Nhà thơ Lê Hồng Thiện từ Hưng Yên vào gọi, mưa thế này có ngồi cà phê với nhau được tí không nhỉ?
Bác nhà thơ này năm nay tám mươi mốt tuổi, sống trong một gia đình toàn... nhà văn. Con gái là nhà văn Lê Hồng Nguyên, con rể là nhà thơ Phạm Khải, thiếu tướng, Tổng biên tập báo Công An nhân dân. Tám mốt tuổi nhưng còn rất khỏe, vẫn ngồi xe 16 chỗ từ Hà Nội vào Phú Quốc, là bác khoe thế. Còn lần này tất nhiên bay vào Pleiku, lần đầu đến Pleiku, và gặp mưa.
Thì ngồi chứ, Pleiku đang “chính mưa”, cơn mưa sáng nay như trút, phố trắng mờ. Lái xe đi đón bác Thiện, tôi nhắn thêm nhà thơ Hương Đình và Phạm Đức Long tới quán cà phê quen ngồi chờ tôi đưa khách tới.
Lâu lắm mới có cuộc ngồi nói chuyện sâu về thơ và về... mưa.
Bác Thiện bảo tôi biết cả 3 ông, nhất là sau khi đọc bài “gánh hoạn lợn” về 3 thi sĩ Pleiku đăng trên một tờ báo.
Tự nhiên Hương Đình đọc một câu thơ như bâng quơ.
“Mưa
lại mưa
như không thể khác
lâm thâm đồng sương
ầm ào núi thác
khi nhè nhẹ vỗ về như nước mắt
khi dai dẳng khuya ngõ phố tiếng rao buồn”...
Lâu lắm chúng tôi mới lại đọc thơ nghe thơ nhau kiểu này, dẫu ai nấy vẫn cặm cụi làm thơ, nhưng gặp nhau thì lại nói chuyện khác.
Tôi nhớ năm đầu tiên mới lên Tây Nguyên, đã mong mùa mưa đến như thế nào.
Là bởi suốt nửa năm nắng gió bụi. Nước rất hiếm, được khai thác từ những cái giếng sâu bốn năm chục mét, phải có guồng quay. Mỗi cơn gió nổi lên, chả cứ dưới huyện, mà ngay phố Pleiku, cuồn cuộn bụi đỏ bốc theo, đang ăn cơm phải đậy mâm lại. Còn trong nhà, chả chỗ nào không bụi đỏ, bàn ghế giường tủ, quần áo... là cũng bởi những ngôi nhà tập thể tuềnh toàng ván ép mái tôn...
Thế nên mới mong mưa.
Mong lắm.
Mưa giải tỏa những cơn khô khát, mưa làm sạch sẽ làm bật mầm, mưa vang lên kiêu hãnh giữa những hầm hập lò nung, như sự tẩy rửa, như cách giúp con người thoát những bức bối khó chịu, để mà cân bằng lại, để mà mới tinh ra, mà tinh khôi lên.
Nhưng té ra, mưa thì lại... buồn.
Những cơn mưa thời ấy không như bây giờ.
Nó dai dẳng, nó lê thê, nó đều đều, nó tịch mịch, nó làm ban đêm khó ngủ vì phải nằm đếm mưa rơi trên mái tôn, đo mưa tạt vào vách, và cửa sổ căn phòng tập thể, khép hờ để mưa không tạt, xiên xiên những sợi mưa như nối trời với đất, như nối thiên với địa, nối ký ức với xa xăm hoang dại.
Thì bèn mặc áo mưa ra các quán cà phê ngồi đồng, tất nhiên là các thứ bảy chủ nhật.
Hồi ấy chúng tôi hay ngồi cà phê Trang đường Phan Bội Châu, cà phê Kim Liên đường Hùng Vương. Xong cà phê có khi thêm vài ly rượu rum. Nhạc những quán này rất hay. Hồi ấy chưa được mở Phạm Duy, chưa có Phú Quang, Dương Thụ..., chúng tôi miệt mài với Trịnh, tất nhiên cũng chưa được phổ biến hết.
Bài “còn chút gì để nhớ” thì chỉ hát trộm cho nhau nghe. Sếp tôi hồi ấy, trưởng ty Văn hóa Thông tin Trịnh Kim Sung, ở căn phòng tập thể đối diện, bảo bao giờ nghe thằng Hùng hát “xin cảm ơn thành phố có em” là biết nó sắp... say.
Thì mưa, sau cuộc ngồi cà phê thường kéo nhau về... nhậu.
Su su tự trồng, xương bò mua quán phở, rượu mía tiệm tạp hóa. Chúng tôi ngắm mưa, thưởng mưa trong những ngày mùa mưa như thế.
Và làm thơ. Hồi ấy viết như điên.
Một hôm đang ngồi, buổi sáng gần trưa, chỉ 3 thằng, rượu mía, tô xương, Hương Đình ôm đàn hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, Phạm Đức Long bỗng chỉ ra cửa sổ: Ôi hoa rong giềng. Đâu? có thấy gì đâu? Cái sân Ty Văn hóa ở 04 Trần Hưng Đạo lổn nhổn đá, trắng xóa mưa. Nhưng Long cứ quả quyết thấy hoa rong giềng, rằng nó đang đỏ rực trong mưa Cao Nguyên. Rồi đọc: “Đã qua lứa tuổi hai mươi/ Bỗng gặp hoa dong riềng nở/ Mùa Thu vô tình thắp lửa/ Giữa ngày mưa bụi trắng trời”...
Ra thế, trong mưa có hoa, hoa đỏ, hoa của tuổi thơ, thứ hoa quê kiểng giờ lộng lẫy trong ký ức bạn tôi, nhờ... mưa Pleiku. Cũng Long, sau đấy có những câu về mưa như thế này: “Phố chỉ vài con dốc/ Dăm bảy đứa bạn bè/ Gặp nhau ngày bữa một/ Chuyện cà sang chuyện kê/ Lại đôi ba xị rượu/ Lại quán cóc vỉa hè/ Plei Ku như gội/ Lướt thướt và lê thê...”.
Nhưng rồi lại chuyển. Mưa quá cũng... nguy. Mới hôm kia sạt đèo Bảo Lộc, vùi 4 người có 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông. Ngay Pleiku đây, mấy mùa mưa trước, cũng từng ngập lụt, từng trôi tài sản.
Ơ kìa, là do chúng ta chưa thích ứng với mưa.
Chúng ta dùng bê tông, dùng hiện đại cưỡng bức mưa. Mà mưa, muôn đời thế, mãi mãi thế, đời nào chịu cưỡng bức.
Ngày xưa Pleiku, và nhiều nơi nữa, không bị ngập, là mưa thì
thấm xuống đất. Giờ đất đâu mà thấm.Nhật ký của tôi còn những dòng hân hoan về
mưa đầu mùa Pleiku như thế này “Cơn mưa đầu mùa Pleiku bao giờ cũng ào ạt như sự
nhịn nén suốt nửa năm giờ được dịp tuôn ra. Nó phấn khích như người vậy, như vạn
vật cỏ cây vậy. Bung phá, reo vui, hát ca, hớn hở. Nó sầm sập sầm sập như một
cái thác ở đâu bị phá một góc để cho nước tự do tuôn chảy. Nghe đâu đấy tiếng mầm
tí tách dù nhà mái tôn chỉ thấy ào ào là chủ yếu. Nó màu đỏ. Vâng đỏ, là bởi nó
moi móc hết tất cả bụi ba zan bám từ trên mái nhà, trên cây, trên lá, trên đường,
trên các bờ rào, những dãy cúc quỳ… nó rửa, nó tắm, nó gột… cho vạn vật cứ sáng
trưng lên, cứ xanh nõn ra, cứ bừng như cơn sốt vỡ da...
Và nó bốc mùi đất”.
Trời ạ, cái mùi đất bốc lên từ cơn mưa đầu mùa ấy, nó Cao Nguyên ghê gớm, nó Pleiku ghê gớm. Giờ hiếm lắm rồi...
2 nhận xét:
Hay. Lặng người mà đọc.
Hihi cám ơn bạn ạ.
Đăng nhận xét