Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

LÔ PHÔN THƯƠNG NHỚ... Gia Lai cà kê...

          Mấy hôm nay dân  tình xôn xao với sự kiện điện thoại Pro Max 14 chuẩn bị xuất hiện. Tôi lướt thử giá xong thì... choáng.

          Nhưng có một thời, mắc được cái điện thoại bàn, có khi cũng, thậm chí oai hơn, có điện thoại Pro Max bây giờ.

          Không phải là “có điều kiện” như bây giờ nói, mà phải rất có điều kiện thì mới có ý định lắp một “con” điện thoại trong nhà.

          Nhà tôi không “có điều kiện” nhưng có một ông anh “có điều kiện” bảo mày mắc điện thoại tao cho 1/3 chi phí.

          Thì mắc.

          Tôi không nhớ là có phải giấy giới thiệu cơ quan không nữa, nhưng nhớ là nhờ người quen lên bưu điện đăng ký. Hồi ấy đang chung một cơ quan chứ chưa tách ra viễn thông và bưu chính như giờ. Vào làm được ở bưu điện thời ấy là cả cuộc đổi đời.

          Được hẹn là 1 tuần nữa sẽ đến khảo sát. Nhà ở khu tập thể nhiều phòng nên hôm ấy tôi phải nghỉ, đợi ở nhà để đón anh em tới khảo sát. Hồi hộp phết. Anh kỹ thuật phi xe máy tới, ngó nghiêng tí rồi về. Hai hôm sau tôi nhận được một cái phiếu dự toán: dây bao nhiêu mét, công lắp đặt, công khảo sát, tiền máy, rồi chống sét rồi vân vân... Tôi nhớ nhất là mục khảo sát, hết 1 công, trong khi tôi thấy rõ ràng anh ấy tới ngó không quá... 10 phút. Và giá tiền công 1 ngày của anh em bưu điện khi ấy bằng khoảng 4 lần lương 1 ngày của tôi, cử nhân ra trường làm việc 5 năm. Tôi cười nói với bạn công nhân: Công nhận công các bạn khủng thật, thảo nào ai cũng ước mơ vào làm ở đấy.

          Hôm công nhân tới mắc điện thoại, tôi có làm một mâm gọi là... rửa điện thoại như thông lệ thời ấy, mời bạn bè, rồi chiêu đãi mỗi người một cú gọi, thế mà cũng có người không có đối tác để gọi. Phòng tập thể tôi ở sát đường Trần Hưng Đạo có đường dây chính chạy qua, thế mà họ tính thế nào tới cả trăm mét dây, kết quả là, trên mái nhà nằm lù lù một đống dây thừa quấn tròn như con trăn. Tôi có mời cả mấy anh em lắp điện thoại nhậu nhưng họ cáo bận nên có thửa cái phong bì mỏng, cũng như thông lệ hồi ấy.

          Tức nhất là có điện thoại mà... chả ai gọi tới. Thi thoảng điện thoại reo phát, cả nhà vui như tết, đều ngừng việc hết để... lao tới điện thoại.

          Sau tôi, một loạt bạn bè bị tôi vừa thúc, vừa ép mắc điện thoại. Mỗi khi bạn bè mắc điện thoại lại có một cuộc... rửa máy. Và tôi “sáng tác” chuyện giễu nhau, là mới mắc điện thoại xong, chuông reo, thế là chồng lao tới, vợ lao lên, con lao lại phía điện thoại. Có nhà va vào nhau bươu cả đầu, nên ra đường thấy ai bị sưng đầu là biết là nhà ấy vừa... mắc điện thoại.

          Tường, cánh cửa, cánh tủ... là nơi ghi số điện thoại. Còn chễm chệ bên cái điện thoại là một tờ giấy lớn ép Plastic số điện thoại quan trọng hay liên lạc. Túi mỗi người thêm một cuốn sổ con con ghi số điện thoại. Có người rất cẩn thận ngồi cắt rồi dán thứ tự tên theo vần chữ cái nhô ra như từ điển, để lúc cần thì mò cho nhanh chứ không thì ngồi mò cả buổi không ra tên mình cần. Tôi còn một cuốn sổ nhỏ như thế mới phát hiện khi dọn cái tủ sách, bèn trang trọng để vào chỗ vật lưu niệm một thời cùng mấy cái máy ghi âm, radio, thẻ nhà báo thời nảo nao. Mẹo ghi tên theo thứ tự chữ cái và cắt ô như thế đa phần là do dân đã học qua đại học làm, vì đại học thì anh nào chả phải thủ cuốn từ điển dày cộp.

          Hãi nhất là bạn bè tới nhà rồi... gọi nhờ điện thoại. Gọi nội thị thì OK, chứ liên huyện là khiếp rồi, liên tỉnh lại càng khiếp. Liên tỉnh mà cùng vùng thì đỡ, chứ khác vùng là... hồi hộp cho tới ngày bưu điện phát hóa đơn thu tiền.

          Cách gọi cũng đi từ... thô sơ tới hiện đại. Ban đầu thì gọi tới bưu điện, bảo cho tôi gặp số ấy số ấy. Cô bưu điện quay xè xè một hồi thì nối máy. Tiến lên gọi trực tiếp được. Từ 3 số, tới 4 rồi 5 rồi 6 số. Ban đầu là điện thoại cũ của Mỹ, rồi của Liên Xô, thời đại trà là Siemens của Đức. Loại này thịnh hành cho tới khi điện thoại bàn gần như biến mất.

          Thế nên mới song song với điện thoại bàn mắc trong nhà, thì có các “cây” điện thoại ngoài phố. Các cây điện thoại công cộng này có sau điện thoại bàn ở nhà khá lâu, muốn dùng phải có thẻ. Còn trước đấy, muốn gọi mà không có điện thoại thì vào bưu điện. Có cái “Đơn xin gọi điện thoại” in sẵn, viết xong nộp. Cô nhân viên xử lý xong bảo vào phòng nào thì mình vào phòng ấy, cầm ống nghe lên, tổng đài nối cho số cần gặp. Nói xong thì trả tiền. Đa phần là đã chuẩn bị sẵn nội dung, có người cần thận thì ghi hẳn vào giấy, vì tính theo phút, và mỗi phút trôi qua là thấy tiền tuồn tuột rời khỏi ví. Giờ nhìn cảnh livestream, gọi video cả tiếng đồng hồ mà thương “cái thuở ban đầu” lô phôn ấy.

          Chưa kể sau này điện thoại di động xuất hiện. Hồi ấy tôi hay nói đùa, thù đứa nào hãy tặng cho hắn một cái điện thoại di động. Đấy là cách triệt hạ kinh tế của đối thủ một cách toàn diện và triệt để nhất. Nhưng hôm nay là kể vui về điện thoại bàn nên không đi sâu vào điện thoại di động, nó cũng có rất nhiều bi hài kịch đáng để được nhắc, để thấy để có những gì như hôm nay, con người đã trải qua một thời kỳ buồn cười như thế nào. Và biết đâu, vài chục năm nữa, những gì hiện đại chúng ta đang sử dụng hôm nay lại trở thành buồn cười, như hôm nay chúng ta đang buồn cười...

          À nhưng bây giờ mà có mấy cái điện thoại bàn cũ một tí, chưa cần cổ, cũng bán được khối tiền đấy. Dân ta giờ có một số khoái sưu tầm đồ cũ, một thú chơi được cho là thanh tao...




 

                                                                       

Không có nhận xét nào: