Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

CHUYỆN ÔNG WỪU



           Pleiku có một con đường khiến nhiều người lạ, đến đây lần đầu, phải đọc đến... trẹo mồm: Wừu. Ngay trong bản word tiếng Việt, muốn gõ chữ này phải dùng đến 3 thao tác, chữ W riêng, xong cách chữ, rồi đến ừu, sau đấy ghép lại mới thành Wừu.

           Nhớ có lần, nhà báo nhà văn Trần Chiến từ Hà Nội vào ở một khách sạn trên con đường này, khi gặp tôi, việc đầu tiên là ông yêu cầu tôi bày cho ông cách nhanh nhất để đọc đúng tên này và có thể gõ nhanh nhất trên máy tính.

           Hồi mới lên Pleiku nhận công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum, tôi có được giao tham gia vào cùng nhóm họa sĩ thực hiện xuất bản cuốn truyện tranh mang tên Bok Wừu. Thực ra tôi chỉ phải đọc lần cuối cùng bản word trước khi in cho văn vẻ nó đừng sượng quá, chứ toàn bộ công việc về cơ bản đã xong. Và sau đấy cuốn sách được xuất bản, hoành tráng, tới mười mấy ngàn bản thì phải. Hồi ấy mà in truyện tranh là thuộc diện “không phải dạng vừa đâu” vì rất tốn kém, phải chi rất bạo mới dám in. Nhưng Ty văn hóa quyết in, vì đây là một nhân vật hết sức độc đáo, hết sức đáng được tôn vinh, nhưng so với những nhân vật cùng thời, thậm chí thời sau, như Núp, Kpa Klơng, Kpă Ó vân vân thì có vẻ ông ít được biết hơn, dù con đường mang tên ông có trước tên đường anh hùng Núp.

           Ông Wừu tham gia cách mạng từ năm 1939, bị địch bắt đến 3 lần, và ở lần thứ 3 thì ông bị giết một cách hết sức thương tâm, bị chặt hết các ngón tay, móc mắt trước khi giết. Và ở lần này thì ông đã dẫn cả đội quân của đối phương vào nơi đội du kích của ông đã cắm chông, khiến mấy lính đối phương bị sát thương, và ông đã hy sinh anh dũng tại con suối quê hương ông ở Đăk Đoa.

           Tôi cứ ước, ở các bảng tên đường, nhất là tên danh nhân, có mấy dòng giới thiệu về họ, để chả cứ người lạ, mà ngay những người hàng ngày qua đấy, biết con đường mình đang đi, mang tên danh nhân ấy, là ai. Bởi quả thật, tôi tin, khá nhiều người đang sống trên con đường  Wừu ấy cũng không biết ông này là ai, làm gì mà được đặt tên.

           Cuốn sách về ông cũng đã lâu rồi, giờ tìm lại là cả một cuộc “mò kim đáy bể”. Có năm nào đấy, cũng lâu rồi, nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân có ý định làm một bức tượng về ông. Nhỏ thôi, không lừng lững hoành tráng gì, không bao la bát ngát gì, một bức tượng như một số nơi ở nước ngoài hay làm, nhỏ bé thân thiện, lẫn vào đời sống, vào sinh hoạt thường nhật, gần gũi thân thương và hài hòa với môi trường, để ông lẫn vào cuộc đời như ông đã từng, để không ai quên ông, dù ông không cần, để ý nghĩa của câu “uống nước nhớ nguồn” nó được bộc lộ đúng nghĩa nhất, chân phương nhất, thiết thực nhất.

           Sự yêu kính các anh hùng là có thật, sự tò mò muốn tìm hiểu thân thế sự nghiệp của các anh hùng là có thật, việc rất nhiều người muốn biết tường tận về các ông cũng hết sức chính đáng, và việc học sinh không học môn sử, điểm thi môn này thấp đến mức phải báo động cũng... đang diễn ra. Đời viết của mình, tôi cũng từng viết về các anh hùng cả Gia Lai và Kon Tum như các ông Núp, A Sanh, Bùi Ngọc Đủ, Mết vân vân, nhưng chưa bao giờ dựng chân dung ông  Wừu trừ cái lần tham gia tí tẹo làm cuốn truyện tranh về ông kia. Có lẽ là lỗi tại tôi, nhưng có lẽ cũng còn một điều gì đấy nữa, khiến cho việc tìm hiểu về ông không rốt ráo như các nhân vật khác, rồi sự lay động của nhân vật cũng chưa tới, dù, nói thật, về cả chiến công và sự anh dũng, sự hy sinh, ông  Wừu bi tráng hơn nhiều, oanh liệt hơn nhiều, đáng để ngợi ca hơn nhiều, bởi ông đã sống một cuộc đời hết sức đẹp, và sự hy sinh của ông cũng hết sức oai hùng, dù nó hết sức đau đớn và tàn nhẫn, bi thương...

           Cũng được biết ở thị trấn Đăk Đoa quê hương ông cũng có một con đường mang tên  Wừu. Còn con đường  Wừu ở Pleiku càng ngày càng náo nhiệt. Tôi thấy khá đông khách du lịch khi đến Gia Lai đều muốn tìm đến 2 con đường để chụp ảnh, là đường anh hùng Núp và đường  Wừu. Trên mạng, search trên goolge, thấy rất nhiều bạn trẻ hỏi nhau  Wừu là ai, và họ giải thích cho nhau, đọc rất cảm động, dù thế phải thấy ngay, nhiều sự giải thích trên ấy chưa chính xác.

           Không ai tử tế mà bị lãng quên và không điều gì đẹp đẽ có thể bị lãng quên, huống gì đây lại là một người anh hùng, anh hùng thật sự chứ không như một vài anh hùng khác vừa bị tước danh hiệu. Đã có một con đường  Wừu, đã có sách lịch sử chính thống, đã có các danh hiệu, đã có nhiều người biết... nhưng có vẻ như, ông vẫn bị chìm đi trong cuộc sống bề bộn hôm nay.

           Tôi cứ nghĩ, giá có thể làm thêm điều gì đấy về ông  Wừu, về người anh hùng của dân tộc Bahnar này, bởi nó không chỉ là lịch sử, là sự tri ân, là thái độ của người hôm nay đối với tiền nhân, mà nó còn là một cách để chứng minh rằng, lịch sử là một sự tiếp nối, và sự biết ơn là cách hành xử của những con người có văn hóa.

           Câu chuyện về ông, con đường mang tên ông, quê ông, con suối nơi ông bị hành hình... rất có thể và chắc chắn sẽ là nơi nhiều người muốn về, tìm hiểu. Thì đấy cũng chính là mục đích của du lịch, cách chúng ta vừa tôn vinh vừa lưu giữ, vừa bảo tồn vừa tiếp nối sự âm vang của lịch sử, của ký ức, của những điều đẹp đẽ vẫn lan tỏa trong cuộc sống hôm nay...
                                                                                   

2 nhận xét:

phuong nói...

Hay quá Bok Hùng ơi!

phuong nói...

Hay quá Bok Hùng ơi!