Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

PHI LÝ RỒI... CÓ LÝ



           Vụ 2 ca sĩ hạng sao của Việt Nam ký tên vào bức tranh bán để gây quỹ giúp 2 nghệ sĩ bị bệnh đang nhận rất nhiều phản ứng của công chúng. Nói chung đây là hành vi không thể chấp nhận được dù có biện minh thế nào đi nữa. Tôi có nhiều bạn là họa sĩ, từng chứng kiến có người, có lúc loay hoay cả buổi, chỉ để làm mỗi việc là tìm chỗ đặt chữ ký tí hin của mình vào chính tác phẩm của mình mới hoàn thành. Chữ ký nó tham gia vào bức tranh không chỉ là... chữ ký xác nhận bản quyền, mà nó chính là một thành tố của bức tranh, trở thành một phần bố cục và cả màu sắc của tác phẩm ấy, nó hòa quyện để, có muốn xóa chữ ký đi cũng không được nữa.

           Nó chứng tỏ một điều là, có một lỗ hổng văn hóa ngay trong giới làm văn hóa, giới được coi là tinh hoa của xã hội, những người có thể dẫn dắt gu thẩm mỹ, phong cách, lối sống... của những nhóm lớn trong xã hội.

           Từ đấy nhìn rộng ra, có những lỗ hổng văn hóa lớn trong chính những người làm văn hóa nước ta.

Các bác làm phim bằng vốn nhà nước tốn chục, vài chục tỉ một phim nhưng không bán được vé nào hoặc rất ít vé thì lên báo phàn nàn là tại vì kinh phí dành cho quảng cáo ít quá nên dân không biết mà đi xem. Báo chí thi thoảng lại đưa tin này, nào là ý kiến khán giả, ý kiến đạo diễn, ý kiến nhà quản lý vân vân... Ơ hay, thế thì cái việc báo chí thảo luận ấy đích thị là đang quảng cáo cho phim chứ còn gì nữa ạ, mà lại là quảng cáo không mất tiền. Thế mà dân vẫn không đi xem, chết chết, có khi phải thay... dân thôi. Thấy có bác gì làm quản lý bảo chúng tôi chiếu cho bộ đội xem rồi, như thế là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Thấy tội nghiệp bộ đội. Bởi quân lệnh như sơn, họ bị buộc xếp hàng điểm danh rồi đi theo đội ngũ ra bãi hoặc vào hội trường, ngồi đúng vị trí, tăm tắp và răm rắp hướng lên màn ảnh xem... đố anh nào dám "phú lỉnh". Vậy có được gọi là giải trí không nhỉ?

Tôi cũng đã có vài lần "phải" đọc thơ kiểu như thế. Ban tổ chức phối hợp với một đơn vị bộ đội, thay vì tối ấy họ sinh hoạt đoàn thể thì được điều đi nghe thơ. Cả khối xếp đội hình thẳng tắp nghiêm túc vào hội trường, có hô nghiêm nghỉ, có báo cáo quân số, sau đấy thì... vỗ tay rất đều. Nghe xong thơ lại theo hiệu lệnh: Đứng lên, đằng sau quay, bước đều bước... về doanh trại. Nói thật là, thấy đơ cả người... Đấy là cảnh thường thấy từ khi có “ngày thơ Việt Nam”, tỉnh nào cũng tổ chức, mỗi tỉnh “sáng tạo” ra một cách đến với công chúng.

Hay các triển lãm cũng thế. Trừ các triển lãm lớn, hoặc do tác giả tự tổ chức, còn lại các cuộc triển lãm bằng kinh phí nhà nước, đa phần là, khai mạc xong thì cũng... xong. Các cuộc triển lãm này có thể là triển lãm chuyên đề, mục đích cổ động, tuyên truyền, hoặc là triển lãm nghệ thuật, do các hội trung ương tổ chức hẳn hoi. Hơn chục năm nay hội Mỹ Thuật Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam thường tổ chức các triển lãm khu vực hàng năm, luân phiên ở các tỉnh. Nói thật, không tổ chức thì bảo đến bao giờ các địa phương ngoài Hà Nội mới được thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật đỉnh cao, còn tổ chức thì, trống giong cờ mở để khai mạc, gửi công văn đề nghị các trường hoặc các đơn vị bộ đội phối hợp... điều người đến dự, khai mạc xong thì lại vắng như chùa bà đanh. Cũng như thế là các cuộc triển lãm cấp tỉnh, năm nào cũng có, kinh phí nhà nước cấp, cố loay hoay cho xong khai mạc là... thành công rồi...

Có một thời chúng ta có môn học thực hành trong giáo dục. Học sinh được học đan rổ rá thúng mủng, thêu khăn, làm quạt, may quần áo búp bê... mà đa phần là... bố mẹ làm để cô chấm điểm. Giờ hình như đã bỏ món “thuần chủng độc đáo Việt Nam” ấy rồi, môn âm nhạc và hội họa đã được đưa vào dạy trong trường phổ thông từ tiểu học, thế nhưng không hiểu tại sao công chúng lại vẫn thờ ơ với nghệ thuật, và không chỉ thờ ơ, còn ứng xử với nghệ thuật kiểu... không phải tranh của mình nhưng ký tên mình rất to lên mặt tranh, xong rồi còn hãnh diện... vỗ tay.

Và chính những người làm nghệ thuật cũng rất bàng quan với tác phẩm của mình. Thì cứ trông những tác phẩm được làm chỉ để... cúng cụ, để dự liên hoan thì biết. Các đoàn nghệ thuật các tỉnh, cứ đến mùa hội diễn lại làm tờ trình xin kinh phí để dựng tác phẩm đi thi, và mời đạo diễn, mời tác giả “trung ương” về dàn dựng, xong nếu có huy chương vàng thì về tổ chức họp báo công báo cáo nhận thưởng của tỉnh lần nữa. Và dẫu có huy chương hoặc không thì tác phẩm ấy sau đấy cũng... cất, chả bao giờ mang ra diễn cho công chúng xem.

Chịu, không cắt nghĩa được, nhưng quả là, đấy là những việc đang diễn ra trong đời sống văn hóa nước ta. Phi lý nhưng quen rồi nó thành... có lý, thành... cái nước mình nó thế...


                                                               

Không có nhận xét nào: