Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

VĨNH BIỆT GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU

Cái laptop trở chứng đúng lúc cần nhất. Không hiểu sao cứ mở ra khởi động xong lại tự tắt phụt, đen ngòm. Loay hoay suốt đêm. Chờ đến giờ dậy mở thử, thấy được, không hiểu tí có việc gì không nên tranh thủ làm. Ấy là cái tin GS Trần Văn Giàu mất. Trước hết mình kính trọng một người cao tuổi, cụ hơn trăm tuổi, như cụ Giáp. Sau nữa nghe cụ là một trí thức tài năng và trung thực.
Bài dưới đây của một người nhận là học trò thầy.

Bài viết này tôi đã viết từ năm 2000, lúc GS còn khỏe. Năm ngoái có sửa lại một vài chỗ, nhân mừng thày trăm tuổi. Chập tối nay TS Lê Sơn, thư ký giải thưởng Trần văn Giàu nhắn tin rằng GS đã mất lúc 5 giờ chiều ngày 16 tháng 12. Xin gửi đăng như một lời ai điếu, một nén tâm nhang dâng lên thày- người rất thày, rất mực yêu nước, thương nòi nhưng sinh bất phùng thời ! 

VÀI KỶ NIỆM NHỎ
VỚI GS TRẦN VĂN GIÀU

Đoàn Nam Sinh

Biết sinh nhật Thầy Giàu đã qua nhưng tôi vẫn điện xin đến thăm. Người nhà nói thầy không khỏe sau mấy ngày lễ, nhưng tôi nhớ hình ảnh thầy trên truyền hình sao ốm yếu quá, phải khoác chiếc áo vét bên ngoài bộ đồ ngủ, sợ thầy sớm đi xa nên tôi bảo lòng hãy cứ đến thăm.
Tôi nhớ ngày còn bé, khoảng năm 60, ba tôi có nói đến thầy Giàu, một nhà họat động cách mạng, một chỉ huy quân sự sắc sảo, một người giỏi vận động quần chúng bằng lý luận…, tôi đã hình dung ra một con người oai vệ, tiếng nói ấm áp như sấm vang, mắt phượng xuyên thấu mọi ý nghĩ…, lúc ấy thầy còn ở ngoài Bắc và ba tôi chỉ là một nông dân trồng rau ở Đà Lạt.
Hoàn cảnh công việc của 25 năm sau ngày đất nước thống nhất khiến tôi chưa có dịp nào được gặp thầy, ngoài một lần nghe anh bạn ở Nhà Văn hóa Tân Bình kể rằng, mời thầy nói chuyện với Thanh Niên của Quận cũng không dễ. Đó cũng là một chuyện cũ, vì ngay sau những ngày giải phóng quá bề bộn.
Tôi hỏi một anh bạn vong niên ở Viện Khoa học Xã hội, nên mang theo quà gì để đến thăm thầy đây ? Hay gần dịp Trung Thu cậu nên mua cái bánh. Tôi nghĩ thầy có ăn được không, có nên không ? Rồi thì tôi đội mưa đi, cơn mưa sáng nặng hạt trong lúc mực nước sông Cửu Long vượt báo động ba từ hôm qua. Trong lòng nghe gay cấn lời anh bạn vong niên đã nghỉ hưu từ lâu nhắn nhủ, xem thầy dạy điều gì thêm thì nhớ lấy.
Tôi vẫn có cách nghĩ hơi phù phiếm, mua hoa và một cánh thiệp, lần sơ ngộ sao cho nhẹ nhàng. Vả lại tôi cũng chỉ muốn thăm thầy với lòng ngưỡng mộ bấy lâu.
Các cửa hàng hoa ngập hoa Đà Lạt, hoa từ Tây, từ Tàu mà tôi đã ngán đến óc. May mà nhớ được ở góc chợ Bến Thành có bán hoa sen, hoa này có phải riêng có ở miền Nam đâu, dọc đường về Hải Dương miền Bắc cũng đầy. Tôi mua chục sen hồng, nhớ đến anh Trịnh Công Sơn với “sen hồng một nụ”, xin kèm thêm dăm cành lá Tuế, tìm một chiếc thiệp đề những hàng chữ run rẫy vì kính trọng, và cũng vì quên mang theo mục kỉnh.
Chuông nhà thầy lại hỏng, có phải vì quá nhiều người đến đặt tay lên đấy trước tôi hay thầy hạn chế khách thứ, có đấy mà không dùng được ?
Chị bán hàng quà vừa che mưa vừa ái ngại bảo tôi gọi Hồng- người nhà của thầy. Một cô bé xuất hiện hỏi chú gọi điện lại ban nãy phải không, rồi kéo cổng.
Tôi thích màu xanh cây lá mọc quanh nhà, nhưng thói quen phân loại lại nhắc bảo tôi sao những giống loài lại được bố trí ngẫu nhiên như vậy, giống với những đám cây trang trí quanh ngôi nhà miền quê Nam Bộ.
Thầy ngồi ở phòng sau, đang đọc một cuốn sách gì đó khá dày, mà tôi mường tượng là tiếng Pháp. Thầy đứng dậy đổi chỗ cho tôi, chân thầy yếu khiến tôi ái ngại. Thầy gầy gò quá phải ngồi trên ghế có kê chiếc gối nhiều màu, chiếc áo bên trong mà tôi đã thấy trên truyền hình có lẽ là chiếc áo bà ba trắng.
Thầy mời tôi uống trà, một loại trà chợ bình thường. Thầy hỏi việc làm thuốc trừ sâu vi sinh có thị trường không ? Bà con nông dân có chấp nhận không ? Công việc nếu tốt như chú kể sao tôi không thấy nói gì trên báo chí.
Thầy bảo cháu mang bia ra, tôi hỏi thầy còn uống bia được sao, thầy bảo được.
Tôi trình bày với thầy, trước tôi đã làm ở Đà Lạt tốt lắm, nhưng địa phương giải thể cơ quan. Về Trường Nông Lâm làm mấy năm, Trường lại chưa có được cơ chế cho phép sản xuất. Một phần là các nhà nông chưa tin vào khả năng của anh em trong nước, nhất là lĩnh vực nầy.
Thầy hỏi trên thế giới, mặt hàng này có cạnh tranh dữ không, nếu có thì tìm mua công nghệ của họ được chứ gì ? Tôi thưa rằng cái mình cần mua thì họ bán đắt lắm hoặc không bán. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng công nghệ của riêng mình. Chậm mà chắc thì hơn.
Và tôi hỏi thầy là nhà sử học, chắc thầy cũng thấy có những việc nôn nóng không được. Thầy nói có những việc không nên nôn nóng, nhưng có nhiều việc phải làm gấp mới nên. Các chú làm theo cách đó thì chậm quá. (Dường như người cao tuổi thấy mọi việc lớp trẻ làm sao quá chậm ?).
Thầy hỏi cơ sở chúng tôi đầu tư bao nhiêu vốn rồi. Sao không thành lập công ty cổ phần ? Tôi thưa phải làm công ty hợp danh thôi, các cổ đông thường muốn lời cao, mà chính phủ định ra là nông dân phải lời 40% thì tụi con cũng chỉ thế thôi.
Tăng giá để tăng nhanh tích lũy vốn thì lại hạn chế sức tiêu thụ của nông dân, mà mục tiêu của tụi con là muốn nông dân hạn chế hóa chất độc hại, nhất là trên lúa, nó hại cả thủy sản. Bà con làm lúa thì nghèo…
Thầy nói phải phát triển Công nghệ Sinh học để công nghiệp hóa nông nghiệp, nhưng tôi không kịp hiểu ý thầy muốn nói đến một nền nông nghiệp sinh thái- hiện đại mà bền vững. Thầy đập mạnh tay lên bàn, tôi không tin là mọi cổ đông đều đòi mức lời cao, chỉ cần cao hơn mức tiết kiệm mà bảo đảm thì không thiếu. Các công ty hay lừa người có vốn, lừa dân. Tầng lớp nào, loại công ty nào cũng có hạng lừa đảo ấy. Có khi các công ty lại dùng người bảo trợ làm bình phong và lừa cả người bảo trợ về uy tín. Các chú còn làm ăn theo kiểu cò con vì các chú còn là tiểu tốt, ai tin ? Cần người đại diện đáng tin cậy.
Tôi thưa thầy là Cty Bảo vệ thực vật I đã bắt tay hợp tác phát triển sản phẩm nầy với chúng con, suốt một thời gian dài đã gây được uy tín cho sản phẩm. Thầy lại nói tôi thấy như vướng điều gì đó, nên chưa thấy quảng cáo giới thiệu sản phẩm của các chú ?
Đến nước nầy tôi phải nói hết sự thật, rằng công ty hợp danh của chúng tôi là cái công ty làm nháp đầu tiên của Thành phố này, thể hiện sự công nhận chất xám là hàng hóa. Thầy bật cười: kinh tế tri thức. Nhưng mà đến 13/9 tụi con mới có giấy phép hoạt động, chỉ vì con vẫn còn trong biên chế, còn là Đảng viên mà luật lệ chưa cho phép.
Đang dở câu chuyện thầy nói xin lỗi, tôi phải vào soigner (săn sóc) cô. Bữa rồi mắc khách trễ giờ cô rầy. Số là cô nằm liệt giường dễ có đến chục năm nhưng thầy không để ai chăm sóc, ngoài thầy.
Khi quay ra thầy bảo mở bia uống nữa đi, rồi tiếp: Nói theo cách anh em miền Bắc, thiếu khối gì ĐVCS lập công ty, tư bản Đỏ thiếu gì. Tôi thưa: Làm lén thì được xin thì khó. Ngày con vào Đảng con không xin, nên thà con xin ra chứ không bỏ sinh họat Đảng. Điều lệ chưa thay đổi thì mấy anh em giới thiệu còn ở địa phương cũ sẽ gặp khó khăn.
Thầy hỏi, lại đập tay xuống bàn, chú Sáu Dân về đây hơn hai năm, Sáu Phong về cả năm, chú đã đến gặp chưa ? Dạ, con sợ các chú các anh ấy nhiều việc quá. Thầy hỏi chứ họ không nghỉ để ăn cơm sao. Tôi không tin, mấy chú nên đề đạt…
Thầy lại hỏi lần nữa, chú đến đây có cần gì không ? Tôi thưa với thầy là con chỉ đến thăm thầy, việc ngoài xã hội nhiều chuyện phức tạp, thầy đừng nghĩ ngợi làm gì. Tụi con sẽ tự liệu. Thầy hỏi tôi Đà lạt bây giờ làm lớn lên phải không ? Tôi thưa ngày càng lộn xộn, vì thông hành địa dịch cũ thời Tây đã bị phá vỡ, nhiều quan điểm kiến trúc đan xen làm môi trường cảnh quan không ra sao, nghe có lúc còn phải chịu ảnh hưởng cả trường phái Stalinien. Thầy nói, nói bậy chứ làm gì có trường phái đó. Tôi cười, dạ chắc con nói bậy rồi, mà quả thật việc đó tôi không rành. Nhưng ấp Hà Đông giờ còn chuyên trồng hoa không ? Tôi thưa người Hà Đông cũng trồng các loại rau hoa phổ biến thôi, không còn nét gì riêng nữa.
Thầy hồi tưởng con đường từ chợ cũ (khu Hòa Bình) xuống dốc Bà Quẹo (rạp Ngọc Hiệp, bây giờ là Siêu thị KT) rồi tới Hà Đông. Năm 40-41 tôi ở đó 3-4 tháng, làm công nhân xây dựng cho Võ Đình Dung, tôi có tham gia xây dựng 3-4 nhà ở đầu suối Cam Ly, gần Couvent des Oiseaux. Tôi hỏi lúc đó thầy làm sếp ? Không, tôi làm công nhân thực thụ chứ ! Vậy mà con không thấy kể trong tiểu sử của thầy. Thôi kể làm gì, lúc đó tôi phải trốn mà. Vượt ngục Tà Lài ra tôi trốn lên Đà Lạt. Con nghĩ nên nói ra điều ấy, thanh niên họ cần biết để nuôi dưỡng ý chí. Thầy chỉ cười xòa.
Tôi sực nhớ và thưa lại hôm con ra Hà Nội các giáo sư Sử học có hỏi thăm thầy. Thầy nói anh Vượng, anh Tấn có viết bài cho dịp 990 năm Hà Nội gửi tôi. Về lĩnh vực khảo cổ, cổ sử các anh ấy giỏi hơn tôi. Tôi thưa rằng chắc không phải, các thầy ấy vẫn tâm niệm là học trò thầy, rất quí trọng thầy. Thầy Giàu im lặng.
Đã trưa, gần giờ cơm, thầy trò phải chia tay, thầy mở tấm thiệp ra xem rồi bắt tay tôi đến ba lần. Tôi chúc thầy tiến sâu vào thế kỷ 21, thầy cười, chỉ một đọan thôi. Thầy gửi lời thăm anh em còn nhớ thầy.

Sài gòn 8/9/2000. Viết lại nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11/2009.
Đoàn Nam Sinh
 

Không có nhận xét nào: