Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

TÂY NGUYÊN NGÀY ẤY, TÂY NGUYÊN BÂY GIỜ...



           Tháng 11 năm 1981, tôi một mình một ba lô từ Huế lên Pleiku nhận công tác.

           Huế đang mưa trắng trời. Mất 2 buổi xếp hàng tôi mua được một vé xe vào Quy Nhơn. Cái xe Rờ nôn nổi tiếng một thời, chạy bằng... than, sau một ngày và nửa đêm thì tới bến xe Quy Nhơn. Sau 2 đêm ngủ lại nhà trọ ngay trong bến xe Quy Nhơn khi ấy đang ở đường Trần Hưng Đạo, thì trong tay tôi mới có tấm vé lên Pleiku.

           Nói thật là tôi vừa háo hức vừa... chán nản. Trước đấy, để lên Pleiku công tác, tôi đã xem bản đồ, thấy Pleiku gần Huế nhất, thế là viết cái thư xung phong lên đấy. Chưa biết nó thế nào nên đầy háo hức với ý định lên 3 năm sẽ về Huế... lấy vợ. Thế mà giờ, mới từ Huế lên đến Pleiku đã mất 3 ngày, ấy là may tôi còn mua được vé thẳng Quy Nhơn chứ lộ trình là phải “ghé” Đà Nẵng nữa, tức xe Quy Nhơn từ Huế rất hiếm, đa phần phải vào Đà Nẵng rồi đi tiếp Quy Nhơn.

           Nhưng mà con đèo Mang Yang thì tuyệt đẹp. Xe hỏng giữa đèo, việc thường xuyên thời ấy. Mọi người lao xao “cơm khỉ rồi”. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là... cơm khỉ, dù tôi không ăn, chính xác mà không có mà ăn. Sau này trong đời, tôi còn hàng trăm bận cơm khỉ, thành quen. Còn hôm ấy, sinh viên văn khoa mà, tôi lang thang ngắm đèo. 

           Tầm 3 giờ chiều, mây phủ kín, là đà quấn lấy cây, người và con đèo, như một dải khăn voan quấn hờ trên cổ cô gái. Và những người đàn bà dân tộc đeo gùi. Tôi cứ lững thững theo họ. Hàng một, nhẫn nại, lầm lụi và... tự tin. Hồi sinh viên tôi đã lên A Lưới lao động, ở với bà con Vân Kiều, không lạ về họ nhưng vẫn tràn trong mình khát khao khám phá.  Xung quanh, rừng ngàn ngạt, thâm u và bí ẩn dù mới chừng ba bốn giờ chiều. Nhà xe vừa sửa xe vừa... bày xoong nồi ra nấu cơm ăn tại chỗ. Sức trẻ khiến tôi qua cơn đói lúc nào không hay. Tôi cũng còn kịp thấy những vạt dã quỳ ràn rạt trong chiều, trong sương và trong gió.

           Khoảng 9 giờ tối thì tới bến xe Pleiku. Tôi reo thầm: Ơ có điện. Những bóng điện đỏ quạch rải rác trong bến xe. Và trời ạ, tôi ngước lên, bến xe ở trong một khu rừng đầy thông, đẹp ngơ ngẩn, dù tôi... đang đói và rất mệt.

           Từ bến xe nhìn hút xuống, đường vào thị xã như một cánh võng. Hỏi thăm đường xong tôi đeo ba lô xuôi dốc. Con đường rợp bóng thông. Đỉnh dốc bên kia là khách sạn Hùng Vương. Tôi ngủ đêm đầu tiên ở khách sạn bằng... tiền của mình.

           Sáng hôm sau, như một khách lãng du thứ thiệt, tôi đi bộ khám phá cái thành phố đã bất hủ trong bài hát của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định, mà vì nó mà tôi xung phong lên đây: “Xin cảm ơn thành phố có em/ xin cảm ơn một mái tóc mềm/ mai xa lắc trên đồn biên giới/ còn một chút gì để nhớ để thương”. Thành phố nghèo, đa phần là nhà vách gỗ lợp tôn, những hàng rào kẽm gai ngăn cách dãy nhà này với dãy nhà kia. Đa phần đấy là các khu gia binh của quân đội Việt Nam cộng hòa, giờ là khu tập thể của các cơ quan nhà nước. Nhưng những con dốc thì tuyệt vời. Tôi nhận ra rất nhanh đặc điểm của thành phố này là... dốc bởi nó được quy hoạch trên những quả đồi. Dốc như những đường lượn kỷ hà khiến thành phố mềm hẳn lại. Bên cạnh dốc là thông. Rất nhiều thông cổ thụ ken kín bầu trời thành phố. Và sương, là đà trên những ngọn thông, đẹp đến miên man, đến tê dại. Xuýt xoa lạnh, vài bóng áo dài trắng từ nhà thờ Thăng Thiên bước ra, đi bộ trên hè phố, tiếng guốc lanh canh như gõ vào ký ức gã trai trẻ là tôi dù ký ức hắn chưa có gì. Bướm, từng thảm bướm nữa. Yên bình và thanh thản. Tôi khép kín vòng đi của mình bằng quyết định: Ở lại, mai vào cơ quan trình quyết định. Là bởi, trên xe tôi đã có ý nghĩ, đến nơi, thuê khách sạn nghỉ (tiền mẹ cho) thám thính rồi mới quyết định có vào nhận nhiệm sở hay không? Và tôi đã ở đây từ bấy tới giờ.

           Cách đây hơn tháng, tôi phải viết một bài trên báo tỉnh về việc, chỉ một đoạn trên con đường anh hùng Núp chưa đầy 50 mét có đến 5 cái biển nền đỏ chữ vàng nổi bần bật: Chú ý mất cắp, ở đây thường xuyên mất xe máy vân vân. Trời ơi, “anh khách lạ đi lên đi xuống” mà thấy mấy cái biển cảnh báo ấy thì một là chạy mất... giày, và hai là tay khư khư giữ ví, điện thoại, dây chuyền... còn hứng thú đâu mà ngắm “Em Pleiku má đỏ môi hồng”.

           Có một thực tế là, bây giờ phố đã ra tận... rừng, còn rừng thì lại chui tọt vào nhà. Phố ra tận rừng thì ai cũng thấy, những khu công nghiệp, những nông trường... chiếm hết rừng. Có anh bạn kỹ sư nông nghiệp ngồi tính với tôi, có mấy... công đoạn phá rừng, trong đấy, giao rừng cho các nông trường (để rồi giờ đa phần là giải thể) là một trong những công đoạn ấy. Còn rừng vào nhà thì, thú thật, tôi không thể hiểu cái thú chơi những bộ ghế hàng nửa tỉ đồng, choán hết phòng khách, chủ yếu giải quyết khâu oai chứ giá trị sử dụng rất ít, bởi nếu ngồi vào nó lọt thỏm như con mèo chui vào chuồng hổ, chưa kể còn chạm trổ cầu kỳ khiến gác tay thì tay sưng mà ngả lưng thì lưng nhức. Chưa hết, bộ ghế ấy còn có đến chục món đi kèm. Tôi nghe thiên hạ khoe bộ ghế mấy món mà chả hiểu các món ấy gồm có những gì. Và xung quanh cái phòng khách ấy, còn muôn vàn tượng gỗ lớn nhỏ chen chúc, con người phải khúm núm lách qua chúng như nô tài, thảo dân trước oai linh vật chất.

           Nhớ một lần, cách đây cỡ 2 chục năm, tôi “trót dại” làm và... lừa in được bài thơ ở báo tỉnh, bài “Gửi những cây thông thời quá khứ” cảm xúc việc người ta chặt hết thông cổ thụ trên phố để... xây dựng đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Tất nhiên là bị mấy bác lãnh đạo thời ấy ghét cay ghét đắng, đến nỗi một bác gọi lên phòng bác ấy hỏi: Cậu học lớp mấy?

           Cũng như thế, bây giờ, không gian làng, không gian văn hóa Tây Nguyên đang bị thu hẹp. Có tí đất nào thì nó thành... cục vàng cục kim cương. Làng thu lu như lô cốt. Mà làng Tây Nguyên luôn gắn với rừng, tạo nên mối quan hệ tương hỗ làng rừng rất minh bạch và khắng khít. Giờ đến dã quỳ cũng hiếm nữa. Đến lúc người ta phát hiện ra rằng, dã quỳ có thể kiếm tiền thì nó đã dạt hết đâu đấy rồi, giờ lại nhen nhúm nâng niu trở lại. Những mét cỏ hồng cuối cùng, những gốc thông cuối cùng của khu rừng thông Mang Yang chẳng hạn, đang chuẩn bị cuộc tuẫn tiết cưỡng bức vĩ đại để nhường cho sân Golf.

           Và ngay cái chủ trương rất lớn là Nông thôn mới đang triển khai rầm rộ nếu không khéo sẽ biến làng Tây Nguyên thành những khu phố thật, những khu phố ngượng nghịu và vô hồn với những chỉ tiêu lạnh lùng, những hình mẫu coppy y như nhau, trong khi làng Việt nói chung, làng Tây Nguyên nói riêng, nó có những bí ẩn của riêng nó, có đời sống tâm hồn, ký ức của nó, có phập phồng thức mở của nó, để người đi xa có thật xa cũng thao thiết tìm về.

           Tết ấy, hàng triệu người Việt rùng rùng rời đô thị về làng. Năm nào cũng thế, những cuộc di chuyển vĩ đại để về nhà, về làng. Người ta về với tâm hồn, với ký ức, với thương yêu. Đến một ngày, làng như phố, ở đâu cũng được. Tết không còn những cuộc hành xác di chuyển như lâu nay, nhà quản lý có khi mừng, nhưng như thế có còn dư vị tết...





                                                                        
          

Không có nhận xét nào: