Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

LẠI LAN MAN CHUYỆN KỸ NĂNG SỐNG



Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng rõ ràng ở đây, bất cứ bà mẹ nào có con là cô gái như vậy đều xót. Đẻ con ra được bằng sào bằng với, nâng như nâng trứng hứng như hứng… con, uỵch cái chỉ lý do vu vơ nó cắt tay để chết thì còn nỗi buồn nỗi đau nào hơn...
---------



          Dạo này bỗng rộ lên chuyện học sinh mất tích, đặc biệt là nữ, cả thất thiệt lẫn thứ thiệt. Có cháu đã chết, ở Campuchia và cả ở TP HCM. Nhưng cũng có cháu đã trở về và… câm lặng, không nói năng gì, không tiết lộ gì, bí ẩn như… lỗ đen.


          Thôi thì bỏ qua những tin đồn thất thiệt, bỏ qua một số cháu bỏ nhà đi bụi, đến khi hết tiền thì về, và dựng lên bị bắt cóc hoặc cứ ngơ ngẩn không nói gì, còn những cháu bị mất tích khác, rõ ràng là có điều gì đó không ổn?

          Bất cứ xã hội nào, dù có ưu việt đến mấy, vẫn có những bất trắc không lường trước được. Và vấn đề là những bất trắc có thể là rất hiếm khi xảy ra ấy, lập tức được nghiên cứu và được phổ biến thành kinh nghiệm để tránh.

          Ở ta, có vẻ như, kỹ năng sống của người dân ít được phổ cập. Học sinh hầu như không được học kỹ năng sống, mà thay vào đó là những lý thuyết cao siêu, xa rời đời sống.

          Đến tận bây giờ mà thi thoảng báo chí vẫn đưa tin có những bà mẹ bắt cóc làm thịt cho con ăn, lại nhường bộ lòng có trứng cho con vì nghĩ nó… bổ. Đến bây giờ mà vẫn còn những người u mê đến thầy cúng giải hạn để thầy xâm hại tình dục đến có thai mà vẫn cun cút nghe lời thầy, tiếp tục để thầy làm phép… thổi bụng.

          Thì làm sao bọn trẻ có thể xử lý nếu như bỗng nhiên bị lạc, bị rơi xuống hố, bị đuối nước…

          Mới tháng trước, ầm ào cái tin hai chục cậu ấm cô chiêu đi phượt bị lạc ở núi Bà Đen Tây Ninh khiến hàng trăm người gồm cảnh sát và dân quân phải trắng đêm tìm. Mà núi Bà Đen thì nó như… quả đồi ở cách thành phố Tây Ninh chỉ 11 cây số và đầy hàng quán nhà cửa xung quanh.

          Hay như một sĩ quan phòng cháy chữa cháy kể với tôi rằng, hầu hết dân Việt không biết xử lý khi bị cháy. Một người được trang bị kiến thức tốt là phải biết xử dụng que diêm cuối cùng đúng lúc cần thiết để được cứu hộ, phải biết bò trong đám cháy để không bị ngạt và biết nhìn hướng gió để thoát đám cháy rừng, thậm chí chủ động đốt trước để đám cháy không lan đến mình, vân vân…

          Chúng ta dạy trẻ rất nhiều thứ, nhưng những thứ thiết thân nhất lại không dạy. Nên hàng ngày mở báo ra, thấy rất nhiều tin trẻ bị bắt cóc, bị dụ dỗ, bị cướp, bị hiếp, bị đuối, tự tử, bị bán, rồi đánh nhau và bị đánh… 

Dạy toàn diện là phải dạy cho trẻ từ trong nhà trường, từ ở nhà, để khi ra đời, ra đường, chúng  có thể tự bảo vệ được mình, xử lý được những bất trắc, ít nhất cũng biết… kêu cứu đúng cách.

Hôm qua ở Gia Lai có một cô bé sinh viên trường trung cấp nghề cắt tay tự tử. Sự việc rất đơn giản, chỉ vì nghĩ rằng cô giáo dạy Anh văn ghen với mình vì cho rằng cô này cũng yêu người mình yêu mà cô bé này cãi láo với cô giáo trong giờ học, cho rằng “cô không xứng đáng là giáo viên”. Cô giáo báo cáo lên ban giám hiệu, ban giám hiệu yêu cầu cô sinh viên làm kiểm điểm thì cô này cho rằng trường bênh cô giáo nên… tự tử. Tất nhiên là bạn bè cô phát hiện được nên cô… không việc gì. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng rõ ràng ở đây, bất cứ bà mẹ nào có con là cô gái như vậy đều xót. Đẻ con ra được bằng sào bằng với, nâng như nâng trứng hứng như hứng… con, uỵch cái chỉ lý do vu vơ nó cắt tay để chết thì còn nỗi buồn nỗi đau nào hơn.

 Khi đã ra ngoài đời, xa gia đình, hoặc lúc cô độc một mình, gặp nguy hiểm, mình phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình để mình an toàn. Còn quyết định như thế nào là do nền móng giáo dục từ gia đình rồi tới xã hội, cụ thể là trường lớp. Chúng ta đã vô cùng chậm trong việc dạy kỹ năng sống cho học sinh, để hở ra là oánh nhau, hở ra là tự tử, hở ra là chết đuối, là bị bán, là bị hiếp dâm...

Tất nhiên may là, những việc trên không phải là phổ biến, nhưng khi xảy ra nó thường ồn ào bởi, người ta ngạc nhiên: chả lẽ bây giờ, ở xã hội này, chuyện ấy vẫn xảy ra. Vâng, nó vẫn xảy ra…
                                                       
 

4 nhận xét:

Tăng Bá Hùng nói...

Ngắn nhưng thật là một tiếng nói cần thiết trong lúc này anh ạ.

Unknown nói...

Anh Văn Công Hùng !
Nhân anh "Lại lan man chuyện kỹ năng sống ", kính đề nghị với anh, với tầm ảnh hưởng của mình, đề nghị Bộ Giáo dục đưa vào chương trình giảng dạy Kỹ năng sống ( dạng như Phong trào Hướng đạo thủa thuộc Pháp ).
Tôi nghĩ và tin rằng sẽ rất nhiều người nhấn nút đồng ý khi anh đăng tải kiến nghị trên.
Công Thiết

Nặc danh nói...

Chiến dịch"hai không" của nguyên BT Nguyễn Thiện Nhân đã bị biến thành không học và không dạy ở trường thì tất nhiên"Kỹ năng sống" lại càng chuyện đơm đó ngọn tre

TNC nói...

Lan man 1: Mình không biết bơi dẫu mình sinh ra và lớn lên ở vùng ven sông, những người xung quanh mình đều bơi giỏi. Ngày bé theo bạn bè tắm sông, bố mẹ sợ mình đuối nước nên cấm. Lớn lên, lấy vợ, vợ mình lại bơi như rái cá. Cứ mỗi lần đi biển là mình lại thấy xấu hổ. Hai đứa bé nhà mình nhờ mẹ mà bơi cũng giỏi. Còn mình tập mãi mà vẫn không bơi được...
Lan man 2: Trong một buổi họp Phụ huynh cho con, có một vị phụ huynh chất vấn cô giáo khá gay gắt vì cho là cô đối xử thiếu công bằng với con của mình. Cô giáo chủ nhiệm của bé kỹ năng ứng xử khá non, may mà có người đứng ra gánh hộ... Có lẽ một số thầy cô kỹ năng sống cũng non nên khó mà dạy được học sinh....
Lan man 3: Trong chương trình Tiểu học hiện nay có tiết giáo dục kỹ năng sống, có sách của Bộ GD in hẳn hoi còn chất lượng dạy đến đâu thì quả là chịu. ...Vì bé nhà mình bảo, cô nói: “Cô còn lo dạy mấy môn chính, những môn này không có thời gian về nhà các em tự đọc và tự làm bài tập thực hành kỹ năng sống” ... Hôm nào mà thấy bé về mặt có vẻ “nghiêm trọng” và hì hục làm toán, học Tiếng Việt là hôm đó mình biết lớp bé sắp có đoàn kiểm tra ...Không biết đoàn đó có kiểm tra kỹ năng sống của học sinh không?
Lan man 4: Có lần mình đi công tác, trong đoàn có khá nhiều vị là ông này, bà nọ. Đoàn ở một khách sạn khá sang trọng, khi sinh hoạt thì thiếu bao nhiêu là kỹ năng, đến là xấu hổ...
Lan man 5: Làm việc với chuyên gia nước ngoài họ coi trọng kỹ năng hợp tác nhóm. Còn mình, nhiều lúc thấy thiếu gắn kết, thiếu chia sẻ. Anh nào cũng giữ một “mẹo” riêng cho mình...

TNC