Trưa nay đạo diễn Hoàng Lâm nhắn: Đang đọc "Chiều dã quỳ" trên báo VN tết dương lịch. Mình nhắn lại: thế là blog được rồi. Mình hoắng khoe luôn: tết này anh có... 15 bài, ấy là tính vội. Tết Dương lịch có bốn năm bài chi đó ở VN, Xây Dựng, ND Hằng tháng... Lâm bảo: thế thì Cu Vinh vạch mặt bác chả sai tí nào, hơ hơ...
Bài này đến ngày cuối Lương Ngọc An gọi: Báo dương lịch lên hết rồi mà thiếu cái gì Tây Nguyên. Thì Tây Nguyên...CHIỀU DÃ QUỲ
Tùy bút
Bao giờ cũng thế, dã quỳ nở là hết mùa mưa.
Mùa mưa Tây Nguyên dầm dề từ tháng 4 cho đến cuối tháng 10. Cứ sập sùi thế, nhũng nhão thế, lâng bâng cách rách thế, đến một ngày, ngoái sang bên đường, ô quỳ nở.
Ban đầu chỉ là vài hoa riêng lẻ, nó thấp thoáng vàng lẫn trong sắc lá xanh um của mướt mát mưa, phải nhìn tinh mới thấy. Nhiều người có cái thú ngắm dã quỳ lúc này, nó e ấp, lẻ loi, rưng rưng vàng trong bạt ngàn xanh, khép nép như thiếu nữ buổi dậy thì một sớm mai thức dậy thấy cơ thể mình có điều gì đó khang khác. Cái khép nép vừa rạo rực đam mê lại vừa lạ lẫm khám phá. Nó như một giấc mơ không hẹn, lại như một khắc khoải mong chờ... Nó cũng là tín hiệu ban đầu của tết.
Chỉ chừng tháng sau, khi đã quen mắt, có khi không để ý nữa, một ngày lại giật mình, vì lá xanh biến đâu hết cả, chỉ còn vàng, ràn rạt vàng, miên man vàng, thắc thỏm vàng, dã quỳ như dại cả đi trong chiều cao nguyên lộng gió. Mà quỳ là dại rồi, còn cái dại tôi nói đây là cái dại của cảm giác, cũng chả biết quỳ dại hay chính người đang dại trước quỳ.
Và gió. Mùa này Cao Nguyên gió thổi như ngựa lồng trên thảo nguyên. Gió quất ràn rạt vào nắng, vào chính gió, vào bụi bazan, vào ngờm ngợp dã quỳ với cái màu vàng bất tử từ ngàn đời khiến ta có cảm giác gió cũng màu vàng.
Và nắng. Nắng mênh mang như rượu cất. Nắng luênh loang trên thảo nguyên như có một họa sĩ tài danh vĩ đại nào đó từ trên trời pha một loại màu đặc biệt mang tên vàng cao nguyên, mỏng như tơ mà cũng mảnh như tơ, lâng lâng nhẹ bẫng thả xuống để hòa với màu vàng dã quỳ làm nên một tuyệt sắc khổng lồ mà vĩ đại trên cao nguyên những ngày giáp tết.
Ấy là mùa dã quỳ nở.
Nó vốn là một loài hoa dại, đã nở hàng triệu đời nay trên trái đất này. Có thể ai cũng đã từng thấy ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, nhưng không hiểu sao, khi về với Tây Nguyên nó mới là... dã quỳ. Có lẽ do cái gió, cái nắng, cái thiên thời địa lợi, cái thông thổ khắc nghiệt, cái gì đó không diễn tả nổi khiến nó mới là dã quỳ.
Đấy là một loài hoa rất lạ. Nó không ưa mưa, mưa chỉ làm cho lá nó tốt, xanh một cách nghi ngại và bần thần, xanh vô dụng và tức tưởi. Càng mưa càng nhiều dinh dưỡng lá càng xanh hoài xanh phí như thế. Đến mùa khô, cái mùa khắc nghiệt nhất của Tây Nguyên, sáu tháng không có nước, không khốc nắng, đã thế còn gió, những cơn gió hoang đàng vô kỷ luật phóng túng hung dữ tràn trên cao nguyên, quật tan nát hết những gì chúng gặp, phá tanh bành những gì vướng trên hướng bay vô định của chúng. Nhưng lạ, gặp dã quỳ thì khác, gió trở thành một loại gió khác, nó hiền lành mà dịu dàng, mơn man và ve vuốt.
Dã quỳ không bao giờ mọc đơn lẻ, chúng quấn vào nhau thành từng thảm, kết thành vạt, trùng điệp miên man và thăm thẳm trước sự rợn ngợp của chiều cao nguyên lúc nắng đang vàng nhất, gió đang lồng nhất, và người đang cô đơn nhất.
Khi cô đơn, đứng nhìn dã quỳ từng thảm nhấp nhô trong chiều cao nguyên, ràn rạt trong gió và ngờm ngợp trong nắng, con người thấy ấm lòng lại, thấy thanh thản và thêm yêu những ngày mình đang sống, đã sống và sẽ sống.
Và tôi phát hiện thêm điều này: Dã quỳ mọc rất nhiều xung quanh Biển Hồ, Hàm Rồng và các miệng núi lửa lớn nhỏ khác ở cao nguyên Pleiku. Không chỉ nhiều, Dã quỳ ở đây đẹp hơn rất nhiều nơi khác. Cái dáng lắt lay, cái màu vàng bất tử, cái thế gối nhau trong chiều Cao nguyên lộng gió, cái bồng bềnh, cái xa xăm, cái ảo hoặc, cái mong manh... đến vô ngôn, đến nín thở, đến phải tẽ mình ra mà ngắm về cả bốn phương tám hướng thênh thênh mây trời cao nguyên, để thấy trên đỉnh cao rợn ngợp của cao nguyên Pleiku này, Biển Hồ đúng là một viên ngọc lung linh trên độ cao nghìn mét so với mực nước biển, cứ ngằn ngặt xanh, cứ rưng rưng bạc và cứ viên mãn từng thảm quỳ trải dài tới chân trời trông cứ như đất đai nơi đây được dát bằng một lớp vàng tin cậy. Có lẽ Dã quỳ Pleiku đẹp là vì nó được hít thở cái tinh tuý của những dư chấn, những tàn dư nham thạch, được soi mình vào cái gương trời khổng lồ kia và nó tiệp màu tiệp sắc với đất đỏ bazan, với nắng với gió, cái thứ nắng gió nửa hoang dã nửa hiền lành, phóng túng hết mình mà cũng chừng mực có thể, ít nhất là nó tôn lên cái màu vàng mê đắm của Dã quỳ kia chứ không vùi dập, không tàn phá như khi nó lọt vào các vườn hoa kiểng kín cổng cao tường của những loài hoa cao sang khác.
Nhưng mà ai bảo Dã quỳ không cao sang. Tưởng như dân dã nhưng lại vô cùng khắt khe khó tính và kén chọn. Cứ thử ngắt nó ra mà xem, quây nó lại thành vườn thành luống rồi tưới tắm chăm bẵm mà xem... nó nhệch nhạc, chán ngắt, ủ ê và vô hồn. Cứ phải cho nó trải hết mình ra trên thảo nguyên đầy nắng gió, ngạo nghễ phơi cái mỏng manh quyến rũ ra cùng đất cùng trời, mà đất thì đỏ, mà trời thì xanh, mà mây thì trắng, và quỳ vàng, cái màu vàng ám ảnh như ma lực, như thôi miên, như khát vọng, mà lại cứng cáp vững bền trong không gian thời gian khắc nghiệt... hoa cứ rừng rực da diết vàng, vàng như điên như dại, vàng như chỉ lần này là lần chót, mà lại không gắt, không sượng, không chói chang, màu vàng của quỳ êm như gió thu mơn man trên thảo nguyên, nhẹ như tiếng thở dài thiếu phụ vắng hơi chồng trong một đêm đông mỏng tang hơi lửa, nó ru ta vào một thế giới ảo hoặc mà thanh thoát, diệu vợi mà gần gụi, nó tặng ta những buổi chiều bất tận nỗi niềm, khiến ta không thể vô lo, không thể dửng dưng, ta đành miên man cùng quỳ, miên man cùng bazan, cùng cuộc đời này...
Đã rất nhiều người tự tổ chức những tour du lịch đi ngắm dã quỳ. Và tôi cũng dăm ba lần được tham gia với vai trò người chỉ trỏ. Nhờ thế mà tôi thấy được cái cảm giác thú vị của những vị khách lãng mạn ấy, kể cả tây ta. Họ luôn ồ lên thích thú rồi lăn vào chụp ảnh, và cuối cùng là mỗi người một góc tư lự. Tận cùng cái đẹp là nỗi buồn, và nỗi buồn lại thăng hoa thành cái đẹp. Tôi biết họ xốn xang vì dã quỳ, nhưng rồi lại cũng lắng lại vì dã quỳ. Và cuối cùng, dù là rất vô tình, hoàn toàn không định hướng, dã quỳ Tây Nguyên đã thắp lên trong mỗi con người một ngọn lửa ánh lên vẻ đẹp vừa sang trọng vừa dân dã. Một vẻ đẹp không vụ lợi bất tử với thời gian, dù càng ngày, dã quỳ càng trở nên hiếm khi mà người ta phải xây dựng để phát triển. Và có lẽ vì thế mà chiều nay cái màu vàng của dã quỳ mới lắt lay trong tôi làm vậy...
VĂN CÔNG HÙNG
9 nhận xét:
Ôi bác, em lại xấu hổ với Qùy rồi, cả với bác nữa vì cái này này:
http://nguyenminhtuan.vnweblogs.com/post/18919/263997
(Mới đăng trên Tài Hoa Trẻ nghe bác, he he!).
Nhưng vẫn là...em út! hu hu!
@ Nguyễn Minh Tuấn:
Tớ đọc bài quỳ bên chú rồi, được đấy.
Mấy hôm nay về quê nghỉ tết dương lịch, nay đọc bài này của Anh muốn "phóng" một nhát lên Tây Nguyên ngắm Dã Quỳ! làm người ĐBSCL thêm mênh mông ... khao khát vẻ đẹp Dã Quỳ!
@ Trần Tuấn Kiệt:
Nhưng người đồng bằng có rất nhiều hoa đẹp như lục bình, điên điển mà người nơi khác cũng rất thích...
Em đã viết lại thành bài ca vọng cổ, anh xem có điều gì chưa ổn góp ý dùm em nha! Trân trọng cám ơn anh đã có một CHIỀU DÃ QUỲ ấn tượng!
http://blog.yume.vn/xem-blog/sang-tac-bai-ca-co-moi-anh-sac-da-quy.ankhanhct.35D13C6A.html
@ Trần Tuấn Kiệt:
Cám ơn chú nhé.
Em phải cám ơn Anh VCH mới phải chớ! Chúc anh vui, khỏe! "Không teo, không cạo gió" nữa!
VCH viết về dã quỳ hay quá. Rất có hồn.
@ Tuệ Phương:
-------------
Cám ơn bạn quá khen.
Đăng nhận xét