Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

CHUYỆN VUI RA SÁCH



           Năm 1992, tôi in được cuốn sách đầu tay sau gần hai chục năm lao động chữ. Thời ấy in được cuốn sách nó thiêng liêng và xúc động ghê gớm. Tôi nhớ, đã ngồi suốt mấy đêm để ngắm, vuốt, hôn, mân mê... đứa con đầu tiên của mình, ước mơ tưởng không bao giờ thực hiện được của mình, tập thơ Bến Đợi, vẻn vẹn 48 trang với 20 bài thơ.

           Đến giờ, đã có hơn 10 đầu sách, thì cái cảm giác thiêng liêng của lần ra sách đầu tiên ấy vẫn đậm đặc trong tôi, vẫn ám ảnh dẫu các lần sau này cũng rất hạnh phúc.

           Làm văn chương, ai chả hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của mình ra đời.

           Trước thời chúng tôi nữa, thì ra sách là một dấu ấn để chứng minh anh trở thành... nhà văn, là nhà văn chuyên nghiệp ấy. Hồi ấy, có bản thảo, nộp cho Nhà xuất bản. Nơi này sẽ thẩm định để xuất bản, tác giả chả cần gì hết, chỉ cần có... bản thảo, và tí ti quan trng nữa, là bản thảo phải... hay, và vì thế, khi Nhà xuất bản in thì tức là anh đã được đánh dấu chất lượng.

           Đến thời tôi thì bắt đầu một giai đoạn mới, nó đang nửa này nửa kia, có nhà xuất bản in bao cấp cho tác giả nếu thấy... bán được, vì nhà xuất bản bắt đầu xóa bao cấp, và tác giả tự in dù giấy phép vẫn phải do nhà xuất bản cấp.

           Hồi này truyện chữ to, trinh thám, tình yêu ngọt ngào kiểu Hàn Quốc bây giờ là ăn nhất. Sách in chữ to, có hình minh họa tóc dài mắt chớp..., là nói văn xuôi, còn thơ thì... thân ai nấy lo.

           Bản thân tôi và những bạn viết đồng thời ở Gia Lai thời ấy như Hương Đình, Phạm Đức Long thì tự đề ra một quy trình in thơ rất nghiêm ngặt: Thơ lẻ đã đăng báo, mà phải báo ln, chuyên ngành, như báo Văn Nghệ, Văn Nghệ quân đội, rồi từ 10 bài đã in đấy, chọn lại để lấy khoảng 3, 4 bài tập hợp in sách. Để có tập thơ chừng bốn năm chục bài là phải có mấy trăm bài đã công bố là vì thế, và thời gian ra một tập thơ kéo dài nhiều năm là vì thế.

           Nhớ hồi bao cấp đói khổ ấy, có một bác, nhà cũng nghèo thôi, nhưng máu quá, cứ quyết in thơ rồi ôm cả đống thơ biếu mãi không hết, anh em gọi đùa là biếu không chạy ấy, ông Chử Anh Đào viết một cái truyện ngắn vui về một ông lừa vợ bán heo in thơ, nói in xong bán được sẽ trả lại. Vợ hân hoan đưa tiền mới bán lứa lợn. Ổng in xong, rửa thơ hết ngày này qua ngày khác, lúc nào cũng say bét nhè, tiền đâu chả thấy, chỉ thấy chồng suốt ngày rên rẩm với thơ, khùng lên, trong một cuộc anh em tụ bạ ở nhà “rửa thơ” chị xắn quần đuổi cả bọn chạy có cờ. Cái truyện ấy đến tai ông in thơ nọ, ổng thù Chử Anh Đào suốt mấy năm.

           Đến giờ, số tác giả văn chương ở Gia Lai in thơ nói riêng, sách văn học nói chung, với tư cách tác giả, phải tính đến vài chục. Chất lượng không đồng đều, tên tuổi cũng nặng nhẹ khác nhau, nhưng đều có mấy điểm chung là, một là phát hành rất căng. Ở các trung tâm, các thành phố lớn, đầu ra cho các tác phẩm Văn học Nghệ thuật còn  khả dĩ, chứ ở các tỉnh nhỏ, đây là điều rất khó, rất... “ban căng”, hai là giá thành in khá đắt, dù có đến mấy cơ sở có thể in sách như công ty in, nhà in quân đoàn 3, in tư nhân Trường Xuân...

           Thường thì quy trình xuất bản như sau: Vì là người đi trước và quen nhiều nên tôi hay được nhờ liên hệ với nhà xuất bản để xin giấy phép. Giờ các nhà xuất bản cũng lo kinh tế, nên hoạt động chủ yếu là... bán giấy phép. Sau khi đọc thẩm định, chủ yếu là nột dung không phạm điều cấm, bèn cấp giấy phép sau khi tác giả nộp từ 1 triệu đến 2 triệu tiền lệ phí. Sau đấy thì thuê họa sĩ trình bày, từ bìa đến ruột. Việc này cũng mất một khoản nếu không quen, và đa phần các tác giả không rành việc này. Tôi hay nhờ họa sĩ của Tạp chí giúp các tác giả mới, sau đấy thì ký hợp đồng với nhà in, rồi ra sách.

           Tiếp theo là, tác giả tổ chức một cuộc ra mắt sách. Cuộc này tùy quan hệ mà tác giả có thể... tặng hoặc bán sách.

           Ở các tỉnh, hoặc thành phố lớn, người ta tổ chức ra sách hoành tráng lắm. Nhớ hồi Miên Di ra tập “thơ Miên Di” anh ra hẳn Hà Nội làm một cuộc hết sức hoành tráng. Sài Gòn giờ có cái đường sách, cũng là nơi anh chị em nhà văn hay lấy đấy làm nơi tổ chức. Thực thì cuộc ấy, đa phần là... đồng nghiệp với nhau, người mua sách khá ít. Nhưng ấm cúng. Bạn bè đồng nghiệp với nhau, chả làm gì được cho nhau, gặp nhau ngày mừng ra sách, động viên nhau, tặng nhau bó hoa, vòng ôm, cái bắt tay... rồi lại về tiếp tục hành trình tái tạo mới.

           Gia Lai thì chưa có những địa điểm thú vị như thế, nhưng lại có rất nhiều quán cà phê để có thể tổ chức, có quán có thể chứa cả trăm người.

           Cuộc ra sách mới nhất ở Gia Lai của nhà thơ trẻ Đào An Duyên. Đây là một tác giả mới, hội viên hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, viết rất hay, chững chạc, chắc tay. Đã có nhiều bài thơ lẻ in trên các tờ báo văn nghệ lớn, nên cái sự ra sách là đương nhiên. Và đây là tập thứ 2 của chị, không kể một cuốn in chung.

           Chị nhắn qua facebook, rồi đặt một phòng riêng ở quán cà phê. Cũng chỉ là một phòng bình thường chứ chả băng rôn biểu ngữ phông màn gì. Khách đến uống cà phê, nói và nghe nói về thơ rồi... tác giả ký tặng thơ. Đa phần mọi người biếu lại nhà thơ... phong bì. Cuốn sách giá bìa dưới một trăm, đa phần đưa 100 khỏi thối, có người đưa 2 trăm, cá biệt có người đưa 500. Được biết, ở cả 2 tập tự in vừa rồi, Đào An Duyên đều có... lãi. Là so với số tiền bỏ ra in thôi, chứ nếu tính nhuận bút sách thì đa phần tác giả tự in sách đều... không dám mơ. Không lõm tiền nhà để in sách là may rồi.

           Sắp tới sẽ là Chử Anh Đào với “Những làng ma tôi đã đi qua” đã in xong, Ngô Thanh Vân nghe nói có 2 tập vừa... vào xưởng. Chắc chị ra sách để “chào” danh hiệu chị mới nhận: Hội viên hội Nhà Văn Việt Nam.

           Việc tự in sách và tự phát hành cũng có điều hay, nhất là bây giờ có công nghệ 4.0 hỗ trợ. Ví dụ rao trên facebook, ai quan hệ rộng, khéo, bán được nhiều sách phết. Nhưng điều nguy hại là, rất dễ khiến một vài tác giả ngộ nhận, thấy in sách được là đương nhiên mình là thành tác giả rồi. Mà mới chỉ sáng tác ít bài, chủ yếu đăng... facebook, rồi cũng nhom nhóp tiền, cũng hì hụi in, cũng này nọ... Điều này rất dễ khiến tác giả chết yểu và người đọc cũng bị ngộ nhận, bị lệch chuẩn, cứ thấy thơ in đẹp, chữ rõ giấy tốt, có nhà xuất bản uy tín đứng tên, là đọc, và mới tá hỏa lên vì không biết đâu mà lần.

           Như tôi, mỗi lần in sách, thứ nhất là chọn những bài đã in báo rồi, tự lọc lại lần nữa, rồi nhờ ít nhất là 5 người, là đồng nghiệp, nhà phê bình, người đọc khó tính, bạn thân... đọc hộ, nói họ đọc kỹ giúp, phang cật lực vào, bài nào không thích, gạch đỏ giúp. Rồi mới lọc lại tiếp, rồi mới in.

           Thế mà nhiều khi, sách vẫn ế...


                 
Mấy câu thơ trên là khi sang nhà in in bìa, công nhân in thấy trống bèn bảo bác viết gì vào đấy cho vui, thế là kê lên đùi viết trực tiếp tại nhà in, phơi kẽm in luôn. Hồi ấy in sách offsett là oách hơn xà lách.
                                                                   

Không có nhận xét nào: