Trong luật tục của người Tây Nguyên, có những điều luật rất
khắt khe để bảo vệ rừng. Như không được chặt cây con, không bắt những con thú
nhỏ hoặc đang chửa, vay nợ của rừng phải trả (những người phụ nữ Tây Nguyên
sinh con mà không có sữa chẳng hạn, họ sẽ “vay” sữa của những cây sung). Ngay
bắt một tổ ong, thì họ cũng không tận diệt như một số người hiện nay là dùng
lửa đốt, mà họ chỉ khéo léo lấy mật, còn vẫn bảo vệ đàn ong để chúng tiếp tục
sinh sôi nảy nở. Gọi là họ du canh du cư đốt rừng làm rẫy, nhưng không bao giờ
đốt tràn lan, họ chọn cách đốt để rừng còn tái sinh, và cũng không phải du canh
là họ bỏ rẫy, mà sau một chu kỳ, khi đất hết chất nuôi cây thì họ đi, đến khi
rẫy có màu trở lại thì họ quay về làm tiếp...
--------------------
Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Đấy gần như là chân lý.
Rừng Tây Nguyên chủ yếu là rừng già, hệ sinh thái rất phong phú, nó làm nên một
đặc trưng rất riêng của vùng đất Cao Nguyên Trung phần. Nhưng cũng không biết
từ lúc nào, cũng không xa lắm đâu, đã có cái câu rất cay đắng: “Về cơ bản chúng
ta đã phá xong rừng, nhà nước và nhân dân cùng phá”.
Tôi lên Tây Nguyên từ năm 1981. Khi ấy rừng lan khắp phố,
những ngôi nhà ẩn dật trong rừng, những con đường len lỏi trong rừng, chỉ ra
khỏi thành phố chừng 3 cây số là đã ngập trong rừng. Không chỉ cây, mà rất
nhiều động vật gắn với rừng nhởn nhơ bên đường vào ban đêm. Trên đường từ Kon
Tum về Pleiku chỉ hơn 40 cây số, nếu chạy ban đêm, sẽ gặp rất nhiều thỏ rừng,
nai, hoẵng... lang thang kiếm ăn bên đường, bị đóng đèn xe, chúng bất động đứng
nhìn...
Rừng đã chung thủy, song hành với người Tây Nguyên hàng vạn
năm nay. Rừng chở che, nâng đỡ, hòa đồng... con người. Và con người thì nâng
niu, quý trọng, cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ... với rừng, tạo nên một văn hóa
rừng, một nền văn minh rừng. Con người tồn tại bằng cách hòa vào rừng, là một
thành tố của rừng, sống với rừng, chết
với rừng, làm nên một văn hóa rừng trong một đời sống cực kỳ nhân văn và vị
tha.
Trong luật tục của người Tây Nguyên, có những điều luật rất
khắt khe để bảo vệ rừng. Như không được chặt cây con, không bắt những con thú
nhỏ hoặc đang chửa, vay nợ của rừng phải trả (những người phụ nữ Tây Nguyên
sinh con mà không có sữa chẳng hạn, họ sẽ “vay” sữa của những cây sung). Ngay
bắt một tổ ong, thì họ cũng không tận diệt như một số người hiện nay là dùng
lửa đốt, mà họ chỉ khéo léo lấy mật, còn vẫn bảo vệ đàn ong để chúng tiếp tục
sinh sôi nảy nở. Gọi là họ du canh du cư đốt rừng làm rẫy, nhưng không bao giờ
đốt tràn lan, họ chọn cách đốt để rừng còn tái sinh, và cũng không phải du canh
là họ bỏ rẫy, mà sau một chu kỳ, khi đất hết chất nuôi cây thì họ đi, đến khi
rẫy có màu trở lại thì họ quay về làm tiếp...
Từ khi chúng ta có những chính sách quyết liệt để bảo vệ rừng
thì, có vẻ như rừng càng bị phá một cách triệt để.
Thôi không nói về cái sự mất rừng một cách “tự phát” nữa. Nói
tự phát bởi do dân phá, do nhà nước phá... nhưng không có những chủ trương lớn,
cụ thể, mà nó là những vụ nhỏ, lẻ tẻ. Nhỏ, lẻ tẻ nhưng cộng lại nó thành lớn.
Tôi nói về một chủ trương lớn, khiến rừng gần như chính thức
bị khai tử.
Ấy là vào năm 2008, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã
đồng ý chủ trương phát triển 100.000 ha cao su trên các tỉnh Tây Nguyên. Trong
đó riêng tỉnh Gia Lai được chuyển đổi 50 nghìn ha rừng nghèo để trồng cao su.
Một chiến dịch phá rừng “hoành tráng” và công khai được mở
ra.
Ngay từ khi ấy đã có nhiều ý kiến rằng, không thể đổi rừng
lấy cao su, dẫu là rừng nghèo. Mà ngay cái quan niệm rừng nghèo cũng rất mù mờ.
Cũng có ý kiến đối lại, là cao su cũng là rừng. Mà rừng này lại sinh lợi, những
cái lợi thấy ngay, bà con người dân tộc thiểu số có việc làm, sẽ trở thành công
nhân cao su, có thu nhập, và tức là sẽ đổi đời.
Ý kiến bảo vệ rừng gay gắt hơn: Rừng là môi trường sống của người Tây
Nguyên, mất rừng người Tây Nguyên sẽ bơ vơ ngay trên mảnh đất của mình. Rừng
làm nên văn hóa Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên, đời sống Tây Nguyên. Không còn
rừng sẽ không còn Tây Nguyên, vân vân...
Công việc vẫn được triển khai. Đến nay người ta đã khai hoang
trồng mới được 25.891,9 ha cao su. Nhưng cũng đến nay đã kịp có 2.598,8 ha cao
su đã trồng bị chết hoặc kém phát triển. Khi nhận đất thì rất hăm hở, và báo
cáo là cao su trồng trên đất rừng khộp rất hợp, nhưng bây giờ cũng những đơn vị
ấy báo cáo là cao su trồng trên rừng khộp không hợp, và xin chuyển đổi mục
đích. Những người am hiểu, bảo đây mới chính là mục đích chính của việc họ ồ ạt
nhận đất rừng khộp trồng cao su? Khi nhận đất trồng cao su, hầu hết các doanh
nghiệp đều cam kết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển lao động là người
dân tộc bản địa... nhưng thực tế, những cam kết này chủ yếu nằm trên... giấy.
Các doanh nghiệp chủ yếu chỉ đầu tư xây dựng trụ sở, nhà ở công nhân, đường
giao thông trong dự án... còn việc hỗ trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội thì
phần lớn là... lơ.
Trong dự án đã duyệt thì các doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng
9379 lao động dài hạn, nhưng mới đây,
hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đi giám sát thì các doanh nghiệp mới chỉ tuyển
dụng 2.254 lao động dài hạn, gần 4000 lao động thời vụ, trong đó chỉ có 777
công nhân là người dân tộc bản địa. Rõ ràng là một con số quá ít so với cam kết
và so với thực tế...
“Siêu dự án” này 7 năm qua đã bộc lộ rất nhiều những bất cập
về nhiều mặt, cả về phát triển kinh tế lẫn phát triển đời sống xã hội, bảo đảm
an sinh. Cũng Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai qua giám sát đã chỉ ra, nhiều
doanh nghiệp đã tự tiện chuyển đổi mục đích sử dụng, ví dụ trồng cỏ nuôi bò
(Trời ạ, rừng của người ta mà phá đi để giờ trồng cỏ nuôi bò. Lại nhớ hồi nào
nhiều diện tích rừng cũng bị phá đi để trồng sắn. Nhưng trồng sắn cũng còn khả
dĩ bởi nó có mục đích cao đẹp là cứu đói cho dân trong thời kỳ ấy)... Báo cáo
của HĐND tỉnh Gia Lai tại kỳ họp mới đây nhất về chất lượng vườn cao su của dự
án - sau quá trình đi thực địa khiến ai cũng phải giật mình: 10,2% diện tích
cao su đã trồng bị chết và kém phát triển. Diện tích cây có tỷ lệ sống thấp,
phát triển quá kém lên đến 65%. Có lô bị chết hoàn toàn, cá biệt có lô cao su
chủ dự án trồng lại nhiều lần nhưng cây vẫn không phát triển...
Một cán bộ lâm nghiệp rất tâm huyết với rừng Tây Nguyên,
nhiều năm qua đã âm thầm khổ sở nhìn rừng bị phá công khai hàng ngày, đã lặn
lội vào hầu hết các khu rừng “gọi là nghèo” bị triệt hạ quả quyết rằng, toàn là
rừng “xịn” cả đấy. Còn vì sao từ rừng “xịn” thành rừng nghèo thì là cả một
“công nghệ” mà ai cũng biết nhưng cũng chả ai nói. Và ngay cứ cho là rừng nghèo
thì nó vẫn là rừng chứ không thể ngụy biện rằng cao su cũng là rừng được. Ngay
một số khu rừng khộp tồn tại trên đá thì nó vẫn có tác dụng rất lớn về môi
sinh, giờ phá ra trồng cao su không được lại để trồng cỏ thì vô cùng vô lý. Một
cựu bí thư huyện ủy thì nói: nhẩm thử thì thấy cứ tốc độ giao rừng thế này, so
sánh số dân trong làng và số rừng cấp cho doanh nghiệp, có khi dân không còn
chỗ... đi tiểu.
Một chuyên gia kỳ cựu về nông nghiệp nông thôn của tỉnh Gia
Lai trao đổi với người viết mấy điều rút ra như sau:
Một là không ai làm cái việc đổi tài nguyên rừng lấy nông
sản, đây là việc “ngu”.
Hai là trong khi đồng bào Tây Nguyên và không gian sinh tồn
của họ bị thu hẹp, không có đất sản xuất cho họ đủ sống thì nhà nước lại phá
hàng ngàn héc ta rừng. Hiện nay vấn đề đất sản xuất cho người dân tộc Tây
Nguyên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi đất của họ, hoặc đã bán, hoặc đã thu hồi.
Họ lùi vào rừng sâu, nhưng rừng lại là tài sản quốc gia, là thứ quốc cấm. Thế
là họ trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất của cha ông họ. Nhưng làm
thuê cũng không có việc. Ngay các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ tuyển dụng mà
họ cũng cố trốn tránh, để ra miền Bắc hoặc Trung tuyển người. Đây là một trong
những vấn đề rất gay gắt ở Tây Nguyên hiện nay.
Ba là giao đất cho các đại gia sẽ không thu được bao nhiêu
tiền, nói chính xác là nhà nước không thu được bao nhiêu, họ chỉ hứa hão. Mục
đích chính, tối thượng của doanh nghiệp là lợi nhuận, không bao giờ có từ
thiện. Nếu có từ thiện cũng là để phục vụ lợi nhuận.
Bốn là đã có ai thống kê việc các doanh nghiệp tuyển nhân
công là người dân tộc được bao nhiêu, xây dựng hạ tầng cơ sở được bao nhiêu...
Theo anh này, sau khi đã lặn lội khảo sát thì chưa được bao nhiêu.
Một lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai phát biểu ngay
trên nghị trường: “Việc tổ chức, triển khai dự án này quá chủ quan, nóng vội,
chạy theo thành tích để đạt về số lượng, diện tích".
Được biết tỉnh Gia Lai đã có đề nghị gửi chính phủ, bộ Nông
nghiệp Phát triển nông thôn sớm quyết định kết thúc việc phát triển cây cao su
trên đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các dự án
trồng rừng thay thế, phục hồi lại rừng nghèo. Tức nếu chủ trương này thực hiện,
thì hơn trăm năm hoặc là lâu hơn nữa, chúng ta lại sẽ có rừng như cách đây 7
năm. Và lại sẽ có tiền tỉ đổ vào các dự án trồng lại rừng này?
Muộn còn hơn không. Nhưng nói gì thì nói, cái “siêu dự án”
này đã phải trả giá quá đắt, mà người chịu giá ấy, cụ thể và gần gũi nhất,
không ai khác, chính là những người nông dân Tây Nguyên...
8 nhận xét:
Vài năm gần đây tôi hay gặp những đồ gỗ xuất khẩu có xuất xứ từ Việt nam trong IKEA ( chuỗi siêu thị của Thuỵ điển ) . Mừng vì chất lượng bàn ghế khá tốt theo chuẩn IKEA . Nhưng khi đọc nhãn sản phẩm nhiều cái ghi là làm từ gỗ cây cao su . Điều này chứng tỏ có gì không ổn trong việc khai thác cây cao su ở VN , vì mục đích trồng cây cao su là để lấy nhựa chứ không phải để lấy gỗ .
Bảo rằng "một cán bộ lâm nghiệp rất tâm huyết với rừng" thì không phải là không có, nhưng tỉ lệ tồn tại những người "tâm huyết" như vậy, so với những kẻ lợi dụng chức vụ để làm nghèo đi lâm sản nhưng làm giàu thêm cho bản thân, thì ít ỏi đến độ cứ nhắc tới mấy chữ "cán bộ lâm nghiệp" là dân người ta cảm thấy...tâm tư. Từng một thời gian dài lưu trú ở cao nguyên, nên biết nhiều cán bộ kiểm lâm trở nên giàu có nhờ bắt tay với lâm tặc. Nếu có một ai đó nhờ lấy chồng(vợ) làm trong ngành béo bở này mà đổi đời, thiên hạ sẽ tặc lưỡi ngay: Ôi dào, nó lấy kiểm lâm mà !!!
Dân gian đã tổng kết, nói cách khác là đã trở thành "Tục ngữ" thời nay: Muốn ăn thì phải phá.Đau lắm bác Hùng ơi!Dân đang còn lầm than. Ngay chỗ tôi trụ sở HU khánh thành lối 20 năm rồi mà năm nào cũng tu sửa, cơi nới, nâng cấp... đủ các kiểu. Ai hiểu...chết liền.
Đúng quá các Bác ạ. Gia Lai kiểm lâm nào cũng giàu có, được cấp cao che chở nữa là khác, thí dụ: Đường NĐC, Pku xóm tôi có ông Chi cục trưởng giàu lắm, Nhà SG 3 cái: 1 cái ở Phú Nhuận, 1 cái ở Quận 1 và 1 cái cao cấp nahf quận 3; vợ thì ở nhà đi tới đi lui....Con thì đi nước ngoài học tự túc. Nhân dân đang rất bất bình đây. Đương NĐC vỉa hè thì chật mà xe con vào ra nhà ông suốt đêm ngày dân càng kêu thán, Nhà ông thì đóng chặt cửa kg biset xóm làng là ai...chỉ chơi với lâm tặc thôi à
1 mình Kiểm Lâm bố nó sông dậy nó cũng chả dám mà bảo kê lâm tặc, nếu ko có các Sếp từ to đến bé, cả CA nữa...mới vào dây nó, thì rừng ơi là rừng, chỉ có khóc...theo dõi thì biết, mỗi lần chiêu đãi tiệc nhà của Kiểm lâm rất dễ điểm danh....CA, KS....KTĐ, cả Ban Tổ chức...cũng nhớn mặt đến. Thế mới biết cái ghế nó vững đến chừng nào ...
Vụ chuyển rừng nghèo sang cao su các Bác đừng lo: UBKT TW đã kiểm tra, Thanh tra CP đã thanh tra, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán thường xuyên...và kết quả cũng ...bình thường thôi! Trước đây Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã lên tiếng! Nay thêm HĐND giám sát nữa rồi chắc cũng huề cả làng thôi! Thậm chí một phầntiền bán gỗ của "rừng nghèo" cũng bị chiếm dụng, kiện ra tòa cũng mịt mờ...!Hu hu!
Rừng nghèo, cũng như miếng mồi ngon được thiên đình ưu đãi, mỗi tên kiếm 1 miếng; thằng ăn xong, lo cho thằng đang ngóng,hết thằng này lại đến thằng kia, chao ôi, cứ thế mà thằng nào cũng được chia phần của trời cho. Nếu hông, thì coi chừng...
Trên đường đườngtừ Kon Tum về Pleiku chỉ hơn 40 cây số, nếu chạy ban đêm, sẽ gặp rất nhiều thỏ rừng, nai, hoẵng... lang thang kiếm ăn bên đường, bị đóng đèn xe, chúng bất động đứng nhìn...
Bác Hùng lại nói chuyên tiếu lâm thời hiện đại rồi,tôi lên Gia lai = Kon tum từ năm 1976,đã chứng kiến rừng bắt đầu bị phá để trồng mì ,cao su.Hai bên đường từ Kon Tum về Pleiku rừng bị phá sạch không còn một cây để lập các vùng kinh tế mới đưa dân thành phố Pleiku,Kontum lên ,tôi còn nhớ khu kinh tế mới Ya Lu nằm khoảng giữa đường từ Kon Tum về Pleiku toàn nhà tranh vách đất,dân nghèo xơ xác
Tôi còn nhớ dân 2 câu vè mỉa mai phong trào phá rừng làm thủy lợi,trồng mì,lập vùng kinh tế mới của dân Đarlak
Nằm ngữa thấy Trần Kiên
Nằm nghiêng thấy Buôn Triết
Gia lai = Kon tum cũng tương tự không thua kém gì
Đúng là một thời ngu dốt
Đăng nhận xét