Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

THÔNG TIN MỘT NGÀY

Hải Thanh là nhà thơ, hiện đang giữ chức Tổng biên tập tờ Văn nghệ Vĩnh Phúc. Tôi mới đi Ấn Độ với anh và vì thế mà không nhầm anh với Lãng Thanh, cũng ở Vĩnh Phú, một tài thơ mệnh yểu. Hải Thanh này thì không cường tráng nhưng dẻo dai.  Trông loẻo khoẻo nhưng té ra trên cái đầu có cặp kính cận ngơ ngơ ngác ấy căng chứa những suy nghĩ, mà cái bài anh vừa gửi tôi tối qua là một ví dụ. Trong một ngày, anh nhận ra biết bao thông tin, đọc cứ mang mang...




Ngày rất dài

                          - “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”
                             - “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”
                                                                                   (Nguyễn Du)
… Lại nghe một hồi chuông báo động của nhà truyền thông. Rằng: Một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên suy thoái/ xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Bây giờ xuất hiện lắm “nhà”, nhà nào cũng có chuông, và hình như những tiếng chuông kia đều cùng hãng sản xuất. Trên đường đến cơ quan làm việc, một ý nghĩ thoảng qua: Nghĩ ngợi làm gì thêm mệt óc!

Một buổi sáng râm ran, tự nhủ “nghĩ ngợi làm gì thêm mệt óc”. Nhưng như người tu chưa đến đạo, cố không nói câu gì, không nhìn thấy gì, nhưng những âm thanh khêu gợi vẫn cứ lọt vào tai. Này đây: Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won tuyên bố đệ đơn xin từ chức vì vụ chìm phà Sewol khiến cho hơn 300 người chết và mất tích. Tuyên bố của ông Chung làm cho nhiều người ngạc nhiên vì sự việc chìm phà đâu nằm trong tầm kiểm soát của ông, nhưng ông tự nhận đó là trách nhiệm của mình và sẵn sàng hy sinh sự nghiệp chính trị để chứng tỏ: Chính phủ Hàn Quốc là một chính phủ có trách nhiệm về sự an sinh của người dân. 

Anh bạn cùng phòng đưa ra một lời bình sắc lẹm: Theo như phản ánh của truyền thông xứ ta, hầu như ngày nào cũng xảy ra sự cố ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nào là tai nạn giao thông, tai biến y khoa, nào gẫy cầu, cháy chợ… Nhưng hình như chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm hay giải trình trước công chúng. Sự im lặng đáng sợ ấy đã làm cho cảm xúc của người Việt bị chai lỳ hay xã hội đang trong hội chứng mệt mỏi cảm xúc...

Sao không? Một cuộc tranh cãi xảy ra - Ngay sau sự kiện ông Chung, đâu chỉ riêng xứ Hàn mới nhiều trách nhiệm; mà ở Việt Nam, Thủ tướng cũng “xin lỗi nhân dân” tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp ngày 28-4-2014. Có người còn cho rằng, lời xin lỗi chân thành của Thủ tướng giống như một thông điệp gửi đến tất cả cán bộ, công chức của hệ thống hành chính nhà nước, bởi vì chân lý giản dị - biết nói lời cám ơn và xin lỗi - lại không hề đơn giản trong nền hành chính nước nhà. Đó là điều đáng buồn cho nền công vụ Việt Nam.

Trước khi có lời xin lỗi này, Thủ tướng quyết định rút đăng cai Asiad 18. Đó thực sự là trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Chính phủ với đất nước, với nhân dân, bỏ qua tất cả những lời mật ngọt, biện hộ cho sự háo danh, những bệnh thành tích, những cay cú ăn thua, trục lợi… của một số ít người.

Còn nữa: Quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng trước những diễn biến phức tạp của dịch sởi. Chuyện thực ra cũng không có gì phải ầm ĩ, nhưng ai đó không những đã cố tình quên mà còn đi ngược lại những sự cố y tế trước đó. Những vụ việc về y đức, những nhầm lẫn chết người, … và cách xử sự, điều hành, phát ngôn của lãnh đạo ngành y để lòng dân càng thêm ngờ vực. Ngay trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012 - 2015, do Bộ Y tế tham mưu, có nội dung: Năm 2012 chấm dứt bệnh sởi ở nước ta (!). Nhưng ra thực tế chỉ trong vòng 1 tháng dịch xảy ra đầu năm 2014 này thôi, cả trăm mạng người phải ra đi và cũng chưa biết khi nào thì chấm dứt thực sự.

Nhưng chuyện không dừng lại ở nỗi lo chuyên nghiệp đó. Trong thời gian chống dịch sởi, một trong những phương cách có thể cứu sống bệnh nhân bị sởi biến chứng là máy thở. Các bệnh viện đều kêu thiếu máy thở, và để khắc phục tình trạng này, 10 máy thở được xuất kho, nhưng thật là lạ, cả 10 máy đều không sử dụng được. Người có trách nhiệm giải thích nguyên nhân do máy cất kho lâu ngày nên hỏng một số bộ phận, nên phải có thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng (!).

Trong cơn nước sôi lửa bỏng của những mạng người, lại nghĩ tới nhiều chuyện khác - về cái chết không chết ngay mà chết từ từ.

Người ta thường vẫn nói, chữa bệnh cứu người, dạy dỗ nên người là hai cái nghề cao quý, hướng thiện, rất đáng trân trọng. Nhưng chính ở đấy lại ẩn chứa nhiều yếu tố xa đạo đức nhất. Có thể đấy chỉ là nỗi ám ảnh về một dấu chấm đen trên tờ giấy trắng, nhưng không thể bắt con người không nghĩ suy.

Đấy là thông tin đề án 34 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình - SGK. Có nghĩa là ngành giáo dục lại tiếp tục một “trận đánh lớn”, chỉ tiếc rằng chưa đánh đã loạn, đến nỗi tư lệnh ngành phải nhận lỗi “sơ suất”,  để sau đó tự rút lui, gửi lại đằng sau dư âm “sống chết mặc bay, thầy không biết”.

Thực ra, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục kia đã được trình Quốc hội vào tháng 5 - 2011, với mức kinh phí đề xuất 70 nghìn tỷ đồng. Vẫn Đề án đó, lần này quý Bộ giảm bớt 35 nghìn tỷ so với đề xuất trước. Thực chất cái gọi là đổi mới chỉ là bình mới rượu cũ. Xin dẫn ra đây một ví dụ về “sản phẩm”. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tính đến năm 2013, cả nước có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Nhưng theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996, đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Chưa hết, để minh họa cho tiến trình này, cách đây không lâu, trong “chiến lược cán bộ công chức” được công bố, Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Vâng, cũng biết là phải biết như thế. Trước mắt thì tạm chia sẻ với 15.000 tiến sĩ còn đang “lang thang cơ nhỡ” ở nơi nao, và cũng chẳng nên nói thêm làm gì khi Việt Nam đã được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực, chỉ có chút thắc mắc là nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á mà thôi... 

Đến đây, tự nhiên có tiếng người văng vẳng: Không nên nhiều than phiền, hãy biết tìm niềm vui trong cuộc sống. Ai nói nghe quen quá. Ờ nhỉ, cuộc sống thiếu gì vui mà cứ ngơ ngẩn mãi với đồng chiều, cuống rạ…

Trước mặt sẵn cái máy tính, tin vẫn còn hôi hổi: Festival Huế lần thứ 8 đã thành công. Với hàng trăm chương trình biểu diễn, trình diễn suốt cả tuần lễ không hết; nhưng không hẳn thế, sự thành công phải kể đến việc đầu tư lớn hơn cho sự hoành tráng hơn, hiện đại hơn, và điều quan trọng là thu hút được lượng khách du lịch nhiều hơn các kỳ trước, bỏ lại đằng sau Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…” (Thu Bồn).

Mới hết nửa ngày thôi. Vẫn buồn, nhưng không thể buồn hơn thế. Dắt xe máy ra về, lòng mang mang khó tả. Dừng lại trước cây xăng, lại bỗng giật mình. Bộ Tài chính quyết định cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được tăng giá bán theo phương án ngưng sử dụng trích Quỹ bình ổn xăng dầu... Nhìn biểu đồ giá xăng dầu, nhiên liệu từ đầu năm đến thời điểm này, thấy sự trồi sụt khó hiểu. Nhưng điều dễ nhận thấy là khả năng lỗ thực của xăng dầu gần như không có. Bởi vì khi giảm giá thì doanh nghiệp xăng dầu được hưởng Quỹ bình ổn, tăng giá sẽ không được sử dụng phần trích. Doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có thể yên tâm vì giá chỉ có tăng mà không mấy khi có giảm. Trong khi xăng dầu mang lại lợi nhuận không tính đếm được cho bất cứ cá nhân, đơn vị kinh doanh nào khéo léo… “lựa” luật, thì rất nhiều doanh nghiệp khác hoặc ngày càng thêm thua lỗ, hoặc bị phá sản, vì giá xăng đi ngược chiều với giá thế giới.

Xem ra điều ấy cũng chẳng sao, vì người tiêu dùng khổ mãi thành quen, nếu có sướng, chắc gì đã chịu nổi. Người ta kỳ vọng vào những điều lớn lao hơn. Ấy là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt trong bản đồ cung ứng linh kiện của nhà sản xuất máy bay Airbus.

Theo thông tin được Tập đoàn Airbus công bố, nguyên nhân khiến Airbus lần đầu tiên chọn một công ty ở Việt Nam sản xuất linh kiện là chi phí rẻ, tác động tích cực đến giá thành. Linh kiện được sản xuất ở Việt Nam là những thanh xà dọc nằm bên trong và tấm che bên ngoài làm từ composite của thiết bị có tên Sharklet. Đây cũng là lần đầu tiên một linh kiện mang tính kỹ thuật quan trọng của máy bay được sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn còn cho biết: Với hơn 4.280 máy bay A320 chờ giao cho khách hàng trên toàn thế giới, gói sản xuất mới này sẽ đảm bảo nguồn công việc lâu dài cho (công ty Nikkiso) Việt Nam; đồng thời góp phần làm tăng trưởng thị trường hàng không và tạo điều kiện để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Chuyện động giời như thế mà sao cái đầu cứ mông lung trước những thông tin: Năm 2002, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Theo đó, đến 2010, ngành phải đáp ứng 40% -50% nhu cầu cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng... Tuy nhiên, sau 10 năm, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Theo Hội Cơ khí Việt Nam, đến 2012, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí mới đạt 32,58%, xuất khẩu chưa nói đến. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của ngành này năm 2103 lên đến 24,8 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với mức nhập khẩu năm 2006 (8,7 tỷ USD). Tính bình quân, mức nhập siêu của ngành cơ khí khoảng hơn 10 tỷ USD/năm. Giờ, nói đến công nghiệp không hàng, dạ thưa - không dám nữa đâu.

Cuối ngày. Mệt mỏi về quê. Chẳng nhẽ không nghĩ được cái gì nuôi thân xác. Vừa sờ đến cái tủ lạnh, lại tiếng Đài truyền thanh xóm khuyến cáo không nên cho trẻ uống sữa vì trên thị trường có nhiều loại sữa bị nhiễm khuẩn. Nghe thế, mấy bà già ôi dào: “Nhất cơm tẻ, nhì khẽ đi, tiền đâu mà vẽ chõ”.

Mấy bà mẹ trẻ lại nghĩ khác: “Sữa là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ”. Nhưng...

Theo công thức, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có nồng độ đạm trong khoảng 10-17%, nhưng quy định mới của Bộ Y tế lại yêu cầu nồng độ đạm phải đạt 34%. Bởi vậy, hàng loạt sữa công thức bỗng dưng thành “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung” và thoát khỏi danh sách phải kiểm soát giá. Lạ lùng thay, Bộ Tài chính đổ lỗi cho Bộ Y tế, còn đại diện Bộ Y tế thì vẫn quả quyết rằng mọi sự phải theo “quy chuẩn”. Sự việc đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu hai Bộ báo cáo về thông tin mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao (!).

Lạ một điều là, chính sách thuế nhập khẩu ổn định, mà giá sữa có năm tăng 5-7 lần. Và sau mỗi đợt kiểm tra, kết quả cho thấy như một lẽ hiển nhiên: Giá sữa tăng là hợp lý.

Mặc dù trên thế giới, nhiều quốc gia sau những mất mát về thể lực giống nòi đã xây dựng và thực thi “quyền uống sữa” cho trẻ em, trong khi đó, 25% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (Theo công bố của Unicef) thì nhất định không. Và khi cuộc tranh luận vì sao giá sữa tăng vẫn chưa có hồi kết, sự thiệt thòi luôn thuộc về các bà mẹ và em bé - và hơn thế, nó còn liên can đến tương lai của giống nòi. 

Ấy vậy mà, mới đây, theo lời Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), từ nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand, dự kiến đến tháng 6 - 2014, Vinamilk sẽ đưa dây chuyền sản xuất sữa nước tại đây vào hoạt động. Kế hoạch những năm tới không chỉ ở Mỹ, mà Vinamilk sẽ còn phát triển ra một số thị trường châu Âu, đặc biệt là những nơi chuyên nghiệp về chăn nuôi bò sữa (!).

Không có uống thì nghĩ đến cái ăn. Không chỉ tính 6,7 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2013 mà từ lâu, Việt Nam đã thực sự trở thành vương quốc lúa gạo. Chỉ có điều, gạo xuất khẩu hàng năm đứng nhất nhì thế giới mà nhà nông vẫn cứ nghèo. Chủ trương để người làm ra hạt gạo có lãi 30% bao năm vẫn cứ xa vời. Đấy là chưa kể không ít miền quê vẫn thiếu gạo, đói cơm mỗi khi giáp hạt…

Đó là câu chuyện “cái bẫy trung bình” mà nước Việt, hoặc thoát khỏi, hoặc sẽ mãi rơi vào không lối thoát, trước cơ hội và thách thức hội nhập kinh tế thế giới. Cho tới nay, với mức thu nhập trung bình 1.960 USD (2013), Việt Nam đang đứng ở đâu, khi mà “luật chơi” của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng lúc đưa ra cho chúng ta những viễn cảnh chói mắt, nhưng cũng đầy khắc nghiệt? Không thể viển vông - Câu trả lời ở chính sự nỗ lực và bản lĩnh vươn lên bằng trí tuệ, tài năng sáng tạo và năng suất lao động toàn xã hội, để trở thành quốc gia phát triển bền vững!

Đấy là thông tin của một ngày. Một ngày sao dài thế. Một năm thì lại ngắn không ngờ. Vẫn còn rượu Tết mà đã hết tháng Tư. Rờ lại mình, tự nhớ câu thơ của Thiền sư Mãn Giác: “Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai - Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi”. Tôi, chính là tôi “nửa ngày đi” không nuôi đủ “nửa ngày nằm” nên vẫn đói. Đói, nên không thể nào ngủ yên được trước miên man thao thiết của một ngày.

                                                            Ngày 1.5.2014
                                                             HẢI THANH

Hải Thanh đang "Phụ" Dili mua trái cây tại chợ Ấn Độ. Nói với nhau bằng tiếng Anh nhưng khi đụng đến giá tiền giơ thêm ngón tay cho chắc chắn...







6 nhận xét:

PHẠM DŨNG nói...

BÀI TỔNG KẾT KHÁ ĐẦY ĐỦ... THẤY NGƯỜI VIẾT CÓ TÂM... CẢM ƠN

yamaha nói...

Không phải "loẻo khoẻo", mà là "lẻo khoẻo" bác Hùng ạ! Nhưng no star where, chắc do lỗi gã thư ký đánh máy thôi, bác hỉ ! Hìhì...

Unknown nói...

Bác Hải Thanh nêu lên khá nhiều vấn đề đang ngổn ngang ở nước Vệ : trách nhiệm cá nhân nhẹ như lông hồng, cải tiến cải lùi giáo dục , sản xuất lúa gao xuất khẩu nhiều mà nông dân vẫn khổ , giá sữa, giá xăng dầu cứ lên như diều gặp gió , tình hình ngành cơ khí bết bát ... với sự trăn trở của một người có tâm và có tri thức nhưng Bác Hải Thanh ơi ở nước Vệ còn bao nhiêu vấn đề nữa như : Điên nặng, thủy điên,Boxit, các Tập đoàn kiểu vinashin ..vấn đề giao thông , vấn đề an ninh xã hôi: ra đường là thấy bất an, hay như việc Công nhân lao động phổ thông Trung quốc tràn lan ở các công trình xây dưng mà không thấy ai ngăn chặn .Nào là chạy chức, chạy quyền, rồi nạn tham nhũng tràn lan thành quốc nạn nguy hơn là mọi người phải chấp nhân cái lũ sâu bọ này mà không còn là một con sâu mà là bầy sâu như ông Tư Sang CT nước nói . Sao nước Vệ cứ như cái áo rách sờ đến đâu cũng thủng ... Tôi cũng đành như các bác Hải Thanh - VCH vậy thôi:
'" không ngủ được trước miên man thao thiết một ngày " mà chẳng biết nàm thao...
P/S :tôi "vơ " cả Bac VCH vào vì nghĩ Bác post bài lên là Bác cũng tâm trạng như tác giả ( nếu không đúng xin Bác VCH thứ lỗi )

Daniel nói...

Quả là " ngày còn dài " , quá dài để chúng ta tiến tới thiên đường định hướng XHCN .
Thanh Hải là nhà thơ mà bài viết của anh đầy ắp số liệu thống kê đầy tính thuyết phục .

Nặc danh nói...

Thì mấy Bác lấy tôn chỉ, mục đích của nhà thơ Sóng Hồng ra mà mần, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ, ngòi bút cũng nà vũ khí, bắn riết rồi nó cũng toi mà. Chúc các bác vững tay súng.

Hà Tĩnh nói...

Đọc bài của bác cũng làm nhà cháu khó ngủ. Thôi thì hãy tin vào tương lai tươi sáng vậy, lúc nào ta lên đến XHCN thì tất cả những vấn đề trên sẽ được giải quyết tốt đẹp. Còn bây giờ đang định hướng XHCN nên vẫn phải có những vấn đề là điều dĩ nhiên. Nhà cháu cũng không biết mình có đúng nữa không