Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

BÁNH MÌ VÀ... ỚT



            Thuở ăn gạo phiếu, hôm nào mà mẹ có gì đấy vui, hoặc đến kỳ tăng lương, hoặc ba về đột xuất, bà cao giọng gọi: Hùng đâu, cầm tem đi đổi bánh mì về ăn cải thiện con.

           Thế tức là có tiệc.

           Đến giờ, qua khá nhiều cao lương mỹ vị, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác cầm trên tay ổ bánh mì thời ấy. Vỏ giòn tan, ruột trắng tinh, và đặc chứ không xốp như bây giờ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi cái bánh mì sẽ bị cắt ô 2,25 gam phiếu gạo. Đơn giản nhất là ăn với đường. Đường cát mẹ giấu kỹ trong cái gạc măng giê, giờ mang ra, trịnh trọng cho ra đĩa, rồi chấm ăn. Ông em tôi thì thích được mẹ rạch ổ mì rồi cho đường vào. Nó sẽ cầm ra sân khu nhà tập thể, vừa ăn vừa nhem thèm lũ trẻ con hàng xóm. Hoành hơn chút nữa, mẹ tráng mấy quả trứng, mỏng dẹt ra, kẹp vào bánh mì. Thì chủ nghĩa xã hội cũng chỉ đến thế là cùng chứ gì, thời ấy tôi nghĩ thế vì thấy mẹ luôn mồm động viên cố gắng chịu khổ đợi đến thành công chủ nghĩa xã hội sẽ sung sướng.

       

   
Về Huế, bà chị tôi có đứa cháu gái bán bánh mì ở bến xe Nam Giao. Hồi ấy cái bến xe Lam còn ở đấy. Sáng sớm đang ngủ thấy nó dậy chưng nước rưới bánh mà bụng dạ thổn thức, không ngủ tiếp được. Bánh mì Huế thời nghèo, có khi chỉ rưới chút nước chưng với rau thơm. Thế mà thổn thức lắm.

           Mấy cái quán “bà bóp” trước cổng trường đại học ở 27 Nguyễn Huệ Huế, cơ khổ, các bà các chị nhiều người rất tốt, rất hiền, nhưng rồi đều bị gọi chung cái tên như thế bởi lũ sinh viên luôn tìm mọi cách để “ký” được, còn các bà các chị thì yêu cầu thanh toán hàng tháng, nhận “viện trợ” từ nhà thì thanh toán rồi mới ký tiếp, trong khi nhiều anh láu cá, có tiền thì đi mua hàng khác, còn ký thì cứ... để đấy, thành nợ khó đòi. Và  vì thế mà quan hệ căng thẳng, và các bà các chị bị gọi là... bà bóp. Các quán bà bóp này thường bán 2 thứ là bánh mì và bánh bột lọc. Có chị kia có sáng kiến, là bánh mì nhân bánh bột lọc. Tức là anh được ăn cả 2 món bánh mì và bánh bột lọc, và cũng tất nhiên, sẽ tính tiền cả 2. Nhưng quả là, bánh mì nhân bánh bột lọc ngon thật, vì cái nước chấm bánh bột lọc rất ngon, có thể húp được cả chén (bát).

            Giờ, ăn phở phiếc, bún biếc mãi, thi thoảng tôi đổi món bằng bánh mỳ kẹp thịt.

Bánh mì thịt nghe nói là sản phẩm sáng tạo của riêng dân Việt ta. Và quả là nó ngon hơn các loại bánh mì truyền thống và nổi tiếng của các nước khác, như Ham Bơ Gơ hoặc Săng Guých (tôi viết tiếng Việt cho nhã), chẳng hạn. Bởi nó nóng, thậm chí giòn tan. Nhân thì đủ vị. Nói thật đi nước ngoài, “cứu cánh” của tôi vẫn là bánh mì, nhất là vào các khách sạn 5 sao, thấy món ăn cứ hoa hết mắt lên, toàn loại lạ hoắc, mình chưa ăn bao giờ, thôi thì cứ cái gì biết rồi mà xơi cho lành. Thế là bánh mì. Tất nhiên nó không giống bánh mì ổ của ta.

Một trong những thứ hấp dẫn trong nhân bánh mì Việt là... ớt. Không ớt xanh, cũng không chỉ thiên, chỉ thấy là ớt chín đỏ, xắt lát mỏng, xiên... người bán bánh mì xếp chừng 3, 4 lát ớt vào ruột bánh lẫn theo nhân. Nhân bánh mì thịt càng ngày càng phong phú, nó như cả một cửa hàng tổng hợp trong ấy. Một chút thịt luộc, một chút thịt quay, chút chả, chút pate, chút xúc xích, chút rau thơm, chút hành, chút dưa chuột, chút dưa đu đủ với cà rốt vân vân nữa, tạo thành một hỗn hợp hết sức bí mật và... bất ngờ.

Nhiều người đi mua cẩn thận yêu cầu: không ớt. Thì không. Có người mua về rồi thì banh bánh mì ra chọn ớt bỏ đi...

Còn đa phần là để thế ăn. 

Nó thú vị vô cùng.

Ấy là vừa ăn vừa nghe, vừa... đề phòng.

Đang nhai nhiếc bình thường thế, nhói phát. Ấy là miếng ớt. Nó không quá cay để phải nhè ra, nhưng cũng không bình thường như miếng dưa leo, miếng thịt... nhân bánh. Nó khiến ta nhói lên một cái, hơi ngậm miệng lại, rồi nhón nhén nhai tiếp. Yên tâm đã qua một miếng ớt. Hít hà phát, hơi lạnh (của ớt nóng) phả ra, hít hà phát nữa, cái nóng thành cái mát, cái cay thành cái ngọt. Thế là yên tâm cắn phát nữa...



Nhưng lại vừa cắn vừa dè chừng, bởi sợ ăn tiếp phát ớt thứ 2. Ở đây người bán đã rất tinh tế để rải đều mấy miếng ớt trong cái bánh, đủ để người ăn không ăn phải 2 miếng ớt liên tiếp. Tuy thế người ăn vẫn dè chừng, vẫn nhón nhén, vừa sợ vừa thích thú, như kiểu úp úp mở mở ấy... vừa hồi hộp vừa yên tâm, vừa đợi vừa không mong, vừa đắn đo vừa hồ hởi, vừa nhắm mắt vừa ti hí...

Ơ, ăn ổ mì chỉ có 15 ngàn mà đủ các cung bậc thống khoái như thế thì quả là tài tình chứ còn gì ạ...

Hình như tôi có đọc ở đâu đấy rằng, bánh mì kẹp thịt Việt Nam được biểu dương hay được đưa vào sách hướng dẫn du lịch trên thế giới ấy. Đúng là một kiểu sáng tạo Việt Nam, cũng như kiểu dân Việt Nam sáng tạo ra món cà phê phin ấy. Tôi cũng từng đi hỏi nhiều người rằng là cà phê pha phin xuất xứ từ đâu, hình như trên thế giới chưa thấy ai dùng cái phin như thế cả, kể cả ở Pháp là nơi mà từ đó cà phê vào Việt Nam. Có một kiểu pha gần giống phin nhưng thay vì phin là giấy rồi dội nước trực tiếp vào kia. Thì cũng như bánh mì kẹp thịt, du nhập vào, rồi thành đặc sản Việt Nam...

Bánh mì thịt, nó không xuất xứ Việt, nhưng giờ nó chính là đặc sản thuần Việt. Thú vị quá đi chứ ạ?
                                                               


1 nhận xét:

Người hoài cổ nói...

Tôi nghĩ anh nên tổng hợp các bài viết về thức ăn ,sau đó đăng thành sách.Cám ơn !