Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

NHỚ ĐÂU NHẶT ĐẤY...


          Hôm qua một ông em nhà báo nhắn: Ông post web ông vừa thôi, cho báo nó sống với, trang ông có người đọc hơn một vài tờ báo đấy. Mịa, nó khen mình thật hay đá đểu đây. Quả là lâu nay mình có con phây, ngày đến mấy lần đăng bên ấy, bên này mấy ngày mới một post, tất nhiên cái nào bên này cũng phải ra tấm ra món, ra thịt ra xương...

           Cái này là để kể về nghề của mình. Hôm nay thấy nhiều đồng nghiệp tự kể về mình, nhà cháu cũng thế, nhưng không... tung hoa, ke ke... Ke ke phát nữa khoe là bạn trưởng ban chuyên "chăn dắt" CTV là mình nhắn tin: Đây là 1 trong 3 bài hay nhất của số đặc biệt báo SKĐS.

           Nghề báo có 2 việc chính, đều... dễ cả, là viết báo và làm báo.

           Viết báo là anh làm ra một tác phẩm báo chí, anh đứng tên tác giả, anh độc lập tác chiến hay một nhóm cùng nhau, miễn làm sao ra được sản phẩm cuối cùng là bài báo.

           Làm báo là công đoạn biến bài báo ấy thành... tờ báo. Tức anh là người bày cỗ. Thiết kế mâm cỗ như thế nào, màu sắc, mùi vị, cay chua mặn ngọt vân vân. Quyền của anh này là, làm thế nào để bạn đọc có một mâm cỗ ngon, không ngán, không nhạt, không nhàm, không ngộ độc...

           Viết báo thường dễ nổi tiếng hơn làm báo. Người ta nhớ tác giả bài báo chứ ít khi nhớ ê kíp thực hiện tờ báo, may lắm nhớ anh Tổng biên tập vì anh này là quan chức to nhất tờ báo, thi thoảng được nhắc vì anh ấy hay chủ trì các cuộc ngoài báo chí, như giải đi bộ, giải bóng bàn, cầu lông hoặc thi sắc đẹp quý bà mà báo ấy “hân hạnh tài trợ truyền thông”. Trong cơ quan anh ấy hay được nhắc vì là người ký thưởng nhân 21/6, ký nhận người, thưởng đột xuất... chứ chưa chắc vì anh ấy khó tính khi duyệt bài.

           Ngày xưa, cái thời còn rị mọ, dù nó mới cách đây chừng hai chục năm, cả 2 anh viết báo và làm báo đều cùng hết sức khổ sở vì sự thô sơ của nghề nghiệp.

           Lúc nào cũng phải có một cuốn sổ, khổ to hay nhỏ thường phụ thuộc vào cái... túi ký giả đeo bên người hoặc ngay cái túi to nhất trong hệ thống túi của cái áo nhiều túi anh ta mặc. Mà sổ mới chỉ là một... vũ khí. Còn máy ghi âm, trước khi có kỹ thuật số nó là cái máy quay băng, cái nhỏ nhất cũng cỡ viên gạch, cái to thì tương đương... mặt ghế. Máy ảnh cũng thế. Không phải nhà báo nào cũng có thể sắm máy ảnh, vậy nên mỗi tòa soạn có một hai anh phóng viên ảnh. Thường máy ảnh của anh này do tòa soạn trang bị. Đi công tác xuống cơ sở, anh này oai nhất, ngang anh cameraman của truyền hình. Nói gì nhân vật cũng phải nghe, đặc biệt đang cáu mấy, lo sợ mấy, bực bội buồn bã mấy, gặp anh này là đều phải nghiêm ngắn mỉm cười. Chưa kể anh ta có thể hành tới hành lui, chỉ một tư thế ngồi và cười và cầm cây bút giả vờ ký, cầm điện thoại giả vờ nghe, mắt nhìn xa xăm tư lự đầy trách nhiệm với cái biển tên trước mặt, có thể mất cả buổi sáng, mà về vẫn chưa yên tâm vì không biết mình vào ảnh thế nào. Bởi để ra thành ảnh nó còn mấy công đoạn nữa: Tráng phim, rửa ảnh, đi làm kẽm rồi mới về in, in Typo nên có rõ mặt hay không là do... giời chứ không phải do bản báo...

           Tóm lại, một anh phóng viên xuống cơ sở làm việc để viết bài trông giống một chị... công ty cấp 4 bây giờ. Trên cái xe máy của chị ấy có tất cả mọi thứ để vào làng ai mua gì chị ấy đều có thể phục vụ, từ rau thịt cá mắm đến giấy vở học trò, rượu cho đàn ông và cả... băng vệ sinh cho đàn bà. Khi trở ra, trên xe của chị ấy là tất cả những gì dân làng có. Dân làng vẫn thích phương thức trao đổi Hàng Hàng hơn, bởi đơn giản là họ không... có tiền.

           Rồi về, bút bi phải luôn đi kèm cái... đế dép cao su. Làm gì ư. Đa phần bút bi thời ấy bị tắc mực. Có 2 lý do tắc, một là do mực, nó lổn nhổn khiến mắt thường cũng nhìn thấy. Và thứ 2 là do bi. Mực ấy thì bi xịn cũng tắc, huống gì bi thời ấy. Cái đế dép cao su có tác dụng làm cho bi chạy. Cứ tắc là lại cầm bút quẹt vào đế dép, quẹt cật lực để bi chuyển động. Mươi dòng lại chục lần quẹt thế. Nên chữ, có chỗ quánh lại vì mực tuôn ào ạt, có chỗ chỉ thấy nét bút hằn vào mà không thấy mực. Cần gì, các tòa soạn thường có những “thánh” đả tự, tức là oánh máy chữ. Có người tài đến mức, suốt một tiếng đồng hồ không cần nhìn vào máy chữ mà không gõ lộn phím. Còn luận chữ thì thôi rồi. Có tác giả viết xong, đọc lại, không hiểu chữ ấy là mình viết chữ gì, cả nhóm xúm lại luận. Chịu. Thế là đem về hỏi chị đánh máy chữ. Chỉ ba mươi giây, chị đọc ra ngay. Tài chưa, phục chưa. Phục quá đi chứ. Những kiệt nhân ấy ngày càng hiếm nếu không muốn nói là đã tuyệt chủng ở thời computer.

           Tôi vừa dọn nhà, xong lại dọn phòng làm việc nữa. Và nguyên những cuốn sổ tay công tác thời ấy, đủ một bao tải. Trời ơi có một thời tôi làm việc như thế này ư? Chữ chữ và toàn chữ. Là nhớ một câu độc thoại trong vở kịch nổi tiếng của Sếch Spia thời nào. Trước đấy tôi chỉ học văn chương chứ không được học tốc ký, mà giờ nhìn lại những cuốn sổ ấy tôi tự thấy phục tài tốc ký của mình. Thôi thì muôn hình vạn trạng chữ. Vấn đề là, hồi ấy không biết khi về xem lại sổ để viết bài tôi có đọc được không, chứ bây giờ thì, hoàn toàn tôi không hiểu được mình viết gì hồi ấy. Bỏ qua cái sự giấy mủn, mực nhòe, thì ở những trang tử tế ngay ngắn nhất, tôi cũng chỉ luận được... ngày và địa điểm tôi ghi trang ấy, may lắm có thêm tên ông/ bà “đối tượng” của mình.

           Lại còn chưa hết, những bản thảo viết tay thời ấy cũng “vĩ đại” không kém...

           Thường là chia tờ giấy làm 3 phần theo hàng dọc, viết 2 phần thôi, trừ lề lại 1/3, để mình sửa hoặc để người biên tập, hoặc sếp sửa. Đấy là cách làm việc của tôi, và thấy nó hợp lý phết. Bởi trong đời tôi cũng từng duyệt những bản thảo viết kín lề, tức là mình không có chỗ để kéo ra kéo vào, để lôi đoạn này móc vào đoạn kia vân vân, bèn kính cẩn viết vào trang sau: Thế tôi sửa vào chỗ nào? Anh chàng ấy cũng thông minh, dán thêm một tờ vào phía trái trang bản thảo, đề 2 chữ rất to phía trên: “Kính anh”.

           Hồi ấy rồi tôi cũng sắm được cái “đả tự cơ” để trở thành “đả tự viên”.

           Trời ạ, tôi thật là tôi vô cùng mê các cô “đả tự viên”, nhìn các cô ấy múa tay thì sướng thôi rồi. Có cô 10 ngón, có cô chỉ 2 ngón, có cô lại hai tay cầm 2 cái bút chì mà mổ, thế mà cứ nhoay nhoáy thoăn thoắt rào rào như chim mổ lúa, bên này chữ ngoằn ngoèo giá đỗ giun dế, bên kia hàng hàng lớp lớp thẳng tưng, chả sướng sao được.

           Tôi có thể tư duy được trên máy chữ (sau này là computer) từ thời ấy. Và cũng quên viết tay từ thời ấy, chữ xấu một cách kinh khủng khiếp đi từ thời ấy.

           Hồi ấy làng báo cả nước có mấy bác tài kinh khủng. Một bài báo các bác ấy đả tự đến hàng mấy chục bản, rồi gửi khắp hang cùng ngõ hẻm. Chưa có mạng mẹo, báo nào biết báo ấy, nên viết một bài gửi nhiều báo là thường, nhưng gửi cho tất cả các báo của tất cả các tỉnh thành thì là... phi thường, thậm chí gửi cho cả những nơi chưa có báo hoặc sắp có báo, như tạp chí văn hóa các tỉnh, tạp chí văn nghệ các huyện. Loại tạp chí này thì tỉnh có tỉnh không, nhưng để chắc ăn các bác gửi tất. Thà gửi thừa còn hơn bỏ sót là phương châm của các bác ấy. Những ai làm báo ở các tòa soạn thời kỳ 1980 đến 2000 chắc đều biết tên các bác này. Thường thì một tab đánh được 5 tờ, thì tờ thứ 4 thứ năm đã mờ rồi, nhưng để tiết kiệm, các bác chơi đến 7 tờ. Ôi giời là nhận được mà run. Thường thì những tờ ở trên rõ nhất, các bác gửi cho báo quen, báo lớn. Những tờ phía dưới, có khi chính các bác đọc cũng chả ra, các bác thả bom chùm. Thế mà cũng rất nhiều báo đăng. Lý do là, không như bây giờ, những bản thảo nhận được hồi ấy đều được các “đả tự viên” đánh lại trước khi trình. Mà như đã nói, các đả tự viên thời ấy luận chữ giỏi vô cùng.

           Tiến lên giai đoạn... chấm không đời đầu (bây giờ là 4.0 rồi). Máy móc kỹ thuật số xuất hiện.

           Đầu tiên là các tòa soạn được trang bị máy tính. Phòng “đựng” máy tính là phòng quan trọng nhất, chỉ chị đả tự viên và sếp được vào. Phải bỏ dép và vệ sinh thân thể sạch sẽ kẻo máy lây... virus. Và cũng duy nhất phòng này là được mắc máy lạnh, hoặc đây là phòng đầu tiên được trang bị máy lạnh. Hồi ấy các phóng viên không phải vai đeo máy ảnh là sang, không phải lấp ló cái thẻ nhà báo ở túi ngực là oai, mà cái đĩa A đen sì vuông chằn chặn (dung lượng 1,44mb, chứa được chừng 100 trang A4) lấp ló trên người thì nó vừa oai vừa sang.

           Thời ấy “meo” và “phách” từ máy tính là một kỳ tích. Fax có trước Email. Đầu tiên chỉ bưu điện có. Ai muốn fax thì ra bưu điện, đầu nhận cũng ra bưu điện. Đợi nó ục ặc ra thì ký nhận trả tiền rồi mang về đánh máy lại. Khi Computer xuất hiện, thợ vi tính cài luôn phần mềm fax cho khổ chủ. Khổ chủ sung sướng fax sau khi viết xong bài. Nối vào điện thoại bàn, công nghệ Dial up ấy. Oai cha cha, cả tiếng đồng hồ chưa xong, chưa kể mỗi lần gần xong nó lại... phụt cái, lại làm lại từ đầu. Hồi ấy tôi phải nhắc nhân viên thu tiền của bưu điện: Đến thu tiền nếu tôi không có nhà thì về, đợi khi nào có tôi thì đưa, chứ vợ tôi có bệnh tim bẩm sinh, cô ấy nhìn vào phiếu thu tiền rồi lăn đùng ra là bưu điện chịu trách nhiệm đấy.

           Email thì cũng vĩ đại chả kém. Đa phần là cop vào đĩa A rồi mang ra tiệm vi tính giao hết “cuộc đời và sự nghiệp của tao đấy” cho chủ tiệm. Truyền nhau là cái đĩa A nó có một cái ô nho nhỏ, đấy là... cửa sổ, cop vào xong thì đóng lại, để khi đi đường virus nó không chui vào được. Nhưng đa phần, mail kiểu gì đấy, mà đầu kia hoặc là nhận được trang trắng, may lắm thì nửa bài, có lần lại toàn chữ giun.

           À lại còn nhớ hồi ấy font chữ khác nhau. Tôi ở phía Nam dùng font VNI, phía Bắc dùng ABC. Thế là đến khổ. Cho đến giờ, thấy văn phòng Hội Nhà Văn khi cần thu thập tư liệu của các nhà văn hội viên, yêu cầu mail ra vẫn ghi: font ABC chữ Vn Time. Lâu lắm rồi chả phải dùng đến phần mềm đổi font chữ nên phải mất cả buổi nhờ chuyên gia chuyên nghiệp chuyển font mới xong. 

           Bây giờ, văn minh và thông minh tột bậc, làm báo lại có những cái khó của nó, nhiều lúc tưởng khó đến mức không thể vượt qua, nhưng rồi vẫn phải... sống mà chiến đấu.

           Đề tài đã ít mà mạng lại nở mênh mông. Đụng vào cái gì cũng thấy đã có người đặt chân ở đấy rồi. Một sự kiện xảy ra, ngay lập tức các báo ào ào đưa, không anh nào chịu chậm hơn anh nào. Chậm hơn báo bạn là anh phóng viện hiện trường lãnh đạn, rồi ban thư ký lãnh đạn, vậy nên là phải chạy đua. Nhiều lúc nhoáng nhoàng, nhìn gà hóa cuốc, hoặc giả liều thân, đưa tin sai, dựng (đứng) tin... thế là ăn đòn. Nhưng có khi đấy lại là cách câu view của một số tờ báo. Bản thân tôi, mới đây, đang yên đang lành, bỗng trở thành... Út Trọc trên một trang tin. Và nhờ thế mà rất nhiều người biết rằng, trên đời này có một trang tin như thế. So với cái giá bị bộ Thông tin Truyền thông phạt 10 triệu có khi còn lời chán...

           Thật ra thì, còn rất nhiều chuyện hài hước, chuyện cười đau bụng, và cả những chuyện đau... toạc miệng xung quanh bếp núc làng báo, nhất là những nhà báo giao thời, giữa bút sắt bút bi đả tự với computer đời đầu. Một giảng viên dạy báo chí đang làm một cuốn sách đồng thời là giáo trình là “chuyện làng báo”, ông gom tất cả những chuyện cụ thể, những giai thoại vào đấy, để hầu bạn đọc và cũng truyền nghề. Tôi, như cái nhan đề bài này, chỉ là nhặt nhạnh ngẫu hứng, chủ yếu là từ mình, và từ vài đồng nghiệp thân của mình, để tự mừng ngày, được coi là, của mình...
                                                                                          



             

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

anh Hùng ơi..ơ...i..ơi...Sở VHTTDL chúng em có nhận Kết luận Thanh tra rồi anh ơi...chết rồi sẽ ko có sổ hưu rồi