Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

NHỮNG THÓI QUEN MỚI TỪ CÔ VÍT



          Tầm 3 giờ chiều, đứng trước cửa nhà một cô bạn ở khu Phú Mỹ Hưng Sài Gòn, gọi điện thoại định nhờ tí việc liên quan đến chữ nghĩa. Một giọng ngái ngủ ề à: Em vừa ngủ, có việc gì quan trọng không anh? Thồi, không nên kinh động đến giấc ngủ thần thánh này bèn rất nhanh: Không, là anh đang ngồi cà phê, nhớ em gọi chơi...

          Sau mới biết, nó là thế này.

          Nhân vụ cô Vy giờ là cô Vít ấy, cô này theo trend, cũng... dọn nhà. Và dọn nhà mới thấy rất nhiều chuyện hay. Ấy là dọn nhà nó không chỉ là dọn nhà, mà nó là tình yêu của mình với ngôi nhà ấy, là khẳng định sở hữu, là thấy từng ngóc ngách nó chứa đầy yêu thương, kỷ niệm, nó rưng rưng những ngọt ngào cay đắng, nó là tháng là năm, là thời gian khi ngưng đọng, lúc vù vù...

          Và cứ thế ngày nào cũng miệt mài. Và cũng bởi các cụ xưa đã bảo: Bói ra ma, quét nhà ra rác.

          Và rồi mệt. Lâu nay việc ấy của công nhân vệ sinh theo giờ. Nó có thể mới nhìn rất sạch, nhưng nhìn kỹ thì không hẳn thế. Và cái chính là, nó thiếu hơi thở của chính mình, giọt mồ hôi của chính mình.

          Và mới té ra, nhờ Cô Vít, người ta trở lại với những thói quen.

          Ví dụ như hết giờ là về, ít la cà quán xá. Quán xá đang vắng như thời... dịch cúm.

          Người ta quan tâm tới nhau hơn, bởi người ta có thời gian để quan tâm. Trước xong việc tạt vào đâu đấy, bù khú bạn bè, về tới nhà là... ngủ. Giờ, về sớm, nấu ăn, dọn nhà, chơi với con, với nhau, và... nói chuyện.

          Thành thật đi, bao lâu rồi, những gia đình thành thị ít có thời gian ngồi với nhau, nói chuyện với nhau. Càng ngày trong thế giới hiện đại con người càng cô đơn, cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình?

          Và nhiều thói quen đang được bỏ.

          Như dùng giẻ lau, giờ đang được thay bằng giấy dùng một lần. Người Việt đều có chung một nguồn gốc là nông dân, nên căn cơ tặn tiện. Nó hiện lên từ cái... giẻ lau. Đa phần là dùng từ những bộ quần áo cũ, bỏ đi, không mặc được nữa thì làm giẻ lau. Phàm người Việt đều nhớ và biết câu: Lành làm gáo, vỡ làm môi, lôi thôi làm thìa... Chả bỏ đi thứ gì dù nó cũ nó vỡ... nên quần áo, kể cả quần áo lót được sử dụng làm giẻ lau, làm lót nồi... là đương nhiên.

          Rồi dùng chung bát nước chấm. Đa phần các gia đình người Việt thường dùng chung một chén nước chấm. Giờ thói quen ấy cũng đang... dịch chuyển, ấy là mỗi người một chén nước chấm riêng. Nó lại khổ thế này, ẩm thực Việt cầu kỳ, mỗi món lại phải có nước chấm khác nhau. Rau muống khác rau cải, thịt lợn khác thịt gà, cá khác tôm... Có tới hàng vài chục loại mắm, và tương đương thế là cách pha chế chỉ để phục vụ cái gu tinh tế của ẩm thực Việt. Một mâm cơm mà bày ra mỗi người ba bốn chén nước chấm thì cũng... chả đủ chỗ. Hôm qua vào nhà bạn, tôi thấy rất nhanh, đã có một bộ khay nước chấm, trong đấy có nhiều ngăn, nhiều ô để các ông bà cầu kỳ đựng nước chấm vào đấy mà dùng riêng.

          Rồi rửa tay. Tác phong ba xoa hai đập (chân) trước khi lên phản ngủ, rồi chùi tay vào quần của cha ông nó ngấm rất sâu vào máu rồi. Nhớ trong bộ phim Việt nào đấy, có cô Mai Hoa ca sĩ nhưng trong phim này đóng một chị nông dân, có cảnh chị đang cuốc đất thì có khách, chị vất cuốc đấy, tong tả chạy lên, vừa chạy vừa miết 2 bàn tay vào quần, sấp rồi ngửa tay miết. Tôi cho là chi tiết này rất đắt, nó đúng là một chị nông dân thứ thiệt. Giờ ngày rửa tay đến mấy chục lần, làm gì xong rửa tay đã đành, chả làm gì cũng rửa tay, nó trở thành một thói quen, cái thói quen mà một bác sĩ bạn tôi bảo chị rất mừng, bởi cái bàn tay con người ấy, nó vô cùng... bẩn, thượng vàng hạ cám đều qua bàn tay ấy, giờ luôn luôn sạch, luôn luôn sát trùng, mừng lắm.

          Tôi là người rất dị ứng với chuyện đeo khẩu trang, ban đầu là từ các bà các chị, nó làm đen ngòm cả phố đi, nó làm xấu chị em đi. Không chỉ khẩu trang, các bà các chị còn trùm kín từ đầu tới toàn thân, trông như một khối vải di động lùng thùng ngoài đường. Giờ té ra, đeo khẩu trang mới là văn minh. Nhà văn Hoàng Đình Quang bảo: giờ vào thang máy chung cư mà không đeo khẩu trang mình như thằng hủi xuất hiện.

        Và giờ thì tôi công nhận: đeo khẩu trang ở thời buổi bây giờ cũng là một hành vi văn minh.

          Những thói quen văn minh đang dần thay thế những hành vi lạc hậu, cũng là dịp may mà con virus Cô Vít mang lại...


       Bài đã đăng báo Khám Phá, mang về để lưu thôi.                                                                           

1 nhận xét:

Unknown nói...

Cháu nào giờ biết Văn Công Hùng với thơ, nào giờ có văn nữa cơ. Cách viết của chú lạ lạ quá. Câu văn chắc gọn, đang đùa với từ ngữ hay sao á. Cháu thích lối viết này rồi.