Tháng trước, tôi đưa nhà thơ Nguyễn Duy và PGS TS Đào Tuấn Ảnh lên Kon Tum thăm thú mấy nơi, và tất nhiên nơi không thể không vào là tòa giám mục.
Là tôi đưa anh chị ấy vào chứ chỗ này tôi chả lạ gì?
Đương thơ thẩn chụp ảnh mấy cây cổ thụ sót lại, dấu tích nơi đây từng là rừng thì chị Đào Tuấn Ảnh vòng ra kêu tôi chụp giúp mấy cái ảnh, vì máy chị hết pin.
Trời ạ, một dãy tượng đá.
Đây là khu mới mở nên tôi chưa biết, và cái dãy tượng đá có lẽ mới được được đặt ở đấy.
Vấn đề là, người Tây Nguyên có tục làm tượng mồ, nhưng là bằng gỗ. Đá đối với họ nó vô tri như đất. Họ không biết làm đá, hay chính xác là, tôi chưa thấy ai nói người Tây Nguyên biết chế tác đá, và bản thân cũng chưa thấy, trừ món đàn đá vẫn đang còn chưa tường tận xuất xứ, và đàn đá đa phần là nhặt những gì có sẵn rồi tận dụng chứ đục đẽo thành tượng như thế này thì chưa thấy bao giờ.
Cũng cần nhớ là, trước đấy, người Tây Nguyên từng biến chiêng cồng, ghè (ché) thành của mình.
Nguyên thủy người Tây Nguyên không làm được chiêng, mà họ đi mua/ đổi về, từ người Kinh, người Lào, người Mã Lai... Họ chỉ làm một việc “đơn giản” nhưng nhờ thế mà chiêng nó mới thành chiêng Tây Nguyên là... chỉnh chiêng, có người gọi hình tượng là lên dây chiêng. Chính nhờ những nghệ nhân tài hoa có tai nghe rất đặc biệt và đôi tay rất tài hoa này mà từ những cái chiêng được đúc, gò đồng loạt, giờ mỗi chiêng đảm nhận một nốt trong một dàn chiêng, dẫu dàn chiêng 7 chiếc hay mười mấy chiếc.
Cũng như thế là ghè/ ché. Nguồn gốc có từ nhiều nơi, nhưng nhiều là từ vùng Chăm Ninh Thuận và Gò Sành Bình Định. Bà con Chăm Ninh Thuận có nghề gốm, kiểu đơn sơ nhưng độc đáo là nung trên mặt đất. Chính họ đã cung cấp khá nhiều ghè/ ché cho bà con Tây Nguyên. Và bà con Tây Nguyên cũng chỉ làm một việc “đơn giản” là ủ rượu vào đấy. Men tự làm từ rễ cây và lá rừng. Bắp, mì (sắn), kê, gạo..., họ trồng trong rẫy, ủ cùng men, cho vào ghè, thế là rượu cần. Tưởng đơn giản thế mà nó là cả một vùng mênh mông bí ẩn, để không phải dễ gì, ai và ở đâu cũng có thể rượu cần.
Và cũng như chiêng, khi về với Tây Nguyên, nó trở thành... Tây Nguyên. Có những bộ chiêng hàng trăm triệu thì cũng có những cái ghè trị giá hàng chục con trâu. Tôi từng rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlá (Krông Pa, Gia Lai) có hai cái ghè cổ, một cái trị giá ba mươi con bò tức bằng nửa con voi tức khoảng một trăm năm mươi triệu và một chiếc trị giá hai mươi con bò khoảng một trăm triệu (thời điểm cách đây 30 năm). Cái ghè trị giá ba mươi bò tên là Prung và cái hai mươi bò tên Chanr...
Thì dẫn dắt để thấy, người Tây Nguyên có thể biến những thứ không phải của mình thành báu vật của mình, bắt thế giới công nhận.
Hôm ấy tôi đã cố đi tìm một cha cố trong tòa giám mục để hỏi nguồn gốc của những pho tượng dựng ở đấy. Nó được tạc theo tư thế tượng mồ, cũng những nét vạc thô, những khối ước lệ, kể cả những khuôn mặt tưởng rất cụ thể nhưng vẫn rất mơ hồ. Nó cũng như tượng truyền thống Tây Nguyên, những khuôn mặt Tây Nguyên không thể lẫn dẫu những nét vạc bằng dao tưởng rất vụng về. Ở đây ta nhận ra ngay những khuôn mặt cha cố Tây, thậm chí căn cứ theo những gì được đeo trước ngực ta còn biết cụ thể từng người. Nhưng nó vẫn hết sức... tượng mồ.
Tôi tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh khi bà cho rằng “Cứ nhìn kiến trúc nhà thờ thiên chúa giáo xây dựng ở Việt Nam, bắt đầu từ các thiết kế của các nhà truyền giáo phương Tây, sau là người Pháp, thì thấy họ còn “bản sắc dân tộc Việt” hơn người Việt. Các tỉnh phía Bắc các nhà thờ cổ đều được xây theo kiểu đình, đền, chùa, cung điện; còn Tây Nguyên (Đà Lạt, Kon-Tum...) - theo kiểu nhà rông có mái cong hình lưỡi rìu chổng ngược. Tượng Đức mẹ và các thánh ở nhiều nhà thờ cũng được Việt Nam hoá, điển hình như tượng Đức Mẹ bồng con ở nhà thờ La Vang trong hình hài một phụ nữ Việt.
Còn tượng Đức Mẹ cụt tay ở Măng Đen (Kon-Tum) thì có khuôn mặt nhang nhác phụ nữ Tây Nguyên. Nhưng phải đến nhóm tượng các thánh ở sân chủng viện của nhà thờ ở Kon Tum thì choáng luôn. Tất cả các tượng đều được khắc bằng đá hoàn toàn theo phong cách tượng nhà mồ Tây Nguyên. Không biết nhóm tượng này được làm từ khi nào, nhưng những ai nghiên cứu sâu về tượng nhà mồ Tây Nguyên, thì sẽ thấy nó đã trở thành “khuôn mẫu”, để làm ra những bức tượng có “tích” hẳn hoi. Khuôn mặt các thánh được khắc họa thậm chí còn đơn giản hơn mặt tượng mồ Tây Nguyên được khắc họa chỉ bằng vài nhát rìu. Nhưng người xem vẫn nhận ra từng vị thông qua những biểu tượng, kí hiệu riêng cũng được khắc họa cực đơn giản, nhưng mang tính khái quát cao. Cụm tượng này làm tôi nhớ tới quần thể tượng đá mô tả 15 sự màu nhiệm được chia thành 3 bộ của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ (1936) thực hiện năm 1961-1962 theo phong cách hiện đại chủ nghĩa của phương Tây. Hai quần thể tượng có những nét tương đồng, và sự tương đồng lớn nhất đó là cả hai đều được sáng tạo trong sự thăng hoa thần thánh”.
(Còn tiếp)
Ảnh Hạ HuyềnVĂN CÔNG HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét