Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

SẢN VẬT GIA LAI...



           Mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi địa bàn cư trú đều có sản vật của riêng mình. Sản vật, hiểu theo cách đơn giản nhất, là thứ đặc sản mà chỉ vùng ấy có còn vùng khác không có, hoặc là nhiều nơi có nhưng chỉ ở đấy mới ngon, do thổ nhưỡng, khí hậu, địa lý... hoặc cả là nhờ con người. Tóm lại nó là món ngon, hơn người và khác người.

           Gia Lai ngoài người Jrai, Bahnar bản địa thì còn dân cư ở nhiều nơi khác đến sinh sống. Và mỗi cộng đồng dân cư lại có một món sản vật riêng để khoe, để thể hiện, để tự hào, để thỏa mãn hoài niệm ký ức hoặc là tôn vinh hiện tại.


           Thì cái món bún cua chợ Nhỏ ấy, nó chính là do người Bình Định đưa lên, xuất phát là món ăn của con nhà nghèo, rất nghèo, giờ cũng trở thành sản vật của Gia Lai dù nói thật, vẫn không phải nhiều người ăn được.

           Sản vật, nhiều khi là sự... quay lại. Những thứ dân dã thôn quê, món ăn con nhà nghèo một thời, giờ cũng thành sản vật.

           Cái củ khoai Lệ Cần là thế. Ngày xưa hết gạo thì phải độn thêm khoai hoặc ăn khoai trừ bữa. Và nó có mặt ở khắp nơi trên đất nước này. Thời sinh viên của tôi cũng gắn với... khoai, mà khoai vùng cát kia, cũng ngon kinh lắm. Đến mùa, mẹ mua khoai về luộc, rồi xắt ra phơi, làm khoai reo (hay deo giờ tôi cũng vẫn không phân biệt được) gửi lên ký túc xá cho tôi ăn dặm. Đến 2 anh em, anh học đại học Tổng hợp, em đại học Sư Phạm, anh em chúng tôi trưởng thành từ những miếng khoai deo ấy. Thế nhưng khi lên Gia Lai, tôi “vấp” ngay 2 câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai” thì khoai Lệ Cần đã đã chết tên là một sản vật Gia Lai. Ngoài sự ngon thật sự thì thi ca đã chắp cánh cho nó, dù nhiều người băn khoăn: Vậy thì câu thơ của nhà thơ lớn Xuân Diệu hay ở chỗ nào?

           Thuở chưa phát triển, chưa xoong nồi, chưa đồ sắt đồ đồng đồ nhôm inox như bây giờ thì người ta dùng... nứa thay nồi. Thế là có món cơm nướng ống nứa tuyệt vời, để giờ, giữa thời đại nồi cơm điện bếp từ, nó lại lên ngôi. Tôi không gọi cơm “Lam”, bởi Lam là động từ của người dân tộc phía bắc chỉ hành động nướng trên lửa, lam cá, lam cơm, lam rau... rồi từ cơm lam bắt nguồn từ đấy, du nhập vào Tây Nguyên, và người ta hồn nhiên gọi nó như một danh từ. Người Tây Nguyên có tên gọi riêng cho loại cơm nấu trong ống nứa (lồ ô/ vầu...) này, nhưng thôi, gọi chung là cơm ống nứa, chứ không phải lam đâu.

           Món nướng cũng thế. Chưa có xào nấu chế biến gia vị tinh tế như bây giờ, người ta nướng nguyên con, gà ư, bò ư, heo ư... rồi tiến lên chế biến đủ thứ, cầu kỳ tinh xảo... để giờ, nguyên con gà nướng bếp than lại lên ngôi. Khách phương xa đến Tây Nguyên là đòi đi ăn cơm ống gà nướng, nguyên chất, chỉ chấm muối thôi...

           Trời phú cho Gia Lai là nơi có nhiều sản vật tụ hội. Nguyên bản có, du nhập nơi khác vào có, đủ để con người có thể trải nghiệm và thưởng thức. Ai lại nghĩ ở ngay Phú Thiện, bốn phía là núi bao bọc, lại có thể có một đầm sen rộng đến hơn 10 héc ta, mới vào cứ tưởng như đang ở Đồng Tháp Mười. Nhưng Đồng Tháp Mười thì không có núi. Ở đây, sen chạy suốt tận chân... núi, chứ không phải chân trời như sen Đồng Tháp Mười. Điều thú vụ chính là chỗ ấy, “hơn người” chính là chỗ ấy.

           Như món phở khô. Thực sự nó cũng là một dạng biến tấu từ hủ tiếu, cái món tương đương phở phía Bắc, tràn ngập khắp phía Nam.

           Thì đang ăn nước, ăn mãi cũng... ngán, làm riêng ra, nước ra nước, phở ra phở, khi ăn thì trộn cho thật đều, rồi ăn, đũa gắp phở thì tay múc nước. Ban đầu là từ phở gà Ngọc Sơn, lừng danh từ trước 1975, sau đó phở Hồng phăng tê di thành phở bò, thay gà bằng bò, thay bằng cho thịt lẫn vào phở thì cho bò xắt mỏng vào tô nước dùng sùng sục nóng. Và giờ thành đặc sản. Tất nhiên không phải ngày một ngày hai nó có thể trở thành đặc sản ngay. Nó là một quá trình, thứ nhất là chủ món đặc sản liên tục “nâng cao tay nghề”, thứ hai là người dùng ủng hộ và chia sẻ. Dẫu vậy, đến giờ không phải ai cũng đã biết cách ăn phở khô, nên rất cần các chủ quán hướng dẫn, hoặc chính khách ăn bản địa bày cho người phương xa tới. Em ruột tôi ở Huế lên, vì có việc tôi phải nhờ một anh bạn cũng là nhà văn đưa đi ăn sáng. Anh bạn thật thà, cứ cắm cúi ăn, em tôi sau một hồi loay hoay bèn... đổ ụp bát nước, lúc này đã nguội, vào ăn và vừa ăn vừa... nhăn mặt. Mới nhất, một đoàn nhà báo nhà văn, giáo sư... lớp Ngữ văn K18 Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Pleiku offline, rút kinh nghiệm em tôi, tôi phải hướng dẫn từng người cách ăn, còn hỏi, nếu ai không thích ăn khô thì có thể kêu phở nước. Và họ phải làm từ đầu là phở nước, chứ bê ra rồi tự đổ nước vào thì nó là một thứ... cháo dây nhệch nhạc chứ không phải phở khô nữa?

           Bò một nắng bây giờ cũng từ món nai biến thể. Xưa, dân làng săn được con nai, ăn tươi không hết, bèn phơi qua nắng, mà phải là thứ nắng Krông Pa ấy, nắng giòn và tươi như... nắng ấy, rồi gác gác bếp, khi ăn mang ra nướng lại xé chấm kiến (vì hồi ấy muối quý hơn... kim cương). Giờ nai chuyển thành bò, mà bò Krông Pa cũng là giống bò cỏ cực ngon. Đơn giản thế mà giờ là đặc sản, có khắp nước rồi.

           Đặc sản là cứ phải nếm, phải thử, chữ chả thể nào tải hết được dù người viết có tài đến đâu. Mà nó lại còn phụ thuộc vào gu, vào ý thích riêng từng người nữa. Nhưng mà quả là, kể mà có thời gian, hoặc điều kiện, nếm thử hết những đặc sản của Gia Lai, cả thứ đang lẩn khuất trong đời sống lẫn những thứ đã khẳng định thương hiệu, đã được bảo chứng, có được “vua biết mặt chúa biết tên”, thú phết. Thì cứ là ước thế, khi nào đạt được tính sau...


                                                                          

Không có nhận xét nào: