tác giả, ông bảo con Hoàng Hương Giang. Hehe, tôi rút cái thẻ nhà báo của tôi ra, tên Văn Công Hùng, bút danh: Hoàng Hương Giang. Ông bảo, mẹ, tao bị mày lừa.

Bài này của ông thi sĩ Vân Đình Hùng, tiếp sau đó là một đoạn của tôi, đăng cùng để... đối chứng:



một lần với mười ba món thịt chó vân đình


Tôi còn nhớ mãi đận về ăn cưới ông bạn nối khố ở Vân Đình. Anh chàng lấy vợ ở cái tuổi 30, so với trai làng là “qúa chậm”. Sau một chục năm ở chiến trường về, lấy cô giáo làng vừa trẻ lại vừa xinh, nên bọn bạn chúng tôi lại khen chậm nhưng chậm chắc.

Làng đang vào vụ gặt mùa, tiết trời se lạnh, đường về làng đầy những rơm phơi kín. Chúng tôi được thông báo rằng cỗ cưới ở Vân Đình là cỗ thịt chó. Thấy lạ, bọn lính cũ cùng đơn vị ở Khe sanh năm 1972, thằng nào cũng sắp xếp công việc để vào dự cưới ông bạn Vân Đình.

Ở đây có lệ ăn cỗ dựng rạp trước hôm đón dâu. Chúng tôi vào đúng lúc cả nhà đang tất bật, mỗi người một việc, người đi mượn bàn ghế, người đi mượn phông màn của uỷ ban xã, người chuẩn bị bát đĩa, soong nồi, củi, rơm ...Ông cụ thân sinh ra chú rể đang túi bụi với công việc chuẩn bị cho bữa cỗ ngày dựng rạp và ngày hôm sau đón dâu. Chú rể giới thiệu chúng tôi với ông già, và sau một tuần trà thơm, chúng tôi xin được giúp ông già làm cỗ. Không khí thân mật đã làm mất đi cái khoảng cách chủ khách, chỉ còn lại không khí thật ấm cúng ngày nào, cùng chiến hào của một thời chiến tranh.

Thật ra chúng tôi chỉ ngồi nhặt rau, gọt vỏ chuối, giã riềng và bổ củi. Tôi được ông già cho phụ giúp việc làm thịt chó. Người Vân đình gọi việc vặt lông chó là “sỏi vỏ”. Sau giai đoạn sỏi vỏ là “thui”. Ông già nói ngày mai khi làm cỗ đại trà thì chỉ thui bằng rơm mới thôi. Hôm nay có các anh về dự cưới em nó, bố sẽ thui bằng cây thanh hao cho đúng cách để các anh được thưởng thức hương vị Làng Vân. Mà thật lạ, cái bó cây thanh hao người ta dùng làm chổi quét nước, ấy vậy mà dùng nó để thui chó thì vừa nhanh, thịt chó lại có mùi thơm rất lạ ngay từ lúc nó vừa thui xong. Nhìn con chó vàng ươm, tròn mây mẩy, khuỷu chân trước hơi quá lửa nứt ra, mỡ cháy sủi bọt đã thấy chảy cả nước miếng rồi. Ông già xách con chó vừa thui ra sân giếng khơi, tôi nhanh nhẹn kéo mấy gầu nước đổ đầy cái chậu to tướng. Toàn thân con chó được sát muối, ông cụ bảo làm thế nó sẽ hết mùi hôi, rồi ông lấy một mớ rơm mới chà sát sạch sẽ rồi dội nước. Bởi như ông nói, sau lúc mổ thì không được rửa thịt nữa, sợ nó nhạt(!). Con chó được đặt nằm ngửa trên một chiếc nong đã được rửa sạch, phơi khô, chiếc thớt gỗ nghiến Lạng sơn đã ghi đậm những vết băm chặt của không biết bao lần làm cỗ như thế này đã sẵn sàng. Thịt được phanh ra và các món gần như được định liệu ngay từ khi mổ. Tôi được ông cụ giải thích: ở Vân đình người ta làm cỗ thịt chó thường có 13 món gồm: 5 bát, 8 đĩa. Nếu cầu kỳ, nhất là mấy ông đồ nho gặp bạn văn chương thì có thể hơn. Năm bát gồm có Sáo nạc (bằng thịt nạc, mỗi miếng tái to gần bằng bao diêm) đem ướp kỹ rồi hầm nhừ. Sáo xương, Tam tam (giả thịt ba ba gồm hai cánh sườn, thêm một chút thịt ba chỉ thái con chì, lạc rang chín tới xảy sạch vỏ, giã vỡ đôi, chuối xanh, đậu phụ nướng thái con chì, xương sông, tía tô, mẻ...), Sáo trâu (giả thịt trâu, gồm phần nạc ở vai, cổ, thái mỏng ướp hành khô, tỏi băm, không được dính giềng, nấu với rau cần tuốt hết lá hoặc cọng rau muống non). Và cuối cùng là bát nước chấm được gọi là  “Lòng chuột”. Thực ra món này không phải làm bằng thịt chuột, nhưng từ xưa người Làng Vân vẫn gọi món này như vậy, chẳng ai biết xuất xứ của nó từ đâu? Món này làm bằng bộ cuống họng băm nhỏ, phổi, lá lách và các thùy gan nhỏ (còn thùy gan to phải dùng cho món khác) cũng thái nhỏ đem xào chín tới với khế chua vắt nước, lọc mẻ, ớt tươi, trước khi bắc ra thì cho tiết hãm (tiết không bị đông, được hãm như tiết canh) và lá chanh. Riêng lá chanh tôi thấy ông cụ nói rằng sau khi hái không được rửa - sợ mất mùi, mà phải lau sạch từng lá trước khi xé nhỏ cho vào nồi lòng chuột. Món này thay mắm tôm chanh ớt. Người Làng Vân ăn thịt chó không chấm mắm tôm! Món lòng chuột được chấm với chả nướng, thịt luộc, dồi luộc sao cho khi ăn mỗi miếng thịt luộc, dồi hoặc chả được gắp kèm thêm khế, lục phủ ngũ tạng, ớt ... trong bát nước chấm, mới đủ độ ngon.

