Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

MẢNH VỤN GIÁO DỤC...



          Mấy hôm trước, cái tin khét lèn lẹt trên báo: Lộ đề thi, làm nhiều người vừa hoang mang vừa... không hiểu nổi, bởi nó chỉ là cuộc kiểm tra học kỳ, có gì căng thẳng đâu mà phải lộ đề. Và, tấm gương tày liếp của các hội đồng thi Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... vẫn còn hôi hổi đó.

          Pleiku là một trong hai địa phương trên cả nước xảy ra lộ đề. Một mặt ngay lập tức hủy buổi thi để phải thi bằng đề dự bị vào hôm sau, mặt khác, chủ tịch thành phố phải viết thư xin lỗi phụ huynh và học sinh, một việc làm cầu thị. Và tất nhiên là các cơ quan chức năng phải vào cuộc để tìm xem lộ từ nguồn nào. Cho đến khi tôi ngồi viết bài này thì vẫn chưa thấy công bố.

          Nhưng giáo viên thì xôn xao.

          Họ có thể chỉ đích xác nguyên nhân lộ, nguồn lộ. Là cứ nói với nhau thế, ở quán cà phê, lúc đón con, khi đi chợ... nhưng hỏi một chứng cớ xác thực thì họ... cười cười im lặng, rồi lảng sang chuyện khác.

          Như chuyện họ biết một suất chuyển trường giá bao nhiêu, đường dây ra sao. Biết, thậm chí vừa thực hiện xong, nhưng hỏi thì họ cũng... lơ lơ, cười bí hiểm.

          Tò mò mới biết, té ra có nhiều chuyện đau đớn có, hài hước có, sôi nổi có, im lặng thâm trầm có, từ ngành này.

          Hôm kia, khuya khuya, tôi nhận được tin nhắn từ Messenger: "Chú ơi, cháu mạn phép làm phiền chú một xíu ạ. Chú đi nhiều, hiểu nhiều, chú xem thế này có đúng không ạ. Chuyện là cháu dạy ở một trường xã của huyện KB (Huyện này cách thành phố Pleiku 160 kilomet), cách nhà cháu gần 90km (Nhà cô này cách thành phố Pleiku 80 kilomet, cũng thuộc vùng xa), năm nay cháu có làm hồ sơ thuyên chuyển xin về gần nhà vì có 2 đứa con nhỏ (một đứa năm nay vào lớp 1, một đứa 15 tháng đang theo cháu đi dạy), chồng lại thường xuyên đi công tác, không có ai chăm sóc con cái, mà chủ tịch huyện nhất định không chịu ký với lý do chuẩn bị tới đây sẽ không có biên chế nữa, mà hợp đồng cũng bị cắt, nên không cho cháu đi. Như vậy có đúng không hả chú? Không lẽ cháu phải ở đây cả đời hoặc là bỏ nghề ạ? Chú giải thích hộ cháu với ạ. Cháu xin cám ơn chú nhiều nhiều ạ. Cháu cứ nghĩ là nơi đến họ nhận mình thì nơi đi họ tạo điều kiện cho đi chú ạ. Cháu thật không nghĩ, nơi đi họ cũng muốn giam mình lại (...). Lương giáo viên không được bao nhiêu, lại đóng góp nhiều, đi làm xa mỗi tháng cháu cũng chỉ mua đc thùng sữa cho con là hết, còn lại là xin chồng. Dạ. Chắc năm học mới cháu buộc phải xin nghỉ việc mặc dù rất yêu nghề, mặc dù cháu đã từng dám bỏ gần 4 triệu để mua xe đạp cho các em học sinh nhà xa dù lương cháu có 5 triệu một tháng, sau tất cả cháu thấy mọi cố gắng, hy vọng của mình giờ không làm gì được nữa rồi...".

          Tôi ắng lặng. Nhớ tới trường hợp một cô giáo khác, ung thư, vẫn kiên trì học xong đại học, làm gia sư và liên tục thi tuyển mấy năm liền thì được nhận vào dạy ở một trường vùng xa cách nhà 70 cây số. Và hớn hở an tâm dạy, không cho ai biết mình ung thư. Tới khi báo chí phát hiện, chia sẻ về cô như một tấm gương hết sức đáng khâm phục thì nhiều người người biết, vỡ òa ngạc nhiên. Rồi một hôm, nửa đêm cô phải đi cấp cứu, tưởng  đã đi đận ấy. Anh em báo chí xúm lại, hứa sẽ tác động giúp cô chuyển về chỗ nào đấy gần nhà để mà tiện điều trị. Thế mà rồi, cuối cùng phải đi bằng con đường phi chính thống để cô về dạy cách nhà non chục cây số. Con đường phi chính thống này là đường tình cảm, hoàn toàn không phải phong bao phong biếc gì, bởi cô thì không bao giờ có, nhưng kể để nói, người ta chuyển trường được cũng nhờ rất nhiều lý do, nhưng những lý do chính đáng như 2 cô giáo tôi kể trên thì nó lại... chả chính thống gì?

          Cũng ở tỉnh ấy, giáo viên công khai và phẫn uất viết lên facebook tâm trạng của mình trước thực trạng họ biết, dù như tôi viết ở trên, rằng là cái số chỉ cười cười rồi lảng sang chuyện khác nhiều lắm.

          Đây là cô Thuận Ánh:   "Giả sử ngành nào cũng có tiêu cực thì chí ít ngành giáo dục cũng phải hạn chế tối đa tiêu cực để giữ được cái cốt lõi là kiến thức và đạo đức.

Mình hai mươi năm toàn dạy ở vùng khó khăn, cực kì khó khăn. Nhìn thấy địa phương mình công tác có bước phát triển kịp với địa phương khác đã rất mừng, chưa bao giờ “dạy thêm” vì chưa bao giờ có cơ hội “dạy thêm”. Nhìn thấy tiêu cực mà chỉ biết tự cấu xé lương tâm mình cho mình buồn thêm, thấy cũng hèn hèn sao ấy. Chứng kiến một cô giáo viết đơn xin từ chức hiệu phó để làm giáo viên, thấy rõ những gì đằng sau đó mà mình nghẹn ứ không nói được. Dẫu gì thì mình cũng cố gắng làm được những gì xứng đáng với nghề để tự an lòng.

Và hôm nay, chuyện về nghề đang nóng lên ở địa phương, với bao nhiêu ý kiến trên các trang mạng là sự hả hê, là sự tủi nhục, là một biến cố của bè nhóm lợi ích nào đó... Việc tất yếu xảy ra thì đã xảy ra. Vấn đề là xử lý thế nào vẫn đang được cả xã hội ngóng chờ. Mình mong sự triệt để. Sự công bằng tương đối. Đừng để giáo viên ở vùng “dạy thêm” cứ tiếp tục “tăng gia” và giáo viên ở vùng khó tiếp tục “lấm lem”.

Mình già rồi. Không tăng gia được và cũng chả sợ lấm lem, chỉ mong trời trong hơn và ngành vẫn là quốc sách hàng đầu trong xã hội, để mình tự tin với chữ “người thầy”.

Đây là ý kiến của cô giáo Tạ Ngọc Điệp: "Gia Lai lộ đề thi, giáo dục đau đầu vì sách mới.

Này, cứ như xưa mà học, mà làm, cải tiến làm gì vậy, đề thực ra lộ cũng vậy mà không thì cũng vậy, có gì mà phải xoắn lên, cái kiểu cho vài bài văn mẫu về học thuộc rồi hôm sau lên thi thì lộ hay không báo chí cũng đừng giật title.
Nói thẳng ra là bệnh thành tích giết chết hệ thống giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp quốc gia gì đó cũng bỏ đi, bàn làm gì.

Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, ráng chịu. Đau một lần rồi thôi, cắt đứt cục u đó đi, để lâu nó di căn tùm lum chữa ko kịp ngáp".

Còn đây là ý kiến của một thầy từng là trưởng phòng tổ chức cán bộ của sở, giờ là giám đốc một trung tâm giáo dục: "Nghe thiên hạ đang ai oán, rên khóc, phẫn uất, thì thầm kháo nhau rằng, thị trường Dục nơi đây, hiện nay cũng rất sôi động, nhộn nhịp kẻ bán, người mua và giá cả thì độc quyền, khủng ngất ngưởng - cực chát, kinh hoàng lắm; mà cảm thấy quặn đau, xót xa cho một nghề cao quý: Nghề nhân cách và đi dạy nhân cách! Xin lỗi, mình không marketing cho các mặt hàng ở cái chợ bỉ ổi, bẩn thỉu, bất nhân, táng tận lương tâm và khốn nạn này đâu nhé!

Giời ạ! Toang hoác thật rồi Giáo ơi!"...

Và lại nhớ đến ý kiến đang sôi nổi trên báo: Bỏ hay giữ trường chuyên lớp chọn. Tôi cũng đã thử thăm dò trên trang cá nhân của mình, thì thấy ý kiến bỏ chiếm khá đông. Từ chỗ thực sự là chọn nhân tài, giờ nó biến tướng. Không phải ngẫu nhiên chính các học sinh từng học trường chuyên giờ có ý kiến là nên... bán trường chuyên cho tư nhân, tức là không bỏ nó, nhưng có một cách quản lý mới, để mọi người được công bằng trong giáo dục, và nhân tài vẫn được phát hiện, nuôi dưỡng.

Tôi có 2 con gái, ngày xưa các cháu học phổ thông cũng được, và tôi đều không khuyến khích các cháu vào trường chuyên, mà thi vào trường lớn nhất tỉnh, không chuyên, học đều các môn, và các cháu đều trong đội tuyển, một đứa tuyển văn, một đứa tuyển hóa, sau vào đại học rồi ra trường, chúng đều làm việc được. May mắn nhất với tôi, một ông bố ngu ngơ, là không phải đi xin việc cho đứa nào hết. Chúng tự kiếm việc làm, và khá ổn. Và tôi phải cám ơn chúng về điều ấy, chứ trên đời, bây giờ ấy, đi xin việc cho con ấy, nó khổ vô cùng, và nhục nữa. Thì cứ nhìn các thầy cô giáo "mỗi năm đến hè" lòng thấp thỏm lo, tên mình nằm ở đâu trong danh sách điều chuyển. Và trong khoản tiền dành dụm, có mấy khoản lớn: tiền chuyển trường, tiền cưới chồng/ vợ, tiền nuôi con...

Nghe nói tiền chuyển trường là khoản tiền đáng lo nhất. Và như thế thì, họ còn đâu tâm trí cho việc dạy nữa?


VỚi nhà giáo lừng danh Văn Như Cương tại trường Lương Thế Vinh

Học sinh người Jrai

Với thầy Vỹ, dạy văn tác giả thời học cấp 3 Hậu Lộc. Gần 40 năm tìm về thăm thầy

Học sinh mẫu giáo hôm nay, mầm non ngày mai của Tổ Quốc

VỚi các nhà giáo rất giỏi ở Sài Gòn, có điều các ông này dạy cái thứ nhà cháu rất dốt: Toán và Lý.

                 
Nhà cháu, một lần lên lớp
                                            
  



2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Mấy hôm nay bận công việc dòng họ, không rỗi để vào 'chém'. Nói Anh Văn Công Hùng'phu chữ'là chính xác. Ở đây, 'chính xác' được hiểu là 'cẩn trọng'. Ngành giáo dục Việt đến giai đoạn này bị hư nát đến độ phải gọi tên 'toang'. Bất cứ ngách nào của giáo dục Việt, được truyền đời gìn giữ trong trẻo, tinh khôi, nay, đều bị vẩn đục, uế tạp. Thay vì "Vỡ vụn nền giáo dục" thì Anh lại 'giảm tốc để an toàn'bằng "Mảnh vụn giáo dục"!
Qua Anh, cũng loáng thoáng cảm được cái dũng khí của tầng lớp trí thức tử tế hôm nay đã bị tài trí của cộng Việt vô hiệu hồi nảo hồi nao.

Văn Công Hùng nói...

Hì, lại phải cám ơn cụ ạ.