Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

THỨC NGỦ BÓNG ĐÁ

 

Tối hôm qua, về cơ bản vòng loại Euro năm nay đã gần như phân định được các đội vào vòng 16. Khi tôi viết bài này thì chỉ còn 4 cặp đấu cuối cùng, và theo con mắt thông thường thì người hâm mộ đã có thể gọi tên đủ các đội còn lại. Tuy thế, ngay lúc này, nhà thơ Hương Đình nhắn cho tôi: “Áo không làm nên... thầy tu, nhưng Áo đã thắng Hà Lan”, tức ông nói về sự bất ngờ. À đấy, thấy tin nhắn của ông tiến sĩ toán kiêm nhà thơ này mới nhớ, một thời chúng tôi ăn bóng đá ngủ bóng đá.

Là hồi còn trẻ, hơn chục năm về trước, cứ tới mùa Euro hoặc World cup là chúng tôi lại tụm lại xem bóng đá. Hồi ấy, do nhiều lý do, nên phong trào xem bóng đá có vẻ sôi nổi hơn bây giờ. Trước khi bóng lăn, các tiệm bán tivi nghẹt khách, rồi tạp hóa cũng xôn xao với dân ghiền trữ mì tôm, cà phê hòa tan. Có lần sau giải bóng đá châu Âu tôi nhìn thấy mì tôm là sợ, sợ tới mấy tháng liền.

Là tôi hay cùng các nhà thơ Hương Đình, Phạm Đức Long, vài bạn nghiện bóng đá nữa, số này có thể thay đổi nhưng 3 cái tên trên thì... vĩnh hằng, tối nào cũng xem, ở nhà tôi, hồi ấy là cái phòng trong dãy tập thể sở Văn Hóa trên đường Trần Hưng Đạo. Thường thì mì tôm, hôm nào rủng rẻng tôi ghé chợ Hoa Lư mua cái móng giò heo, về thả vào nồi  cơm điện, thêm nắm gạo hoặc... cơm nguội thừa lúc chiều, cắm điện cho sôi rồi để nút vàng, bóng bắt đầu lăn thì múc ra bát, vừa ăn vừa hò hét. Vấn đề là, thể nào cũng có vài ly, và vì vài ly ấy mà đa phần tới trận gần sáng thì... gà gật. Sáng ra anh nào anh nấy lờ đờ như... thiếu ngủ vì bóng đá, vẫn tới cơ quan làm việc, tranh thủ ngủ được tí nào thì ngủ, để tối lại... tiếp  tục.

Năm nay, và cả mấy năm gần đây, tình yêu bóng đá vẫn sôi sục thế, nhưng cách xem có vẻ khác trước. Bởi nhận ra xem chung, xem đông thì được cái hò hét sướng, nhưng lại, thứ nhất là nhanh mệt, thứ 2 là mất tập trung. Xem một mình có cái khoái của nó, ấy là hết sức tập trung, xem kỹ có khi còn hơn cả bình luận viên của VTV, ví như phát hiện quả ấy việt vị nhưng bình luận viên vẫn hô vào rồi, phải một lúc mới thở hắt ra, rồi nhẹ giọng: té ra là việt vị các bạn ạ.

Các quán phục vụ bóng đá cũng ít đi. Xưa nhé, quán nhiều, mà quán nào cũng đông. Có lần tôi về Ayun Pa và ngủ lại nhà bố vợ, các ông em vợ không thích bóng đá lắm, xem xong trận đầu thì ngủ, tôi một mình lang thang kiếm quán cà phê bóng đá xem trận 2 giờ sáng, quán phục vụ suốt đêm, mà hồi ấy Ayun Pa chưa lên thị xã.

À xem một mình còn có thể... vừa xem vừa ngủ. Lại vẫn Hương Đình nhắn tôi: “Vừa xem vừa ngủ, nghẹt thở”, cũng chả hiểu anh nói bóng đá hấp dẫn nghẹt thở hay tại ngủ lơ mơ mà nghẹt thở.

Năm nay, vòng loại có nhiều bất ngờ. Trận đầu không bất ngờ, tôi nói với bạn, thế thì chán chết, cứ mạnh thắng yếu thua thì... nhắm mắt biết kết quả, như kiểu ngày xưa có hồi MU thống trị bóng đá Anh, phàm đã MU đá là thắng, thì dẫu hay, hấp dẫn tới mấy vẫn chán, bởi yếu tố hấp dẫn nhất của bóng đá là bất ngờ. May thay, mấy trận sau đấy, toàn bất ngờ đã xảy ra để... chiều lòng người thức khuya xem bóng đá. Rất nhiều ông lớn cố sống cố chết mà đá, và hết sức hồi hộp, hết sức đau tim trước các đội được cho là yếu hơn. Có thể vào tới các vòng trong thì trật tự mới được lập lại. Nhưng tôi vẫn thích sự hồi hộp, sự bất ngờ, đồng nghĩa, biết đâu các đội chiếu dưới lại làm nên chuyện, dẫu vẫn biết, ví dụ như, nếu đội Thụy Sĩ mà vô địch thì bất công với Pháp, Anh, Ý, Đức... quá. Cũng như năm nào đấy, Đan Mạch vô địch Euro, sau rất nhiều hân hoan người ta lại... tiếc rẻ.

Hôm Thụy Sĩ đá với Đức một trận tuyệt hay, Đức gỡ hòa phút bù giờ cuối cùng, tôi viết trên facebook “Thụy Sĩ quá hay”, là ở cái trận cụ thể ấy, quả là Đức đã mướt mồ hôi, nhưng đường dài mới biết ngựa hay, rằng té ra, bóng đá bên cạnh may mắn còn đẳng cấp, và cái câu “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” nó đa phần là đúng. À mà ngay cả tượng đài Sir Alex Ferguson, tác giả câu nói nổi tiếng này, cũng không phải lúc nào cũng... đẳng cấp, ông cũng có trồi có sụt. Và té ra cái sự trồi sụt trong bóng đá ấy, nó là một phần của bóng đá, nó làm nên sự hấp dẫn vô biên cho bóng đá.

Nhóm 3 fan bóng đá chúng tôi ngày xưa giờ mỗi ông một nhà, ôm tivi nhà. Ông Phạm Đức Long vừa nhắn: bị đau mắt rồi, không xem được nữa rồi, kèm ảnh cái đơn và mấy lọ thuốc. Trước đấy, ông thi sĩ gốc kỹ sư chăn nuôi này toàn xem trận... 20 giờ, hết vòng 20h, thi thoảng ông xem một tí 23 giờ, và xem... nằm vì lưng đã phải đeo đai. Ông Hương Đình thì sáng vẫn phải đi dạy nên trận 2h vừa xem vừa ngủ. Mà chính xác là trận 23h ông cũng đã... vừa ngủ vừa xem.

Nhưng mà quả thật, so với cái ngày xưa ấy, buổi sáng ra quán cà phê toàn dân nói chuyện bàn tán bình be chuyện bóng đá ấy, giờ có vẻ ít hẳn đi. Xưa có những quán cà phê chuyên cho bóng đá, có những ông sáng sớm đã ra đấy ngồi, và... thuyết minh lại các trận tối qua, người nghe rất đông dù tối qua họ cũng đã xem. Tuần nay tôi ngồi cà phê, thấy rất ít người nói về bóng đá, họ bàn nhau chuyện từ 1/7 này lương sẽ tăng, chuyện lò cụ Tổng, chuyện cá độ...

À đấy, lại chuyện cá độ. Công an đã triệt phá tới mấy vụ cá độ bóng đá lớn. Nói thật, tôi hết sức không thể hiểu nổi là tại làm sao lại có những người có thể mang tất cả toàn bộ tài sản của mình ra để cá độ bóng đá. Và... thua. Và nhảy cầu. Dân mạng cũng chế ra rất nhiều câu chuyện hài hước về việc này, từ nhận giữ... dép, đến cho ngủ nhờ, trông hộ vợ vân vân... Bởi bóng đá, trước hết là một trò chơi. Và trò chơi ấy nó phải mang lại niềm vui cho con người. Và quả là nó đã khiến hàng tỉ người vui, vui hết cỡ, nhưng phía sau đấy, thi thoảng lại có tin vỡ nợ, tin nhảy cầu...

Lạy trời, năm nay, bóng đá chỉ toàn niềm vui, dẫu có lờ đờ mất ngủ...

Báo Gia Lai ạ, ở đây

Cầu thủ bóng đá xịn một thời đây ạ. đầu gối rất to he he.



 

 

Không có nhận xét nào: