Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

YANG LÀ AI?

Một câu hỏi tưởng rất dễ trả lời, qua một hồi vặn vọ của bác Đoàn Nam Sinh, té ra lại không dễ, vì nó lan ra đến tận... Cẩm Giàng, Đông Giàng, thậm chí sang cả... Tàu...


Mấy suy ngẫm về “cúng Yàng”
                                ở bà con thiểu số Tây nguyên.

Tôi có dịp được nhiều lần hỏi Già làng của các tộc người khác xa nhau, suốt mấy chục năm liền những dặm dài đây đó lang bạt trên Tây nguyên, chỉ mấy câu: Yàng là Ai, Ở đâu, Vì sao phải cúng ? (Khác với Yàng có nghĩa mới là thượng đế do các tôn giáo dịch ra).
Tôi đem so sánh Yàng với thánh thần của ta- người Kinh thờ phượng, thì ai cũng có tên thậm chí có cả tuổi. Các vị này có trú xứ- nơi cư trú hay ngai vị hẳn hoi trong những đình chùa am miếu, xưa còn được vua phong tặng, được lễ cúng định kỳ để tạ ơn và để cầu xin. Ta cũng có thần Núi, như sơn thần (núi Bà đen), hay Thánh núi Tản (Tản viên sơn thánh) mà không thấy thần Rừng; ta có thần Nước- thủy thần nhưng không có thần Sông thần Suối,…như người đồng bào.
Suốt từ đó, tôi thường nhận được câu trả lời chung chung về “nhân thân” của Yàng. Ở trong hang núi ? Cũng có. Ở trên cây to ? Cũng có. Tôi bẻ một cành lá không nhằm gì, mắc tội với Yàng. Tôi ném hòn đá vu vơ xuống sông, sợ mắc tội với Yàng.
Trời có Yàng. Đất có Yàng. Mà kỳ lạ, ý còn trong tim Yàng cũng biết, như Yàng ở trên đầu tóc, trên hai vai. Chỉ một niệm xấu thôi, nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân, đã sợ Yàng trừng phạt.
Từ “cúng” thật khập khiểng. Bà con cũng thiết lễ, hành lễ nhưng không bái phục. Chẳng nơi đâu có hình ảnh quỳ lạy xin Yàng. Già làng hay chủ đất chủ nhà chỉ tế và thưa/cáo với Yàng, nói lời biết ơn và mong ước. Mong sự đồng cảm, không xin sự phù hộ, vì bà con biết chắc rằng mọi sự có được là do sức mình.
Tâm niệm của mọi người đồng bào là ăn ngọn rau, hạt bắp, trái bí,... Uống ngụm nước, bắt con cá con cua,… là chia sẻ với Yàng, ăn uống của Yàng. Yàng tồn tại trong từng miếng ăn ngụm uống, như nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định của Khổng. Nhưng Khổng tử hiểu tiền định là định mệnh, còn bà con thấy sự việc ấy là của Yàng.
Già làng hay vị chủ tế nào đó ngồi xếp bằng hay đứng thẳng, hai tay ấp lên ngực, ngửa mặt ra hướng lên, hít thật sâu và bật ra từ đáy lòng/đáy phổi cùng lúc vung hai tay cao khỏi đầu: Ớ/Ơi Yàng ! Ta hình dung ra đó cũng là cách các bậc tiên vương ta tế trời đất ở đàn Nam Giao, Xã Tắc.
Tiếng kêu đó theo cách của chim muông, hơi từ hai cánh phổi qua minh quản như một tiếng hót/hét, cao vút lên, mạnh mẽ như dốc hết tấm lòng ra trước đất trời. Sau đó mới là “tên” các Yàng: Núi-Rừng-Sông-Suối-Đất đai-Lúa má,… Chỉ mới thấy ở người Châu Ro gốc ven biển xướng danh Yàng Tđạ Lênh/Biển cả lên trước Núi (Gùng)... Thứ tự ấy tỏ rõ bà con nhận thức sâu sắc và biện chứng biết bao về giới tự nhiên !
Lời cáo và cầu mong có thể nói to hay thầm thì từ thanh quản- cách phát âm của con người, thể hiện sự thân thuộc gần gũi mà chia cách giữa người với vật, với thần linh rạch ròi.
Không thể kể hết sự phổ biến/phổ quát của từ Yàng trong văn hóa các tộc người nước ta. Nhưng riêng một vùng Hải Dương thôi ta thấy có Cẩm Giàng, phố Đông Giàng,… mà nhiều người bảo từ ấy “thuần Việt” hoặc không rõ gốc tích. Ta có thể nêu một gốc tích gần gũi nhất là ngày xưa xa, vùng biển cổ này được xem là vùng đất linh thiêng, mà các tộc người thời ấy gọi là vùng đất nước/vùng biển của Yàng. Người Kinh không biết từ lúc nào vẫn kêu trời bằng một từ ghép Dàng Trời, nay vẫn còn thấy nhiều ở Nam Trung bộ và Nam bộ, như đẹp dàng trời, mắc dàng trời,… (khác nghĩa hẳn với quá trời).
Người xưa phiên chữ Yàng ra Dương. Người Choang, Lưỡng Quảng,… đọc ra âm yàng. Cùng một chữ dương gốc ấy, chỉ thêm một chấm thúy là chữ Dịch- kinh Dịch, thêm bộ Phụ là dương (trong âm dương), người Bắc Kinh đọc là dảng. Chữ dương này người Hoa đành chịu, cũng không biết gốc tích từ đâu ra như chữ Càn, mà Càn là Dương, là Trời đấy. Các bậc “nho sĩ” đã tắc, Bộ môn Tu Từ học của các Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa ngày nay cũng lắc.
Ai đó bảo văn minh Hán phủ sóng khắp nơi, nhưng chỉ một từ Yàng, cách ứng xử với Yàng chẳng những đủ chứng minh kết luận đó trật bét, mà còn chỉ ra rằng họ kế thừa gốc văn hóa phương Nam, cụ thể là của các tộc người thiểu số, điển hình là nhóm “Môn-Khme”mà người Kinh ta cũng đã vay mượn hầu hết cơ tầng ngôn ngữ của họ.
Sài gòn, 9/3/’11.

Đoàn Nam Sinh   


4 nhận xét:

Trần Phan nói...

Nói thiệt, bài này là "Yang là ai?" nhưng đọc mà chẳng thấy bóng dáng Yàng đâu (có lẽ do em chưa thấm!).

Văn Công Hùng nói...

@ Trần Phan:
Thì cố gắng... thấm đi.

thoithoau_ngayxuaoi@yahoo.com.vn nói...

Yang và Yàng khác nhau không? Tại sao sách thì viết là Yang, quyển khác lại viết là Yàng?..

Văn Công Hùng nói...

thoithoau_ngayxuaoi@yahoo.com.vn
---------
Nó là 1, cả Giàng nữa. Là do cách viết và phiên âm.