Bài của TS Trịnh Thu Tuyết viết về bài thơ "Cầm nhau mà đi" của nhà cháu. Theo nhà cháu, chị đã đọc được hết những gì nhà cháu có trong bài thơ, thậm chí vượt ra ngoài nữa. Và đấy là điều rất thú vị. Một bài viết rất hay ạ.
CẦM NHAU MÀ ĐI
Tây Nguyên tháng ngày nhạt nhoà mưa nắng |
Tây Nguyên một đời
2015 Văn Công Hùng |
Tác phẩm khi còn nằm trong máy tính, nó là của riêng nhà thơ, còn khi đã xuất bản, đã phát hành, mỗi người tiếp nhận sẽ tự mình “đọc” ra một phiên bản mới, thậm chí độc lập với chính nhà thơ. Và nhất là với những bài thơ của tác giả Văn Công Hùng, những bài thơ thường được chắp nối tài hoa bởi những mảnh ghép, những “chợt”, những khoảng khắc huyền diệu chỉ có thể lí giải bằng hai chữ “trời cho”, tôi không có ý định, đúng hơn là không thể giải mã hay cắt nghĩa, bởi nhiều khi tôi còn nghĩ: có những điều, những cảm xúc, những tứ thơ hay câu chữ, chính nhà thơ cũng bất ngờ “nhặt được” đâu đó trong cõi mơ hồ của tiềm thức, trong sự mách bảo huyền diệu của những cái người đời hay gọi là “ẩn ức”, sự “nhặt được” oà nhập vào niềm rung cảm run rẩy trong trái tim nhà thơ mà thậm chí chính họ không bận tâm lí giải! Và vì thế, tôi cũng chỉ đọc bài thơ theo mạch cảm nhận của riêng mình, tất nhiên xuất phát chính từ cấu trúc ngôn từ ma mị, mơ hồ của một văn bản đẹp. Dù cách đọc ấy có thể xa lạ với chính nhà thơ!
Bài thơ ngay lập tức mời gọi sự chú ý bởi nhan đề “cầm nhau mà đi”, thậm chí còn là tên chung cho cả một tập thơ của tác giả Văn Công Hùng, vừa rất “đồng bào”, lại cũng vừa như cách diễn đạt của các bản dịch, nghĩa là rất hiện đại! Hoặc đơn giản, nó tạo cái tứ “khác” – sự “khác” độc đáo và rất đúng bản chất cộng đồng người, ức vạn người, mỗi cá thể là một “cái khác”, và tác giả Văn Công Hùng là một trong không nhiều những người viết biết cách tạo cho mình “cái khác” ấy một cách độc đáo! Đọc nhan đề này, thấy vừa dập dìu ấm áp, vừa ngơ ngác hoang mang, bởi “cầm nhau mà đi” sao quá mơ hồ, tựa núi xanh “như là không phải thế”!
Tôi thấy cả bài thơ là tản mát những bắt gặp ơ hờ, những nỗi niềm cộng hưởng, những tiếc nuối khi chua xót, khi ngọt ngào quanh một chuyện tình buồn. Bài thơ có không gian với núi sông, cây cỏ, nắng gió, có thời gian với một chiều, một đêm, một đời…, nhưng tận cùng trong đó, hình như lại là một cõi phi - thời gian, phi - không gian, chỉ có sự mông lung của em và tôi cùng những thảng hoặc khát khao, đợi chờ, tiếc nhớ, khi đơn độc chênh vênh, khi bình yên êm đềm.
Hình như trong mỗi chúng ta cũng thường có một bóng hình mơ hồ như thế, một người ta gặp từ rất lâu, hoặc đợi từ rất lâu – vời vợi qua “tháng ngày nhạt nhoà mưa nắng”, mòn mỏi “Như từng viên đá cuội/ rớt vào lòng biển khơi” (Trịnh Công Sơn) – cái “cựa mình” đầy nhân tính của viên đá cuội dưới đáy sông Tây Nguyên khiến lòng người thêm xót thương, hay tự xót thương – phải chăng khi “sỏi đá cũng cần có nhau” thì viên đá cuội cũng không cam kiếp nhẵn mòn vô tri bất động, cũng muốn tự lay thức để chờ một kì ngộ như tự buổi hồng hoang!
Sự mơ hồ của cõi phi – thời gian ấy tiếp tục điểm qua những “chiều như bão rớt”, “những đêm một mình mất ngủ…”, và miên man trong suốt “Tây Nguyên một đời/ một người chờ đợi…” – hoá ra không thực có ngày hay đêm, không thực là khoảnh khắc hay cả đời, ý thức và cảm nhận về thời gian luôn gắn với sự miên miết mòn mỏi vời vợi của sự đợi chờ đơn phương cô quạnh. Nàng Vọng Phu chờ chồng tới hoá đá còn có cái để chờ, để hi vọng – còn nhân vật trữ tình trong bài thơ này cứ tự mình chờ trong ảo giác “bước chân nào lấn bấn tìm nhau”, nghe tưởng ấm áp, thực quả đơn côi, bởi trước sau chỉ “một người chờ đợi…” - thậm chí, phải ôm nỗi cô đơn vô vọng với hình bóng em, nỗi nhớ em trong “những đêm một mình mất ngủ…”, tự thoả thuận với trái tim mình cảm giác “tôi nhớ em” nghĩa là “tôi có em” – nhưng rồi vẫn không thể không bẽ bàng nhận ra ánh nhìn chới với đơn độc giữa lòng đêm thẳm sâu hun hút “vút nỗi buồn chênh vênh…”. Tôi cứ nghĩ mãi về cái “nỗi buồn chênh vênh…” – phải chăng sự bơ vơ khiến nhiều khi con người muốn tựa mình nương níu vào một cái gì đó, kể cả nỗi nhớ, thậm chí nỗi buồn bã, khổ đau – còn khi trống rỗng, không còn cả nỗi buồn, ấy là khi sự tự ý thức đã lên tiếng cho cái bất lực của ảo giác, cái vô nghĩa của nương níu “chênh vênh”!
Rồi cõi phi – không gian cũng đầy ắp những bắt gặp xót lòng. Rất nhiều tương phản khiến lòng người thêm lạnh lẽo, khi là cõi vô thường buồn vui, sống chết, mất còn, ấm lạnh với “những mùa cỏ xanh/ những vùng lá chết …”; khi là nghịch lí của “giọt nước khô như số phận…” – một so sánh chua chát như…cuộc đời; hoá ra khi đã một mình bước trên “những con đường lạc nhau…”, khi đã ở cõi - không – em, phi lí đến như sự “không – em” còn có thể xảy ra thì mọi nghịch lí trong đời đều là có thể: nước có thể khô, lá có thể chết, núi sừng sững, thẫm xanh cũng có thể “là không phải thế…”!
Giữa cõi ấy, có một hình ảnh chập chờn giữa thực và ảo, như hiện hữu nỗi buồn và niềm khao khát trong lòng người: “bụi cỏ lông chồn/ vươn giữa chiều thông trắng/ rơi nỗi mình chưa kịp tiếc/ cầm nhau mà đi…”. Tôi đã nhiều lần tới Tây Nguyên, đã yêu thật nhiều những bụi cỏ lông chồn bình dị mà kiêu kì, lả mềm mà cứng cỏi trong gió núi; đã từng ngồi thật lâu trong những chiều cao nguyên với nắng rất lộng lẫy và gió rất dịu dàng, đã từng thấy một cái gì đó chơi vơi trong lòng mà không kịp nắm bắt – bắt gặp hình ảnh này, chợt thấy dịu lòng bởi cái man mác, trong trẻo, nhẹ nhõm vô cùng của nỗi hoàng hôn… Chợt thấy “cầm nhau mà đi…” không nhất thiết phải bên nhau, có đôi có cặp “như một cặp vần” của Thơ duyên (Xuân Diệu), khi lòng đã có em, dù đời lạc em, vắng em, ta vẫn có thể “cầm nhau mà đi” như được mang theo một hành trang ngọt ngào ấm áp trong suốt cuộc đời. Tôi bỗng nhớ phiên chợ cực kì lãng mạn của người dân tộc vùng Mèo Vạc (Hà Giang), phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần cho những người yêu nhau không có được nhau, có dịp gặp lại nhau, trò chuyện, tâm tình… Một lần thôi trong một năm, vậy là đủ kỉ niệm, đủ năng lượng, đủ ấm áp…để họ lại có thể “cầm nhau mà đi…” trong cả năm tới, trong cả cuộc đời – một nét văn hoá lãng mạn, nhân văn và trong sáng vô ngần.
Có phải vì thế mà bất chấp cái “xơ xác đến nghẹn lòng…” của bờ lau phơ phất, bất chấp cả cái huyền hoặc mông lung khi “núi cứ thẫm như là không phải thế”, kẻ nặng tình vẫn có thể thấy trong “tận cùng im lặng”, trong tận cùng hư không một “tiếng gì thanh thản vọng lên…”, cái “thanh thản” bình yên nhẹ nhõm khi không có được nhau trong đời, ta vẫn có thể “cầm nhau mà đi…”, “cầm nhau mà đi…” dẫu thời gian có thể làm nhẵn mòn đá cuội, dẫu khó tránh khỏi những lúc “chênh vênh…chơi vơi” trong những “chiều như bão rớt”, trong “những đêm một mình mất ngủ”…Mà có lẽ thế mới thực là đời!
17/1/2024
TRỊNH THU TUYẾT.
3 nhận xét:
Bài thơ cực hay, bài viết lột tả hết sự cực hay đó.. Đáng nể cả 2...
Hy Phan Rang
Đọc thơ chẳng thấm mà nhờ lời bình mới đẫm
Đăng nhận xét