Trong tám đĩa, mỗi thứ một vẻ, đầu vị phải kể đến đĩa dồi, “sống ở đời ăn miếng dồi chó... “, thứ hai là đĩa luộc (hay hấp), thứ ba là đĩa nhựa mận (hay Cháy cạnh) món này làm bằng các loại thịt thừa khi chế biến, thái vuông mỗi chiều hơn một đốt ngón tay, rang cháy cạnh cho chảy mỡ ra, rồi mới cho mẻ lọc vào, khi bắc ra nêm thêm một môi tiết hãm. Món thứ tư là đĩa “Gan sống mỡ gáy", nhưng không phải làm bằng gan sống và mỡ gáy! Món này khi pha thịt phải lựa được hai nửa miếng nầm ngực băm dối, vết dao chỉ làm đứt da, để lại những vạch chéo, ướp riềng mẻ, mắm tôm độ một tiếng trước lúc nướng. Hai thùy gan to nhất cũng được khía dối ướp lẫn. Khi nướng phải có ý, không được nướng phía bì trước, phải úp miếng nầm xuống, nướng chín tới, sau đó hơ qua mặt có bì, hai miếng gan phải nướng sao cho không sống, không chín quá. Lúc thái, thái vuông mỗi chiều bằng một đốt ngón tay, chấm với muối tiêu chanh để ngay ở trên đĩa. Khi ăn phải gắp hai miếng, một miếng nầm nướng, một miếng gan nướng ăn lẫn. Cái sậm sật của sườn non, quện với vị bùi của gan nướng làm cho thực khách ngỡ ngàng khi thưởng thức. Đĩa thứ năm, thứ sáu, thứ bảy là ba loại chả. Chả miếng, giống như các hàng thịt chó thông thường. Nhưng người Làng Vân lúc pha thịt chả thường thái thành từng miếng to sao cho cứ hai miếng đó sau khi nướng thì thái được một đĩa bày mâm. Miếng thịt chọn để nướng chả phải lẫn cả nạc, cả mỡ, cả bì, sau đó kẹp trong một cái gắp bằng tre tươi chẻ mỏng nướng trên chậu than Đục Khê đỏ rực. Khi chín thái mỏng tang, bày lên đĩa, lúc ăn chấm với lòng chuột. Chả bọc làm bằng các loại thịt vụn sau khi chế biến, mang băm nhỏ, nặn thành hình cái bánh mỳ nhỏ, dẹt, lấy mỡ màng tang (hay còn gọi là mỡ chài) bọc ra ngoài rồi đem nướng, có người thích ăn thêm xương sông thì bọc thêm một lượt xương sông ngoài cùng để khi nướng có mùi thơm lạ hơn. Đĩa chả thứ ba cũng là đĩa thứ bảy đó là Chả sầu bóp tiết. Tôi cũng không biết người Làng Vân đình gọi tên này bắt đầu từ một điển tích gì ngay cả cụ già cũng chẳng giải thích gì thêm. Để có đĩa chả này phải lựa những miếng thịt mông cuối, nhiều nạc, ít mỡ, thái vuông quân cờ, ướp riềng, mẻ, mắm tôm trước một giờ, sau đó cho vào một cái lưới dùng để nướng chả. Khi chả vừa chín thì gắp từng miếng nhúng vào tiết hãm pha một chút rượu mạnh để miếng chả có mầu rất bắt mắt, bóng láng như được tráng một lớp men màu bã trầu, cau Đông trầu Quế vôi Đào. Khi bày đĩa phải quay phía bì lên rồi đem vừng trắng rang rắc lên chốc.  Mỗi đĩa có sáu miếng, mỗi người trong mâm chỉ được nếm một miếng thôi.

Bảy món đĩa trên đều được ông bố chú rể hướng dẫn tôi một cách tỷ mỉ. Song tôi nghe cũng như vịt nghe sấm, nghe thì hay, thì thích, thấy rõ lạ, nhưng nó lại chạy từ tai trái sang tai phải rồi chạy đi đâu mất?

Đĩa cuối cùng ông già nói rằng kể cho anh nghe cho đủ, nhưng anh không phụ giúp tôi được đâu. Cứ trông cái bộ dạng lóng nga lóng ngóng của anh là tôi đã phải làm lấy một mình rồi. Tôi chăm chú nhìn ông già thao tác, đầu tiên ông lấy toàn bộ bì lạng lẫn chút mỡ, cuốn lại rồi lấy lạt giang buộc, bỏ vào nồi luộc. Các miếng thịt nạc ngon nhất được ướp hành khô, giềng, mắm muối sau một lúc, đem nướng chín tới. Ông thái mỏng các miếng thịt nạc vừa nướng tới vẫn còn lòng đào, ông gọi là “tẩy” tái dê, tuyệt nhiên không có chữ thái ở đây. Tay nghề của ông thật điêu luyện, miếng thịt trông thì to bản nhưng mỏng. Bì luộc vớt ra để nguội thái chỉ như tẩy nem chạo. Cả hai thứ được hộn lại, rồi đem muối, bột ngọt, thính trộn đều. Thính dùng cho món tái dê phải được rang bằng đậu tương, xay nhỏ thành bột mịn trộn thêm một quả thảo quả (có nơi gọi là quả tò ho) nướng than chín cháy vỏ, rồi cũng đem giã nhỏ như đậu tương vậy. Lúc bày ra đĩa rắc thêm ít lá chanh thái chỉ.

Trong các món đĩa thì món tái dê làm thật công phu và dân bợm nhậu cũng sẽ rất khoái vì hương vị đặc biệt của nó. Không phải thịt dê, nhưng ăn nó na ná.

Mười ba món thịt chó trong một mâm cỗ như hội tụ tất cả hương vị độc đáo của một vùng quê. Tôi không dám nói dân Làng Vân có trình độ “Văn hoá ẩm thực”, nhưng nếu bạn được chứng kiến từ đầu một bữa cỗ bằng thịt chó của người Làng Vân thì mới thấy hết cái tinh xảo trong chế biến, cái hợp lý trong cách dùng gia vị và điệu nghệ trong nấu nướng của họ.

Công việc nấu nướng lại là của các bà, các cô, họ nêm gia vị, mắm muối rồi ngửi món đang nấu, tuyệt nhiên không thấy ai nếm bao giờ. Khi ăn chưa thấy thực khách nào chê mặn hay nhạt vì món nào cũng vừa vặn. Các món được nấu chín, cách trình bày cũng thật độc đáo. Họ bày rất hài hoà từ đĩa rau thơm đến tám món đĩa, năm món bát, nhìn mâm cỗ cứ như là một tác phẩm nghệ thuật vậy. Điều đặc biệt nữa mà chỉ người Làng Vân mới làm còn các nơi khác chưa thấy nói tới là: nếu ăn thịt chó ở Vân Đình trong mùa lạnh thì các bát nấu khi bưng mâm ra thường được đặt trên một cái đĩa men lam Bát Tràng đựng rượu mạnh. Lúc cả mâm nâng chén, người bưng mâm sẽ châm lửa đốt rượu trong đĩa nhằm giữ cho bát nấu được nóng. Các cụ Vân Đình gọi là ăn bát sáo hỏa thang.

Chuyện vãn một hồi, ông già mời chúng tôi xơi cơm. Mâm cỗ được bày ra, bốn anh em chúng tôi, và hai bố con chú rể ngồi thưởng thức cái vất vả, nhưng phấn khởi như một niềm vui nhân đôi. Rượu được rót ra, tiếng mời chào râm ran...

Hôm sau vào ngày đón dâu, bữa tiệc trước lúc đón dâu dễ tới năm chục mâm, mâm nào cũng năm bát, tám đĩa đều chằn chặn. Phải tới hơn ba mươi năm rồi, kỷ niệm về một vùng quê cứ hiển hiện trong tôi như một giấc mơ đẹp. Khó có một vùng quê nào nấu thịt chó mà có những mười ba món như người Vân Đình.


                                                                 -----------------
Đây là 1 đoạn cũng về món này của tôi trích từ một bút ký, không phải bài ông Thùy bị lừa:

Đại tá giám đốc công ty quyết định chiều mai... ngả một con cầy đãi khách sau khi cẩn thận hỏi xem có ai không xơi được món quốc hồn quốc tuý này không. Theo sự giới thiệu kiểu “Tin thì tin không tin thì thôi” để... dọn đường của ông thì có nguyên một đội quân chuyên nghiệp trong công ty để làm việc này. Có một người chỉ chuyên... chọn cầy, vào làng bà con dân tộc rảo, ưu tiên “Nhất vện nhì vàng tam khoang tứ đốm”, tất nhiên đen vẫn là nhất. Nói như một sĩ quan thì là: Cầy “chân đất” mới được “quan tâm”. Xong việc, tức là mua xong mang về, có một ông chỉ chuyên... cắt tiết và thui sau khi đã được một đại uý chuyên cung cấp rơm nếp. Các quán thịt chó ở thành phố bây giờ toàn thui chó bằng đèn khò rồi quét bột nghệ như... sơn bàn ghế giường tủ, chán chết. Cứ phải là rơm nếp, tưng bừng thơm, tưng bừng vàng, tưng bừng hấp dẫn, tưng bừng nồng nàn... Nếu không rơm nếp, bét nhất cũng phải là... bã mía. Cái món bã mía này đạt được 70% yêu cầu khi bất khả rơm nếp. Thui làm sao để con chó vàng đều tăm tắp, mượt mịn không nứt, không lỏi, căng đều, toàn thân màu nắng cánh gián. Xong, rửa tay xơi nước ăn thuốc. Lại một chuyên gia bậc cao khác tiếp nhận chú cầy đã vàng ươm thơm phức để... xả thịt. Xả xong con chó mà không nghe tiếng dao chặt, từng tảng thịt kèm da óng ả nằm ngồn ngộn giữa tàu lá chuối xanh nhưng nhức. Xả xong lại giao cho một chuyên gia chuyên ướp. Giềng mẻ mắm tôm “tam hành” lặn vào từng thớ thịt theo bí quyết tỉ lệ nhà nghề mà chỉ chuyên gia này biết. “Chuyên môn hoá” cao độ nên ông (...), đại tá giám đốc công ty bảo: có hôm ngồi họp, dưới bếp mới chỉ ướp thịt thôi, có một cậu vô tình mở vung ra, mùi thơm thổn thức phập phồng con tì con vị khiến mọi người... nhấp nhổm. Ông phải ra lệnh... đóng chặt vung để cuộc họp thành công. Chuyên nghiệp hoá đến thế thì quả món ăn này đã nâng lên hàng thặng thừa. Đại tá (...) bảo: Ở đây thường xuyên dùng món này nên chuyên nghiệp hoá cũng phải. Chợ búa chưa có nên đây là cách tốt nhất để cải thiện... (VCH).



11 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trời ơi cất,cất giùm đi!(nhứt là bộ ảnh trên)
Cạn khô nước bọt ,lấy gì nhai Cơm?
(Chả trách "thằng cha" giám đốc "ăn" bài xong,sai lính đi mua thịt chó giải thèm các bác ạƯ

Van Dinh Hung nói...

Bàn thêm về cái sự “Nhất vện nhì vàng tam khoang tứ đốm”
Vân Đinh Hùng

Quê tôi thì nhất bạch nhì vàng, tam tứ thì vẫn thế. Các cụ nói chó trắng hiếm nên nó xếp hàng nhất!. Ngày cuối tuần có chuyện chọn chó kể cho vui
Hồi ấy vừa dứt đợt bắn phá, đang chuẩn bị cho Hội nghị bốn bên ở Pha di. Pha di là bà nội tôi bảo thế. Bọn chúng tôi liên hoan cuối năm, mừng công một năm sản xuất chiến đấu thắng lợi. Bọn tôi thuộc hạng sao vuông trên mũ. Thằng nào cũng máu. Nhất là nói đến mộc tồn cây còn con cầy. Không nói đến thì thôi, hễ cứ nhắc đến là thằng nào thằng nấy mắt cứ sáng rực, tim phập phà phập phồng, máu lên não thiếu hụt, hơi thở hổn hển,nói ngắc ngứ không tròn tiếng.
Tôi là tổ trưởng công đoàn. Phát bừa một câu: hôm nay thứ bẩy, bốn thằng trực, thằng Húc theo tao ra chợ Long Biên mua cây còn. Húc là con ông lái trâu. Bố nó xem tướng trâu thì chỉ có mà nhất. Nó cũng được di truyền, nhưng lại phát về tướng chó. Từ xa, khi nhìn lên triền đê đầu cầu Long Biên, đoạn gần ga Đầu cầu, mấy ông lái chó tay thòng lọng, miệng ngậm sợi lạt giang, bọt mép xểu xuống rất ấn tượng. Thằng Húc chỉ ngay, tôi chấm con vàng ở cái lồng sắt rỉ, gãy một chân, đang nghiêng về phía sông kia kìa. Rồi nó giải thích: Con này lông vàng, dưới ánh nắng nó sáng trưng lên là nó vừa thay lông xong, tôi chắc là con chó cái “chươn”, thay lông xong là nàng “đi tơ” là ra cả bày chó con. Nhà nào túng bấn nên mới bấm bụng bán con chó này.
Lên hết triền đê, nhằm vào cái lồng sắt rỉ nghiêng về phía sông, thằng Húc hất hàm bảo ông lái: cho tôi xem con vàng của bác nào. Tay lái chó thuần thục lùa thòng lọng vào lồng, choàng vào cổ con chó vàng mà Húc vừa chỉ. Con chó được nhấc khỏi lồng giãy giụa, cái thòng lọng xiết chặt vào cổ nên không ra được tiếng nào. Tay lái chó một tay cầm thòng lọng, một tay túm gáy con chó. Thằng Húc nói: ông cho tôi xem răng nó xem nào. Nó đang nhe ra nhìn ông đấy thôi, ông xem nhanh lên, mua thì mua tôi còn làm việc khác. Rồi. Ta về nhì vậy, nhì vàng tam khoang tứ đốm. Lồng này không có bạch cẩu. Ông trói mõm rồi cân đi. Thằng Húc duyệt.
Cái lạt giang ban nãy ngậm trong mồm, giờ được vòng hai vòng quanh mõm con chó vàng. Vòng lạt xiết chặt, xoắn thêm hai ba lần rồi gài vào vòng buộc cẩn thận. Hai chân trước con chó bị kéo lên lưng và được buộc bằng một cái lạt khác. Hai chân sau thêm một cái lạt nữa. Thế là xong. Con chó mười một cân hơi mát. Mười cân rưỡi nhé. Tính tiền.
Con chó được buộc sau pop pa ga xe tôi bằng một sợi dây cao su dày dặn. Nó cứ ngúc ngoắc, ngơ ngác nhìn hai thằng tôi. Vừa thong thả đạp xe, thằng Húc giải thích: mua chó mà không xem răng là vứt. Con này lông vàng, sắc lông sáng mượt là chó cái chươn. Ổn rồi. Nhưng phải xem răng để biết nó đã đẻ mấy lứa. Răng con này bóng, trắng trong là nó đẻ một lứa chuẩn bị lứa thứ hai. Chuẩn. Có con trắng đục là đẻ vài lứa rồi. Nếu gặp con nào mắt có dử, răng có bựa thì con lại bố. Cái ngữ ấy cho không cũng không lấy. Thịt dai ngoanh ngoách, không làm được món gì chỉ hầm nhừ mà phải thêm hai ba quả đu đủ xanh nữa ăn mới tạm. Ngữ ấy thịt nhạt phệch.
Hôm ấy tổ tôi liên hoan, con chó mang về làm ba mâm mời cả các Sếp trên, sếp trực tiếp. Mỗi mâm ba cân rưỡi hơi là cỗ đầy đặn lắm. Thằng Húc phán thế. Chó cái chươn, lông vàng, thịt dày, ngọt thịt, miếng chả mềm tốn ít lửa. Thịt hấp trắng phớ như thịt lợn. Ngon thật. Bữa liên hoan ấy thành có lẽ cũng bắt đầu từ việc chọn lựa ban đầu. Cái sự thành này nếu không có “kiến thức” của thằng Húc con ông lái trâu xem tướng chó, lấy đâu ra con chó ngon thế mà làm cỗ.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
-------------
Cất đi đâu bây giờ. Chỉ có cách, chiều nay chủ nhật, gọi thêm vài tên, tiện thì ra quán, không thì làm cái đùi trước ngoài chợ hoặc vào hàng mua lại, về tự nấu lấy nồi nhựa mận, nhớ xin tí tiết cho nó ra mận, và nấu kỹ tí cho nó ra nhựa, khe khe...

Văn Công Hùng nói...

@ Vân Đình Hùng:
------------
Lạy bố ạ, tay tổ đến thế là cùng...

mẹ mướp nói...

Định đi tu rồi cơ, dưng mà đọc cái én trỳ này, ực, con lạy Phật, ực, Phật cho con về, ực, con kiếm miếng thịt cầy rồi, ực, con lên chùa con tu tiếp, ực ực...

Văn Công Hùng nói...

@ Mẹ Mướp:
-------------
Nên thế, làm trận đã rồi hẵng... tu.

Cờ tây nói...

Ăn thịt cầy,chết về phương tây cực lạc.
Ăn chay ăn chác,chết nỏ biết cực lạc nơi mô.
A di đà phật.

tattoo nói...

2 nam roi em chua an thit cho-doc xong bai nay co le chieu nay phai ru dam ban ra goc san bay tan son nhat lam mot tran da doi moi duoc...hic..hic..them den chet di duoc....

Văn Công Hùng nói...

@ Cờ Tây:
------------
Thực ra Cầy tơ không phải là chó ngon đâu, cứ phải là 1 lứa rồi, nó ít mỡ, thịt đằm hơn, mỡ nó trở thành một thứ nửa mỡ nửa nạc, khoái khẩu và khoái... thị...

Văn Công Hùng nói...

Tatoo:
-------------
Không nên và không được hoãn sự sung sướng lại, làm ngay đi...

PutinViệt nói...

Vân Đình là quê tui đó. Bi h người ta kinh doanh công nghiệp lắm, nhà có khứa chỉ việc ra đặt tùy theo "lúa" mà họ làm mâm cao cỗ đầy cho mình nhiều hay ít món. Cuối 5 làm k kịp vì bọn ở HN về đặt liên hoan, tất niên cuối 5 rồi mang ra HN chén. Ngoài món thịt chó như đại ca Hùng vừa tả còn món vịt cỏ nướng, nấu cháo, tiết canh cũng tuyệt cú mèo lắm. Đi lâu rồi k được măm mấy món này nghe đại ca Hùng tả mà toát hết cả mồ hôi lưỡi lun.
putinviet@yahoo.com.vn