Nhiều
đồng nghiệp khởi nghiệp từ làm báo rồi... tiến lên làm thơ, viết văn. Tôi thì
ngược lại, mần thơ từ thuở học sinh, tôn thờ thơ như tôn thờ... hoa hậu. Thời
trẻ tôi cứ nghĩ hoa hậu nói riêng, các cô gái đẹp nói chung, là một giống khác,
không phải người thường, mà phải tinh khiết văn vắt, không có các nhu cầu “phàm
phu” ăn ngủ bài tiết... như người thường, mà nó phải cao sang, hương tỏa ngan
ngát trong mọi hành vi...
Thơ
thời ấy sến sẩm, có cô đơn, yêu đương, thất tình, đau khổ... vân vân đủ kiểu,
lâu lâu in được bài thơ trên báo thì tiền... rửa thơ bằng mấy chục lần nhuận
bút.
Cả
nước đói, thì bọn làm thơ càng đói hơn.
Đẻ
hai đứa con giữa cái thời đói ấy, tôi vẫn kiên trì làm thơ và... nuôi lợn. Và
việc nuôi lợn cũng vào thơ “Có những giọt
nước cơm thừa được đổ vào xô/ Có chiếc xe tòng tọc cột xô nước ấy sau foocbaga/
Có một người chiều nào cũng đi chiếc xe đạp ấy/.../ Những giọt thơ tích tụ trên
đường được nhuộm màu nước gạo/ nghiêng nghiêng nụ cười- ơi vợ- nửa vầng trăng”.
Cuối bài còn ghi cẩn thận “Kỷ niệm ngày vợ
cân một tạ heo”.
Nhưng
rồi đến khi chúng đồng loạt vào đại học thì vấn đề đã khác. Lương 2 vợ chồng gộp
lại chuyển cho chúng xong thì còn lại vừa đủ... ăn xôi sáng. Thêm nữa những
chuyến đi dài xuống làng đã đủ để tích lũy kiến thức, xã hội lúc này cũng có
nhiều chuyện để nói. Và thế là... viết báo, ban đầu là viết dặm, để lấy nhuận
bút gửi vào sài Gòn cho con học đại học, rồi dần dần thành viết chính, song
hành, gần đây thì mãi chả làm được bài thơ nào, báo thì tuần nào cũng phải dăm
ba bài. Cũng gần đây, con cái đã trưởng thành, đi làm, có tiền biếu ngược lại rồi,
thì tôi tuyên bố: Chỉ chơi, không viết nữa. Nhưng té ra không dễ buông như thế,
vừa là không viết thì biết làm gì, vừa nữa, anh em bạn bè ở các báo gọi, thế là
lại viết, như một cái nợ, nhưng là nợ vui, dù nhiều lúc nửa đêm say bò vẫn
không dám ngủ vì vẫn còn nợ canh cánh.
Vợ
tôi dân ngành y, lấy phải ông chồng nhà thơ, không tin lắm là thơ có thể nuôi
mình chứ đừng nói nuôi con, nên cứ thấy chồng ngồi vặn vẹo trước bàn là... buồn,
mà hăng hái đi lấy nước gạo, tắm heo là rất vui. Đến lúc thấy tôi viết báo,
không giàu nhưng cũng có nhuận bút, tằn tiện có thể lo được tiền học cho con,
thì lại thích tôi viết báo hơn... làm thơ. Nhà chật, cái bàn viết di động của
tôi chình ình ngay giữa phòng khách, đi qua đi lại, thấy chữ tràn màn hình là vợ
tôi vui, thấy chữ toen hoẻn ở giữa và xuống dòng liên tục là lại... thở dài, biết
là chồng đang... mần thơ. Nhuận bút thơ và báo nước mình nó chênh lệch nhau ghê
lắm, điều ấy thì... vợ các ông nhà thơ biết rõ nhất.
Có
lần ở Gia Lai có vụ vỡ nợ lớn. Một tờ báo kêu tôi đi mần cái phóng sự điều tra.
Tìm gặp nhân chứng, đọc tài liệu, họp báo, phỏng vấn... xong thì bắt tay vào viết.
Thay vì viết “chữ tràn trên màn hình” thì thế quái nào nó lại cứ co rút lại rồi
run rẩy xuống hàng. Viết một hơi gần ba mươi dòng như thế thì mới tá hỏa, té ra
mình làm... thơ trời ạ?
dăm ba năm lại một lần vỡ nợ/ dăm ba năm lại một cú lừa/ dăm ba năm niềm tin ước vọng làm giàu lại tàn tro trước gió...
nơi tôi sống cũng lại vừa vỡ nợ/ gần ba trăm tỉ bay vèo trong nắng thu reo...”.
Nhưng lại cũng có lần ngồi nhớ...
sông Hương, con sông quê tôi, nơi tôi có những mơ mộng đầu đời. Định làm bài
thơ về nó, rồi sẽ lan man sang mấy con sông cũng liên quan đến tôi là sông Mã
Thanh Hóa nơi tôi sinh ra và sông Đáy Ninh Bình quê ngoại tôi, cứ muốn gom chữ
vào giữa màn hình, chữ nghĩa run rẩy lắm rồi, cảm xúc trào dâng lắm rồi, bao kỷ
niệm ùa về, những Na, Mận, Đào, Mơ, những áo gụ cổ tròn, những hoa xoan hoa
gạo, những bờ đê cỏ gà với cái hôn vấn vít đủ hết rồi, mà màn hình lại cứ toãi
ra. Nó lại ra cái bút ký trời ạ. Và sau, cái bút ký này lại được giải thưởng
trong cuộc thi của một tờ báo.
Chép miệng, tưởng mình “điều hành”
được chữ, té ra toàn để nó điều mình.
Nhiều khi phải dùng báo để... giải
cứu thơ. Ấy là hồi tôi có bài thơ “Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn”, bài
thơ được khá nhiều bạn thích và nhớ, có câu “những cây khộp già đăm chiêu trong
chiều vắng”. Mấy năm sau mới biết là, hoàn toàn không có loại cây nào là cây
khộp, mà chỉ có rừng khộp, là một loại rừng nghèo. Xấu hổ không để đâu cho hết,
thế là viết một bài báo dài, đẫy trang, về rừng khộp, về hệ sinh thái rừng, văn
hóa rừng, và tiện thể, điều tra luôn vụ phá 50 ngàn héc ta rừng để trồng cao su
với quan niệm, cao su cũng là... rừng.
Nhưng nghĩ cho cùng, hai tay hai súng
cũng có cái thú của nó, bởi chúng bổ sung cho nhau. Nhưng cũng hết sức cảnh
giác, phải luôn nhớ, thơ là thơ mà báo là báo. Viết báo mà như thơ và làm thơ
như viết báo là cách nhanh nhất tự hủy diệt mình.
Nhưng có phải lúc nào cũng nhớ được
thế đâu. Và nguyên việc cứ suốt ngày canh cánh nhớ cũng đã quá là cực rồi.
Mà có nghề gì không cực đâu nhỉ?
1 nhận xét:
báo cáo anh VCH, hôm nay Sở Vh của bọn em đã nhận kết luận thanh tra cái kè Biển Hồ rồi đấy anh ơi. Thế nhưng, GĐ Vũ giấu nhẹm ko cho bọn em xem anh ơi.
Đăng nhận xét