Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

CHUYỆN VUI VỀ CÁC NHÀ THƠ NGHIỆN... THƠ

 

Phàm là nhà thơ thì tiêu chuẩn đầu tiên, phẩm chất đầu tiên, điều kiện đầu tiên..., là phải... nghiện thơ. Nhưng cái sự nghiện ấy, không phải ai cũng như ai, nó cũng có cấp độ như kiểu nghiện cao, nghiện vừa và nghiện thấp.

Xin nhận luôn, tôi thuộc loại... nghiện thấp. Có 2 lý do, một là tôi ít thuộc thơ mình, và hai, cứ trước đám đông là tôi... tỉnh, và tỉnh thì luôn nghĩ đám đông kia không thích thơ, mình đọc thì quá bằng tra tấn họ. Thế nên đa phần là tôi tránh, và vì tránh tôi thường lui vào góc nào đấy, ngồi... ngắm các nhà thơ, xem và nghe họ đọc thơ.

Và mới phát hiện, các nhà thơ nghiện thơ mỗi người một vẻ.

Trong các nhà thơ nghiện thơ thì đệ nhất vẫn là miền trung, cái dải eo eo dọc biển từ Nghệ An tới Huế ấy, có độ nghiện kinh hoàng nhất.

Có lần nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ở Bình Định, viết trên báo hẳn hoi, chuyện tôi về quê.

Tôi quê ở Huế dù sinh Thanh Hóa, và giờ đang ở Pleiku. Cái thời bao cấp khó khăn ấy, năm tôi về quê thăm mẹ vài lần, lần thì tàu lần thì xe đò. Nguyễn Thanh Mừng viết: Sắp tới bến (ga tàu hoặc bến xe), ông Hùng lôi cặp ống nứa luôn cõng trên lưng ra, luồn tay vào. Bởi chắc chắn, không thể khác, không thay đổi, bao giờ cũng thế, xuống tàu hoặc xe thế nào cũng gặp vài nhà thơ. Họ gặp ông Hùng thế nào cũng rú lên, mừng quá, mới về hả mi, dạo ni răng, mần thơ nhiều không? đọc thơ nghe hí? Thế là họ túm lấy tay ông Hùng, mắt nhắm tịt lại, đầu lắc lư, và... đọc thơ. Đọc xong khoảng dăm bài mở mắt ra thì chỉ còn... hai ống nứa, ông Hùng đã về ăn cơm với mẹ rồi. Ròng rã đi xe, tàu đói và mệt, chỉ mong gặp mẹ để ăn cơm ngay mà còn “bị” bắt nghe thơ thì đúng là chỉ... Huế. Mà lại giữa trưa nắng sân ga.

Tất nhiên là ông Nguyễn Thanh Mừng kể quá lên, nhưng cái đoạn các nhà thơ sống ở Huế rất thích, rất nghiện đọc thơ là có thật. Nhà thơ Phùng Quán từng nói: Huế quê tôi cứ mười người thì có mười một nhà thơ, vì có một người say thơ gấp đôi người khác. Nói các nhà thơ “sống ở Huế” bởi ngày trước Bình Trị Thiên là một tỉnh nên các nhà thơ các nơi tụ về xứ thi ca này khá nhiều. Nhớ có hôm chúng tôi ngồi nhậu ở sân nhà ông PPP hơi khuya, tầm 2 giờ sáng, một cái xe đạp xiêu vẹo vất oạch trước cửa, một bóng người xiêu vẹo hơn bước vào: Đọc thơ hỉ, cho đọc với. Một anh vội vàng nói: dạ không, đây phụ hồ, đang bàn mai đi làm ở mô thôi? Ù ạ, tưởng đọc thơ chứ phụ hồ nói chi, thôi đi chỗ mô có thơ thì đọc, xèm lắm rồi. Hỏi nhau không ai biết anh này dù ngồi đấy toàn người cũng... mần thơ. PPP nói, chắc ông xe thồ (xe ôm) mô đó làm mấy ly rồi thèm đọc thơ. Trông cái yên xe (đạp) thì biết. Thì ra ở Huế, cái yên xe đạp thồ luôn được bọc thêm một miếng mút bọc nilon để khách ngồi khỏi ê mông.

Thì cũng ngay Huế chả đã có ông nhà thơ Phương xích lô đấy thôi. Ông này nhà thơ thứ thiệt, đến ra tòa chia tay vợ, được... nói lời cuối cùng cũng đọc thơ. Xích lô người ta chở người, đây anh chở... gió: … “Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang”. Anh sống một đời thi sĩ, đến cái chết cũng cực thi sĩ, và cái tên Phương xích lô nhắc phát hầu như cả nước biết lại chả thi sĩ à?

Nhưng Huế không chỉ có Phương xích lô, còn một ông xích lô nữa cũng mần thơ là ông Mẫn xích lô. Tôi gặp ông này ở cái triển lãm của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, một ông dân Bình Định được... luân chuyển ra Huế làm chủ tịch liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế, một họa sĩ có tài. Lần đầu tiên gặp, ông Mẫn hỏi: ông tên chi? nói tên xong ông bảo: Đọc bài thơ nghe chơi. Khi tôi trình bày là không nhớ thì ông bảo: rứa tôi đọc. Và mần 5 bài liên tục. Cuối buổi, ông ký tặng tập thơ in... ronéo của ông.

Tôi học đại học cùng lớp với con gái nhà thơ Xuân Hoàng. Bác này có mấy bài thơ về Đồng Hới cực hay, mới được đặt tên đường ở Đồng Hới. Nhưng kệ, gặp tôi, bác quên phắt tôi phận con cháu, cứ coi như ngang hàng. Mình đọc thơ Hùng nghe hí? Rồi bác đọc “Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm/ Hương dạ lan thơm ngát những canh dài/ Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển/ Bài thơ lành anh đến ngủ trên vai”..., mắt kính lấp lóa, thi thoảng vỗ tôi cái bộp: Hay hí Hùng hí? Dạ rất hay ạ.

Đàn em của nhà thơ Xuân Hoàng cũng rất máu thơ. Cách đây hơn chục năm, tôi đang học một cái lớp... nghiêm trọng, là học Cao cấp chính trị ấy, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật gọi: Ngày ấy ngày ấy bọn anh ghé, em bố trí một cuộc gặp mặt hỉ? Tôi có ghi chuyện cuộc ấy trong sổ tay, nó như sau:
Biết anh Thuật lâu rồi, nghe anh đọc thơ nhiều lần rồi, nên tôi hiểu ngay là bố trí một cuộc... đọc thơ. Anh em văn phòng hội VHNT định làm một cuộc tại hội trường của hội, huy động khoảng... hai nghìn người dự . Mình nghĩ thấy... thương nhân dân quá bèn hiến kế: Mời ra nhà hàng, kiếm một chỗ thoáng, mời các bác đọc thoải mái, chúng ta sẽ là công chúng. Mình điện cho ông nhà văn Hữu Phương trưởng đoàn, bảo bác ơi, em thì đang đi học, nhân dân thì mới... thoát ngày thơ nguyên tiêu, thôi chúng ta đọc cho chúng ta nhé. Ông Phương bảo: “Mình thì răng cũng được, dân văn xuôi mà, nhưng mấy ông thơ tê thì đang háo hức, để mình nói lại với Hoàng Vũ Thuật”, hehe thế là nghiêm trọng rồi.

Rốt cuộc là nó như thế này:

Đại loại là các bác nhà thơ Quảng Bình đi "vi hành" gồm 1 nhà văn ba nhà thơ là Hữu Phương, Hoàng Vũ Thuật, Lý Hoài Xuân và Văn Lợi. Cách Pleiku hai chục cây thì gọi cho mình lúc mình đang học: Hùng ơi bọn anh bị... bắt xe, chú xử lý hộ cái. Ôi giời, làm sao em xử lý được. Bác bị gì. Vượt tốc độ. Ai đang làm việc với bác? Không biết. Bác phải xem cái bảng tên ấy chứ... Một lúc sau thì: Chú nói chuyện với anh công an này. Chết mẹ, mình biết ai đâu mà nói chuyện, nhưng máy đã dí vào rồi. “A lô, bác nhà thơ ạ?”. “Vâng tôi đây, anh ơi, có đoàn nhà văn”... “Bác có biết đang nói chuyện với ai không?”. “Xin lỗi tôi chưa biết nhưng nhờ anh tí”... ... “Lẽ ra là phạt tiền, giữ bằng lái, nhưng nghe họ nói loáng thoáng đến tên bác nên thôi, em cho qua, nhưng nhắc các bác ấy lần sau cẩn thận nhé”... hehe, mấy bác Quảng Bình phục lăn bước một. (Nhớ hồi nhà văn Nguyễn Việt Hà vào Pleiku xong ra đến nhà ông Nguyễn Quang Lập khi ấy đang ở Hà Nội, bảo ông có một lão bạn rất nổi tiếng, khi nào hắn ra ông báo để tôi mời hắn bữa rượu. Thì ra Hà đi xuyên Việt du khảo, Nguyễn Quang Lập giới thiệu đến Pleiku thì tìm thằng VCH. Khi xe đến đầu Thành phố thì Hà nhảy xuống hỏi đại một ông xe ôm là đường ấy đường ấy ở đâu, ông xe ôm nhiệt tình chỉ mãi mà Hà không hình dung ra, nhưng đột nhiên nghe Hà nhắc đến tên mình, ông xe ôm bảo: tôi biết nhà ông này, cho 5 nghìn sẽ đi trước dẫn đường, hehe thế là Hà nghĩ mình nổi tiếng đến... xe ôm cũng biết mà không biết tay xe ôm là công nhân nhà in, mà mình thì thường xuyên phải sang nhà in làm việc. Sau đấy mình ra HN và Lập gọi Hà đến, hắn ôm theo chai Jôn vàng hồi ấy rất đắt, để mừng đúng như lời hứa).

Mình và vài anh em văn phòng nữa cùng đi tiếp, mời thêm mấy nhà thơ vừa già vừa trẻ ở Pleiku. Mới chưa hết vòng bia đầu bác Văn Lợi e hèm: Mình đọc thơ hè. Mình hoảng quá, năn nỉ: từ từ đã bác, em vừa nghe nguyên ngày toàn những vấn đề hóc búa, như thị trường định hướng, như chủ nghĩa tư bản... giờ nghe thơ ngay e có khi xỉu. Bác cho em ăn miếng đã. Năm phút sau đến lượt bác Lý Hoài Xuân (mà mình cứ gọi... Hồi Xuân cho nhanh): đọc được rồi hè???

Tóm lại là sau đó mỗi người đọc hai bài thơ, có anh tranh thủ lúc không ai để ý đọc thêm khúc nữa... đọc xong là... hết cuộc. Quan trọng là mình thấy bác nào cũng rất là hân hoan, cứ như là vừa được... đọc thơ, hehe... Chưa hết, có đoạn mình còn tranh thủ “phát động chiến tranh bia”, là mời bia các bác ấy, để dập tắt “âm mưu đọc thơ
”...”. Là tôi viết tếu táo thế nhưng không hẳn là quá xa sự thật.

Nghệ An, Hà Tĩnh có hai nhà thơ đọc thơ rất... phong cách, mà nhà thơ Ngô Minh, một bác nghiện thơ thuộc loại rất nặng, cũng có thể đọc thơ mọi lúc mọi nơi nếu có điều kiện, hồi còn sống, mỗi khi hai ông này đứng lên đọc thơ đều nói: coi chúng hắn... nạt thơ tề. Đấy là nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đang ở Hà Tĩnh và nhà thơ Hoàng Trần Cương, quê Nghệ An sống Hà Nội, đã mất.

Cả hai bác đều có kiểu đọc thơ rất to, như quát, như gầm, như cắt như chặt, như đẽo đá. Ông Phú chuyên thơ về biển nên đọc thơ như biển động cũng có lý, nhưng bác Hoàng Trần Cương, chuyên về... “trầm tích”, “miền trung” mỗi lần đọc thơ cứ như miền Trung đang bão. Bác này đọc thơ cứ như... chặt thịt: Miền trung mỏng/ và/ sắc như/ cật nứa... đại loại câu thơ bị chặt ra như thế, chữ cuối vóng cao lên, như thét, thay vì hạ nhịp như thông thường. Chưa hết, tay bác chém, lông mày dựng lên dù lông mày của bác đã rất... cá biệt, mắt đứng tròng, tiện thể, gặp cái gì trên bàn bác quăng luôn, như kiểu đệm phách. Có lần trong quán bia, lúc tính tiền quán cộng thêm tới chục cái ly bị vỡ.

Tôi cũng từng ngồi vỉa hè nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc thơ. Ông luôn luôn ăn mặc như một chính khách, mới nhìn nếu chưa biết không ai nghĩ ông là nhà thơ. Nếu quần trắng dứt khoát phải áo đỏ và cà vạt vàng giày đen. Đêm Nha Trang, chúng tôi ngồi uống rượu thuốc với vịt lộn vỉa hè. Ông cứ dùng bàn tay lăn lăn quả vịt lộn trên bàn, rồi lại dùng tay ấy xốc vào mái tóc xoăn rất đẹp, say sưa đọc “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ nở hoa vàng dọc suối để ong bay”... và rất nhiều bài nữa. Cánh trẻ chúng tôi nghe cứ lịm đi, tuy tôi vẫn kịp thương mái tóc ông, cả cái quần trắng tinh của ông, dính đầy nước vịt lộn.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng là một giọng đọc thơ khủng khiếp. Đã nghe anh Cầm đọc thơ trước đám đông thì sau đấy, tôi nghĩ khó ai dám đọc nữa. Anh như quên mình đi, lạc giọng, lạc cả tròng mắt, lên đồng thơ, nhiều lúc có cảm giác không phải đang nghe tiếng con người thực tại mà như âm u ở đâu vọng về. Tôi nhớ lớp tôi ngày xưa, các bạn nữ chỉ cần nghe tên Hoàng Nhuận Cầm là đã sẵn sàng... lăn ra chết.

Nhưng người đọc thơ hay nhất, theo tôi, tới giờ, trong giới nhà thơ Việt Nam là nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông đọc như thôi miên, như ma mị, như chuốc thuốc, lúc êm đềm như gối lông chim, lúc nấc nghẹn như thác Ia Ly bị nghẹn: “vẫn chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo/vẫn ở đó giờ cao hơn với mẹ/ con phơi áo nghe hai đầu dây kể/ thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà...”. “Anh ở đây mà em mãi đi tìm/ Em hy vọng để lấy đà vượt dốc/ Tân Cảnh/ Sa Thầy/ Đắt Pét/ Đắc Tô/ Em đã qua những cơn sốt anh qua/ Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp/ Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/ Em một mình đứng khóc ở sau xe...”. Tôi nhớ, trong một cuộc đọc thơ ở cái hội trường Ty Văn hóa Gia Lai năm 1985 ấy, hàng chục người mắt đỏ hoe, một bà chị không chịu được, ôm mặt lao ra ngoài khóc to cho đã. Chị khóc như bị chồng đánh oan, khóc như trẻ con nhớ mẹ, khóc như tủi thân vì chợt ngộ ra mình đẹp mà lâu nay bị hắt hủi...

Một thi sĩ nổi tiếng nữa cũng thuộc thơ và đọc thơ vào loại... thần sầu quỷ khốc là nhà thơ Nguyễn Duy. Ông là người thuộc thơ mình kinh khủng, kể cả những bài thơ tếu táo, những bài thơ từ năm... lâu lắm. Tôi rất nhiều lần nghe ông đọc thơ, với đông người có, với... mình tôi có. Nhưng phải nghe nhà văn Nguyên Ngọc kể lại cuộc ông đọc thơ mà ông Ngọc chứng kiến mới nể. Cuộc ấy đâu như ở nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Người ta tổ chức đêm thơ Nguyễn Duy, mình ông trên sân khấu làm một lèo đâu như hai chục bài, ông dừng uống nước để chuẩn bị đọc bài “Đánh thức tiềm lực”, bài thơ một thời chỉ được đọc dấm dúi, nhưng sau một lần Nguyễn Duy đọc cho ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt nghe thì nó được công khai. Ông Duy đứng giữa sân khấu uống nước, một khán giả leo lên: Thôi anh nghỉ tí cho đỡ mệt, để tôi đọc thay anh bài này. Và ông khán giả đọc một lèo, du dương lên bổng xuống trầm, đầy cảm xúc, thể hiện hết tâm trạng qua giọng và điệu bộ, khán giả vỗ tay rần rần “Tôi lớn lên bên bờ bãi sông Hồng/ trong màu mỡ phù sa máu loãng/ giặc giã từ con châu chấu, con cào cào/ mương máng, đê điều ngổn ngang chiến hào/ trang sử đất ngoằn ngoèo trận mạc/ giọt mồ hôi nào có gì to tát/ bao nhiêu đời mặn chát các dòng sông/ bao nhiêu thời vỡ đê trắng đất mất đồng/ thuyền vỏ trấu mỏng manh ba chìm bảy nổi/ khúc dân ca cũng bèo dạt mây trôi/ hột gạo nõn nà hao gầy đi vì thiên tai/ đói thâm niên/ đói truyền đời/ điệu múa cổ cũng chậm buồn như đói”... Sau mới biết, ông này là chủ một doanh nghiệp, có thể đọc một lèo hàng trăm bài thơ của Nguyễn Duy không cần giấy.

Mới biết, chả phải chỉ mình xứ Huế mới cứ 10 người thì có 11 nhà thơ như ông Phùng Quán nói...

VĂN CÔNG HÙNG

Hôm kia đang thiu thiu ngủ, đt reo, em TBT xinh đẹp và tài hoa gọi: Anh ơi, bài em đặt anh cho số tết âm, nhưng cái gói QC báo dương lịch nó hoành hơn, tức NB sẽ cao gấp 5 lần, nên em chuyển bài anh sang số dương lịch nhé. Anh OK để em chuyển.
Xời, đã bẩu đời nhà cháu, cứ gái gọi là Ok, nên tết giờ các báo/ tạp chí biết thóp rồi, toàn chơi trò mỹ nhân kế. Nếu TBT là nữ thì không nói, còn không cũng giao em xinh nhất tòa soạn gọi he he, thế là thun thút.
Tóm lại, để tòa soạn bán xong 20 ngàn số tạp chí dương lịch thì nhà cháu post bài "Chuyện vui về các nhà thơ nghiện… thơ", còn giờ đăng bài thơ mới mần cho hắn vui cấy đã. Hôm nay Pleiku gió rất to và lạnh, đi xuống làng mà gió xô muốn ngã... (facebook hôm kia hihi). Hôm nay Tạp chí SL bán hết 20 ngàn bản rồi, bèn đăng.
Ảnh với một số nhà thơ đọc thơ yêu thơ khủng, có mấy ông khủng nữa nhưng tìm chưa ra, thì đành hihi, và ảnh bìa Sông Lam số dương lịch, rất đẹp. 
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhà thơ Nguyễn Trong Tạo, sau ông là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và mấy nhà thơ Mỹ.
 
Nhà thơ Nguyễn Duy, PGS TS Đào Tuấn Ảnh

 

 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Viết quá tài. Có khi cười đứt ruột hhh

Văn Công Hùng nói...

Ahihi ạ

Nặc danh nói...

Đọc rất thú vị , rất hóm dù có chi tiết thêm gia vị chứ không phải thế , raats ha

Văn Công Hùng nói...

Hihi món ăn luôn phải có gia vị ạ.