Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

LẠI BÀN KỸ NĂNG SỐNG



Hai là ngay các nạn nhân, họ vô cùng thiếu kỹ năng sống. Hai trường hợp ở Gia Lai và Quảng Trị, kẻ thủ ác chỉ một, và ý định ban đầu chỉ là ăn trộm. Nhưng vì bị lộ, và chủ nhà cương quyết chống cự, giành lại đồ  bị cướp nên mỗi vụ 2 người bị giết. Người ta bảo của đi thay người. Đằng này cả 2 vụ Gia Lai và Quảng Trị đều 2 người bị giết và 1 người bị thương. Cũng tại chúng ta hay ca ngợi các gương dũng cảm chống cướp. Lẽ ra phải được dạy, trong bất cứ trường hợp nào, trước hết phải bảo toàn mạng sống đã, hãy làm theo ý muốn của cướp, công an sẽ điều tra sau. Chống và bắt cướp là tốt, nhưng không phải bất cứ lúc nào. Một xã hội văn minh là người dân phải được bảo vệ chứ không phải họ phải tự bảo vệ...
------------------
 


          Một loạt các vụ án ghê rợn vừa qua đang làm xáo động xã hội. Các vụ án ấy chủ yếu là thảm sát, một người giết nhiều người.

          Có rất nhiều câu hỏi đặt ra từ các vụ án rất thương tâm và đau xót này, trong đó có 2 câu theo tôi là đáng để chúng ta suy nghĩ.

          Một là tại sao càng ngày người trẻ càng ác thế. Họ giết người không ghê tay, bằng những hành vi tàn độc nhất, giết nhiều người, trong khi họ không phải là những kẻ sát thủ chuyên nghiệp, thậm chí có nhiều trường hợp, họ xuống tay trong những phút cuối cùng của chuỗi hành động, còn trước đó họ chỉ đi ăn trộm, nhưng khi bị phát hiện thì giết luôn, giết nhiều người, như vụ ở Gia Lai, Quảng Trị. Còn ngay khi cả có ý định giết người từ đầu thì bản thân họ cũng không phải là dân dao búa chuyên nghiệp, thậm chí đang ăn cơm, đi qua hái chanh, “tiện thể” thì giết 4 người, xong lại về ăn tiếp, sau đấy còn ngồi nhậu với cán bộ điều tra, thản nhiên như vô can như vụ Nghệ An...

           Ngoài những yếu tố khác khiến họ trở thành kẻ giết người thì có một lý do là họ đang rất thiếu kỹ năng sống, thứ để họ dừng lại giữa khoảnh khắc mong manh là người hay thú. Không có một kỹ năng để tự tiết chế, xử lý tình huống, họ chọn con đường cuối cùng...

          Hai là ngay các nạn nhân, họ vô cùng thiếu kỹ năng sống. Hai trường hợp ở Gia Lai và Quảng Trị, kẻ thủ ác chỉ một, và ý định ban đầu chỉ là ăn trộm. Nhưng vì bị lộ, và chủ nhà cương quyết chống cự, giành lại đồ  bị cướp nên mỗi vụ 2 người bị giết. Người ta bảo của đi thay người. Đằng này cả 2 vụ Gia Lai và Quảng Trị đều 2 người bị giết và 1 người bị thương. Cũng tại chúng ta hay ca ngợi các gương dũng cảm chống cướp. Lẽ ra phải được dạy, trong bất cứ trường hợp nào, trước hết phải bảo toàn mạng sống đã, hãy làm theo ý muốn của cướp, công an sẽ điều tra sau. Chống và bắt cướp là tốt, nhưng không phải bất cứ lúc nào. Một xã hội văn minh là người dân phải được bảo vệ chứ không phải họ phải tự bảo vệ...

          Hai trường hợp ở Nghệ An và Bình Phước thì lần lượt bị hung thủ giết từng người, trong đó vụ ở Bình Phước là đáng nói nhất. 6 người lần lượt bị trói bị giết mà không ai có một phản ứng nào khả dĩ tự cứu. Kỹ năng sống nó dạy cho con người ứng phó với từng trường hợp cụ thể, tất nhiên không có và không bao giờ có một đáp án chung. Nhưng khi có một kỹ năng thì anh sẽ biết áp dụng. Cũng hôm qua báo chí mới đưa tin ở Lăng Cô, để cứu hai cô gái bị đuối nước, một chàng trai dũng cảm đã bị sóng cuốn trôi.

          Có vẻ như chúng ta dạy rất nhiều thứ, nhưng những thứ thiết thân, cụ thể, gần gũi và thực dụng với đời sống nhất thì chúng ta lại bỏ qua. Nhưng cũng qua nay, chuyện cháu bé 4 tuổi tự giải thoát khỏi bọn bắt cóc khi cháu bị bọn chúng trói chân tay và bịt miệng bằng băng keo bỏ trong bao vất trong ruộng mía, rồi cháu biết leo lên cái gò cao nhìn hướng, rồi cứ thế băng qua gai nhọn, lá mía... tìm đường về nhà lại cho chúng ta những hy vọng mới. Hay cháu bé Tú Anh 7 tuổi khi bị lọt xuống giếng đã rất bình tĩnh để không ngất, không ngủ, không tụt sâu thêm, quấn thừng rất chặt vào tay treo người lên (tất nhiên có tư vấn của các chú cứu hộ) đợi suốt 8, 9 tiếng đồng hồ để được cứu cũng khiến chúng ta an tâm phần nào.

          Kỹ năng sống phải được dạy từ bé, từ gia đình, nhà trường và cả xã hội, để không xảy ra, hoặc xảy ra thì hạn chế đến mức thấp nhất có thể, trong từng trường hợp...
                                                       

5 nhận xét:

Unknown nói...

Vấn đề bác đặt ra quả thực là mối trăn trở của nhiều người. Xã hội hiện đại ngày càng nhiều nguy co còn số phận con người lại trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết. Việc quan trọng là làm sao để hiểu được những mối nguy cơ, làm sao chọn được cách tốt nhất để chống chọi cái ác, để tự bảo vệ mình trước khi có ai đó đến cứu. Những kiến thức kiểu này , theo bác có nên đưa vào chương trình học phổ thông, thay cho một số kiến thức về khoa học khác - những vấn đề mà nay đã được giải quyết bằng máy tính hoặc trang thiết bị chuyên ngành?
Cảm ơn bác đã nêu ra một vấn đề cần được hiểu và xử lý đúng mức!

Trần Thi Thư nói...

Tôi rất đồng ý với bác Văn Công Hùng, vì như các cụ đã nói " Tránh voi chả xấu mặt nào?". Tôi rất muốn mọi người chúng ta cùng tham gia học kĩ năng sống (không phải chỉ riêng trẻ em) để giảm bớt đi những hậu quả mà hai bên phải gánh chịu (kẻ thiệt mạng, kẻ tội nặng hoặc tử hình). Tôi đã viết và gửi cho một tờ báo điện tử một bài về chủ đề này từ ngày 04/8/2015 với tiêu đề " Chuyện án mạng từ lời xúc phạm, thách đố" nhưng không thấy họ đăng tải.

Nặc danh nói...

Người ta dạy những thứ "trời ơi" để mọi người quên đi thực tại, ví dụ học sinh C3 học vật lý nguyên tử,lượng tử đâu đâu nhưng bóng điện hỏng chưa biết thay thế. Người dân được ăn bánh vẽ "thiên đường XHCN" để quên đi cuộc sống lầm than hàng ngày...

yamaha nói...

Căn bản là giáo dục nước nhà ngay từ đầu đã bị lệch hướng. Một sự lệch hướng mang tính hệ thống mà cùng với đà phát triển xã hội nhiều người đã nhận ra, đã từ rụt rè đến mạnh mẽ phản biện với hy vọng cải sửa hoặc thay thế, nhưng đến tận ngày nay vẫn không thể sửa bởi thái độ duy ý chí rằng chẳng qua nó đã được định hướng đúng. Con người trong quá trình lớn lên không được làm quen và tập huấn nhiều với những giá trị nhân bản, mà chỉ bị nhồi nhét quá dư thừa các khái niệm mơ hồ, xa lạ đến nỗi học đâu quên đấy, sẽ thành những kẻ, hoặc là ngu ngơ, hoặc là nguy hiểm do hoàn toàn thiếu kiến thức tối thiểu để phản xạ, xử lý nhạy bén với tác động xung quanh, mà bây giờ đa phần là những tác động xấu.

TNC nói...

Nhìn một cách khách quan thì tại cả cách GD của bố mẹ nữa. Đừng đổ tội cho GD tất cả. Bé nhà mình học lớp 7, trưa hôm đó bé cắm cơm. Phích cắm nồi cơm điện bị chập, thế mà bé vẫn cầm chác lấy phích cắm đầy khói mà không biết thả tay ra miệng kêu chập điện. Rất may là ATOMAT đa nhảy, nếu không biết chuyện gì sẽ xẩy ra
TNC