Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

MÙA PƠ LANG TRÔI




           Mùa này, Pơ lang đang trôi.

           Là cái cảm giác thế khi tôi vừa trôi qua một cây Pơ lang cô lẻ bên đường, trên ấy bồng bềnh những chùm lửa, trôi qua ta, trôi miết trôi miết đến khi phía sau nhòa một sắc đỏ...

           Hồi nhỏ ở ngoài Bắc tôi hay nghe Radio mà chương trình số một là “ca nhạc theo yêu cầu thính giả” của Đài tiếng nói Việt Nam. Phải nói thêm rằng, thời ấy có cái radio để nghe cũng là thuộc loại “nhà có điều kiện” như cách nói bây giờ. Một trong những bài tôi hay nghe và yêu cầu được nghe là “Em là hoa Pơ Lang”. Nghe vừa hào hùng vừa diệu vợi, cứ thấy nó thăm thẳm mời chào mà lại hun hút cách xa. Giọng chị Tường Vi thì thôi rồi. Vẽ ra trong trí óc nơn nớt của tôi một Tây Nguyên vừa hùng vĩ vừa gần gụi, một thứ hoa vừa lung linh vừa thân quen dù chưa ai hình dung nó là thế nào.

           Cho đến khi tôi vào Gia Lai nhận công tác, thì gặp ngay 2 điều tưởng như không bao giờ được gặp. Một là gặp nhạc sĩ Đức Minh, tác giả bài hát “Em là hoa Pơ Lang” khi ông đi cùng đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội vào Gia Lai thực tế, và 2 là tận thấy hoa Pơ lang.

           Thì ra nó là hoa gạo dưới đồng bằng. Nơi gọi hoa gạo, nơi gọi hoa Mộc miên. Gạo thì dân dã, mộc mạc, ăm ắp tuổi thơ quê kiểng, mộc miên thì sang trọng, xa cách như mối tình đầu thoắt đấy lại đã đâu đấy nhưng hết sức ấn tượng.

           Bây giờ thì Pơ lang đã quá thân thuộc với tôi. Thậm chí tôi còn nhớ vị trí một vài cây. Ví như cái cây ngay đầu thành phố Pleiku hướng từ Kon Tum xuống, mà những người làm đường Hồ Chí Minh chả biết vô tình hay cố ý đã cho con đường quanh một chút để cái cây không bị đốn, để mỗi khi đi qua đúng mùa hoa nở ai cũng ngước lên và thầm cám ơn cái hữu ý rất mỹ cảm và nhân văn này. Hay đường xuống Ayun Pa, đoạn qua xã H’bông có một cái ngay bên đường, mà mỗi lần chạy xe qua tôi đều dừng lại ngắm nó, vân vân.

Cũng lâu rồi không còn thấy những cái sợi bông mỏng tang trắng xóa bay lơ lửng trên trời Pleiku vương vào đầu vào áo mọi người vào cữ tháng tư tháng năm nữa. Tự nhiên tôi nhớ những cái sợi bông ấy là bởi, mấy chục năm trước, hồi mới lên Tây Nguyên, cứ khi nào thấy cái sợi bông ấy bay lửng lơ trên trời là Tây Nguyên có lễ hội, là Tây Nguyên vào mùa lễ hội. Cái bông trắng lơ lửng trời tháng 4 ấy nó là bông gòn, một họ của Pơ lang, đang dần hết. Đường Nguyễn Du Pleiku còn một cây mà mãi không thấy nó ra hoa nữa. Nhìn thấy pơ lang lại thấp thoáng tưng bừng lễ hội. Thường thì mỗi khi cúng có ăn trâu, đồng bào trồng một cây pơ lang làm cọc nêu. Bỏ mả (pơ thi) người ta cũng trồng cây pơ lang, vì thế cứ đếm cây pơ lang ta có ngay số lượng những lễ mà người làng ấy đã làm. Pơ lang ở Tây Nguyên có hai loại, loại có bông bay trắng xóa vào dịp tháng ba tháng tư, thân không có gai, và loại hoa đỏ rực như đốt cháy cả bầu trời cũng vào cữ tháng ấy thân có gai. Ngoài ra ở Tây Nguyên mùa này còn một loại cây nữa cũng giống pơ lang, nó là loại vông rừng, hoa cũng rất đỏ, rất rực rỡ. 

Nhắc vông rừng lại nhớ vông đồng, là cái cây ngô đồng nổi tiếng trong thơ: Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu- Một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ đều biết mùa thu đang đến... Ở Huế có mấy cây ngô đồng như thế, người ta xếp nó vào loại "Huế bảo"- tương đương quốc bảo, giữ gìn và bảo tồn với chế độ đặc biệt như bảo tồn hệ thống đền đài lăng tẩm.  Viết đến đây, tôi đã tốn năm cú điện thoại cho nhà văn và là kỹ sư nông nghiệp- anh Phạm Đức Long, anh này lại tốn đến bốn cú điện thoại nữa (cho chắc chắn) cho hai chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp ở Gia Lai để xác định một điều rằng, cái cây vông cổ thụ ở đường Nguyễn Du, đoạn đường đẹp nhất ở Pleiku hiện nay, phía trên, bên hông sở Y Tế ấy,  sát cơ quan tôi ấy, ngày nào tôi cũng ngồi uống cà phê và ngắm nó ấy, có phải là cây ngô đồng không. Kết quả một người khẳng định là Ngô đồng, còn một người bảo nó là Vông đồng, còn ngô đồng chỉ có trong tưởng tượng, nó như lá diêu bông của Hoàng Cầm ấy. Tôi thiên về ý người trước, chỉ bởi người sau bảo Ngô đồng chỉ có trong tưởng tượng, trong khi nó đang tồn tại ở Huế, mà đến mấy cây, có cả trên cửu đỉnh từ cách đây mấy trăm năm. Và rất nhiều trong thơ, cả ca dao nữa: Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây, thấy cô tang tình gánh nước, tưới cây tưới cây ngô đồng. Rồi: Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông... Nhưng lại cũng phải nói điều này, rằng cái cây ngô đồng tôi thấy ở Huế ấy, nó... khác cây ở đường Nguyễn Du- Pleiku này, khác rất nhiều. Nhưng dù thế nào, nó cũng là giống cây quý, ít nhất là bởi nó hiếm. Vậy nên, pơ lang ấy, nó không chỉ là cái cây thông thường, không chỉ là cái cọc buộc trâu để ăn, buộc rượu để uống. Mà đối với người Tây Nguyên, nó còn là nơi trú ngụ của các vị thần, hay chính xác là nơi… trung chuyển. Từ cao xanh các vị về nóc nhà rông, về các cây pơ lang cho gần dân, lắng nghe dân. Nó trở thành một phần của đời sống tâm linh của người Tây Nguyên…

Pơ lang vẫn trôi, ít nhất là trong tâm tưởng tôi, giữa tháng 4 Tây Nguyên trời xanh mây trắng. Và Pơ lang đỏ...

                                                                         


Không có nhận xét nào: