Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

MẢNH ĐẤT BÊN KIA ĐÈO



           Hồi trong năm, chị Nguyễn Thanh Lịch, bí thư thị xã An Khê (Gia Lai) có nhắn mời tôi về dự lễ giỗ vua Quang Trung, tiếc là ngày ấy tôi lại đang ở xa nên không về được, có nhắn lại Lịch, cám ơn em rất nhiều, việc làm của các em rất hay, anh mà ở nhà, chả cần mời anh cũng xuống. Lịch nhắn lại, các cụ bô lão tổ chức anh ạ, tụi em chỉ... hùn vào, các cụ làm lấy hết, mỗi người, mỗi nhà một chân một tay, chính hiệu cỗ quê chứ không đặt nhà hàng mang vào như thường thấy. Tất cả khách sẽ đều được mời ăn giỗ như về quê ăn giỗ. Không sinh ở đây, không mất ở đây nhưng dân ở đây coi đức vua như hiền tổ của mình...

           Tôi quý Nguyễn Thanh Lịch trước hết ở chi tiết chị rất tôn trọng tiền nhân. Là bác sĩ, uỵch phát sang làm bí thư huyện, chị như một cô dâu đảm trong một gia đình đông con và cả phần chặt chẽ nữa. Đối nhân xử thế đâu ra đấy, hiểu biết rất sâu, rất cụ thể, cả những việc tưởng như xa lạ với chuyên môn của mình.

           Là nếu có điều kiện ngồi nói chuyện với chị về An Khê, về Tây Sơn Thượng đạo sẽ rõ điều ấy.

           An khê là mảnh đất rất lạ, nó như là cái chiếu nghỉ trong kỹ thuật xây dựng hiện đại trên con đường thiên lý nối biển với rừng, nối Quy Nhơn với Gia Lai, với Tây Nguyên. Nó chứa trong mình sự tiếp biến lịch sử và tiếp biến văn hóa, nó là chứng nhân và cũng là nguyên nhân của những giao thoa, những hòa quyện, những nảy nở, những sinh sôi, những bắt đầu và mở ra. Nó là chốt chặt nhưng cũng là cửa thông, là cái duyên để Kinh Bahnar bất tử. Và không chỉ thế, nó cũng là con đường nối Cham Pa Chà Bàn với sang tận Campuchia...

           Và không phải ngẫu nhiên, ông “vua trầu” Nguyễn Nhạc đã chọn nơi đây làm chốn luyện binh dấy nghĩa, để rồi trong lịch sử nổi danh với một địa danh “Tây Sơn thượng đạo” và lừng danh với khởi nghĩa Tây Sơn, với Nguyễn Huệ Quang Trung, với Ngọc Hồi Đống Đa...

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đánh dấu sự xuất hiện của người Kinh ở vùng đất của người Bahnar. Những người Kinh từ vùng hạ đạo lầm lũi xuyên rừng, xuyên đèo, lên An Khê, lập căn cứ, mà giờ các nhà lịch sử gọi là Tây Sơn thượng đạo, tương ứng với nơi phát tích nhà Tây Sơn, hay chính xác là nơi xuất hiện gia đình 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, gọi là Tây Sơn hạ đạo, ở huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.

Như nhiều nhà chính trị thông tuệ và “dân vận” rất giỏi khác, ông Nguyễn Nhạc đã lấy một bà vợ người Bahnar làm nàng hầu (vợ bé) tên là Đố. Yă là bà chứ không phải danh từ riêng, lâu nay người ta hay gọi bà Yă Đố là sai. Đây là người đàn bà đã giúp anh em nhà Tây Sơn rất nhiều trong việc quy tụ hào kiệt trong vùng, tích trữ lương thực thực phẩm, và nghe nói cả luyện voi. Nghe nói bởi chỉ là truyền thuyết chứ vẫn không có nguồn chính thức, và bản thân người viết bài này, đến giờ vẫn chỉ biết rằng, người Tây Nguyên không dành cho phụ nữ việc luyện voi.

Chưa ai khẳng định, nhưng tôi đồ chừng rằng, cuộc hòa huyết Kinh Thượng đầu tiên ở vùng này là giữa Nguyễn Nhạc và Yă Đố, nó là khởi đầu cho tình đoàn kết Kinh Thượng sau này để xuyên qua 2 cuộc chiến tranh, An Khê là cái cửa ngõ hết sức quan trọng, kết nối 2 vùng quan trọng, tạo thành một hành lang bền vững thông suốt bảo đảm cho cuộc kháng chiến, làm nên những chiến thắng GM100 Đăk Pơ, Suối Vối, và cả một Kông Hoa với anh hùng Núp lừng danh. Giờ cánh đồng cô Hầu vẫn mướt xanh như mối tình thuở nào. Nó đẹp, bởi ngoài tình yêu trai gái, còn là sự kết hợp gắn kết vùng miền tạo nên keo sơn của cuộc khởi nghĩa. Không có tình yêu lớn này, chưa chắc cuộc khởi nghĩa đã hanh thông như nó đã xảy ra...

Lâu nay chúng ta hay gọi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng giờ đây người ta đã ít gọi thế, bởi thực ra, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ không phải nông dân. Ông Nguyễn Nhạc từng được gọi là ông Hai Trầu là nhờ việc ông buôn trầu, ngoài ra ông được giao việc giữ thuế cho chính quyền, ông Nguyễn Huệ được đi học rất bài bản, để, như có nhà nghiên cứu nói: Văn bản của ông soạn thảo ra còn hơn khối tiến sĩ bây giờ. Nguyễn Lữ thì là tăng lữ, cũng là giới có học. Ngoài ra anh em họ rất giàu, biết làm “kinh tế hàng hóa” từ thời ấy bằng cách đi buôn trầu, nên rõ ràng là không phải vì nghèo khổ mà họ khởi nghĩa như lâu nay chúng ta quan niệm.

Hồi xuống An Khê tôi chú ý đến ba cái am thờ nhỏ trong khu di tích Tây Sơn thượng đạo. Thì ra từ hồi nhà Tây Sơn bị lật đổ, bị truy sát để tru di, bà con Bahnar vùng này đã bí mật lập mấy cái am thờ này. Nó gồm 3 cái am, một cái am đôi thờ Nguyễn Nhạc và Yă Đố, 2 am còn lại thờ Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Để che mắt, mấy cái am bằng gỗ được làm rất đơn sơ và hoàn toàn ẩn  danh. Nên nhớ, bà con Bahnar không thờ cúng như người Kinh, nhưng họ đã lập am để thờ ba ông như phong tục người Kinh, và cũng nên nhớ, hồi ấy thông tin rất chậm và khó khăn, hết sức khó khăn, thậm chí là bất khả, nhất là giữa Kinh và Thượng, mà các ông lại mất ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, thế mà bà con vẫn biết và lập am thờ, chứng tỏ họ yêu quý và hiểu các ông đến như thế nào.

Đang có nhiều dự định lớn cho Tây Sơn Thượng đạo. Ngoài việc tiếp tục tu bổ bảo tồn khu di tích này, thì việc các nhà khảo cổ thế giới vừa có một phát hiện chấn động là gần một triệu năm trước, tại vùng đất An Khê này đã có người tối cổ sinh sống, là điểm đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện loài người, đã mở ra rất nhiều điều mới mẻ cho An Khê. Những phát hiện khảo cổ ở di chỉ Rộc Tưng do các nhà khoa học Nga phát hiện đã chứng minh rằng An Khê là vùng địa linh. Nó khiến cho bản đồ xuất hiện loài người trên thế giới đang phải vẽ lại. Nó cũng chứng minh, cái vùng đất giữa 2 con đèo này là đất thiêng, và cũng không phải ngẫu nhiên anh em nhà Tây Sơn chọn nó để làm nơi dấy nghĩa. Con mắt xanh của những con người lỗi lạc, phi thường mới thấy điều ấy, còn chúng ta hôm nay, chỉ biết nhìn lại để mà thán phục...

(Báo Bình Định tết Kỷ Hợi)




                                                                          

Không có nhận xét nào: