Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

MIỀN TÂY MÙA KHÁT (bản full)

Tôi vừa có chuyến phượt miền Tây khá dày ngày, lộn đi lộn lại mấy tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre... đi giữa những ngày nắng nóng nhất, không chỉ ở thành phố, mà về các miệt vườn, về vùng sâu vùng xa, vùng Đồng Tháp Mười và các cù lao, cồn, cả đi xe và đi thuyền... và chứng kiến cái hạn, cái thiếu nước ngọt vùng này.

Rồi về nhà, đọc báo, liên tục trên các báo trong nước đưa tin cơ quan này đoàn thể kia tặng nước ngọt cho dân. Hôm qua một tờ báo đưa tin một đơn vị công an tặng hàng ngàn bình nước ngọt cho dân vùng khát. Nó chỉ là những bình nước 2 đến 5 lít chứ không nhiều nhặn gì, hình dung mỗi nhà tằn tiện với những bình nước như thế để qua ngày dưới cái nắng nóng đổ lửa miền Tây những ngày này.

Tôi cũng từng chứng kiến những mùa khô Tây Nguyên thuở còn đúng nghĩa mùa khô, những thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, tức bà con chỉ trông chờ hoàn toàn vào nước tự nhiên. Mà mùa khô, những con suối cạn hết. Ngay ở các lưu vực sông, như sông Pa chẳng hạn, bàn con phải đào những cái hố lắng nước. Rồi hàng ngày ra gùi nước về. Hoặc những giọt nước, là những chỗ bà con chọn vị trí thuận tiện, rồi dùng hệ thống máng bằng tre nứa vầu... dẫn nước về đấy, làm giọt nước của làng. Mùa khô nước ri rỉ như... nước đái nhện, xếp hàng lấy nước như ta xếp hàng thời bao cấp. Gùi nước cũng nhiêu khê, là lấy nước vào từng quả bầu, xếp các quả bầu ấy vào gùi rồi gùi về, đa phần là phải leo ngược dốc. Về xếp những quả bầu đựng nước ấy vào sát vách, và hàng ngày dùng nước chắt ra từ những quả bầu ấy, hết sức tiết kiệm, chủ yếu để nấu ăn, và uống, trực tiếp từ bầu, không cần đun sôi. Nhưng là bà con đã quen rồi, thời tiết ấy, khí hậu ấy, văn hóa ấy... đã khiến họ quen với cách dùng nước tiết kiệm, hết sức tiết kiệm như thế.

Tôi tham dự một cuộc du khảo trên sông Tiền, để bàn về “chuyện của những dòng sông”. Một người thốt lên: Đi giữa nước mà thiếu nước, mà khát. Và ngay trên du thuyền ấy, mọi người tự giác đóng góp tiền để mua nước ngọt tặng bà con vùng thiếu nước.

Cái câu “đi giữa nước mà thiếu nước, mà khát” nó xót biết bao nhiêu.

Tôi không phải nhà khoa học về nước, về thủy văn, nhưng vẫn láng máng biết rằng, nước ta ở vào vùng rất nhiều nước, vì bên trong có sông, bên ngoài có biển bao bọc. Và ở ba miền đất nước ấy, thì miền Tây là nhiều nước nhất. Miền Bắc miền Trung lúc khô hạn thì rất khô hạn nhưng lúc lũ lụt thì cũng rất kinh, ấy bởi do các con sông dốc do phụ thuộc địa hình. Bình thường êm đềm thế, nhưng mùa lũ, nước cuồn cuộn. Nên một trong những công trình vĩ đại bởi sức người ở miền Bắc là các con đê. Nhưng miền Tây, ta không gặp một con đê đúng nghĩa nào, là bởi cả vùng này là nước, nước lừ lừ lên rồi xuống, hiền hòa và tuần tự, không tạo áp lực cho đời sống. Bà con sống chung với lũ, lũ làm cho đời sống trù phú. Lũ chính là nguồn sống vô tận cho bà con ở đây. Miền Tây với hệ thông kênh rạch chằng chịt làm thành một bản sắc đời sống và văn hóa sông nước (Theo thống kê chưa đầy đủ, miền Tây Nam Bộ có khoảng 54.000km chiều dài sông rạch). Nguyên cách gọi tên lúc nào sông, kênh, rạch, xẻo, lúc nào vàm, cái, hóc... vân vân tôi ngồi với một số nhà văn ở Miền Tây một buổi mà không thể nào nhớ hết được. Nó chứng tỏ sự phong phú và mênh mông sông nước ở đây như thế nào.

Và cũng chỉ có miền Tây mới có chợ nổi. Nhiều tỉnh có chợ nổi. Tiền Giang có, Cần Thơ có, Hậu Giang có vân vân. Nó là một hình thái xã hội phù hợp với miền sông nước. Các nơi khác họp chợ trên bờ, thì ở đây bà con họp dưới sông, nơi các ngã ba ngã bảy sông giao nhau. Nơi bà con từ nhiều hướng thuận tiện đổ về trao đổi thông thương hàng hóa.

Và cũng chỉ miền Tây bà con mới điều khiển ghe xuồng tài như thế.

Lần đầu tiên về miền Tây tôi đã tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy những tài công điều khiển xuồng, ghe, vỏ lãi... Quê tôi ở Huế, đầy sông, sinh ra ở Thanh Hóa cũng đầy sông lớn, quê ngoại Ninh Bình cũng nhiều sông, nhưng chưa bao giờ thấy người ta điều khiển thuyền tài như thế. Trước ở miền Bắc thì toàn thuyền chèo tay và có buồm để phụ sức khi xuôi gió, lẫm đẫm trôi, chỉ đi tới, rất chậm. Về Huế sau 75 thì thuyền có gắn máy nổ rồi, nhưng cũng lạch bạch chạy thẳng thôi, dù chở người hay chở hàng. Vào Nam Bộ, trời ạ, họ điều khiển vỏ lãi như điều khiển xe máy trên bờ. Quẹo trái rẽ phải, và đặc biệt là chạy lùi, cái sự mà xe máy không làm được, chỉ ô tô có thể. Những cái vỏ lãi nhỏ bé hoặc tàu đò dài khượt, được gắn động cơ như ô tô, chạy trên sông như mắc cửi, vun vút nhìn hoa cả mắt, và phục tài điểu khiển của họ.

Cũng miền Tây, thân thuộc và gắn với nước tới mức tất cả các ngôi nhà đều quay mặt ra sông, như nhà đô thị quay mặt ra đường vậy. Tất cả mọi giao dịch đều trên sông nên cái sự họ điều khiển ghe xuồng như điều khiển xe... đạp, xe máy cũng dễ hiểu. Tất cả các ngôi nhà đều quay mặt ra sông là một nét văn hóa miệt sông nước Nam Bộ.

Nước dập dềnh, nước lé đé, nước luênh loang, nước chan hòa... quanh nhà.

Nó tạo nên những câu hò mênh mang trên nước, những điệu ca thấm đẫm chất sông nước. Nếu những điệu ru con miền Trung gập ghềnh đèo dốc, luôn bị ngắt nhịp đến nức nở, đến quặn thắt thì ru con Nam bộ mượt mà thẳng cánh cò bay và dập dềnh sông nước, cứ choãi ra, cứ lăn mãi lăn mãi không bị nghẽn mà lại còn được nước tiếp âm khiến giai điệu ngọt cứ vương mãi vào những đêm trăng dập dềnh nước nổi, khiến những người phương Nam đi xứ khác rất khó ngủ vì nhớ, mà tôi đã chứng kiến một lần nhà văn Vũ Hồng ở cùng tôi trong một trại sáng tác ở Hà Nội đã trải qua, ông phải mở dân ca Nam Bộ suốt đêm từ cái cát xét mini để ngủ mà cũng vẫn không ngủ được.

Giờ hạn.

Hạn đến mức báo động.

Đến mức phải quyên góp... nước. Quyên góp tiền mua nước. Rồi ủng hộ bà con từng bình nước để tằn tiện qua ngày.

Nhưng rõ ràng, cái sự tặng nước ngọt này nó chỉ là việc nhất thời, việc tạm qua ngày, không thể kéo dài được. Cần có một sự căn cơ hơn để thích ứng, như cái thời chúng ta đã thích ứng “sống chung với lũ” khi có người tưởng lũ nó giống như lụt ở miền Bắc, miền Trung, và định... chống nó.

Tất nhiên chúng ta cũng đều biết, toàn cầu đang nóng lên, cả thế giới đang cùng lo việc... nước, thế nên cái sự miền Tây thiếu nước ngọt nó cũng nằm trong cái sự chung của cả trái đất ấy.

Mà không chỉ thiếu nước ngọt, còn cả nguy cơ xâm nhập mặn nữa.

Tất nhiên thiên nhiên luôn khôn lường, luôn bất ổn, luôn có những bất ngờ, nhưng thiên nhiên cũng luôn có những quy luật. Và rõ ràng con người luôn hết sức nhỏ bé trước tự nhiên. Chúng ta đã từng, nhiều lần, đòi chống lại tự nhiên. Thì ngay cái tên một số cơ quan cũng thấy: chống bão lụt, chống này chống kia..., trong khi nhẽ ra chúng ta phải nương vào tự nhiên mà sống, thuận theo tự nhiên mà sống. Nếu có làm điều gì cũng phải phù hợp tự nhiên thì sẽ tồn tại, chứ chống lại tự nhiên, tôi e rằng rất khó, nếu không muốn nói là sẽ bị tự nhiên trả thù, mà cái sự phá gần như hết rừng Tây Nguyên rồi đồng bằng miền Trung năm nào cũng hứng lũ lụt là ví dụ. Mà không chỉ miền Trung, một số nhà khoa học nói với tôi, nó ảnh hưởng cả tới miền Tây Nam bộ.

Anh Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, một người miền Trung làm rể miền Tây, sau nhiều năm lăn lộn gắn bó có những nhận xét thú vị về sông nước miền Tây: “Thời đó đa phần nhà sàn và đi lại bằng xuồng. Nghèo, nhà lá, xuồng ba lá. Giàu, nhà lai, nhà cổ kiểu Tây, vỏ lãi hoặc thuyền tam bản (lớn gấp mấy lần xuồng ba lá, thường chạy bằng máy). Cửa lá sách và nhà sơn màu xanh hoặc trắng. Chẳng hiểu tại sao. Dò hỏi mãi, gần đây mới biết, thập niên 1960, nhà máy Sơn Bạch Tuyết ở Sài Gòn chỉ sản xuất được hai màu chủ đạo là trắng và xanh. Nhà đầu sơn màu gì, những nhà sau sơn màu đó. Ban đầu không có chọn lựa, sau này theo nếp, không dám sơn màu khác.

Về miền Tây hàng trăm lần, tôi ngộ ra nhiều thứ chỉ có ở miền Tây. Chợ nổi và nhà bè miền Tây mới có, dù Nhà Bè là địa danh ở Sài Gòn. Hiện nhà bè có nhiều nơi, miệt ngoài nuôi cá bè trên biển, miền Tây nuôi trên sông. Ẩm thực miền Tây thích ngọt, nhưng vẫn khoái chua và đắng, mê nhất là các món nướng. Dân miền Tây khoái ăn rau, lá tự nhiên; thứ gì cũng ăn được, trừ mấy loại có độc tố. Lẩu mắm là tiêu biểu...

Miền Tây chưa bao giờ có lũ hay lụt, chỉ có nước nổi. Nước nổi, lên từ từ, mỗi ngày 10 – 20 cm. Cả vùng mênh mông nước. Mấy tháng liền chỉ có trời nước chứ không thấy trời đất. Người dân di chuyển bằng xuồng. Lạ lùng thay, cây lẫn người không chết, dù mấy tháng ngập. Mùa nước nổi là mùa cá về, dân miền Tây vui như trẩy hội.

Cả hệ sinh thái miền Tây, từ cỏ cây đến động vật đều thích nghi, biến nguy thành cơ để sinh tồn, phát triển. Thành ngữ “Sống chung với lũ” xuất phát từ miền Tây, phải nói là “Sống chung nước nổi”. Chưa thấy ai chỉ cách sống chung với lũ thế nào nhưng sống chung nước nổi, dân miền Tây đã thực hành vào buổi sơ khai, lập nghiệp từ mấy trăm năm nay...”.

Tôi chấm dứt cuộc giang hồ miền Tây bằng cú xe buýt Phương Trang từ thành phố Mỹ Tho lên tận cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Từ Mỹ Tho về Gò Công cũng gần. Gò Công hiện đang là nơi hạn nặng nhất ở miền Tây. Search google thì thấy hàng ngàn bài báo về việc bà con khắp nơi ủng hộ nước ngọt cho bà con Gò Công. Nhà văn Trương Trọng Nghĩa, chủ tịch hội VHNT Tiền Giang khoe với tôi, nhưng Gò Công là nơi sinh ra toàn người đẹp nước Nam đấy. Thì Đức bà Từ Dũ và Nam Phương Hoàng hậu là người Gò Công đấy. Rồi ngay Mỹ Tho đây cũng một loạt quý bà, như phu nhân chủ tịch Tôn Đức Thắng nghe nói cũng là một giai nhân nghiêng nước nghiêng thành...

Lại có cả một cái tin nóng hổi: Chiều 23-5-2024, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có cuộc tiếp Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol. Tại đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Funan Techo, phù hợp với quan hệ hữu nghị và các quy định liên quan của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC). Với tinh thần đó, Việt Nam mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin về dự án và đánh giá tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của lưu vực sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, vì sự phát triển bền vững của lưu vực và vì lợi ích người dân...

Nghĩa là, để “giải khát” cho miền Tây Nam bộ, còn cần đến những giải pháp mang tầm khu vực và quốc tế nữa!

Bài đăng báo Văn Nghệ số 23 ngày 8/6/2024 mục "Tiếng nói nhà văn".






 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài của bác hiểu thêm được nhiều kiến thức thú vị

Văn Công Hùng nói...

Thanks