Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

CHUYỆN CHIÊNG CHUYỆN CHÉ VÀ CHUYỆN BUÔN LÀNG



          Ngày xưa buôn làng Tây Nguyên, thứ quý nhất được bà con giữ gìn, mẹ truyền cho con, như một thứ của cải để... bắt chồng, để làm "của hồi môn", "của để dành", tương đương với vàng, ruộng của người Kinh cùng thời, là chiêng, ché. Một số vùng xịn hơn thì là voi, nhưng nó là khu biệt, vì không phải vùng nào người Tây Nguyên cũng biết bắt voi, thuần dưỡng voi và coi voi như tài sản. Nổi tiếng nhất về voi ở Tây Nguyên là buôn Đôn. Đây là nơi bà con biết bắt voi rừng về thuần dưỡng thành voi nhà. Quý nhất là voi trắng, tù trưởng Khun Xu Nốp từng bắt voi trắng về tặng vua Thái Lan và vua Bảo Đại. Một vùng nữa bà con Tây Nguyên cũng có voi, nuôi voi, nhưng là mua hoặc đổi về nuôi chứ không biết bắt voi, và vì thế quy mô cũng nhỏ hơn, tiếng tăm ít lừng lẫy hơn, là làng voi Nhơn Hòa, thuộc huyện Chư Pưh, Gia Lai. Bên Đắk Lăk còn một địa danh nữa cũng có voi là huyện Lăk, nơi có hồ Lăk, voi ở đây nổi tiếng nhờ năm nào đấy, một ông voi điên lên quật chết một ông người đang cưỡi nó... 

          Đặc điểm chung của việc nuôi voi ở Tây Nguyên là càng ngày càng... đi xuống. Giá trị tiền tỉ nhưng khai thác rất ít, và nó lại không sinh sôi nảy nở. Khai thác chủ yếu là du lịch. Một quãng đường ngắn, ngày này sang tháng khác, voi cứ thật thưỡng đi tới đi lui, chở khách du lịch trên bành. Có một vài tour vượt rừng xa hơn, mới lạ hơn, nhưng cũng chỉ tới thế. Cái quan trọng là, nuôi như thế voi không đẻ được (voi chỉ giao phối trong tự nhiên, mấy năm động dục một lần, mỗi lần rất lâu và cần những khoảng rừng rất rộng, tuyệt đối yên tĩnh). Nó cứ lụi tàn dần đi trong buồn chán, vô vị và... tuyệt tự. Làng voi Nhơn Hòa giờ đã xóa sổ khi con voi cuối cùng đã được bán và nghe đâu đã chết cách đây gần 10 năm. Voi buôn Đôn thì cũng gần gần thế, dẫu bây giờ cũng vẫn háo hức những tour tới buôn Đôn cưỡi voi, và mới nhất, trong mấy lễ hội du lịch, voi vẫn xuất hiện. Nhưng với việc không được bổ sung đàn, không sinh sản được, thì giờ cáo chung cũng chả còn xa.

          Trở lại chuyện chiêng và ché. Hai vật dụng này nổi tiếng, gắn với người Tây Nguyên đến mức, chiêng và ché thì bà con các dân tộc phía Bắc cũng có, thậm chí nổi tiếng hơn (rượu cần Hòa Bình rất ngon, nhiều người uống bảo ngon hơn rượu cần Tây Nguyên. Tương tự, cồng Mường cũng nổi tiếng từ rất lâu), nhưng hễ nhắc tới nó là người ta đương nhiên nghĩ tới Tây Nguyên. Ché là cái ghè để làm rượu cần vào đấy, nên người ta căn cứ vào đồ đựng, uống để gọi là rượu ghè, rượu cần, chắc là người Kinh gọi thành quen, chứ mỗi vùng, từng tộc người Tây Nguyên lại có tên gọi khác nhau. Nó còn rất lạ là bởi, người Tây Nguyên không làm ra chiêng và ché, mà đi mua/ đổi về để dùng, và... biến nó thành của mình, qua cách sử dụng.

          Chúng ta hay nghe nói tới ché Tuk, ché Tang. Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Lê Xuân Lợi giải thích rằng: Đa phần ché của người Tây Nguyên là do người Chăm bán lên (mới nhớ Chăm có làng gốm bàu Trúc nổi tiếng), khi bán họ giới thiệu đây là "ché tốt" và nó được nghe thành ché Tuk, tương tự thế là ché thiêng, ché Yang thành ché Tang. Và đây là 2 loại ché quý nhất của người Tây Nguyên, được sánh ngang với trâu, thậm chí voi.

          Người Tây Nguyên quan niệm, ché và chiêng là nơi các vị thần trú ngụ, nên khi cúng, hai vật này thường được "ăn" máu của những con vật được thịt để hiến tế, bằng cách quệt máu tươi lên đấy, rất thành kính và tin tưởng.

Tôi từng rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlá (huyện Krông Pa, Gia Lai) có hai cái ché cổ, một cái trị giá ba mươi con bò tức bằng nửa con voi tức khoảng một trăm năm mươi triệu và một chiếc trị giá hai mươi con bò khoảng một trăm triệu (thời điểm cách đây 20 năm). Cái ché trị giá ba mươi bò tên là Prung và cái hai mươi bò tên Chanr. Ché này không biết có thiêng không nhưng rõ ràng là nó được bà con đánh giá rất giá trị. Hỏi mấy vị lãnh đạo xã người Jrai rằng tại sao nó đắt tiền, bảo tại nó là ché Tuk. Hỏi tại sao ché Tuk lại quý lại đắt thế thì... không biết!

Ở tòa giám mục Kon Tum, có một gian bảo tàng, ở đây lưu trữ rất nhiều loại ché, có loại cực đắt như ché mẹ bồng con, trị giá hàng mấy chục con trâu.

Bảo tàng Chăm ở Ninh Thuận do nhà nghiên cứu Lê Xuân Lợi làm giám đốc năm ngoái tổ chức triển lãm và hội thảo quốc tế về ché cổ, ông bảo, tổ chức không khó, tham luận không khó, khó nhất là... bảo vệ. Hàng triệu đô, không đùa được.

Người Tây Nguyên mua ché về để... làm rượu trong ấy, đơn giản thế thôi. Nhưng để trở thành một thương hiệu, một phần đời sống của mình, thì nó đã phải trải qua bao thăng trầm, bao kiếp người, bao mồ hôi nước mắt, bao kinh nghiệm sống... chứ nếu không nó vẫn chỉ là những chum những vại những vò những lu... đựng mắm để la liệt ở gốc cau người Việt, hoặc lăn lóc khắp làng như ở Bàu Trúc.

Loài người có mấy cách làm rượu cơ bản là chưng cất, ủ men trực tiếp, nước cây để lên men vân vân. Rượu là một trong những phát minh vĩ đại của con người, có lẽ chỉ sau lửa, bằng chứng là, chả có dân tộc nào trên trái đất này không có loại rượu của riêng mình...

Rượu cần được làm từ men rễ cây trộn với sắn, hoặc ngô, hoặc kê, hoặc lúa... trong đó ngon nhất là làm từ kê, và phổ biến nhất là từ sắn. Tùy vùng, nơi nào thích ngọt thì cho thêm chuối, thích cay cho ớt, thích đắng cho một loại rễ cây như cây mật nhân... nó sẽ ra vị mình muốn.

Người ta tãi nguyên liệu cho khô sau khi đã hấp hoặc luộc nó lên, rồi trộn với men theo bí quyết, rồi cho vào ghè, dùng lá bịt kín, lấy que tre gài cho chắc. Xong, dựng hàng loạt bên vách. Có nhà có hàng trăm ghè như thế, khi làng hoặc hàng xóm có việc, họ vác lên vai như vác lợn con, vì lúc này chưa có nước trong ghè.

Khi uống, người ta cắm cần. Cần là những đoạn trúc, được thông mắt, dưới cùng để mắt nhưng đục những lỗ rất nhỏ bên thân, mục đích là khi cắm cần vào không bị trấu hoặc cái rượu bịt mất. Đổ nước vào chừng 30 phút là uống được. Khi uống bằng cần, nước từ phía trên sẽ bị hút xuống dưới, qua cái phần rượu đã ủ, và tức là ta uống chính thứ nước đã lọc bằng men ủ ấy. Để công bằng, từng người uống sẽ có những cái cang để làm mức, hết cang nhường cần cho người khác.

Giờ, vừa là hiếm loại trúc làm cần, hai là cho tiện, người ta chỉ dùng một đoạn trúc ngắn nối với cái ống cao su, thành một thứ cần "dân gian kết hợp hiện đại", chưa kể, nước đổ vào rượu còn được cho thêm... bia, nước dừa, nước cam vắt...

Chiêng cũng có số phận gần giống ché. Nó được mua hoặc đổi từ làng Phước Kiều (Quảng Nam) hoặc An Nhơn (Bình Định), hoặc bên Lào (thực chất là Mã Lai)... tức không phải người Tây Nguyên tự làm được. Nhưng cái khiến nó trở nên độc nhất vô nhị, thành "hàng hiếm", khiến UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, là bởi, thứ nhất nó có một không gian chiêng. Cái mà UNESCO công nhận chính là không gian cồng chiêng, chứ không phải chiêng. Thứ hai, nó phải có những người chỉnh chiêng. Đây chính là yếu tố hết sức quan trọng để chiêng, từ mục đích sử dụng khác, trở thành chiêng Tây Nguyên, có giá trị rất lớn cả về tinh thần và vật chất. Giờ người ta coi chiêng chủ yếu là... nhạc cụ. Nhưng ban đầu, hình như không phải thế. Nó mang chức năng thông tin. Thay tiếng tù và là chiêng, bởi làng người Tây Nguyên biệt lập trong rừng, hú, tù và và chiêng... là những thứ để thông tin với nhau. Sau nữa, nó mang chức năng tâm linh. Trong chiêng có thần, chiêng có thể mang lại may mắn cho con người. Người ta dùng chiêng để nói chuyện với thần linh, có chiêng vui chiêng buồn, có nói chuyện với nhau qua chiêng, và cả nói chuyện với chiêng...

Muốn chơi chiêng, xưa người ta phải cúng hạ chiêng. Giờ đại trà, lúc nào cán bộ xuống bảo dân làng mặc áo thổ cẩm oánh chiêng là mang chiêng ra chơi, mang cả lên phố đánh, có khi vác cả chiêng A tâu (chiêng đám ma) lên sân khấu...

Ở làng giờ, người ta cũng ít chơi chiêng rồi. Có nhiều lý do, xin trình bày vào kỳ sau.

Bài đăng cảnh sát toàn cầu, he he, nghe cái tên báo đã thấy oai hùng rồi ạ.


Ché cổ ở bảo tàng Chăm Ninh Thuận

Ché 30 trâu

Ché 25 trâu

                                                              


Không có nhận xét nào: