Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

CHUYỆN HAI NHÀ NGỤC NỔI TIẾNG Ở KON TUM



          Bây giờ, dù đã được trùng tu phục dựng khá nhiều, được quảng bá khá nhiều, nhưng quả là, lên Kon Tum nếu không để ý thì khó mà tìm được Ngục Kon Tum thuở nào.

          Trong chúng ta chắc chả ai không nhớ, không biết đến cái địa danh nổi tiếng này. Hồi mới lên công tác ở Gia Lai Kon Tum (chưa chia tỉnh), tôi là người được giao tổ chức tái bản cuốn “Ngục Kon Tum” này dù cho đến khi ấy chưa biết cái ngục ấy nó mặt ngang mũi dọc ra sao. Tôi nhớ cuốn ấy, tôi đã cho thiết kế bìa y hệt như cái bìa cũ, khắc gỗ ở thành phố Hồ Chí Minh, in Typo lại nhà in Gia Lai.

          Phải cả năm sau tôi mới có dịp lên chỗ ngày xưa từng là ngục Kon Tum. Dấu vết ngục còn rất ít, hay chính xác là ông thổ công chỉ cho tôi, đấy, ngày xưa ngục ở đấy. Tôi nhìn, thấy nó là một dãy nhà tập thể, kiểu nhà của khu gia binh một thời, xập xệ và nhếch nhác, quần áo chăng trên dây thép gai phấp phới, dãy chuồng heo ồn ã tiếng lợn kêu...

          Cái khu mộ thì được làm lại hoành tráng, có cả bảo tàng nữa, ngay bên bờ sông Đăk Bla cách di tích nhà ngục một đoạn.

          Hình dung nhé, từ năm 1915 ngục Kon Tum đã được chính quyền khi ấy xây dựng để nhốt tù thường phạm. Sau phong trào Xô Viết Nghệ An năm 1930 thì ngục được mở rộng để giam tù chính trị. Hình dung thêm, trên con đường dằng dặc từ Quy Nhơn lên Kon Tum hồi ấy rừng thiêng núi thẳm, từng đoàn tù chính trị tay xích chân cùm, lê bộ chân không ngày này qua tháng nọ trên quãng đường gần 300 cây số về nơi giam giữ, để rồi nơi đây bùng lên cuộc đấu tranh lưu huyết. Lúc cao điểm ngục Kon Tum đã giam giữ hơn 500 tù chính trị. Và đây chính là nguồn nhân công để làm đường Đăk Pao Đăk Pét. Số người chết vì phải đi làm đường khá nhiều. Và trong cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra vào tháng 12 năm 1931 đã có 7 chiến sĩ hy sinh ngay tại tại giam, 8 người bị thương. Số người hy sinh sau đó được đem ra bờ sông Đăk Bla chôn. Sau này người ta khai quật thấy có tới 81 chiến sĩ là tù nhân được chôn ở đây.

Những người cộng sản nổi tiếng đã từng bị giam giữ ở nhà Ngục Kon Tum có Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trịnh Quang Xuân, Võ Trọng Bành, Ngô Đức Đệ, Trương Quang Trọng, Lê Văn Hiến, Nguyễn Hoàn, Trần Hữu Dương, Lê Trọng Kha... trong đấy rất nhiều người quê Nghệ An, bị bắt trong phong trào Xô Viết Nghệ An năm 30 - 31. Ông Lê Văn Hiến, tác giả cuốn “Ngục Kon Tum” thì quê Đà Nẵng, và là phu quân một người phụ nữ cũng rất nổi tiếng, bà Lê Thị Xuyến, chủ tịch hội Phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng chả hiểu tại sao ngày xưa các bà chủ tịch Hội Phụ nữ hay được nhớ hơn bây giờ, như bà Thập, bà Xuyến. Giờ ít người nhớ tên các bà chủ tịch hội Phụ nữ đương thời.

          Cụ Lê Văn Hiến đã viết cuốn “Ngục Kon Tum” vào năm 1937, mục đích như ông viết ở “Lời nói đầu”: “Ngục Kon Tum phải ra đời để cung cấp cho toàn quyền Brevie, tổng trưởng thuộc địa Moulet và ủy ban điều tra của chính phủ bình dân Pháp một tài liệu”. Tức đây là một tập tài liệu, nhưng rồi, nó đã trở thành một tác phẩm văn học ở cả cách thể hiện và vấn đề được thể hiện. Sau này ông làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa (Ủy ban nhân dân cách mạng) thành phố Đà Nẵng. Cách mạng thành công, làm Bộ trưởng bộ Lao động, Bộ trưởng bộ Tài chính, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Năm 1962 làm Đại sứ tại Lào đến 1976. Ông mất vào năm 1997.

          Thời học phổ thông chúng tôi có học về “ngục Kon Tum” với đoạn trích là “cuộc đấu tranh lưu huyết” và cứ ám ảnh mãi với hình ảnh những người cộng sản “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, người này chết người kia xông lên trước hòn tên mũi đạn. Rồi cũng học những câu thơ của Tố Hữu: “Đường lên Đak Sút, Đak Pao/Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh” (Tiếng hát đi đày). Tức là cái con đường mà những tù nhân ở Ngục Kon Tum thời này mở. Thời ấy, tù nhân được “lùa” đi từ ngục Kon Tum lên hướng bắc, mở con đường Kon Tum thông với Đăk Glây. Giờ tôi phóng xe từ Kon Tum lên Đăk Glây chừng 3 tiếng, nhưng thời ấy, với cùm dưới chân, xích trên tay và roi trên đầu, di chuyển lên đến nơi làm đường chắc phải cả ngày, thậm chí vài ngày. Rồi dựng lán, rồi làm đường chỉ bằng xà beng, cuốc, xẻng... mà như ông Hiến kể, tên cai ngục muốn về Kon Tum nghỉ sớm nên thúc tù làm suốt ngày đêm, roi luôn luôn sẵn sàng bổ xuống đầu những người “làm biếng” mà thực chất là mệt quá, đói quá làm không nổi. Nhiều người đã bỏ mạng khi làm con đường này.

          Mở cái con đường Đăk Pao Đắc Pét là để nối thông ngục Kon Tum với một cái ngục cũng nổi tiếng không kém, hiểm trở hơn, xa hơn, sâu hơn, hun hút hơn, là ngục Đăk Glây. Nơi đây từng giam giữ các ông Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân... và từ đây ông Tố Hữu đã vượt ngục, được dân làng Rô nuôi nấng che chở, rồi về Thanh Hóa tiếp tục hoạt động, về sau ông viết bài thơ “Mẹ Tơm” để nhắc một thời ông được bà mẹ Hanh Cù che giấu nuôi nấng. Cũng như thế, sau này khi vào Nam trực tiếp chỉ huy chiến đấu, Tố Hữu viết “Nước non ngàn dặm” có nhắc đến làng Rô: “Ơi làng Rô nhỏ của tôi, Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng, Trăm năm ta nhớ ơn làng, Cánh tay che chở bước đường gian nguy". Sau này dân làng Rô còn gửi tặng nhà thơ Tố Hữu một cặp ngà voi rất quý.

          Năm 1981, khi lên Gia Lai Kon Tum nhận công tác, mỗi lần từ Pleiku lên Đăk Glây công tác, chúng tôi phải đi tới 2 ngày, thậm chí hơn. Từ Pleiku đi xe đò lên Kon Tum, rồi từ Kon Tum bắt xe đi tiếp Đăk Tô. Mất một ngày. Tại Đăk Tô phải nằm chờ xe... zin ba cầu. Phải xe này mới lên tới thị trấn Đăk Glây, và hành trình này mất thêm một ngày nữa. Nếu gặp mưa thì... quay về. Thế mà mấy chục năm trước, những người tù cộng sản đã được đưa lên đây “an trí”. Và họ vượt ngục. Thời ấy vượt ngục chắc dễ, vì lính canh ít, vả, giữa rừng xanh núi đỏ thế, lạc ra rừng thì chết là cái chắc. Và nhờ thế mà ông Tố Hữu với ông Huỳnh Ngọc Huệ đã vượt ngục, và thành công. Cũng như thế, sau này ra Côn Đảo, lênh đênh trên con tàu hiện đại suốt đêm, tôi cứ hình dung cảnh những người tù đóng bè, mảng... hết sức thô sơ, để vượt ngục. Hồi tôi ra, tàu khách Côn Đảo 9 và 10, to, đầy đủ phương tiện, thế mà khối anh say lên say xuống. Đêm mịt mùng, biển mênh mông, chả biết hướng nào ra hướng nào, con tàu to thế mà mỏng manh như lá tre, huống gì những cái mảng, cái bè thuở nào các bác tù Côn Đảo dùng để vượt ngục...  Nhưng đã nhiều cuộc vượt ngục như thế, nhiều cuộc thất bại, nhưng cũng đã có những cuộc thành công.

So với di tích ngục Kon Tum, đến thời điểm được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1991), dấu vết còn lại của ngục Đak Glei "dày" hơn, sinh động hơn với một số mảng tường đá, nền móng, nhà bếp...

Giờ tôi hay lái xe đi đường Hồ Chí Minh về Đà Nẵng hoặc Huế. Nói thật, nếu không biết trước, không thể nào tìm ra 2 di tích nhà ngục nổi tiếng này. Qua cầu Đăk Bla một khúc, có một biển chỉ đường vào khu di tích ngục Kon Tum. Vào một đoạn, bên sông Đăk Bla, có khu mộ, bia và tượng đài, còn khu nhà ngục thì đã thành khu dân cư, bởi như đã nói, sau đấy nó đã trở thành khu dân cư.

Chạy thêm 3 tiếng thì tới Đăk Glây, dù đã có rất nhiều nghị quyết, chủ trương, nhiều lần xắn tay vào, nhưng khu ngục Đăk Glây vẫn nhạt nhòa đâu đó chứ không tương xứng với những gì nó đã từng hiển hách. Hiển hách ở cái nghĩa những lãnh tụ cách mạng đã từng “ở” đây, rồi vượt ngục. Lần đầu tiên đi trên đường Hồ Chí Minh, qua làng Rô tôi đã thốt lên, trời ạ, thời ông Tố Hữu vượt ngục, đây là rừng thẳm, ngôi làng chon von trên núi, thế mà ông Tố Hữu với ông Huỳnh Ngọc Huệ mò mẫm trong rừng ấy, chả biết bao nhiêu ngày để tới được cái làng Rô này, rồi để được dân làng che chở, rồi lại mò mẫm lặn lội từ đây xuống đồng bằng để ra tận Thanh Hóa hoạt động tiếp. Giờ cái biển làng Rô hình như cũng không còn nữa. Có lần chở con gái trên xe, cha con tôi nói chuyện về làng Rô, và tôi bảo tí tới làng Rô sẽ dừng xe để 2 bố con lên thăm, nhưng rồi đã luột qua vì tôi nhớ mấy lần trước có cái biển làng Rô, chỉ là biển hành chính thôi, chứ không phải chỉ dẫn ngôi làng nổi tiếng. Nhưng rồi nó cũng đã bị gỡ đi, hoặc hỏng, hoặc một lý do gì đấy mà tôi không thấy nữa. Giờ con đường Hồ Chí Minh chạy qua làng, chắc làng cũng phải xê dịch, thay đổi nhiều để hợp với con đường, hợp với những gì được gọi là hiện đại, đổi thay đang diễn ra ở đây. Con gái tôi bảo, nếu là nó, nó sẽ cho dựng cái biển rất lớn ở đây, ngay bên vệ đường: Làng Rô, nơi nhà thơ Tố Hữu từng được che giấu, nuôi nấng hồi vượt ngục, rồi khắc thêm mấy câu thơ của Tố Hữu viết về làng trích trong “Nước non ngàn dặm” mà tôi trích phía trên, chắc chắn 100 người cũng sẽ có chục người dừng lại, lên thăm.

Lịch sử là cái đã trôi qua, không trở lại được, nhưng ký ức về nó, ám ảnh về nó, thái độ với nó... cũng là những điều liên quan. Di tích ngục Kon Tum đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng sự quên lãng không phải là không có nguy cơ nếu con người thờ ơ, không còn xúc động trước những gì đã xảy trong quá khứ...


                                                              

Không có nhận xét nào: