Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

CÁI KHÓ LÓ CÁI... MAY THỜI DỊCH



          Hôm qua tôi chạy một vòng Sài Gòn. Và cái cảm giác đây đang là tết nó choán ngợp tâm trí. Tĩnh lại, mới nhớ là qua rằm rồi, hết tết lâu rồi.

          Sau đấy xuống Củ Chi, nơi tôi làm việc. Mọi khi đi nhanh thì hết 2 tiếng, chậm thì phải 3 tiếng. Hôm nay xe veo véo, tiếng rưỡi là đến, thậm chí chưa đến tiếng rưỡi.

          Người trên đường vắng hẳn.

          Cái chỉ thị 100 mới chỉ làm phố thưa đi, các quán nhậu thưa đi. Thưa chứ vẫn đông, nhất là ở thành phố rất đông như Sài Gòn. Nhưng đến khi cái món Corona xuất hiện thì phố vắng hẳn.

          Trong việc căng người ra chống dịch, có việc cho học sinh nghỉ học. Đây là một chủ trương hết sức đúng khi mà lệnh là chống dịch như chống giặc. Và thực tế chứng minh là, việc cho học sinh nghỉ học ngoài việc đúng, nó còn không làm xáo trộn xã hội nhiều lắm, dù cũng khá nhiều gia đình lao đao, nhất là các gia đình có con nhỏ.

          Và mới té ra, lâu nay các lớp học cấp nhỏ ấy, học là một chuyện, nó còn là nơi trông trẻ nữa. Các cô giáo kiêm luôn bảo mẫu.

          Tôi có 2 đứa cháu ngoại. Ngay khi lệnh nghỉ học ban ra, rất nhanh, mỗi đứa được "phân" về một phía. Bà ngoại một đứa, và bà nội đứa còn lại. Rất may, cả 2 bà đều đã nghỉ hưu, tình hình không có gì khác lắm so với khi chưa nghỉ chống dịch.

          Nhưng nhiều gia đình thì không thế. Họ chỉ có vợ chồng và con. Thì cũng có nhiều cách để xử lý. Thay nhau nghỉ trông con chẳng hạn. Và có một cách thấy trên mạng đang tranh cãi, ấy là có một hội phụ nữ phường nọ, lập ra một nhóm trẻ giúp đỡ những gia đình khó khăn việc trông trẻ. Họ bảo, nghỉ học để tránh dịch nhưng lại tập trung giữ trẻ nhóm như thế khác nào vẫn đi học. Phe ủng hộ cho rằng, hoàn cảnh nó thế, người ta không thể nghỉ trông con, nhất là công nhân các khu công nghiệp, thì đây là cách giúp thiết thực nhất. Và, một nhóm nhỏ nó khác số lượng học sinh của cả trường?...

          Trong cái khó ló cái... may, ấy là rất nhiều đứa trẻ thành phố được gửi về nông thôn, được gần gũi ông bà cô dì chú bác, được mở mang tầm mắt khỏi những khối bê tông thành phố, được thảnh thơi hít thở không khí trong lành thoáng đãng (dù nông thôn giờ cũng sin sít gần như phố), được ăn những bữa ăn đậm chất quê mà ở phố mỗi lần như thế bố mẹ chúng đều kêu là ăn tiệc. Ông bà ở quê giờ cũng khác ngày xưa, không còn, hoặc ít những "tóc bà trắng bà trắng như mây" mà ông bà vẫn vèo vèo xe máy, vẫn Smartphone lướt web, nói chuyện facetime... nhưng những câu chuyện về nông thôn, chuyện cổ tích, cảnh và người... vẫn hấp dẫn lũ trẻ. Và nó sẽ ăn đằm vào ký ức chúng những kỷ niệm nông thôn. Tôi, đời viết văn của mình, bây giờ toàn "ăn mày quá khứ" nông thôn, dù tôi cũng chỉ là kẻ ngụ cư nông thôn, nhưng giờ những gì run rẩy nhất, sâu đậm nhất, thăng hoa nhất... trong những trang viết của tôi là về nông thôn. Nông thôn Việt chính là cái bệ phóng, cái phông nền để con người hiện đại bay lên, trưởng thành...

          Và ở thành phố. Quán xá vắng teo, đường thưa thớt. Mọi người đều tranh thủ về nhà. Và đấy là thời gian chơi với con. Dạy con học, kể những câu chuyện lý thú cho con. Tôi có anh bạn trở thành nhà văn từ những câu chuyện cho con ấy. Tối nào thằng cu cũng bắt bố kể chuyện. Vốn chuyện cổ tích, thần thoại... các loại hết rồi, anh bèn... hư cấu, bèn phịa chuyện. Những câu chuyện phịa từ chính cái làng anh sinh ra và lớn lên, từ chính những người hàng xóm của anh, từ chính ông bà bố mẹ anh... và thằng con thích thú nghe, ngủ rất ngon. Sau, anh ghi lại những câu chuyện ấy, gửi nhà xuất bản Kim Đồng. Họ in, bởi rất nhiều đứa trẻ con thành phố cần nghe/ đọc những câu chuyện ấy. Và cứ thế, hết đầu sách tới đầu sách khác. Tất nhiên sau này anh viết cho người lớn, những truyện ngắn sâu sắc, về đời, về xã hội, nhưng cũng đều bám vào cái làng nghèo khó thuở nhỏ của anh. Rồi anh thành nhà văn chuyên nghiệp. Thằng con trai giờ đã lớn, đã thành nhân viên của hãng Google ở Đài Loan, một thương hiệu mà chỉ nghe tên là đã rất nhiều người mơ ước được vào làm. Và chắc chắn, trong hành trang làm việc cho cái hãng khổng lồ toàn cầu này, thằng con anh sẽ mang theo những câu chuyện mà bố nó đã kể, về cái làng quê nghèo khó mà từ đấy bố nó lớn lên và trưởng thành. Bây giờ, trước khi có dịch ấy, mấy ông bố có thời gian kể chuyện/ nói chuyện với con như thế. Làm việc về đã mệt nhoài, thêm mấy ly là ngủ, có khi quên cả... vợ. Giờ, nhịp sống thanh bình xưa cũ đang dần trở về, là tôi nghe một số bà vợ kháo nhau thế...

          Thì đã bảo dân Việt ta, ngày xưa có câu thành ngữ "Cái khó ló cái khôn", giờ thì nó ló cái... may.

          Tất nhiên, không ai mong dịch xảy ra. Nhưng quả là, vì nó xảy ra mà, tình người, tình cảm anh em, cha mẹ vợ con... có điều kiện mà gần gũi, mà phát lộ, và cũng nhờ thế, những đứa trẻ con ấy, chúng được yêu thương hơn, được quan tâm gần gũi hơn, theo cái cách truyền thống Việt...

          Cũng chả biết là nên hay không nên nữa...

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

       Bài đăng trên Khám phá cách đây... 10 ngày rồi...                                                                 

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Anh Hùng đừng buồn nhé: Anh gõ vội nên thiếu "g". Choáng ngợp chứ không là choán ngợp.
Cảnh trí làm say hồn người. Thân quí.

Quế Sơn nói...

Xin lỗi Anh Hùng và bạn đọc. Tôi đọc lại. Ngữ cảnh ở đây, Anh Hùng viết "choán" là đúng. Choán là chiếm chỗ. Lần nữa, xin lỗi Anh Hùng nhé!