Sau này anh mất trong một hoàn cảnh cũng rất đáng thương, ấy là sau một cuộc nhậu say anh ngủ lại nhà bạn, nhưng nửa đêm thức dậy lại thấy mình... có lỗi với vợ (khi tỉnh bao giờ các nhà thơ cũng đều thấy mình có lỗi với vợ), thế là bước xuống để về, nhưng hỡi ôi, anh lại đang ngủ trên gác xép nhà bạn, cú bước hụt đã khiến anh rơi thẳng từ gác xép xuống nền nhà...
PLEIKU NHỮNG NHÁT CẮT CHẬP CHỜN
VĂN CÔNG HÙNG
Trước năm 1975, Pleiku là một thị xã nhỏ với rất nhiều thông, dốc và sương mù. Thành phố lãng đãng trữ tình dìu dặt tiếng thông reo và lãng đãng tóc thề con gái thoảng hương nao lòng khách lạ. Nhưng nó lại chính là thị xã của chiến tranh, của các sắc lính đầy khốc liệt một thuở. Nhỏ thế nhưng Pleiku chứa trong lòng nó bộ máy đầu não của một quân khu và một quân đoàn với lúc cao điểm lên đến hàng chục nghìn sắc lính đồn trú. Thế nên mọi hoạt động của thị xã đều nhằm phục vụ cho đội quân vô cùng đông đảo và cũng ô hợp này. Gọi là thị xã nhưng cái nhà to nhất là một căn biệt thự của tướng Phú đóng ngay ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo cắt Quang Trung bây giờ. Còn lại là các dãy nhà xây táp lô hoặc thưng gỗ thông lợp tôn chạy dọc các con phố nửa đất đỏ nửa nhựa nửa đá dành cho gia đình binh lính, gọi là các khu gia binh. Có hai cái bar nổi tiếng dành riêng cho sĩ quan, còn lại là các quán bán hàng lèo tèo. Phương tiện làm hàng rào ngăn cách chủ yếu là dây thép gai, địa phận nhà này nhà kia, phố này phố kia... là các dãy kẽm gai thấp và thưa ấy. Nhưng hoa dã quỳ thì nhiều, rờm rợp dã quỳ, rờm rợp gió và nắng, và bụi đỏ...
Thông nhiều vô kể, và bướm vàng từng thảm cứ dập dờn trong chiều dẫu thi thoảng tiếng pháo, tiếng súng vẫn nổ, xích xe tăng nghiến đường trèo trẹo và rin rít tiếng máy bay quân sự rạch nát sân bay Cù Hanh, và từ biên giới vẫn những chuyến xe GMC vàng ệch bụi chở thương binh tử sĩ, chở cả những đoàn quân thất trận ngang tàng thất chí công thần ào về đập phá tơi bời một đêm. Và những đêm như thế, Pleiku như nổi bão...
Chính trong cái sự đối lập đến cực đoan, đến thấp thỏm hoang mang ấy, Pleiku vẫn chứa trong nó những góc, những khu vườn yên tĩnh, với thoang thoảng hương ngọc lan, với những "mâm" bạn, mâm tri kỷ, những con người làm nên ký ức Pleiku...
Ấy là tôi muốn nhắc đến Vũ Hữu Định với bài thơ "Còn một chút gì để nhớ" nổi tiếng của anh. Bài thơ ngay từ khi ra đời, được Phạm Duy phổ nhạc đã lan tỏa khắp nước, trở thành một trong những bài thơ hay nhất về Pleiku cho đến bây giờ. Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, tại Huế. Thực ra Vũ Hữu Định không sống ở Pleiku với tư cách là người định cư lâu dài. Anh chỉ ghé qua. Hồi ấy Pleiku mịt mù và xa ngái, nhưng cũng đầy bí ẩn, như chính người con gái Pleiku anh quen, người là cảm hứng cho anh viết bài thơ với rất nhiều câu tả thực mà lại ảo mờ như ở cõi bồng lai: Em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông... Ngày xưa ấy cũng đã có những chuyến các văn nghệ sĩ ngẫu hứng đi... thực tế. Thì ra nơi đây bà Điềm Phùng Thị từng sống, nghe đâu nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cũng chào đời ở nơi này. Rồi là những Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... đã ghé Pleiku. Và trong một lần ghé ấy, Phạm Duy đã gặp Vũ Hữu Định đang lang thang ở Pleiku thăm người bạn gái, và bài hát phổ thơ ra đời từ cơ duyên ấy. Ở Pleiku khi ấy có khá nhiều người hoạt động văn nghệ đang là lính hoặc là trốn lính, là lao công đào binh... họ vẫn lặng lẽ viết, lặng lẽ gặp gỡ nhau, thổi hứng vào nhau để tồn tại và sáng tác.
Tôi không có cơ may gặp Vũ Hữu Định vì khi tôi lên Pleiku thì anh đã ở Đà Nẵng. Hồi ấy vô cùng khó khăn mà tính anh lại lãng tử nên đời sống gia đình càng vất vả. Sau này anh mất trong một hoàn cảnh cũng rất đáng thương, ấy là sau một cuộc nhậu say anh ngủ lại nhà bạn, nhưng nửa đêm thức dậy lại thấy mình... có lỗi với vợ (khi tỉnh bao giờ các nhà thơ cũng đều thấy mình có lỗi với vợ), thế là bước xuống để về, nhưng hỡi ôi, anh lại đang ngủ trên gác xép nhà bạn, cú bước hụt đã khiến anh rơi thẳng từ gác xép xuống nền nhà...
Rất nhiều người cùng tâm trạng với tôi, là thích Pleiku từ bài hát, từ những câu thơ đẹp nao lòng ấy: Phố núi cao phố núi mờ sương/ phố xá cây xanh trời thấp thật gần/ anh khách lạ đi lên đi xuống/ may mà có em đời còn dễ thương/... má đỏ môi hồng thì cô gái nào chả thế, ở đâu chả vậy, nhưng đến Vũ Hữu Định thì nó đã chết với "em Pleiku" rồi. Và tôi đã tình nguyện lên Pleiku từ cái ảo hoặc của bài hát vừa mộng mị vừa thắc thỏm ấy ngay khi vừa tốt nghiệp đại học văn khoa để đến tận bây giờ thi thoảng vẫn ngơ ngác đi dưới những vòm thông đầm sương sớm mà lẩm nhẩm như mộng du: xin cảm ơn thành phố có em/ xin cảm ơn một mái tóc mềm...
Tôi chơi với một anh bạn nhà báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, chưa đủ tuổi để gọi là già, nhưng cũng không còn non nớt để trẻ. Gã này có một thói quen rất kỳ quặc, là cứ vui hay buồn, hoặc có bất cứ một xáo trộn nào trong tâm hồn, đều chuyển cho tôi một tin nhắn: Mai em ngược núi. Và thế là có mặt. Một đêm ngồi xe, có lần là hơn nửa tiếng bay, y đã lang thang vỉa hè với chúng tôi. Khi thì phở Nam Định góc Nguyễn Du, lúc bánh canh Nguyễn Đình Chiểu, đoạn cà phê Wừu, khúc ly rượu cỏ 71... cứ thế miên man lãng đãng trong dốc trong sương và cả trong những điều khó kiếm hôm nay: Má đỏ môi hồng. Thì tưởng tượng ra, thì vẽ ra, thì nhâm nhi nhấm nháp mà kể, mà hoài niệm, mà dứt ruột: Xin cảm ơn thành phố có em/ Xin cảm ơn một mái tóc mềm. Hôm rồi tôi gặp anh ở một quán nhậu Sài Gòn, hỏi sao lại yêu Pleiku thế, bảo: Em cũng không biết nữa, nhưng cứ đeo ba lô lên Pleiku là thấy lòng thanh thản, mọi vướng bận được trút sạch. Lên như một sự tẩy rửa thanh lọc, như tìm lại mình trong bản ngã uyên sơ, trong ký ức trong veo tươi đẹp. Lên đấy được sống thật với mình. Lên xong về lại làm được khối việc. Mà lạ là anh chả dây mơ rễ má gì Pleiku ngoài vài người bạn báo chí văn chương.
Tôi, đã từng trong một phút ngã lòng cách đây gần mười năm, định rời nơi đây. Điều ấy rồi đã không xảy ra, nhưng bây giờ nghĩ lại cứ như người mắc nợ. Trong nhiều lý do để ở lại, có một lý do là xấu hổ, bởi cuộc ấy nếu mà có thật, nó như một sự trốn chạy, như lừa dối, phản bội bạn bè và cả mảnh đất mình đã gắn toàn bộ tuổi trẻ đầy khát khao ước mơ, cái đoạn đường đẹp nhất mà cũng cực khổ nhất của cuộc đời mình vào đấy. Lứa chúng tôi lên đây giờ còn lại không nhiều. Ấy là cái lứa lên đây từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước từ những trường đại học của Huế và Đà Nẵng. Lứa ấy bây giờ đã nhấp nhỉnh năm mươi, đã trải qua những ngày khốn khó nhất của Pleiku, đã từng chia bùi sẻ ngọt, đồng cam cộng khổ với những thăm thẳm mùa mưa và dằng dặc mùa khô, với những mịt mù bụi đỏ và mênh mang nắng, với những đã từng ý nghĩ điên rồ nhất và những dự định viển vông nhất, với những khổ đau và hạnh phúc, với quá vãng và tương lai...
Một chiều mưa tầm tã cách đây gần hai chục năm, một chàng trai trẻ tìm đến nhà tôi khi ấy đang ở trên đường Trần Hưng Đạo. Người ấy là Nguyễn Xuân Hoàng, đang học năm thứ 4 khoa văn Đại học Tổng hợp Huế. Trước đấy tôi về quê, gặp Hoàng, em nói vu vơ: Em sẽ lên Pleiku gặp anh. Thế mà rồi tôi lên mới chưa được một tuần, Hoàng đã xuất hiện. Tôi đưa Hoàng đi uống cà phê cóc buổi sáng vỉa hè Hùng Vương, tối khuya vào quán bánh xèo góc Nguyễn Văn Trỗi Nguyễn Thái Học bây giờ uống rượu với bánh xèo thay cơm chiều. Quán nghèo, đèn dầu và những cơn ngái ngủ. Chúng tôi đọc thơ và trầm ngâm chuyện. Sau đấy Hoàng về lại Huế và viết: "Những con phố nhỏ Pleiku thường rực rỡ trong ánh nắng đầu mùa. Phố vốn nhiều bụi đỏ chuyển sang màu hồng phấn và ấm lên trong sương lạnh. Những căn nhà gỗ dưới nắng như to ra và nở bung những cánh cửa nhỏ nhiều màu. Tôi vẫn thường đứng ngẩn ngơ hàng giờ dưới nắng để ngắm thứ ánh sáng đẹp như pháo hoa nở rực rỡ trên trời cao. Nắng như lửa cháy mà không phải là lửa cháy, cứ trôi dưới mây trời thành từng vạt lớn mênh mông. Nhìn những vạt nắng mà lòng thắc thỏm như chân đang đi đến chốn hẹn hò, đang chờ đợi một điều gì đó kỳ diệu sẽ hiện ra sau màu nắng mới ngọt ngào như mật ong kia"... Thì ra Hoàng đã có một thời tuổi thơ sống ở Pleiku. Bây giờ thì Hoàng đã thành người thiên cổ ở Huế sau một cơn đột quỵ, đúng lúc tài hoa đang phát tiết. Sau Hoàng tôi mới phát hiện ra rằng, Pleiku đã từng là nơi chốn đi về, lưu giữ ký ức và cả tuổi trẻ, tuổi thơ của khá nhiều tao nhân mặc khách. Ai đi khỏi đây rồi cũng đều đau đáu trở về, nhờ thế mà tôi đã có những buổi cà phê sáng sương mù ướt vai vỉa hè với nhà thơ Hoàng Trần, giờ là cán bộ giảng dạy đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đêm salon với bác sĩ nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc mà khi xưng tên lên chắc chắn rất nhiều người biết. Tôi cũng từng cụng ly với nhà thơ Lê Nhược Thủy, thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, dầm dề với nhà văn Trung Trung Đỉnh, giám đốc nhà xuất bản Văn học và rất nhiều người tài hoa khác khi họ về với Pleiku, về với một thời khốn khó họ từng trải qua ở đất này nhưng đầy lãng mạn và trong trẻo, để bây giờ họ vẫn coi những tháng ngày ấy là đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong đời cầm bút của họ.
Rất lạ cho cái thành phố Cao nguyên này. Nó không cho con người nhiều lắm về vật chất, thế mà không hiểu sao lại quyến luyến người đi đến thế. Tôi biết có những người đã từng dứt áo ra đi, đã có các thủ tục bảo đảm, thế mà rồi giờ cuối, họ ở lại như một duyên nợ. Còn ai đã ra đi thì cứ thắc thỏm trở về. Và về thì họ hồn nhiên như con trẻ. Nhớ hôm mới đây ngồi với anh Hoàng Trần ở vỉa hè Nguyễn Trường Tộ, ríu rít điện thoại mày tao, ríu rít bắt tay vồ vập, ríu rít những ly rượu sớm, những ngắt quãng tên tuổi một thời người mất kẻ còn thuở trung học Pleiku, gần như không có dáng dấp của một ông giảng viên đại học bên một bà vợ đã lên ông lên bà. Trước ký ức, con người trẻ như chưa bao giờ trẻ, trước kỷ niệm, ai cũng trong veo cảm xúc...
Ngay khi lên Pleiku nhận công tác, tôi đã được làm chung phòng với một đồng sự là cựu nữ sinh Plei Me. Lên Pleiku từ xứ có trường nữ sinh Đồng Khánh nên tôi không lạ với loại trường chuyên nữ rợp trời áo trắng dịu dàng mềm mại mờ mắt mờ tai ấy. Nhưng tôi lạ là cái tiếng của nó. Té ra nó cũng vang dội không thua kém bao nhiêu với các trường nữ khác, ít nhất là trong hồi ức của người Pleiku. Đồng nghiệp cựu nữ sinh Plei Me của tôi hồi ấy là một người đa tài. Chị vừa rất xinh đẹp lại hát hay múa giỏi, có thể tự ôm ghi ta biểu diễn, viết văn làm thơ rất được, nếu tiếp tục chịu khó chịu khổ theo nghề chắc bây giờ chị sẽ là một cây bút có hạng của văn đàn Việt Nam. Đã thế còn ngoại ngữ làu làu cả tiếng anh và tiếng Jrai... và về sau kinh doanh cũng cực giỏi, bây giờ là một bà chủ ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế mà sau này tôi biết, chị không phải là nhân vật cá biệt của trường Plei Me. Nghe đồn hồi ấy, nữ sinh Plei Me đi học có xe Jeep đưa đón. Chả biết thực hư thế nào, nhưng nữ sinh như chị đồng nghiệp tôi kia thì cũng đáng được như thế lắm...
Pleiku lạ đến nỗi, có hai nhà thơ nữ ở hai vùng trời khác nhau chưa từng đến Pleiku mà ngồi ước: Thôi mặc gió, đầy trời sao của mắt/ Mây của trời và em của mùa sau/ Dáng phố nhỏ trong chiều huyền hoặc hát/ Khúc ca buồn miền nắng nhớ chênh vênh- (Mường tượng Pleiku, Nguyễn Thị Anh Đào), và Có một phố núi xa xôi/ Sương giăng đẫm chiều mắt ướt/ Mơ lắm mà chưa đến được/ Ngày nào cũng ngóng mây xuôi- (Gửi người Pleiku, Nguyễn Thúy Quỳnh). Còn đây là một nhà thơ nam, cách đây mấy năm, một chuyến xuyên Việt, chỉ một đêm duy nhất Pleiku mà rồi thao thức: Vây quanh ta trái đồi nhà bung biêng mộng mỵ/ lối phố dốc cong thung lũng vòng tay./ Coffee đen nóng ở đâu mà treo không biển hiệu/ Làm sao bây giờ để ngắm mắt em/ Làm sao bây giờ hong khô tóc ướt…
Bài ca Pleiku/ trải nghiệm và tưởng tượng/ sương như khói sương bay nhoà hơi thở/ một bóng mềm dài trắng áo em…/ dài trắng áo em…
Pleiku/ Ta đến trong đêm rồi rời trước bình minh/ cùng chiếc xe đò hằn thương tích đang rã rời dưới chân tượng đài chiến thắng./ Giã biệt dã quỳ trong hương dạ lan./ Chợt nhớ, có nhà thơ xứ Bắc mấy mươi năm gọi Pleiku là nhà...- (Gửi Pleiku, Nguyễn Tham Thiện Kế)...
Pleiku còn lạ nữa khi tôi biết, ngay từ ngày trước giải phóng, khi đô thị này còn đang của Mỹ Ngụy chiếm đóng, lính đông hơn dân, đã có hai anh Việt Cộng, sau này là hai nhà văn nổi tiếng, vào tận trung tâm thành phố, ngủ ngon lành ở đấy, dù là ngủ dưới cống Hội Phú như Trung Trung Đỉnh, ngủ đắm say một đêm rồi sáng mai đóng khố đeo gùi vác dao ngậm tẩu cười ngu ngơ theo đồng bào dân tộc thoát ra ngoài, hay ngủ đàng hoàng trong nhà công vụ như anh lính tình báo kỹ thuật chiến lược Trương Vĩnh Tuấn hàng nửa tháng trời rồi tự nhiên... mất hút. Thế nên mỗi lần hai ông này vào lại Pleiku là một cuộc trở về, tươi non và hào sảng, như ký ức không cần nơi neo đậu, cứ ùa về như nắng tháng tư giữa ngút ngàn trời xanh mây trắng với nao nao dã quỳ bung sớm...
Pleiku tối 21/4/2011
V.C.H
8 nhận xét:
Sắc lính? Sao nhiều vậy?
@ Nặc Danh:
----------
Hiìhì, cám ơn bạn đã đọc rất kỹ. Viết theo thói quen, bằng một não trạng lười, dù tôi là người rất cẩn thận chữ. Huhu, bài này in báo Văn Nghệ sô 30/4 đấy, đau rồi.
Lỗi nặng hơn rồi, Trung Trung Đỉnh là giám đốc nhà xuất bản Hội nhà văn chứ ko phải Nxb Văn Học.
(Tất nhiên Đỉnh thì sẽ chỉ cười, rót rượu mừng cho cái sai đáng yêu của bạn nhưng bạn đọc thì... tôi không dám chắc hihi)
Chào Văn Công Hùng, tôi là Trần Hoàng Bách, Hà Nôi, chưa được gặp anh Hùng nhưng ngồi nhậu với những Đỉnh, Thanh Thảo, Kha, Tạo... vẫn đôi lúc được nghe về anh.
@ Bác Trần Hoàng Bách:
-------------------
Đúng là lỗi nặng hơn thật, huhu, vẫn cái lỗi láu táu đấy ạ, gõ ào ào rồi không kiểm ta. Coi như cái còm của bác là đính chính, nhưng không hiểu khi in ở báo VN, các BTV ở đấy có phát hiện ra mà sửa không? lỗi nhiều khi đến từ những điều tưởng như thân thuộc nhất bác ơi.
Ước và mong có ngày được ngồi với bác...
Bệnh rồi ! ...Mỹ ngụy chiếm đóng cái thị xã/thị tứ PLK mà ta đã từng cắt đặt chính quyền, thực hiện các quyền làm chủ ?
Từ khi có PLK cho đến GP, cũng chỉ có một chủ "ngụy quyền".
Ông này viết văn lủng củng ,chả đâu ra đâu cả thế nào là "...các sắc lính đầy khốc liệt một thuở".Rồi...."lúc cao điểm lên đến hàng chục nghìn sắc lính đồn trú".Ông thử kể vài sắc lính đồn trú tại Pleiku nghe thử xem.Cả Miền Nam của VNCH hồi đó chỉ có hơn một chục sắc lính ông lôi ở đau ra mà nhiều sắc lính thế.Thế còn hai cái bar nào dành cho sĩ quan .Ông chả biết tí gì về Pleiku hồi đó cả.
Ông lại viết:"Thông nhiều vô kể, và bướm vàng từng thảm cứ dập dờn trong chiều dẫu thi thoảng tiếng pháo, tiếng súng vẫn nổ, xích xe tăng nghiến đường trèo trẹo và rin rít tiếng máy bay quân sự rạch nát sân bay Cù Hanh, và từ biên giới vẫn những chuyến xe GMC vàng ệch bụi chở thương binh tử sĩ, chở cả những đoàn quân thất trận ngang tàng thất chí công thần ào về đập phá tơi bời một đêm..." Sân bay Cù Hanh bị cái gì rạch nát.? Bài này ông viết quá kém tụi nhỏ nó sẽ hiếu lấm về PK khi đọ bài này.
@ Bác nặc danh:
----------
Vâng, cám ơn bác, đúng là nhà cháu viết quá kém, mong được nhà bác bổ khuyết. Nhưng xin bác cũng bình tĩnh, đừng nóng quá, nhà cháu xin tiếp thu hết bác ạ (Đã có mấy cái còm ở trên thay đính chính rồi, nhà cháu lại xin coi cái còm của bác là đính chính thêm vậy).
Rất đồng ý với những lời nhận xét của một bạn đọc để ngày 15-5-2011. Theo tôi người viết bài này nên tìm hiểu về Pleiku kĩ càng chính xác hơn qua các nguồn tin đáng tin cậy- nhất là những người dân kì cựu ở đây( xin mách cho một trong số ấy có tác giả NYPN đã từng viết nhiều bài cho Pleikucafe.com) chứ với những thông tin như "bác nặc danh" đã chỉ ra thì đúng là bọn trẻ bây giờ sẽ hiểu rất...chập chờn !
Đăng nhận xét