Mình phát biểu mấy ý theo suất của... tác giả được giải, "em" nào cũng nói mấy câu.
Một là hoàn toàn không nghĩ là mình được giải, mà lại là giải cao nhất. Đơn giản là vì so với mấy tờ báo mình hay cộng tác, thì tờ NLĐ nhuận bút sóng sánh hơn. Viết xong chả biết gửi đâu bèn nghĩ tới em Võ Kim Ngân, trưởng đại diện báo NLĐ tại Miền Trung. Đấy là người đàn bà làm báo nhiệt tình, siêng năng và có tài (mình ca thêm mấy câu nữa nhưng không viết ra đây để nàng sướng quá thì nguy), mình gọi điện bảo em ơi, anh có bài này... hay lắm, báo em xài không? Ngân bảo anh mail đi. 1 tiếng xong thì bảo: em chuyển cho tòa soạn rồi, dự thi nhé. Và lúc ấy mình mới biết rằng báo NLĐ có cuộc thi bút ký phóng sự.
Bài ấy là bài "Đăk Pơ một chiều", bài này sau khi in báo NLĐ thì mình đưa lên blog, và đến nay có gần 1000 comment, thuộc loại kỷ lục của cả báo và blog. Nơi ấy còn 147 liệt sĩ của trung đoàn 96 chưa tìm được hài cốt, chưa kể bộ đội địa phương và lính phía bên kia. Các comment đều ngỏ ý muốn xây ở đây một đền tưởng niệm các liệt sĩ trước khi có điều kiện quy tập. Kết quả là vừa qua, ngân hàng Viettin Bank đồng ý cho 18 tỉ để xây, nhưng hiện nay đang có ý kiến là xây tượng đài chiến thắng. Các cựu chiến binh lại ào lên, bởi các bác chỉ muốn xây đền. Mời đọc Ở ĐÂY.
Được đà xốc tới, bài thứ 2 là "Đau đáu Tây Nguyên", mình nói luôn, bài này các BTV của báo NLĐ rất giỏi, là bởi mình viết bút ký văn học, khi xử lý, biên tập viên đã cắt rời cảm xúc ấy ra, không bỏ một chữ nào, nhưng cắt chỗ này cho vào chỗ kia, thế là thành một bút ký báo chí. Chính bài này được giải nhì không có giải nhất của cuộc thi.
Thứ 2 là mình rất nể các giám khảo. Cách đây nửa tháng, nhân cuộc bộ trưởng bộ Công An gặp mặt các nhà văn Việt Nam, mình có gặp ông Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức ở Đà Lạt, chả nghe các ông ấy nói gì. Ngay sáng nay gặp các ông ấy ở tòa soạn, cũng chả nghe nói gì. Đến lúc vào họp, nghe thông báo mới biết ban giám khảo có 3 người, ngoài 2 ông ấy có thêm ông Nguyễn Đình Xê. Mình bảo: nếu là tôi, có kiềm chế lắm thì tôi cũng phải thì thào: tao đang đọc cho cuộc thi ấy, thấy có bài của mày đấy, triển vọng lắm, cố lên... Còn không kiềm chế thì la toáng lên: Tao đang đọc chấm của mày đấy VCH ơi, khả năng vào giải là rất cao... Đằng này các ông ấy kín như bưng, chứng tỏ BGK rất... công tâm, sòng phẳng và đầy trách nhiệm.
Còn ngoài lề mình nói: không chấm giải nhất là các ông BTC lãi... 10T. Nhưng Dương Quang p Tổng Thư ký tòa soạn nói: không có đâu anh, tăng thêm mấy giải KK, huuhu...
Thực ra thì báo NLĐ cũng nghèo. Giải thưởng và chi phí là do nhà tài trợ lo. Khi được mời xuống lĩnh giải, các em ở phòng tài chính nói rõ: BTC sẽ bao 1 đêm ngủ ở... nhà khách công đoàn và vé xe. Mình không mua được vé xe, cạy cục mãi mới mua được vé máy bay giá cao nhất, cả tắc xi ra vào sân bay là gần 4T, được thanh toán 1T, cộng với giải 15T, vẫn sóng sánh hơn hoa loa kèn tháng 4.
Tất nhiên là trưa nay báo NLĐ mời nhậu, xong rồi thì anh Đoàn Thạch Biền rủ đi tăng 2, có thêm Trần Hoàng Nhân và anh Trương Điện Thắng (giải KK hehe. Anh Thắng bảo tao viết hay hơn thằng H mà nó nhì tao chỉ KK là răng, phải giải thích rõ, rồi cười he he. Lão này dân Quảng mà, biệt tài lớn nhất là... cãi).
Tóm lại là, mình không ham giải mà chỉ ham... giá trị giải. Nên mình sẽ không phải mở ngoặc đóng ngoặc (giải nhì duy nhất không có giải nhất). Và từ hôm nay thư ký tòa soạn báo này đã... đặt bài tết rồi, tết này chắc chắn sẽ có mấy triệu nữa, ấm no hạnh phúc bắt đầu từ giờ...
Báo NLĐ đã kịp online cuộc này:
Các tác giả hân hoan nhận giải phóng sự, bút ký của Báo Người Lao Động
Thứ Ba, 29/04/2014 13:07
(NLĐO) – Sáng 29-4, 5 tác giả xuất sắc đã có mặt tại tòa soạn Báo Người Lao Động để nhận giải Phóng sự, bút ký 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.
Cuộc thi nhận được 200 bài từ 160 tác giả
Qua 10 tháng phát động (từ 31-5-2013 đến 30-3-2014), cuộc thi Phóng sự, bút ký năm 2013-2014 nhận được 200 bài dự thi từ 160 tác giả, trong đó có 42 bài được chọn đăng. Ban giám khảo gồm: Nhà báo Đoàn Thạch Biền, nhà báo Nguyễn Đông Thức và nhà báo Nguyễn Đình Xê, đã công tâm chọn ra 1 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích (không có giải nhất).
Ông Đỗ Danh Phương tặng hoa đại diện nhà tài trợ
Ông Nguyễn Văn Trạch - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa cho ban giám khảo
Những bài dự thi năm nay tập trung vào
các vấn đề đang được quan tâm trong cuộc sống ở tất cả các lĩnh vực, qua
đó phát huy yếu tố tích cực, đẩy lùi cái xấu; ca ngợi phẩm chất can
trường, sắt đá, ý thức chủ quyền biển đảo của người Việt Nam. Đồng thời,
nhiều bài viết cũng ca ngợi cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong
lao động sản xuất, hoạt động cộng đồng, quá trình gây dựng cơ nghiệp của
người lao động; các mảnh đời éo le, nhân tài gặp khó khăn, những vùng
đất lạ, hấp dẫn cần khám phá… Bên cạnh đó, các tác giả còn thể hiện niềm
đau đáu về vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay như phá rừng xây dựng
thủy điện, văn hóa bị lai căn, hủ tục của người dân tộc thiểu số…
Ban giám khảo trao giải cho tác giả Văn Công Hùng
Tác giả bài viết Khắc khoải rừng Cát Tiên và Lý Sơn - Đá và người nhận giải thưởng
Ông Huỳnh Trung Nghĩa và tác giả Quang Vinh (Trần Thường) nhận giải
Phát biểu tại buổi trao giải, ông Đỗ
Danh Phương - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - cho biết nắm bắt nhu
cầu bạn đọc, báo tổ chức cuộc thi Phóng sự, bút ký 2014. Đến nay, những
mục tiêu ban đầu đặt ra đều đã đạt được với sự tham gia của hàng trăm
tác giả, đối tượng tham gia đa dạng, đề tài phong phú… Ông Đỗ Danh
Phương hứa trong thời gian tới, ban tổ chức sẽ phát động thêm nhiều cuộc
thi chất lượng, hy vọng được nhiều người hưởng ứng và tăng tính tương
tác với bạn đọc.
Ông Danh Phương hy vọng những cuộc thi tiếp theo sẽ nhận được nhiều sự hưởng ứng và tăng tính tương tác với bạn đọc.
Ban giám khảo cho biết các bài đoạt giải
rất xứng đáng do các tác giả có vốn sống, kiến thức thực tế sâu sắc, là
nền tảng để phôi thai và sáng tạo ra những đề tài độc đáo, bài viết
hay.
Nhà văn, nhà báo Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức trao đổi về chất lượng bài thi
Cũng tại buổi trao giải, tác giả bài viết Quán nhỏ, nghiệp lớn
- Huỳnh Công Nghĩa cho biết ông có sở thích ngao du, tìm tòi và bài
viết được phôi thai trong một lần ông “dạo chơi”. Tác giả Trần Thường
(Quang Vinh - tác giả bài Vào rừng sinh con) tâm sự rằng cảm thấy anh
cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc khi biết mình đoạt giải vì chuyến đi của
anh trước hết với mục đích khám phá, tìm hiểu và viết theo cảm xúc thật.
Còn tác giả bài viết Khắc khoải rừng Cát
Tiên – Khắc Dũng nói rằng tính trung thực, lòng yêu nghề buộc anh phải
lên tiếng, vượt qua những rào cản để mạnh dạn cầm bút viết.
Các tác giả chia sẻ trải nghiệm khi viết bài dự thi
Điều bất ngờ là ông Trương Điện Thắng,
tác giả bài báo Lý Sơn – Đá và người kể rằng đây là lần đầu ông đến Lý
Sơn, viết bài và lần đầu đoạt giải, không giống suy nghĩ nhiều người là
ông đã đến Lý Sơn nhiều lần và gắn bó lâu với vùng đất này. "Có lẽ nếu ở
đây suốt thì tôi không viết được những dòng này, vì khi đó cảm xúc đã
bị bão hòa", ông Thắng nói.
Các tác giả cũng gửi lời cảm ơn đến ban
tổ chức đã tạo một sân chơi cho họ được thử sức mình và mang lại hiệu
ứng tốt đẹp cho xã hội.
Kết quả cuộc thi:
- Giải nhất: Không có.- Giải nhì (1 giải): Đau đáu Tây Nguyên, tác giả Văn Công Hùng, đăng ngày 11-8-2013.
- Giải ba (2 giải):
+ Quán nhỏ, nghiệp lớn, tác giả Huỳnh Trung Nghĩa, đăng ngày 19-1-2014.
+ Người hùng sông Ba, tác giả Lê Quang, đăng ngày 25-8-2013.
- Giải khuyến khích (5 giải):
+ Khắc khoải rừng Cát Tiên, tác giả Khắc Dũng, đăng ngày 9-6-2013.
+ Hủ tục rợn người, tác giả Hoàng Phúc - Bùi Tú, đăng ngày 4-8-2013.
+ Linh hồn của đá, tác giả Nguyễn Quang, đăng ngày 3-11-2013.
+ Lý Sơn - Đá và người, tác giả Trương Điện Thắng, đăng ngày 12-1-2014.
+ Vào rừng sinh con, tác giả Quang Vinh, đăng ngày 18-8-2013.
5 nhận xét:
Chúc mừng nhà báo Văn Công Hùng !
( đã có khi nào anh được giải 3 mà không có nhất- nhì chưa ?)
Chúc mừng Bác VCH đoạt giải 2 trong cuộc thi không có giải nhất ( tức là Bác đã đoạt giải nhất.. hi hi ...). Đó là nguồn động viên tinh thần hăng say sáng tác Bâc nhỉ và nhất là có chút đỉnh xiền uông bia cùng bè bạn...
HÂN HOAN NHẬN GIẢI...
HÂN HOAN TĂNG HAI....
ĐỢI MÃI MÀ KHÔNG THẤY...HÂN HOAN KHAO RỬA CHI CẢ LÀ LÀM RĂNG HẢ VCH ???
Chúc mừng bác VCH!!... Nhà cháu cũng đã nghĩ 'ngắn' tức thời là ban tổ chức bỏ trống giải I để... tiết kiệm chi phí ( "10T" như bác đã nói). Nhưng rồi lại ngẫm nghĩ 'dài' thì nhà cháu cho rằng nếu bài dự thi hay, hấp dẫn, có tính thực tế cao,vv... thì phải được chấm giải I; lại thêm, 'giải I' là 'giải I' ở một cuộc thi năm nay chứ có phải là 'giải I cho... muôn đời sau' đâu?!?! Bởi vậy, nhà cháu không nghĩ rằng ban giám khảo đã hạ bậc kết quả bài thi của các bác chỉ vì liên quan đến kinh phí - nếu sự thật là dùng kim ngân để đánh giá tài năng như thế thì thật là tội nghiệp cho các tác giả quá?? Có giải, lãnh được cọc tiền là vui với công sức và tâm huyết đã bỏ ra, nhưng niềm vui của các tác giả sẽ trọn vẹn hơn nếu như những đứa con tinh thần của họ cũng được vinh danh đúng như nó đáng lẽ phải như thế? Nhà cháu dài dòng như thế là chỉ để thắc mắc một câu: bài dự thi đạt giải nhì của bác còn thiếu tiêu chí gì để đạt 'chuẩn giải nhất' ạ? Mong bác chia sẻ để các thí sinh năm sau rút kinh nghiệm được không ạ? Một lần nữa nhà cháu xin chúc mừng bác VCH với bài dự thi đạt giải nhì với ban giám khảo, nhưng đoạt... championship với bạn đọc!hihi...
Nhớ nộp thuế nhé Bác Hùng!
Đăng nhận xét