Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

XEM PHIM RẠP



          Ngày xưa, thời bao cấp ấy, xem phim rạp là... xa xỉ phẩm, là loại công dân thượng thặng rồi. Phần lớn dân ta hồi ấy chỉ phim bãi.

          Nhỏ tôi ở thành phố Thanh Hóa, và cái thị xã ấy có một rạp chiếu phim, một sân khấu ngoài trời. Lũ chúng tôi chủ yếu xem phim ở sân khấu ngoài trời ấy. Cả tỉnh có mấy đội chiếu phim lưu động, đánh số thứ tự từ số 1 lên. Các đội chiếu bóng lưu động ấy chia nhau đi phục vụ khắp tỉnh. Mỗi khi cái xe trâu của đội đến làng nào là làng ấy như mở hội. Trẻ con phần lớn là... trốn vé. Cái sân kho hợp tác thường được dùng để chiếu phim. Sau khi bà con làm việc trên ấy xong thì đội chiếu bóng tiếp quản, nhưng lũ trẻ con đã chui rúc khắp ngõ ngách sân kho từ lúc... 3 giờ chiều  rồi, phần lớn là chui vào giữa các đống lúa, lấy lúa phủ lên. Các cán bộ chiếu phim sau khi đi một vòng lùa hết bọn chậm chân ra thì bắt đầu gác cổng, những đứa trong các xó xỉnh chui ra, và điềm nhiên chờ xem. Ôi giời, trong đội chiếu lưu động ấy, cái anh thuyết minh là số 1, anh đi đến đâu gái chết như ngả rạ đến đấy vì giọng anh dẻo hơn kẹo kéo nên có thời tôi đã có ước ao cháy bỏng là lớn lên sẽ làm nghề... thuyết minh phim...


          Cả thành phố Huế thời sau 75 đâu như có 3 cái rạp, sau này có thêm cái nhà hát lớn, người lúc nào cũng nghìn nghịt đi xem, nhất là hồi bộ phim “em còn nhớ hay em đã quên” mới ra, sinh viên ùn ùn đổ đi xem, chỉ để nghe lại nhạc Trịnh Công Sơn tái xuất. Có đứa xem đến ba bốn xuất. Còn những “con hủi”, “nếu tôi chết hãy kết tội Klava”, “Maxcova không tin vào nước mắt” các loại thì thôi rồi...

          Cũng sau năm 75, thành phố Pleiku có 3 rạp chiếu bóng, rạp Diệp Kính lớn nhất và lâu đời nhất, rồi rạp Thăng Long và rạp Diên Hồng. Trừ rạp Diệp Kính lấy tên riêng của chủ, 2 rạp còn lại cũng của tư nhân nhưng lấy tên đầy hào sảng là Thăng Long và Diên Hồng chứng tỏ sự yêu nước và lòng tự hào dân tộc chả độc quyền của ai. Sau khi được tiếp quản, cũng như mọi thứ dính dáng đến chính quyền cũ, các rạp được nhà nước đổi tên thành Nhân Dân, Thống Nhất, còn rạp Thăng Long chuyển thành nhà văn hóa tỉnh.

          Tốt nghiệp đại học, tôi lên đây công tác, và chứng kiến những ngày huy hoàng của các rạp chiếu bóng.

          Những thanh sắt to bằng bắp tay được hàn song song chiều rộng chừng 40 phân kéo từ ô cửa bán vé ra đến tận ngoài đường để người xem phải xếp hàng một không được chen ngang. Ngày chiếu bốn năm xuất, ngoài nhân viên của rạp còn có cả kiểm soát quân sự và công an cùng soát vé, bảo vệ. Thế mà lúc nào cũng ào ào như sôi, ngày nào cũng xảy ra xô xát. Hãi nhất là thi thoảng có những đoàn bộ đội hành quân từ biên giới về, đến rạp Diệp Kính thường là được dừng để nghỉ ngơi. Thế là lính ta ào vào rạp, bất kể đang chiếu gì, có vé hay không. Lính biên giới đâu phải chuyện đùa. Thế là những người vừa chen nhau bẹp ruột mua vé lẳng lặng nhường ghế cho lính, mình đứng hoặc bỏ về. Lại nhớ cái chuyện hồi ấy đưa người yêu đi xem, chen bật cúc áo là chuyện thường. Nhiều chị cầm vé trong tay để vào mà có khi cũng còn bị bật cúc, tóc tai bê bết rã rợi, giày dép cầm trên tay hoặc đã lạc đâu đó nhưng mặt mũi thì cứ ngời ngời hân hoan...

          Rạp thế nên các bãi chiếu phim lưu động cũng vô cùng đắt khách. Ngay sau lưng nhà tôi là cái nhà hát ngoài trời, chủ yếu dùng để chiếu phim. Một lần có 1 đội chuẩn bị chiếu thì tay thuyết minh ốm đột xuất, ông đội trưởng ở cùng khu tập thể với tôi năn nỉ tôi cứu. Tôi OK mà bụng cũng nơm nớp. Hồi ấy phim hay là cùng một lúc chiếu mấy điểm, nhưng lại chỉ có một bản đựng từng cuộn trong những cái thùng thiếc, có một người chuyên đi chở phim bằng xe đạp. Cứ điểm này chiếu xong 2 cuộn là chở chạy đến điểm kia, lỡ chiếu xong trước thì phải bật đèn lên... chờ. Chở phim đến thì phải có 1 người rất nhanh tay lộn phim, rồi mắc vào máy. Còn bản thuyết minh thì được dịch từ Hà Nội, đánh máy trên giấy pơ luya, thường thì 1 tờ giấy than đánh được 3 tờ thì họ chơi đến 6, rồi trong quá trình chiếu, di chuyển... nó bị mờ, bị rách, thậm chí mất hàng chục trang. Các ông thuyết minh chuyên nghiệp thì họ nhớ, còn tôi có cách của mình, ấy là... phịa.

Và té ra tôi thuyết minh cũng... được. Bằng chứng là có nhiều đêm loa cứ gọi ra rả mời mãi mà chả ai vào bãi, cứ lởn vởn ở ngoài. Họ chờ xem ai... thuyết minh. Có lần lúc tôi vào sân nghe mấy người nói: A ông mũ trắng thuyết minh, mua vé vào thôi... 

Là tôi không đọc bản thuyết minh- mà có đọc  cũng có thấy gì đâu mà đọc, chữ mờ giấy rách mà lại đang trang 12 nhảy ngay sang trang 18 là bình thường- nên tôi phịa sau khi đã lướt 1 lần nội dung cuốn dịch ấy, có nhiều đoạn tôi nói bằng cái giọng Romeo Juliet lúc thoại ở balcon, có lúc lại Natasa với ánh trăng với cây sồi già..., đôi khi còn nhắc: bà con chú ý: áo đen là ta, áo đỏ là giặc, cái đứa đang cười cười kia là gián điệp đấy... bà con vỗ tay rầm rầm sung sướng...

          Rồi đến phim truyện video xuất hiện... 

          Nó, ngay lập tức giết chết các rạp chiếu bóng, kể cả các đội chiếu phim lưu động về vùng sâu vùng xa cũng vác cái màn hình video đi chiếu. Chỉ cần cái phòng, thậm chí cái sân con con thế là có thể bắc ghế thu tiền. 2 rạp lớn ở Pleiku được chuyển đổi công năng, một cái thành siêu thị, một cái thành nhà hàng tiệc cưới, một phần thành khách sạn. Các tỉnh khác cũng thế, TP HCM và Hà Nội cũng chẳng hơn gì. Rồi tiếp tục truyền hình tung hoành, dân lười đến rạp, chỉ nằm nhà đợi phim chiếu truyền hình để xem. Rạp các loại càng chết đứ đừ. Hầu như tất cả các rạp trên cả nước đều đổi công năng, phổ biến nhất là cho thuê làm nhà hàng, xẻ ra làm siêu thị các loại...

          Có năm nào đó tôi sang Singapore, trong chương trình có... xem phim. Quái, chả lẽ bỏ cả chục triệu sang tận đây để mà xem phim. Nhưng rồi ai cũng vào xem, và cũng đều... hả hê, vì là xem phim 3D. Xem xong rồi ước, bao giờ Việt Nam ta có.

          Thế mà có thật, các rạp phim 3D ở Việt Nam xuất hiện, chả phải do nhà nước nữa, mà toàn tư nhân bỏ tiền ra làm, đơn giản và tiện lợi. Ở Pleiku nghe nói có mấy rạp gia đình như thế, nhưng tôi chả đi, quan niệm phim 3, thậm chí 4D dành cho... con nít.

          Nhưng mới đây, thiên hạ ồn lên phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nghĩ bụng làm sao xem thử cái nhỉ. Hồi phim “Cánh đồng bất tận” làm từ tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư tôi đã xem bằng... iPad. Giờ muốn xem phim màn ảnh rộng thì xem ở đâu? Hỏi một đồng nghiệp cậu ấy tròn mắt nhìn tôi rồi nói: Cạnh nhà ông có cái rạp chiếu phim đấy, rất hiện đại, vào xem đi...

          Gớm, ngày xưa nhé, mỗi rạp chiếu phim trong biên chế có một họa sĩ, anh này chuyên vẽ pano quảng cáo phim. Rồi có mấy cái loa đại chĩa ra ngoài suốt ngày oang oang đọc nội dung phim. Phim do ai sản xuất (hồi ấy phải là xưởng phim tổng hợp TP HCM), diễn viên nào (Cũng cứ phải là các ngôi sao, có khi do cái anh a lô ấy tự phong)... nói chung là cứ ầm ĩ chói chang cả lên. Thế mà giờ, cái rạp phim ngay bên cạnh nhà mà mình không biết thì lạ thật. Gọi điện đặt vé, vâng chú muốn xem xuất mấy giờ ạ. 15h chiều nhé. Vâng ạ, 10 vé cháu nhớ rồi ạ. Chỉ thế thôi. Đúng 14h50 kéo cả cơ quan đến, trả tiền xong có người dắt vào tận ghế. Rạp có chừng 8 chục ghế, bọc nhung rất êm. Không nhắc nhở, không kêu gọi, không mào đầu đề từ tóm tắt phim gì hết, đúng giờ máy chiếu bật lên. Cả buổi không có tiếng điện thoại, không ồn ào, nhưng mỗi người đều có một ly nước và một túi bỏng ngô. Ở cái ghế có thiết kế sẵn chỗ để nước.

          Nói luôn cái rạp này nó không chỉ là rạp. Phía ngoài là quán cà phê, rất nhiều người ngồi uống cà phê ở đấy. Ai xem phim thì được dẫn theo cầu thang lên lầu. Và hình như cũng chỉ có một cậu làm việc. Dẫn khách lên, chỉ ghế xong, đúng giờ thì tắt điện, bật máy chiếu rồi... ra ngoài. Hết phim thì vào bật điện. Lại nhớ cái thời rạp của nhà nước, mỗi rạp phải biên chế đến mười mấy hai chục người chứ chả chơi. Có trưởng rạp phó rạp, có thợ máy có thuyết minh, mà mỗi việc hai ba người, có họa sĩ có âm thanh, có soát vé bán vé, rồi có kiểm tra soát vé bán vé, rồi có người chỉ ghế... vân vân... giờ tất cả nhõn một người mà công việc cứ ro ro...

          Hình như bây giờ các rạp phim bắt đầu hồi sinh, tất nhiên nó khác với các rạp ngày xưa, ít cồng kềnh hơn, hiện đại hơn, đa chức năng hơn, phục vụ con người tận tình hơn. Ngày xưa, khi còn ở Huế, vào phòng xem phim nồng nặc mùi nước đái. Nước đái từ nhà vệ sinh thẩm thấu cũng có, nước đái trẻ con cũng có. Còn phim bãi thì chuyện đang ngồi thấy tự nhiên đít quần bị ướt là... bình thường. Ở thành phố Hồ Chí Minh  có thời gian gái mại dâm chọn rạp phim làm bãi đáp, thường là xuất 14 giờ, ít người. Có người vào đấy để ngủ, vì mát hơn ngoài trời...

          Cũng phải đến mấy chục năm mới đi xem lại phim ở rạp. Sau buổi xem mấy cô cậu thanh niên cứ ngơ ngác: Ơ thì ra phim truyện nhựa khác phim truyền hình và xem phim ở rạp đã hơn trên ti vi hay trên mạng nhỉ? và hẹn nhau đi xem nữa, nhưng, hình như phim hay hiện nay hơi ít. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” xem đẹp thôi chứ hay thì chưa hay, sâu sắc thì không sâu sắc, nhưng có vẻ nó phù hợp với thời buổi bây giờ, xem cái gì nhẹ nhàng, ít phải suy nghĩ, để về ăn cơm cho ngon, dễ ngủ để mai còn đi làm kiếm tiền nuôi con, chứ xem về mà cứ phải thao thức băn khoăn khắc khoải Tobe or not tobe thì để mai ốm à?

          Vừa có liên hoan phim toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, nghe nói có mấy phim Việt Nam đáng xem lắm, ví dụ như “Người trở về” chuyển thể từ truyện của ông bạn Sương Nguyệt Minh. Mấy bạn trẻ lại háo hức rủ tôi đến rạp, không đợi chiếu trên tivi hay xem trên iPad nữa...

          Chuyện, phim rạp mà, không phải dạng vừa đâu, phim truyện nhựa cuối cùng vẫn phải là... phim truyện nhựa...

        
                                                                            

4 nhận xét:

TNC nói...

Em ít hơn bác vài chục tuổi nhưng tất cả cảm xúc đó đều đã trải qua. Phim e xem rap đầu tiên là VÁN BÀI LẬT NGỬA nhưng k đc xem trọn bộ. Lần xem rap phim nhựa gần nhất là năm 1992 với phim VỊ ĐẮNG TÌNH YÊU. Lâu quá rồi

Nặc danh nói...

Xem kịch hay hơn bác Hùng ạ, mời bác chuẩn bị xem "vở kịch thứ 12"

Nặc Danh nói...

Quê bác VCH cách quê cháu gần nghìn cây số mà sao cảnh "chiếu bóng" ngày xưa giống nhau thế. Cháu khác bác ở chỗ là cháu không thích anh thuyết minh mà chỉ thích anh "máy nổ", vì quê cháu không biết điện là gì, khi anh máy nổ ra bãi là con nít chạy theo để xem máy nổ mang lại ánh sáng văn minh ..., con nít tỏ ra khâm phục anh máy nổ nên anh cho chui rào vào bãi không mất vé... he he. Tuy nhiên vẫn có ấn tượng với anh thuyết minh vì anh anh hay nói "mọi người chú ý trật tự và nhìn lên ê-cờ-răng để bộ phim được bắt đầu chiếu", không hiểu ê-cờ-răng là gì nhưng mọi người vẫn trật tự. Sau mới biết các anh trong đội chiếu bóng biết tiếng Pháp nhưng nỗi anh chỉ biết một vài từ, chẳng hạn anh máy nổ thì ma-ni-ven, anh chiếu phim thì ăm-pờ-li .v.v...Khi về làng họ là đỉnh cao văn hóa của làng nhưng họ nghèo thôi rồi, cho khoai cho mít họ ăn ngon lành...hu hu

huynhthaison nói...

Nhớ hồi đó đi coi phim vui lắm. Hai thằng đàn ông rủ nhau đi ra rạp chen lấn cật lực mới mua được vé. Hồi đó có nhiều phim hay mà tôi vẫn còn nhớ : em không thể nói lời từ biệt, thầy lang, teheran 43, cướp biển thế kỷ 20, cô gái digan...Phim ở bãi chiếu thì thôi rồi, lúc mất tiếng, khi mất hình, nhiều khi không có thuyết minh nên xem xong cãi nhau như băm bầu về nội dung phim...không phải tui ôn nghèo kể khổ nhưng nhớ lại thờ đó thấy vui thậ.