Trước
khi được đi máy bay thật, tôi phải trải qua mấy lần bay... hụt.
Nhớ
lần ấy, ông trưởng ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum tự nhiên nổi hứng, chỉ định tôi
đi công tác Hà Nội cùng ông khi tôi mới chỉ là nhân viên. Thời ấy sân bay
Pleiku một tuần có đâu 3 chuyến bay Hà Nội và ngược lại, bằng AN 24. Tôi không
nhớ nó chở được bao nhiêu khách, nhưng sau này thì biết ghế nó... dọc theo thân
máy bay chứ không ngang như bây giờ. Hình như nó là máy bay vận tải của Liên Xô
được cải tạo để chở khách. Và loại như tôi thời ấy thì chưa có tiêu chuẩn bay
nên ông phải ra một cái quyết định rằng là cử tôi đi công tác gấp, bằng máy
bay. Ông bay trước, hẹn tôi bay chuyến sau. Tất nhiên, muốn bay được phải...
mua vé. Tôi đạp cái xe đạp ra sân bay, trước cái bàn đã ngồn ngộn giấy giới thiệu.
Đến cổng sân bay có một chị ngoắc tôi lại hỏi em đi công tác hả, cho chị Baga
nhé. Tôi chả hiểu Baga là gì, hỏi lại nó là gì, chị bảo là tiêu chuẩn hành lý của
em. Nhìn em biết là chỉ có cái túi mìn Claymo thôi, cho chị xuất ấy chị gửi tiền
cơm. Tôi chồng cái giấy giới thiệu vào bàn với 2 niềm vui tí tởn, một là được
bay, lần đầu tiên, và 2, được chị kia cho tiền cơm.
Chờ
đến gần trưa thì được thông báo, chỉ còn... 5 vé. Các vé khác đã được bán chỗ...
không phải chồng giấy. Đích thân trưởng sân bay ra cầm tập giấy giới thiệu, lật
xem tên rồi chọn ra 5 giấy. Không có giấy của tôi, tất nhiên. Hồi ấy những người
được bay toàn loại có máu mặt, và vì có máu mặt nên họ rất thân với trưởng sân
bay, một người được coi là rất máu mặt thời ấy. Tôi chả quen ai, lủi thủi đạp
xe về cũng phải.
Sau
này bay đến có thẻ Bông sen hạng vàng nhưng vẫn cứ nhớ mãi cái cảm giác vừa tiếc
nuối vừa tẽn tò vừa tức tối khi không được... lần đầu tiên “làm chuyện ấy” như
câu của cư dân phây búc hay nói bây giờ.
Thời
kỳ đầu, được bay và bay được quả là chỉ có giới thượng lưu. Ba mẹ tôi, đều là
cán bộ nghỉ hưu từ hồi còn bao cấp, và tôi có một ước mơ cháy bỏng là, mời các
cụ bay một chuyến. Thế mà rồi, ba tôi mất khi vẫn chưa biết máy bay là thế nào.
Mẹ tôi thì kịp bay với tôi một chuyến Hà Nội - Pleiku sau khi đi tàu từ Huế ra
Hà Nội, sau đấy lại bay tiếp chuyến Pleiku - Đà Nẵng rồi đi xe Đà Nẵng về Huế.
Hồi ấy Hà Nội - Pleiku còn phải transit ở Đà Nẵng, cả thời gian ra sân bay chờ,
rồi transit lại chờ vân vân, Hà Nội về Pleiku cũng mất gần một ngày. Về, mẹ tôi
bảo: Gớm bay có mấy chục phút mà chờ mỏi cả... mông.
Giờ
thì, hay nhất là, ai cũng có thể bay được. Giá vé máy bay từ... 0 đồng đến vài
triệu để bay nội địa. Và không chỉ nội địa, bay ra nước ngoài cũng gặp rất nhiều
người Việt. Ấy là từ khi có thêm hãng máy bay cạnh tranh nên giá vé luôn cũng
trong tư thế cạnh tranh, chứ cái thời một mình một ngựa, bay được đến là khổ.
Và cũng rõ ràng là không phải ai cũng được bay, mà phần nhiều là cán bộ đi công
tác, có tiêu chuẩn được nhà nước thanh toán, hàm phải cỡ phó giám đốc sở trở
lên. Bộ tài chính có hẳn một cái quy định ai, cấp nào được đi máy bay. Giờ thì,
một sinh viên mới ra trường cũng bay được, mà chả cứ sinh viên, một chị nông
dân cũng có thể bay, bà giúp việc cũng bay tốt. Nên có cái clip chị gì nhận là
thương gia chửi ầm ĩ trên máy bay của Vietjet rằng là mỗi tháng chị ấy mua cả
ngàn vé cũng không phải là... quá đà lắm, dù sau ấy chị ấy bị phạt mấy triệu về
hành động gây rối trên máy bay. Mấy triệu so với hàm... thương gia, mỗi tháng
mua hàng ngàn vé thì cũng chỉ... muỗi.
Vé
máy bay rẻ ngang xe đò nên người bay cũng như người đi... xe đò. Cái chuyện lên
máy bay như đi... họp làng là thường xuyên xảy ra. Báo chí lâu lâu lại đưa tin
anh nọ dọa trong hành lý có... bom, chị nọ táy máy mở cửa thoát hiểm, bác kia
hút thuốc trong toilet, bà kia nữa cho cháu tè ra sàn máy bay vân vân và vân
vân. Nhưng quả là, bay vài chuyến với các hãng hàng không nước ngoài, tôi công
nhận tiếp viên hàng không Việt Nam rất trẻ và đẹp. Tiếp viên Ấn, Thái, Đài
Loan... hình như họ cần người có kinh nghiệm hơn, nên bên cạnh những cô đẹp như
thiên thần thi thoảng ta vẫn gặp những... bà lão. Bên cạnh những chân dài miên
man vẫn có những chị lạch bạch đi lại, có những ông xứng để các cháu sinh viên
gọi là chú, nhưng thái độ của họ thì tuyệt vời. Luôn tươi cười niềm nở, chào
khách khi lên xuống kể cả khi khách không nhìn họ...
Có
hẳn một chương trình hài gọi các hãng hàng không Việt Nam là Đì lây Airline và
So ri Airline. Khổ thân, quả là, ở Việt Nam, kiếm được chuyến bay không phải
delay, không phải nghe loa hoặc nhắn tin vào điện thoại sorry hình như khá hiếm.
Mấy
hôm nay dư luận cả trong nước và nước ngoài đang sôi lên sùng sục với vụ David
Dao và United Airlines. Và mới té ra, nước Mỹ vẫn có những vụ động trời xảy ra,
nó khiến cho hãng máy bay United Airlines tụt cả triệu đô la ngay tức khắc, và
cả tổng thống Trump cũng phải lên tiếng. Nhớ năm nào đấy, an ninh sân bay Đà Nẵng
cũng ứng xử tương tự (kéo xuống máy bay) một võ sư lừng danh, chỉ khác là, võ
sư này không bị chảy máu. Ở vụ này là do chính sách bán vé OVER BOOK, tức là
bán vé quá số ghế để mong... có người bỏ chuyến, như một cách tận thu. Khi
không có người bỏ chuyến thì dùng quyền để loại, và khi không tự nguyện thì sẽ...
dùng vũ lực như đối với David Dao. Ở Việt Nam, dân ta hay có thói quen đi máy
bay như đi... xe đò. Ngoài việc lên máy bay vẫn đội mũ bảo hiểm, vẫn gọi điện
thoại, vẫn trùm kín mặt mũi như khi đi xe máy ngoài nắng, vẫn trùm cả váy ngoài
nữa, vẫn nói chuyện gọi nhau í ới từ đầu máy bay tới cuối máy bay, co chân lên
ghế hoặc duỗi thẳng lên ghế trước khoe đôi tất vừa cũ vừa rách vân vân, thì việc
sát giờ mới tới làm thủ tục là một căn bệnh khó bỏ. Nhiều cuộc cãi nhau đã xảy
ra từ việc này, trong khi quy định là phải tới sân bay trước 90 phút và cửa ra
máy bay 40 phút. Quy định này có lợi cho những người mua vé... chờ. Đúng giờ là
cái biển Closed (đóng quầy) giương ra ngay, và người có vé chờ hớn hở xòe tiền
mua vé, còn anh có vé, dẫu chậm một phút, cũng ngẩn ngơ nhìn chuyến bay của
mình vút đi để tự nhắc... lần sau nhớ đúng giờ. Nhưng khổ, có cả ngàn lý do để
lần sau lại lặp lại. Nào là... nhậu trên đường ra sân bay, nào là tắc đường,
nào là tư tưởng giờ cao su đã ăn vào máu, cả tư tưởng “thượng đế” nữa, ta mua
vé rồi, đứa nào dám làm gì ta. Làm gì thì chả làm nhưng chỉ là... bay chuyến
khác và móc ví bù thêm tiền thôi.
Dư
luận cũng vừa ồn lên việc một hãng hàng không đòi quy định giá vé sàn, bởi nó đụng
ngay đến quyền lợi bay của người ít tiền, mà cả người có tiền thì giá càng rẻ họ
cũng càng thích, trừ những người thích... oai. Tất nhiên cuối cùng thì bộ chủ
quản cũng không chấp nhận, và như thế cơ hội bay với giá xe đò vẫn mở ra với
nhiều người.
Tôi
vừa bay một chuyến máy bay giá rẻ. Tận mắt chứng kiến những đổi thay đáng ghi
nhận.
Lâu
lắm không bay hãng này. Lần bay gần nhất là hồi sân bay Pleiku ngừng khai thác
để sửa, phải xuống Quy Nhơn để bay, hồi ấy tôi đã có bài tường thuật khá vui
trên facebook, đại loại máy bay vừa cất cánh thì sực nức mùi mì tôm dù lúc ấy
không phải giờ đói, hình như người ta có nhu cầu ăn một cốc mì tôm dội nước sôi
giữa trời bằng cái giá cũng... giữa trời. Lần ấy cũng chậm, ra vào đều chậm
chuyến, cứ thấy xin lỗi suốt.
Lần này, lúc bay
ra, máy bay cất cánh sớm... 10 phút. Lạ chưa. Tiếp viên trưởng là cậu nam rất đẹp
trai cười từ đầu tới cuối, đứng ngay cửa lên xuống đón khách và luôn mồm chào
khách rất to chứ không như hãng nọ tiếp viên chỉ gật chào khách. Hay nữa là nhiều
ông bà anh chị lên máy bay (chắc bay lần đầu) lo nhìn... máy bay và tìm ghế
nhưng anh tiếp viên trưởng vẫn chào họ rất to, y như máy bay của Thái và Đài
Loan mà tôi từng đi. Ông không nhìn kệ ông, nhiệm vụ của cháu là cứ phải chào
thật to, thật niềm nở. Dạo này tôi thường xuyên phải đưa đón cháu đi học mẫu
giáo, các cô giáo cũng đón học sinh y như thế, cháu nào cũng được niềm nở làm
ông cũng sướng lây.
Chuyến vào cũng đúng
giờ suyn suýt làm tôi suýt lố giờ. Là đi cùng nhà thơ Giang Nam ra sân bay. Ông
này 90 tuổi, đã mổ tim, mà mổ hở chứ không stend sít tiếc gì cả, mổ dọc ngực rồi
lấy mạch máu ở tay nối lên, ai cũng nghĩ mổ... cho vui, ai ngờ mổ xong ông sống
tốt. Tôi có một bài vui về việc này trên báo Sức khỏe đời sống rồi, ai thích đọc
thì mời gúc ạ. Lúc làm thủ tục phải ký giấy cam đoan nhà tàu bay mới chở. Mà cửa
ra của ông với tôi lại cách nhau khá xa, từ sảnh E tới sảnh A thì phải. Tôi
thì... tập tễnh vì gối thoái hóa mới mổ, thế là dẫn ông đi như chạy tới cửa của
ông. Một anh 90 tuổi, một anh què dở... May gặp một tốp tiếp viên của hãng ấy
cũng đi cùng hướng, ở phía sau, bèn quay lại bảo các cháu ơi chú nhờ tí, biết
các cháu sẽ tới cửa ra kia, cho chú gửi bác này để chú quay lại ra cửa của chú
kẻo giờ ra cửa của chú tới rồi. Một cậu nói ngay lập tức, chúng cháu không ra đấy
ạ. Thế là nhà lại đành đi tiếp. Đưa ông tới tận cửa an ninh, thập thễnh quay lại
thì... gặp tốp tiếp viên ấy cũng đang tiến vào cửa an ninh.
Cả 2 chuyến đều...
không được ngửi mùi mì tôm, may thế, “chợ trên trời” của hãng này hình như cũng
ít người mua. Tiếp viên nữ rất giống người Việt nhưng hình như là người nước
ngoài. 2 tiếp viên trưởng đều là nam và đều người Việt. Dăm bác ngồi co chân
lên ghế, một chị đội mũ bảo hiểm nghiêm trang trên máy bay, một số bác... lừa
được tiếp viên không tắt điện thoại. Chị ngồi ngay sau ghế tôi chuyến ra, máy
bay lăn trên đường băng rồi còn gọi điện thoại thì thào nhờ... đón con. Người
nhà hỏi chưa phải tắt máy à bèn khoe: chị cúi xuống và nói thầm nên tiếp viên
không biết. Rồi để nguyên điện thoại đút tọt vào túi. Kể ra mà để ý thì thấy rất
nhiều người có vẻ... hớn hở vì lừa được tiếp viên khi không tắt điện thoại. Một
số khác thì thông báo cho mọi người biết là ta có điện thoại bằng cách khi tiếp
viên yêu cầu tắt điện thoại thì lấy điện thoại ra gọi cú chót: Có mưa không,
máy bay sắp bay nhé vân vân các kiểu...
Tiếp viên hãng
này là những người lao động thật sự, một lát lại một cháu xách túi nilon đeo
găng đi dọn đồ khách bỏ ra sàn máy bay. Ngoài ra còn đẩy xe đi bán hàng. Cái
cách ấy có vẻ như khiến họ gần gũi khách bay hơn...
Giờ, đường bay
như mạng nhện, người đi tàu bay như đi chợ, đủ loại khách, đủ loại tính cách, đủ
các trạng huống bi hài. Nó không là mong ước xa vời nữa, nhưng với nhiều người
thì máy bay vẫn là cái gì đấy lạ lẫm, nên bước lên máy bay vừa rụt rè lại vừa tự
tin thái quá, nhất là những chuyến bay ra nước ngoài, có người Việt là biết
ngay. Nhưng đau lòng nhất là thi thoảng lại nghe tin, tiếp viên hoặc phi công bị
giữ ở nước ngoài vì buôn lậu, thậm chí là ăn cắp. Cứ tưởng phi công, tiếp
viên... là loại người... trên giời, té ra, đôi khi, có người, họ cũng, như ta
thôi...
1 nhận xét:
Thỉnh thoảng tôi có ghé trang của nhà thơ, thấy có nhiều bài viết hay. Tuy vậy, nhà thơ thường viết quá dài, nhập đề thì hay nhưng đến phần thân thì con cà con kê, phải kiên nhẫn mới đọc hết. Vài dòng góp ý mong nhà thơ đừng giận.
Đăng nhận xét